Monday, November 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiChiến tranh thương mại Mỹ - Trung nhìn từ phía Bắc Kinh

Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung nhìn từ phía Bắc Kinh

Sau 11 vòng, tiến trình đàm phán nhằm chấm dứt căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ tưởng như sắp ký kết được một thỏa thuận bỗng chấm dứt trong bế tắc.

Từ ngày 10/5, Mỹ chính thức tăng thuế nhập khẩu từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và khởi động trình tự pháp lý để áp thuế 25% đối với thêm 300 tỷ USD mặt hàng nhập khẩu nữa từ quốc gia này.

Tiếp đó, ngày 15/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh hành chính tuyên bố đặt quốc gia trong tình trạng khẩn cấp, cấm các công ty Mỹ sử dụng các thiết bị nước ngoài gây nguy hại đến an ninh quốc gia. Động thái được cho là mở đường cho việc cô lập hãng công nghệ khổng lồ Huawei của Trung Quốc.

Ngay sau đó, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa 70 công ty trực thuộc của Huawei vào danh sách đen mậu dịch, khiến Huawei từ nay về sau nếu không được chính phủ Mỹ cho phép thì không được mua các linh kiện, cấu kiện của các công ty Mỹ.

Mỹ: Trung Quốc là bên tráo trở, phá hoại đàm phán

Tổng thống Mỹ Donald Trump giải thích ông áp dụng đánh thuế trừng phạt do các cuộc đàm phán diễn ra quá chậm chạp bởi Trung Quốc cố tình thay đổi các điều kiện để đạt được thỏa thuận có lợi cho họ, Trung Quốc đã đột ngột “lật lọng” đòi sửa lại những nội dung then chốt trong văn bản dự thảo thỏa thuận đạt được dày gần 150 trang sau 10 vòng đàm phán. Ngoài ra, Trung Quốc còn xóa bỏ những từ ngữ có tính ràng buộc pháp lý trong bản dự thảo thỏa thuận nhằm tạo điều kiện cho họ vi phạm cam kết trong tương lai.

Nhưng giới quan sát cho rằng, vấn đề then chốt nhất là chính phủ Trung Quốc tài trợ cho các ngành công nghiệp, đặc biệt là các lĩnh vực sản xuất hàng  xuất khẩu, đi ngược lại nguyên tắc của Tổ chức thương mại thế giới. Chính vì thế, Mỹ và nhiều nước Phương Tây coi kinh tế Trung Quốc là “phi thị trường”, trong đó vai trò của nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Vì thế, Mỹ đã nhiều lần yêu cầu Bắc Kinh phải thay đổi mô hình kinh tế của Trung Quốc và điều này đã vượt ra khỏi khuôn khổ các cuộc đàm phán thương mại. Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhiều lần tuyên bố Bắc Kinh sẽ không chấp nhận thay đổi mô hình kinh tế trước bất cứ sức ép nào từ Mỹ!

Theo ông Trump, Trung Quốc đang cố tìm cách “câu giờ” để chờ đợi một thỏa thuận thương mai với Mỹ do Bắc Kinh tin rằng một ứng cử viên của Đảng Dân chủ có thể là ông Joe Biden sẽ đánh bại ông ta trong cuộc bầu cử tổng thống   năm 2020.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nhìn từ phía Bắc Kinh

Hai bên Trung – Mỹ đều đổ lỗi cho nhau về đàm phán thất bại. 

Trung Quốc luôn tuyên bố sẽ không gây chiến tranh thương mại với Mỹ nhưng cũng không sợ cuộc chiến đó bởi biện pháp tăng thuế của Mỹ chỉ làm giảm không đáng kể mức tăng trưởng của Trung Quốc. Bắc Kinh cho biết, nền kinh tế của Trung Quốc vẫn phát triển ổn định, trong đó GDP trong quý 1/2019 tăng 6,4%, cao gấp 2 lần so với mức tăng GDP 3,2% của Mỹ; xuất khẩu của Trung Quốc vẫn tăng 4,3% trong 4 tháng đầu năm 2019 và thặng dư thương mại tăng 31,8%, đạt mức 618/17 tỷ USD.

