Trung Quốc vừa công bố kế hoạch đóng loại tàu tuần tra cỡ lớn để triển khai ở quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông trị giá 161,4 triệu nhân dân tệ (khoảng 23,5 triệu USD). Đây là bước đi nguy hiểm mới của Trung Quốc nhằm tăng cường hiện diện ở các khu vực quần đảo Hoàng Sa vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam do nước này chiếm đóng phi pháp.
Quy mô dự án và phạm vi hoạt động của tàu dự kiến của TQ
Theo thông tin trên trang web của tỉnh Hải Nam, dự án đóng tàu tuần tra cỡ lớn mới của Trung Quốc do “Cục thực thi pháp luật hàng hải Tam Sa” đặt tại trụ sở của cái gọi là “Thành phố Tam Sa” do Trung Quốc lập lên trái phép trên đảo Phú Lâm làm chủ đầu tư và ủy quyền cho Tập đoàn công nghiệp đóng tàu Vũ Xương (công ty con của Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Trung Quốc) thi công đóng mới.
Phía truyền thông Trung Quốc loan báo tàu sẽ có chiều dài 102 m, lượng choán nước 1.900 tấn, có thể mang theo thủy thủ đoàn 50 người. Tàu có thể đạt tốc độ tối đa 23 hải lý/giờ, tốc độ hành trình 18 hải lý/giờ, phạm vi hoạt động 6.000 hải lý. Tàu mới mà Trung Quốc dự kiến đóng tương đương tàu tuần tra tầm trung của Mỹ. Tàu tuần tra xa bờ USCGC Sherman (WHEC-720) của Mỹ dài 115 m, rộng 13 m, có lượng giãn nước 3.250 tấn và thủy thủ đoàn 160 người. Tàu có dự trữ hành trình 45 ngày, tầm hoạt động liên tục 22.500 km và tốc độ tối đa 55 km/h. Trong biên chế Tuần duyên Mỹ, tàu được trang bị một pháo Otobreda cỡ nòng 76 mm và hai hệ thống phòng thủ cực gần Phalanx.
Phạm vi hoạt động của tàu Trung Quốc được xác định sẽ là quần đảo Hoàng Sa, khu vực vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng đã bị Trung Quốc chiếm đóng và kiểm soát trái phép. Tại khu vực này, Trung Quốc đã tiến hành bồi đắp, mở rộng, quân sự hóa phi pháp và đã lập lên cái gọi là “Thành phố Tam Sa” hồi năm 2012. Trung Quốc đã nâng cấp một đường băng dài 3.000 m và một cảng nước sâu dài 1.000 m trên đảo Phú Lâm, nơi đặt trụ sở của “Thành phố Tam Sa”. Trung Quốc đã hoàn thành cơ sở trên đảo Phú Lâm như một thị xã, nhằm phục vụ mục đích quốc phòng và kinh tế của Trung Quốc trong toàn bộ khu vực Biển Đông Việt Nam. Trên đảo còn có đài kiểm báo, kênh đào và nhiều tiện nghi quân sự khác. Tháng 5/2018, Trung Quốc triển khai 02 bệ phóng tên lửa HQ-9 ra bãi biển phía Bắc đảo Phú Lâm, đặt cạnh các hệ thống radar đe dọa an toàn hàng không khu vực. Tất cả đều được phủ lưới ngụy trang. Hệ thống phòng không HQ-9 có tầm bắn 77 km và có sức đe dọa bất cứ máy bay, cả quân sự và dân sự, hoạt động gần đó. Trước đó, từ tháng 2/2016, nhiều đơn vị HQ-9 cũng đã được Trung Quốc triển khai ra Hoàng Sa. Trung Quốc cũng đã đồn trú tàu tiếp tế giao thông “Tam Sa số 1” tại đảo Phú Lâm. Đây là tàu tiếp tế cỡ lớn do Trung Quốc đóng sau khi tuyên bố thành lập trái phép “thành phố Tam Sa”, có thể chở đến 456 người và được trang bị sân bay trực thăng cùng hàng loạt chức năng khác nhằm phục vụ mục đích tiếp tế cho quân và dân Trung Quốc đang đồn trú và cư ngụ trái phép ở các khu vực thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Mục đích, ý đồ của TQ khi đóng tàu tuần tra mới
Phía Trung Quốc tuyên bố việc đóng mới và triển khai loại tàu tuần tra mới nói trên nhằm mở rộng sự hiện diện của lực lượng bán quân sự trên Biển Đông, tiến hành hoạt động tuần tra ở khu vực “chủ quyền” của Trung Quốc. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định mục đích thực sự của Trung Quốc trong toan tính này là nhằm:
Thứ nhất, củng cố sự hiện diện, chiếm đóng và tăng cường khả năng theo dõi, giám sát bảo vệ các đảo nhận tạo, thực thể và căn cứ mà nước này đang tiến hành bồi đắp ở Hoàng Sa. Những tàu tuần tra của Trung Quốc được triển khai thường trú, hoạt động phạm vi rộng, cùng với các lực lượng khác sẵn sàng xuôi đuổi ngăn cản tàu thuyền các nước tiếp cận các khu vực mà nước này chiếm đóng đòi chủ quyền.
