Sunday, November 17, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaẤn Độ - Pháp liên tục tập trận đề phòng TQ tại...

Ấn Độ – Pháp liên tục tập trận đề phòng TQ tại Ấn Độ Dương

Các lực lượng Ấn Độ và Pháp (01-10/5) đã tiến hành cuộc tập trận hải quân chung quy mô lớn ngoài khơi bờ biển bang Goa (Ấn Độ) nhằm tăng cường khả năng phối hợp tác chiến giữa hai bên trong việc đối phó với các thách thức an ninh hàng hải.

Tầu sân bay Pháp Charles de Gaulle, tham gia tập trận cùng với Hải quân Ấn Độ ở vùng Ấn Độ Dương, từ ngày 10/05/2019.

Các quan chức hải quân cho hay giai đoạn đầu của cuộc tập trận mang tên “Varuna” diễn ra từ ngày 1-10/5 ngoài khơi Goa, trong khi giai đoạn hai sẽ diễn ra vào cuối tháng này ở Djibouti, quốc gia có vị trí chiến lược thuộc vùng Sừng châu Phi mà Pháp đang vận hành một căn cứ quan trọng.

Tham gia tập trận bên phía Pháp có tàu sân bay FNS Charles de Gaulle (chở máy bay chiến đấu Rafale), hai tàu khu trục FNS Forbin và FNS Provence, khinh hạm FNS Latouche-Treville, tàu chở dầu FNS Marne và một tàu ngầm hạt nhân. Bên phía Ấn Độ có tàu sân bay INS Vikramaditya (chở máy bay MiG-29K), tàu khu trục INS Mumbai, khinh hạm INS Tarkash, tàu ngầm INS Shankul và tàu chở dầu INS Deepak. Cuộc diễn tập nhiều khả năng sẽ tập trung vào màn thực hành không chiến giữa các máy bay chiến đấu của hai bên.

Quá trình diễn tập ở bến cảng tại Goa sẽ bao gồm các hoạt động tương tác và trao đổi chuyên môn, trong khi các nội dung diễn tập trên biển sẽ bao gồm nhiều hoạt động hàng hải khác nhau.

Tuyên bố của Hải quân Ấn Độ nhấn mạnh quy mô và độ phức tạp của cuộc tập trận trên gia tăng trong những năm qua và đây là là minh chứng rõ nét về quan hệ bền chặt giữa hai nước, phù hợp với Tầm nhìn chiến lược chung của hợp tác Ấn Độ – Pháp ở khu vực Ấn Độ Dương.

Trong khi đó, Chuẩn đô đốc Olivier Lebas – người dẫn đầu lực lượng Pháp tham gia tập trận cho biết: “Chúng tôi tin tưởng có thể đem lại sự ổn định cho khu vực mang tính chiến lược, đóng vai trò quan trọng với thương mại quốc tế này”.

Cuộc tập trận được tiến hành trong bối cảnh những tuyến đường vận tải chiến lược trên Ấn Độ Dương bị nhiều thế lực dòm ngó. Theo hãng tin Pháp AFP, dù không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng cả Ấn Độ lẫn Pháp đều quan ngại trước sức mạnh kinh tế ngày càng lớn của Trung Quốc, cũng như các yêu sách chủ quyền lãnh thổ của Bắc Kinh, đặc biệt là ở khu vực Biển Đông. Đáng chú ý, Chuẩn đô đốc Didier Maleterre, chỉ huy lực lượng Hải Quân Pháp trong khu vực đã nhận định rất ngoại giao là ở Ấn Độ Dương, Trung Quốc không hung hăng như tại Biển Đông: “Tại Ấn Độ Dương, người ta không thấy những gì mà người ta đã thấy tại vùng biển quanh Trung Quốc, như các hoạt động bồi đắp, cải tạo ở quần đảo Hoàng Sa hay Trường Sa”. Đối với ông Maleterre, chiến lược Con Đường Tơ Lụa Mới của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong đó có phần liên quan đến Ấn Độ Dương, “là một chiến lược chủ yếu mang tính chất kinh tế, nhưng có lẽ cũng mang một mục đích khác”. Ngoài ra, Tướng Didier Maleterre cảnh báo kịch bản trong 10 – 15 năm tới, những gì Trung Quốc triển khai có nguy cơ dẫn đến căng thẳng trên thế giới.