Do đó, chính phủ Trung Quốc vẫn tiếp tục đầu tư và hỗ trợ để kích thích tăng trưởng kinh tế và mở cửa thị trường cho các nhà đầu tư nước ngoài. Việc tăng thuế lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ chỉ làm giảm mức tăng GDP của Trung Quốc ở mức từ 0,2% – 0,3%.

Nếu Mỹ sẽ áp thuế 25% lên 325 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ thì GDP của Trung Quốc cũng chỉ giảm 0,3% – 0,4% và làm giảm mức tăng GDP xuống 6%, thay vì 6,5% như kế hoạch; trong khi đó các biện pháp đáp trả của Trung Quốc sẽ khiến Mỹ mất 1 triệu việc làm và GDP giảm 0,37%.

Trung Quốc: sẽ không khuất phục trước bất cứ sức ép nào!

Sau khi phái đoàn đàm phán Trung Quốc về nước, thực hiện tuyên bố “sẽ buộc phải đáp trả” việc Mỹ gia tăng mức thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 10% lên 25%, chiều ngày 13.5.2019, Ủy ban Thuế vụ Quốc Vụ viện Trung Quốc đã tuyên bố: bắt đầu từ 0h ngày 1.6.2019 sẽ tăng mức thuế đối với 60 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ với các mức 25%, 20% hoặc 10%; đối với các hàng hóa trước đây đã tăng 5% thì nay tăng thêm 5% nữa.

Trung Quốc phê phán việc Mỹ hôm 10.5 quyết định tăng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc là vi phạm nhận thức chung giữa hai nước về việc giải quyết tranh chấp thông qua thương thuyết, gây tổn hại lợi ích của cả hai bên; vì vậy Trung Quốc căn cứ các điều luật trong nước và luật pháp quốc tế, quyết định tăng mức thuế đánh vào sản phẩm Mỹ. Trung Quốc hy vọng Mỹ hãy quay trở lại quỹ đạo thương thuyết đúng đắn để đạt được một hiệp nghị cùng có lợi, cùng thắng trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau.

Chiều 14.5, ông Cảnh Sảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nói tại cuộc họp báo thường kỳ: “Hy vọng Mỹ đừng đánh giá thấp quyết tâm bảo vệ lợi ích quốc gia của Trung Quốc”. Về việc Mỹ dọa sẽ tăng thuế đối với hơn 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, ông Cảnh Sảng nói: “Trung Quốc luôn nói rõ, tăng thuế không giải quyết được vấn đề, gây chiến tranh thương mại chỉ hại người hại mình. Trung Quốc không muốn đánh, không thích đánh nhưng cũng không sợ đánh chiến tranh thương mại. Trung Quốc sẽ không khuất phục trước bất cứ sức ép nào; Trung Quốc có quyết tâm, có năng lực bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của mình”.

Ông Cảnh Sảng nói thêm: trước sự thay đổi chóng mặt và gây sức ép không giới hạn của Mỹ. Trung Quốc luôn giữ bình tĩnh và yên lặng, khuyên Mỹ hãy xem phản ứng của cộng đồng quốc tế, lắng nghe tiếng nói của nhân sĩ các giới, tính toán sự được mất lợi ích bản thân, sớm nhận rõ tình thế, trở lại quỹ đạo đúng, cùng Trung Quốc đi một hướng để đạt được một hiệp nghị cùng có lợi, cùng thắng trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau.

Trưởng đoàn đàm phán Trung Quốc, Phó Thủ tướng Lưu Hạc giải thích đàm phán bế tắc do hai bên tồn tại bất đồng về 3 vấn đề lớn:

Vấn đề thứ nhất là có bãi bỏ hoàn toàn thuế quan hay không? Trung Quốc cho rằng, thuế quan là khởi điểm của tranh chấp mậu dịch giữa hai nước. Nếu đạt được hiệp nghị thì phải hủy bỏ hoàn toàn việc đánh thuế. Đây không chỉ là vấn đề kinh tế mà liên quan đến nhiều vấn đề khác.

Vấn đề thứ hai là việc Trung Quốc mua sản phẩm của Mỹ. Hai nhà lãnh đạo Donald Trump và Tập Cận Bình khi gặp nhau tại Argentina đã có được nhận thức chung. Khi đó bước đầu đã tán thành về một con số, nhưng con số đó rốt cục là bao nhiêu thì đến nay hai bên vẫn có quan điểm khác nhau. Trung Quốc cho rằng đó là chuyện rất nghiêm túc, không thể tùy tiện thay đổi.