Thứ hai, đối phó với việc hải quân Mỹ và các nước đang gia tăng các hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông nhằm thách thức các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Hôm 28/4, Tư lệnh hải quân Mỹ John Richardson cho biết trong cuộc tiếp xúc với Tư lệnh hải quân Trung Quốc, Phó Đô đốc Thẩm Kim Long hồi tháng 01/2019, ông đã lưu ý rằng nếu các tàu hải cảnh hay tàu cá Trung Quốc có những hành động hiếu chiến, Mỹ sẽ không xem đó là các lực lượng dân sự hay bán quân sự, mà sẽ đáp trả bằng các biện pháp dùng để đối phó với một lực lượng hải quân thực thụ, vì các lực lượng này đã được Trung Quốc sử dụng làm công cụ quân sự. Hồi cuối năm 2018, Mỹ đã kêu gọi đồng minh tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông
Thứ ba, giảm sức ép từ dư luận về hoạt động quân sự hóa hiện nay của nước này ở Biển Đông. Những năm gần đây, Trung Quốc đã cho triển khai tại Biển Đông các lực lượng bán quân sự như hải cảnh, hay dân quân biển đội lốt tàu cá dân sự, để áp đặt quyền lực của Trung Quốc. Dân quân biển Trung Quốc được huấn luyện cùng với hải quân và hải cảnh Trung Quốc. Trong bản báo cáo mới nhất về quân Đội Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết đội dân quân biển này đóng vai trò chính trong các hoạt động cưỡng chế đối phương, cho phép Bắc Kinh đạt được các mục tiêu chính trị mà không cần chiến đấu.
Những hệ lụy đối với khu vực và quốc tế
Căng thẳng trên Biển Đông gần đây gia tăng sau khi Trung Quốc ngang nhiên bồi đắp các đảo nhân tạo trái phép và tăng cường hoạt động quân sự hóa tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Hành động này đi ngược cam kết của Bắc Kinh về việc không quân sự hóa Biển Đông và hứng chịu nhiều chỉ trích của dư luận quốc tế.
Theo kế hoạch 5 năm được công bố vào năm 2016, Trung Quốc sẽ tăng hạm đội thực thi pháp luật hàng hải từ một lên 20 tàu. Con tàu mới được các chuyên gia nhận định là một phần trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm mở rộng sự hiện diện, ngoài lực lượng hải quân trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông. Đô đốc John Richardson, người đứng đầu các hoạt động của hải quân Mỹ, cho biết lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc đã làm cho các hoạt động thực thi tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông trở nên phức tạp. Đô đốc Richardson tuyên bố các tàu hải quân, tàu bảo vệ bờ biển, thậm chí cả tàu đánh cá sẽ bị hải quân Mỹ đối xử giống nhau trong bất kỳ cuộc chạm trán nào. Trong khi đó, Bắc Kinh cho rằng các cuộc tập trận của Mỹ và đồng minh trong khu vực đã làm suy yếu sự ổn định của Biển Đông.
Trung Quốc đang thúc đẩy tầm nhìn về một hiện trạng mới trên biển, trong đó nước này cho mình có quyền khai thác kinh tế rộng lớn vượt ngoài các quyền của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) quy định và Trung Quốc có thể duy trì sự ưu việt địa chiến lược. Cách tiếp cận của Trung Quốc là hợp pháp hóa các yêu sách biển thông qua việc sử dụng nội luật, cản trở các quốc gia duyên hải khác khai thác tài nguyên và thúc đẩy hoạt động của các chủ thể kinh tế thuộc chính phủ và phi chính phủ của Trung Quốc trong khu vực. Hồi tháng 9/2018, Trung Quốc từng sử dụng tàu khu trục Type-052C đã áp sát nguy hiểm tàu khu trục USS Decatur khi tàu Mỹ di chuyển trong phạm vi 12 hải lý quanh đá Ga Ven và đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Quan chức Mỹ lúc đó cho biết tàu khu trục Type-052C của Trung Quốc hành động hung hăng, có lúc chỉ còn cách tàu Mỹ 45 m, buộc tàu chiến Mỹ phải đổi hướng để tránh va chạm. Hành động của Trung Quốc đã bị dư luận lên án mạnh mẽ về những nguy cơ xung đột tiềm ẩn mà phía các tàu của Trung Quốc gây ra cho tàu thuyền các nước.