Mỹ muốn công bố những điều khoản thỏa thuận mà Trung Quốc muốn giấu kín, nên hai bên đã nảy sinh mâu thuẫn, cựu trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cho hay.
Mỹ Trung không thể đạt đồng thuận vì điều khoản “nhạy cảm”
Các cuộc đàm phán thương mại của hai nước Mỹ-Trung Quốc đã đổ vỡ do Bắc Kinh muốn loại bỏ các chỉ tiết về những nghĩa vụ họ cần thực thi để đạt được thỏa thuận kết thúc cuộc thương chiến, báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP – Hồng Kông) dẫn lời một cựu quan chức cấp cao của Mỹ.
Bà Susan Thornton, cựu trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, cho biết trước đó cả hai bên đã đạt được sự đồng thuận về khung thời gian thực hiện các thay đổi cần thiết, hướng tới mục đích cuối cùng là một thỏa thuận chấm dứt cuộc thương chiến.
Tuy nhiên, trong quá trình đàm phán, giữa hai nước đã xảy ra bất đồng quan điểm. Phía Mỹ muốn đặt ra các tiêu chuẩn cho những vấn đề cụ thể, nhằm đảm bảo chắc chắn là tiến trình đạt thỏa thuận vẫn đang diễn ra theo đúng kế hoạch.
“Tôi nghe nói rằng phía Mỹ đã gửi cho phía Trung Quốc một văn bản, trong đó quy định những nghĩa vụ trong từng lĩnh vực cụ thể mà Bắc Kinh cần tuân theo… Tuy nhiên, khi Washington nhận lại văn bản này từ Bắc Kinh, tất cả những chi tiết trên đều đã bị loại bỏ”, bà Thornton chia sẻ với phóng viên báo SCMP.
Theo bà Thornton, chuyện tương tự đã từng xảy ra trước đó. trong quá trình hai nước đàm phán thương mại. Bà này cho biết Bắc Kinh đặc biệt nhạy cảm về một số chi tiết Mỹ muốn công khai, do lo ngại các chi tiết này có thể vấp phải sự phản đối dữ dội của dư luận trong nước về thỏa thuận thương mại với Mỹ (nếu có).
“Hai bên đã dành rất nhiều thời gian để bàn về những điều khoản được coi là ‘nhạy cảm’ nếu bản thỏa thuận được công bố rộng rãi. [Bắc Kinh] không muốn dư luận nghĩ rằng họ bị người khác ra lệnh phải thực hiện các điều khoản trong thỏa thuận”, bà Thornton nói.
Tuy nhiên Mỹ thì “chắc chắn muốn công chúng thấy những gì họ đã đạt được. Mục đích của họ là vậy mà”, cựu quan chức Mỹ nhận định.
Cũng theo bà Thornton, một trong những vướng mắc khác của hai nước Trung-Mỹ có liên quan đến quyền đánh thuế trong tương lai. Cụ thể, Mỹ muốn được bảo lưu quyền đánh thuế trong tương lai để làm “động lực” đảm bảo thỏa thuận được thực thi.
“Phía Trung Quốc tuyên bố thẳng thừng rằng họ không thể đồng thuận với bất kỳ thỏa thuận mới nào mà vẫn cho phép [Mỹ] đánh thuế, và [cho phép Mỹ] sử dụng điều này như một cơ chế nhằm thúc ép Bắc Kinh thực hiện thỏa thuận”, bà Thornton cho biết.
Bên cạnh đó, vị cựu quan chức Mỹ cũng chia sẻ rằng bà đã rất ngạc nhiên khi các cuộc đàm phán thương mại giữa hai nước đổ vỡ ngay sau khi cả hai bên cùng đưa ra tuyên bố rằng họ kỳ vọng sẽ đạt được thỏa thuận thương mại. Trong bối cảnh hiện tại, cuộc chiến thương mại giữa hai nước sẽ rất khó giải quyết trong một sớm, một chiều, bà này nói.
Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược
Từ đầu tháng 5, hai nước Mỹ-Trung đã tiến hành các bước tạo đà cho một thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến thuế quan bắt đầu nổ ra từ ngày 6/7 năm ngoái.
Tuy nhiên mọi kỳ vọng đã tan biến sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Trung Quốc “trở mặt”, và chính thức tăng mức thuế nhập khẩu từ 10% lên 25% đối với 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc đúng vào thời điểm Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và phái đoàn đàm phán của nước này tới Washington.
Một nguồn thạo tin cho biết ban đầu văn bản thỏa thuận thương mại chỉ được một nhóm nhỏ quan chức Trung Quốc cùng thảo luận, sau đó đã được đưa ra thảo luận công khai tại một nhóm quan chức quy mô lớn hơn. Theo nguồn tin này, các quan chức được tiếp xúc với văn bản thỏa thuận đã rất nghi ngại về những nội dung trong đó.
Nguồn tin trên còn cho hay, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã từ chối nhượng bộ Trung Quốc về những yêu cầu của phía Mỹ, có lẽ là bởi họ kỳ vọng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ “xuống nước” trước.
Tuy nhiên, những diễn biến gần đây nhất của cuộc chiến thương mại cho thấy hai nước còn phải nỗ lực nhiều nhằm tìm ra tiếng nói chung và xây dựng được một văn bản thỏa thuận “vẹn cả đôi đường”.
Phái đoàn đàm phán của hai nước đã không thể đi đến thỏa thuận chung, dù ông Lưu Hạc và đoàn đàm phán Trung Quốc vẫn đến Washington như đã định.
Thay vào đó, Phó Thủ tướng Trung Quốc đã chỉ ra những điểm khác biệt chính giữa hai nước, trong đó bao gồm việc xóa bỏ thuế quan, số lượng sản phẩm Mỹ mà Trung Quốc sẽ mua vào, đồng thời khẳng định rằng thỏa thuận thương mại cần phản ánh sự bình đẳng và giá trị của đôi bên.
Trong khi đó, các quan chức và tổ chức nghiên cứu của Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh không hề “trở mặt”, mà sự thật là một số yêu cầu của Mỹ quá khó chấp nhận. Một ví dụ điển hình, theo họ, là việc Mỹ yêu cầu Trung Quốc mua thêm sản phẩm của mình, trong khi lệnh hạn chế xuất khẩu đồ công nghệ cao sang Trung Quốc vẫn có hiệu lực.
Ngoài ra, phía Mỹ còn yêu cầu lập ra một cơ chế xác minh nhằm theo dõi Trung Quốc thực hiện cam kết chấm dứt bắt buộc chuyển giao công nghệ, một hành động được Trung Quốc coi là xâm phạm chủ quyền lãnh thổ.
Theo SCMP, một bài xã luận được đăng tải trên báo Đảng Cộng sản Trung Quốc – tờ Nhân dân Nhật báo – đã khẳng định rằng Trung Quốc muốn giải quyết cuộc chiến thương mại với Mỹ, nhưng sẽ không chịu “cúi đầu” trước Mỹ.
Bài xã luận trên còn cho biết, phía Bắc Kinh đã yêu cầu Mỹ đưa ra một thỏa thuận được người dân Trung Quốc chấp nhận, và không gây ảnh hưởng tới đoàn kết dân tộc. Điều này chứng tỏ rằng có nhiều ý kiến lo ngại dư luận Trung Quốc sẽ có phản ứng tiêu cực nếu chính phủ nước này có bất kỳ sự nhượng bộ nào trước Mỹ.