Vấn đề thứ ba là tính cân bằng của văn bản. Lưu Hạc nói, bất cứ quốc gia nào cũng có sự tôn nghiêm của mình, cho nên văn bản cần phải cân bằng. Trong vấn đề này hai bên đã làm một số việc, về tổng thể thì hai bên đi cùng một hướng, nhưng có một số vấn đề then chốt vẫn còn cần phải thảo luận.

Lưu Hạc nói thêm, Trung Quốc cho rằng đó đều là những vấn đề lớn, cho nên bất cứ quốc gia nào cũng đều có nguyên tắc quan trọng, chúng ta quyết không thể nhượng bộ trong vấn đề có tính nguyên tắc, thái độ đó rất rõ ràng. “Đương nhiên chúng tôi cũng hy vọng hai bên có thể linh hoạt vì bất cứ cuộc đàm phán nào cũng đều cần có khoảng trống nhất định thể hiện linh hoạt vì hiện đang ở giai đoạn quá độ”.

Ông bác bỏ điều mà phía Mỹ cho rằng có vẻ trước đây trong văn bản Trung Quốc đã cam kết một số điều, nay lại thay đổi, nói: “Chúng ta cho rằng trước khi hai bên đồng ý thì mọi sự thay đổi đều là bình thường, đó là chuyện tất yếu xảy ra trong cả một quá trình, nên chúng ta không cho rằng đó là sự thụt lùi hay “đòi bàn lại” (renege) của phía Trung Quốc. Chúng ta không đồng ý với họ. Chúng ta không thụt lùi, chúng ta chỉ bất đồng về cách viết trên một số chỗ, chúng ta muốn giải quyết vấn đề này; cho nên việc (Mỹ) phản ứng quá đáng trong vấn đề này, theo chúng ta là không cần thiết”.

Truyền thông Trung Quốc mở chiến dịch tuyên truyền phản công Mỹ

Đáng chú ý, sau một thời gian khá im ắng, hầu như không bàn luận về cuộc chiến tranh thương mại Trung – Mỹ, mấy ngày gần đây các cơ quan truyền thông Trung Quốc đã mở đợt tuyên truyền mạnh mẽ, chĩa mũi dùi về phía Mỹ.

Tờ “Nhật báo Kinh tế” ngày 10/5 đăng bài viết, hành động tăng thuế của Mỹ bất chấp thiện chí và nỗ lực của phía Trung Quốc, coi thường sự phản đối mạnh mẽ trong nước Mỹ về sự nguy hại của việc tăng thuế, không xem xét đến mối đe dọa nghiêm trọng  đến sự tăng trưởng của kinh tế thế giới, khiến bao công sức, nỗ lực đàm phán của hai bên đổ xuống sông biển…

Bài báo cho rằng, từ hành động của phía Mỹ thấy đây không còn là vấn đề va chạm mậu dịch, mà là có ý coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược cần kìm hãm, mang sắc thái chiến tranh Lạnh rõ rệt. Hành động này nếu không sửa đổi kịp thời, tất sẽ giáng đòn mạnh vào quan hệ mậu dịch Trung – Mỹ. Hành động này của Mỹ không có lợi cho lợi ích của Trung Quốc, cũng không lợi cho Mỹ và lợi ích toàn cầu, mở ra một tiền lệ vô cũng xấu xa.

Cùng ngày 10/5, “Thời báo Hoàn cầu” đã đăng xã luận “Trung Quốc không thích chiến tranh mậu dịch nhưng chúng ta chịu đựng được”, cho rằng Trung Quốc là “một quả núi không đổ sụp trước chính sách gây sức ep tối đa của Mỹ”.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nhìn từ phía Bắc Kinh

Đài CCTV cho chiếu lai những bộ phim đề tài chiến tranh giúp Triều Tiên.

