Friday, March 29, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaBất nhất trong tuyên bố và hành động của TQ khi chỉ...

Bất nhất trong tuyên bố và hành động của TQ khi chỉ trích hoạt động tự do hàng hải của nước thời gian qua

Từ đầu năm 2019 đến nay, Trung Quốc liên tục lên tiếng chỉ trích việc tàu thuyền các nước qua lại hoặc tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông. Tuy nhiên, trong khi phản đối các nước như vậy, Trung Quốc không biết rằng mình lại đang vi phạm chủ quyền các nước ở Biển Đông và trái với luật pháp quốc tế.

Tàu hải quân Mỹ tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông. Nguồn: AP

Trung Quốcliên tục chỉ trích, ngăn cản tàu thuyền các nước tiến hành hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông

1. Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 7/1, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đã phản đối và kêu gọi Mỹ chấm dứt những hoạt động như trên tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông. Ông này cho biết “Trong bất cứ hoàn cảnh nào, hành động khiêu khích, gây căng thẳng tại Biển Đông là không chấp nhận được. Trung Quốc hối thúc Mỹ ngay lập tức dừng các hoạt động khiêu khích và tôn trọng những nỗ lực của các quốc gia trong khu vực để duy trì hòa bình và ổn định tại Biển Đông”. Tuyên bố trên của Trung Quốc đưa ra sau khi tàu USS McCampbell đã tiến hành chiến dịch tự do hàng hải ở quần đảo Hoàng Sa, tiến vào khu vực 12 hải lý của đảo Cây (Tree), Linh Côn (Lincoln) và Phú Lâm (Woody).

2. Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 11/2, Trung Quốc lên tiếng phản đối việc Mỹ điều hai tàu khu trục USS Spruance và USS Preble tiến hành hoạt động tự do hàng hải trên Biển Đông, bằng cách di chuyển vào khu vực 12 hải lý quanh đá Vành Khăn (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hiện do Trung Quốc chiếm đóng). Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh nói: “Các hoạt động của tàu chiến Mỹ đã gây tổn hại an ninh, hòa bình và trật tự tại các vùng biển liên quan. Phía Trung Quốc bày tỏ sự thất vọng và kịch liệt phản đối động thái này. Trung Quốc luôn tôn trọng và bảo vệ quyền tự do hàng hải cũng như các chuyến bay dựa trên luật pháp quốc tế về Biển Đông, kiên quyết phản đối bất cứ nước nào gây tổn hại chủ quyền và an ninh của các quốc gia ven biển”.

3. Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 26/2, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đã lên tiếng phản đối việc Mỹ đưa hai tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan ngày 25/2. “Chúng tôi cương quyết phản đối hành động gây hấn của Mỹ. Hành động đó không có lợi cho hòa bình và sự ổn định trên eo biển Đài Loan”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Tàu chiến Mỹ đi qua eo biển có nguy cơ làm tăng thêm căng thẳng với Trung Quốc nhưng có khả năng sẽ được quốc đảo tự trị Đài Loan xem như một dấu hiệu phát ra từ chính quyền Trump trong lúc ngày càng có thêm xích mích giữa Đài Bắc và Bắc Kinh.

4. Bộ goại giao Trung Quốc ngày 29/4 lên tiếng bày tỏ “mối quan ngại” về việc các tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Đài Loan hôm 26/4. Song phản ứng lần này của Trung Quốc được đánh giá là nhẹ nhàng hơn so với những lời phản đối cực lực mà trước đây Bắc Kinh từng đưa ra sau mỗi lần tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Đài Loan. Một số chuyên gia cho rằng, nguyên nhân xuất phát từ việc hai tàu khu trục Mỹ đã bật hệ thống phát tín hiệu tự động. Lâu nay, Mỹ thường kín tiếng và không thông báo cho các quốc gia khác về hoạt động di chuyển của họ nhưng lần này lại khác.

Trong khi việc TQ ngăn cản hoạt động tự do hàng hải của các nước là hoàn toàn vô lý và trái với luật pháp quốc tế