Trong những năm gần đây, Pháp đặc biệt chú trọng hiện diện quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương và Biển Đông. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (4/2018) đã đề ra mục tiêu “xây dựng trục Ấn Độ -Thái Bình Dương để các quyền tự do giao thông trên biển và trên không phải được tôn trọng” (ám chỉ ngăn ngừa mọi tham vọng bá quyền của Trung Quốc trên Biển Đông). Trước đó, trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (20/3/2017), cựu Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố Pháp và Nhật Bản ủng hộ tự do hàng hải ở châu Á – Thái Bình Dương. Tại Đối thoại Shangri-La 2018, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cho biết, mặc dù Pháp không có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhưng việc tuần tra tự do hàng hải định kỳ như vậy cùng với “các đồng minh và bạn bè” sẽ góp phần củng cố một trật tự dựa trên luật pháp quốc tế; cho rằng thông qua việc thực hiện quyền tự do hàng hải, Pháp kiên quyết phản đối bất kỳ hành động đơn phương tuyên bố chủ quyền trên các hòn đảo (ám chỉ hành động phi pháp của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa); đồng thời tái khẳng định Pháp ủng hộ Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) với sự ràng buộc pháp lý, toàn diện, hiệu quả và phù hợp với luật pháp quốc tế. Trước đó, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian (hiện là Ngoại trường Pháp) cho biết Hải quân Pháp đã nhiều lần triển khai hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông, cho rằng Pháp sẽ tiếp tục cho tàu thuyền và máy bay hoạt động ở bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép. Trong khi đó, Quốc vụ khanh Bộ châu Âu và Ngoại giao Pháp Jean-Baptiste Lemoyne khẳng định, Pháp quan tâm thực thi nguyên tắc tự do, an toàn, an ninh hàng hải trong khu vực với tư cách là một tác nhân quan trọng tại Thái Bình Dương – châu Đại dương; kêu gọi các bên liên quan cần thiện chí thực hiện các nghĩa vụ quốc tế, tránh các hoạt động có thể làm phức tạp thêm tình hình và gia tăng căng thẳng trong khu vực; khẳng định các tranh chấp phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Đại sứ Pháp tại Việt Nam Bertrand Lortholary nhấn mạnh việc đảm bảo tự do hàng hải và hàng không ở Thái Bình Dương nằm trong lợi ích của Pháp; khẳng định là một trong 5 nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ, Pháp có quyền và trách nhiệm trong việc đảm bảo hòa bình, ổn định trên các vùng biển quốc tế; cho rằng châu Âu nói chung và nước Pháp nói riêng hưởng lợi từ việc đảm bảo dòng chảy thương mại được tự do và ổn định tại châu Á – Thái Bình Dương.

Giới chuyên gia quốc tế đánh giá, Pháp tuy không có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, song với tư cách là nước có vùng đặc quyền kinh tế rộng thứ hai thế giới, việc đảm bảo tự do hàng hải và hàng không ở Thái Bình Dương nằm trong lợi ích của nước Pháp. Ngoài ra, khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương cũng là một vùng biển mà Pháp có nhiều quyền lợi cần bảo vệ. Đây là nơi Pháp có 5 vùng lãnh thổ hải ngoại, 1,5 triệu công dân Pháp sinh sống và có 9 triệu km2 vùng đặc quyền kinh tế của Pháp. Chính vì vậy, trong nhiều năm qua, Pháp đã có những tuyên bố, hành động cụ thể khẳng định quyết tâm bảo vệ hoạt động tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Chính phủ Pháp xem việc bảo vệ tự do hàng hải là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng trên phương diện kinh tế, và lo ngại rằng việc để mất tự do hàng hải trên Biển Đông có thể dẫn tới tình trạng tương tự ở Bắc Băng Dương và Địa Trung Hải. Báo Philstar (Philippines) cho rằng với việc thực hiện các cam kết tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông, Pháp hiện đang dẫn đầu châu Âu trong nỗ lực phản đối các hành động hung hăng của Trung Quốc trong khu vực.

Trong khi đó, dư luận Trung Quốc nhìn chung đang tìm cách biện minh cho hành động của mình và chỉ trích các hoạt động của Pháp ở Biển Đông, cho rằng việc Pháp tiến hành các hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông là hành động “khiêu khích”, nhằm tìm đạt được một số “lợi ích” từ Trung Quốc. Theo Đại tá Chu Ba, một thành viên của đoàn đại biểu Trung Quốc tham dự Đối thoại Shangri-La 2018, nếu tàu chiến của Pháp đi vào khu vực 12 hải lý của các đảo, đá ngầm do Trung Quốc kiểm soát (phi pháp) ở Biển Đông thì đó sẽ là hành động “cố tình khiêu khích”. Một số học giả Trung Quốc cho rằng Anh và Pháp gia nhập tham gia tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông là có ý định gây sức ép với Trung Quốc để giành được một số lợi ích từ Bắc Kinh.

RELATED ARTICLES

Tin mới