Ngày 12/5, trang web của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đăng bài “Trung Quốc đã chuẩn bị đối phó toàn diện” viết Trung Quốc quan tâm 3 vấn đề cốt lõi trong cuộc đàm phán mậu dịch, tức là bãi bỏ hoàn toàn thuế quan, số lượng thu mua sản phẩm (của Mỹ) phải phù hợp thực tế và cải thiện tính cân bằng của văn bản hiệp nghị. Trong những vấn đề có tính chất nguyên tắc này, Trung Quốc quyết không nhượng bộ; cho nên bất kể Mỹ gây sức ép thế nào, trước đây đã vô tác dụng thì hiện nay và trong tương lai vẫn sẽ vô dụng.

Bài báo cảnh cáo, nếu Mỹ cứ cố ý tiếp tục tăng thuế, Trung Quốc tất nhiên sẽ kiên quyết trả đũa. Sau hơn 1 năm va chạm mậu dịch, Trung Quốc đều đã được thử thách trên các mặt, không chỉ tính đề kháng áp lực được tăng cường, việc ứng phó cũng ngày càng thuần thục, ngày càng mạnh. Trung Quốc sớm nhận thấy việc Mỹ tăng thuế chỉ là ván bạc chiến lược kiểu tự hại, đi ngược dòng, trái với dân ý, tất sẽ vô ích.

Ngày 15/5, Tân Hoa xã phát đi bài bình luận “Dùng “văn minh” che đậy bá quyền, rất không văn minh”, phê phán quan điểm của bà Kiron Skinner, Chủ nhiệm Văn phòng quy hoạch chính sách Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng vấn đề giữa Mỹ và Trung Quốc là “sự xung đột, đối kháng, đọ sức giữa các nền văn minh khác nhau”, cũng là lần đầu tiên nước Mỹ có “một nước lớn đối thủ cạnh tranh không phải người da trắng”. Bài báo cho rằng Mỹ “giả danh văn minh để che đậy chủ nghĩa bá quyền, chính trị cường quyền, bộc lộ sự ngạo mạn của tư duy bá quyền, rất không văn minh”. Bài báo phê phán quan điểm của Mỹ cho rằng “Mỹ giúp xây dựng lại Trung Quốc” và muốn “khai trừ Trung Quốc khỏi WTO” là tâm thế bá quyền “mình ta là nhất, trên cao nhìn xuống”.

Mạng Cầu Thị của Ban Tuyên truyền trung ương ngày 15/5 đăng bài “Thời gian và đạo lý đều đứng về phía chúng ta” nhấn mạnh thành ý và thiện chí của Trung Quốc thúc đẩy đàm phán là điều ai cũng rõ; thế nhưng Mỹ vì mưu cầu tư lợi đã bất chấp công bằng chính nghĩa, thẳng tay áp chế quyền lợi chính đáng của 1,3 tỷ người dân Trung Quốc theo đuổi cuộc sống tốt đẹp… Đó là sự vô trách nhiệm đối với lợi ích của nhân dân Trung Quốc. Phía Trung Quốc sẽ không và quyết không nhượng bộ trong những vấn đề trọng đại liên quan đến lợi ích cốt lõi.

Ngày 16/5, Nhân dân Nhật báo đăng bình luận phản bác việc Mỹ chỉ trích Trung Quốc “trở mặt”, “làm suy yếu yêu cầu cốt lõi của Mỹ” là bất chấp sự thật và nói chính Mỹ mới là phía nhiều lần trở mặt trong hơn 1 năm đàm phán vừa qua.

Cùng ngày, Tân Hoa xã đăng bình luận nói Mỹ đi ngược xu thế, dấy lên chủ nghĩa bảo hộ ngược lại trào lưu, liên tiếp giơ cây gậy thuế quan với các quốc gia châu Á, châu Âu, không được lòng người; nhấn mạnh việc “lập lô cốt” chỉ hại người hại mình, cho rằng Mỹ đang trở thành kẻ cô đơn trong cộng đồng quốc tế.