Trung Quốc thường viện dẫn vấn đề chủ quyền vùng lãnh hải để lên án, chỉ trích thậm chí đe nạt không cho các nước lưu thông tàu thuyền theo quyền tự do hàng hải ở Biển Đông theo luật pháp quốc tế. Ba văn kiện pháp lý của Trung Quốc đưa ra như Tuyên bố về lãnh hải của Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ngày 04/9/1958, Luật lãnh hải và vùng tiếp giáp nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ngày 25/2/1992, Tuyên bố đường cơ sở bộ phận lãnh hải lục địa nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và đường cơ sở lãnh hải của quần đảo Tây Sa ngày 15/5/1996. Cách thức Trung Quốc đưa ra khái niệm về đường lãnh hải hay chủ quyền lãnh hải liên quan trực tiếp đến việc nước này ngang nhiên ngăn cản hoạt động tự do hàng hải của các nước ở Biển Đông. Luật lãnh hải và vùng tiếp giáp nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa quy định “Độ rộng lãnh hải nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa là 12 hải lý tính từ các điểm cơ sở lãnh hải. Đường cơ sở lãnh hải nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa hoạch định theo phương pháp đường cơ sở thẳng, do các đoạn thẳng nối các điểm cơ sở hợp thành”. Độ rộng lãnh hải quy định trong Luật lãnh hải và vùng tiếp giáp năm 1992 của Trung Quốc về cơ bản phù hợp với các quy định của Công ước Luật biển 1982 tuy nhiên việc xác định các điểm cơ sở của Trung Quốc lại chưa phù hợp với những quy định của Công ước. Trong tuyên bố năm 1996, Trung Quốc đã công bố hệ thống các điểm cơ sở của quần đảo Hoàng Sa. Qua hệ thống các điểm cơ sở quần đảo Hoàng Sa được Trung Quốc công bố, có thể thấy Trung Quốc đã vạch đường cơ sở thẳng của quần đảo Hoàng Sa nối liền các điểm ngoài cùng của các đảo xa nhất và các bãi đá của quần đảo. Cách vạch đường cơ sở này tương tự như cách vạch đường cơ sở quần đảo của quốc gia quần đảo quy định tại Điều 47 phần IV của Công ước Luật biển 1982. Diện tích mà hệ đường cơ sở thẳng quần đảo Hoàng Sa của Trung Quốc bao lấy là một khu vực rộng 17.000 km², trong khi tổng diện tích các đảo nổi của quần đảo Hoàng Sa là 10 km². Ngoài ra, hầu hết các đá, bãi san hô mà Trung Quốc sử dụng ở đây đều không thích hợp cho con người đến ở hoặc không có một đời sống kinh tế riêng. Các đảo này lại cách xa nhau quá 24 hải lý, không có lý do gì có thể nối các đoạn đường cơ sở như vậy. Do vậy bất kỳ một vùng biển nào mà Trung Quốc tuyên bố bao quanh vùng biển của các mỏm đá, bãi san hô này về mặt kỹ thuật đều trái với các quy định của Công ước 1982.

Theo truyền thống, “đi qua không gây hại” là một quyền mang tính tập quán. Quyền này được thừa nhận vì lợi ích phát triển, hợp tác, kinh tế và hàng hải của cả cộng đồng cũng như của từng quốc gia. Quyền “đi qua không gây hại” đã được quy định cụ thể tại Điều 19 Công ước Luật biển 1982. Quốc gia ven biển không được cản trở quyền đi qua không gây hại của các tàu thuyền trong lãnh hải, ngoài những trường hợp mà Công ước đã trù định. Đặc biệt khi áp dụng Công ước hoặc mọi luật hay quy định nào được thông qua theo đúng Công ước, quốc gia ven biển không được: Áp đặt cho các tàu thuyền nước ngoài những nghĩa vụ dẫn đến việc cản trở hay hạn chế việc thực hiện quyền đi qua không gây hại của các tàu thuyền này (Điều 24 Công ước Luật biển 1982). Theo quy định của Công ước thì các quốc gia ven biển không được phép đặt điều kiện cho các tàu thuyền nước ngoài đi qua lãnh hải của mình phải xin phép hoặc thông báo trước. Đi qua không gây hại tồn tại đồng thời với chủ quyền quốc gia trong lãnh hải nhưng không làm mất đi chủ quyền đó. Trên thực tế, quyền đi qua không gây hại cũng được thừa nhận trong pháp luật Trung Quốc. Tuy nhiên, theo Luật lãnh hải và vùng tiếp giáp nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, tàu thuyền phi quân sự nước ngoài có quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa theo pháp luật. Như vậy, đối tượng được hưởng quyền đi qua không gây hại theo pháp luật Trung Quốc hẹp hơn so với quy định của Công ước Luật biển 1982. Điều 17 Công ước Luật biển 1982 đã khẳng định “Với điều kiện phải chấp hành Công ước, tàu thuyền của tất cả các quốc gia, có biển hay không có biển, đều được hưởng quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải”. Bên cạnh đó, việc quy định tàu thuyền quân sự nước ngoài vào lãnh hải nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa phải được sự phê chuẩn, cho phép của Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa là chưa phù hợp với pháp luật quốc tế. Các quốc gia ven biển không được phép đặt điều kiện cho các tàu thuyền nước ngoài đi qua lãnh hải của mình phải xin phép hoặc thông báo trước. Ngoài quy định giới hạn đối tượng hưởng quy chế đi qua không gây hại trong lãnh hải Trung Quốc hẹp hơn so với Công ước Luật biển 1982, những quy định khác về quy chế pháp lý trong lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải của Trung Quốc không trái với những quy định của Công ước Luật biển 1982 về quyền của quốc gia ven biển trong lãnh hải.

Xu thế cung của các nước là tôn trọng các quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông của các quốc gia phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế

Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ năm 1974, sau đó thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”, đặt trụ sở trên đảo Phú Lâm từ tháng 7/2012 nhằm thâu tóm các quần đảo ở Biển Đông, trong đó có Trường Sa và Hoàng Sa. Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời nhiều lần khẳng định hoạt động bồi lấp và xây dựng của Trung Quốc tại đây xâm phạm nghiêm trọng đến chủ quyền Việt Nam. Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp luật pháp quốc tế. “Việt Nam tôn trọng các quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông của các quốc gia phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982, đồng thời đề nghị các quốc gia đóng góp thiết thực và có trách nhiệm vào việc duy trì trật tự, hòa bình và thượng tôn pháp luật ở Biển Đông. Với tư cách là quốc gia thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 và là quốc gia ven Biển Đông, Việt Nam khẳng định lập trường nhất quán về quyền tự do hàng hải, hàng không được thực hiện phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định.

RELATED ARTICLES

Tin mới