Tiếp đó, Nhân dân Nhật báo ngày 17/5 đăng bài của Chung Hiên Lý, được cho là đại diện cho Ban Tuyên truyền trung ương, nhan đề “Không có bất cứ lực lượng nào có thể ngăn chặn bước đi của nhân dân Trung Quốc thực hiện giấc mộng của mình”. Trang tin Đa Chiều nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên cơ quan chủ quản tuyên truyền của Trung Quốc lên tiếng về chiến tranh thương mại Trung – Mỹ. Bài báo viết đối với chiến tranh thương mại, Trung Quốc đã sớm tỏ rõ thái độ “không muốn đánh, nhưng không sợ đánh, khi cần thiết không thể không đánh”. “Trong hành trình vĩ đại phục hưng dân tộc, niềm tin của nhân dân Trung Quốc vào tôn nghiêm dân tộc và bảo vệ lợi ích quốc gia nhất trí cao độ, quyết tâm vững như bàn thạch”.

Bài báo khẳng định, “trong hoạt động mậu dịch lâu dài, cộng đồng quốc tế đã hình thành một quy tắc được thừa nhận. Nhưng ngày nay, vào thế kỷ 21 vẫn có người coi mình có “đặc quyền” vượt trên mọi quy tắc; Mỹ gây chiến tranh thương mại chính là một ví dụ sinh động”. Bài báo phê phán Mỹ “được đằng chân lân đằng đầu”, dùng thủ đoạn đàm phán “kiểu cắt xúc xích” nhằm áp chế kìm hãm Trung Quốc chỉ là sự cuồng tưởng ngu xuẩn.

Ngày 18/5, Nhân dân Nhật báo lại đăng bình luận đã đến lúc chấm dứt thuyết “Trung Quốc cưỡng ép chuyển nhượng công nghệ”, đồng thời phê phán quan điểm của Mỹ cho rằng “các công ty Trung Quốc cưỡng ép công ty Mỹ chuyển nhượng công nghệ” và Bộ Thương mại Mỹ lấy cớ đó để hôm 16/5 đưa Huawei vào danh sách cấm xuất khẩu để chặt đứt chuỗi cung ứng của Huawei.

Một diễn biến mới khác được dư luận chú ý là các đài truyền hình Trung Quốc mở đợt chiếu phim chống Mỹ. Theo báo Bình Quả, Hongkong, Bắc Kinh bắt đầu tăng cường tuyên truyền chống Mỹ, kích động tinh thần dân tộc. Sau khi Tân Hoa xã, Nhân dân Nhật báo, Thời báo Hoàn cầu liên tiếp tung ra các bài công kích Mỹ “cường quyền bá đạo”; đến lượt Ban Tuyên truyền trung ương ra lệnh cho các đài truyền hình cả nước mỗi tối phát 1 bộ phim đề tài chiến tranh chống Mỹ vào  khung giờ vàng để “cổ vũ chí khí chống Mỹ”. Kênh CCTV-6 (kênh phim điện ảnh) đi đầu, từ tối 16/5 liên tiếp chiếu 3 bộ phim đề tài chiến tranh “viện Triều chống Mỹ” hồi những năm 1950 là “Nhi nữ anh hùng”, “Thượng Cam Lĩnh” và “Kỳ tập”.

Việc hai bên Trung – Mỹ có kế hoạch quay lại đàm phán sau khi hai bên leo thang trả đũa thuế quan và Mỹ ra đòn triệt hạ Huawei là điều được dư luận quan tâm.

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng ngày 18/5 đưa tin, Trung Quốc không vội tiến hành đàm phán với Bộ trưởng Thương mại Mỹ Steven Mnuchin.

Kênh truyền hình Mỹ CNBC ngày 17/5 dẫn lời nhân sĩ thạo tin nói: do cuộc đàm phán đã lâm vào cục diện bế tắc, không thể xác định trọng tâm thảo luận, nên đã xuất hiện nhiều biến số trong việc xác đinh thời gian biểu cho vòng đàm phán tiếp theo. CNBC cho biết, tuy ông Lưu Hạc dẫn đoàn tới Mỹ tuần trước gặp đoàn Mỹ nhưng thực tế Trung Quốc đã từ bỏ những điều cam kết với Mỹ trước đây nên nay cũng không muốn đề cập lại những cam kết đó.

Trung Quốc đã hủy bỏ đơn hàng nhập 3.237 tấn thịt lợn của Mỹ, truyền thông cũng đang dấy lên cuộc chiến tuyên truyền. Vì thế, khả năng hai bên ngồi lại đàm phán vào lúc này rất khó xảy ra.

RELATED ARTICLES

Tin mới