Giới chức Mỹ đang xem xét đề xuất lại Dự thảo “Đạo luật Trừng phạt Biển Đông và Hoa Đông” nhằm cho phép trừng phạt các cá nhân hoặc tổ chức Trung Quốc có liên quan tới các hoạt động bị Mỹ coi là “bất hợp pháp và nguy hiểm” của Bắc Kinh trên Biển Đông và Hoa Đông.
Nếu được thông qua, “Đạo luật Trừng phạt Biển Đông và Hoa Đông” sẽ cho phép chính phủ Mỹ tịch thu các tài sản tài chính tại Mỹ, thu hồi hoặc hủy bỏ thị thực Mỹ đối với bất kỳ đối tượng nào bị cáo buộc có liên quan tới “các hoạt động hay chính sách đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định” trên Biển Đông.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio và Thượng nghị sĩ Dân chủ Benjamin Cardin cho biết, Dự thảo luật của lưỡng đảng đã củng cố thêm nỗ lực của Mỹ và các đồng minh trong việc đối phó với hoạt động quân sự hóa trái phép và nguy hiểm của Trung Quốc tại các khu vực tranh chấp mà nước này đang chiếm đóng trên Biển Đông. Dự thảo luật này tái khẳng định cam kết của Mỹ trong việc duy trì khu vực (Biển Đông và Hoa Đông) cởi mở và tự do đối với tất cả các nước, đồng thời buộc chính phủ Trung Quốc phải chịu trách nhiệm vì hành vi gây hấn và cưỡng ép trong khu vực.
Dự luật mới cũng yêu cầu Ngoại trưởng Mỹ phải trình lên Quốc hội bản báo cáo theo thời hạn 6 tháng một lần để xác định những cá nhân hay công ty Trung Quốc có liên quan tới hoạt động xây dựng hay phát triển các dự án trái phép trên Biển Đông. Các hoạt động trái phép được quy định theo dự luật của Mỹ gồm bồi đắp, xây đảo nhân tạo, xây dựng hải đăng và hạ tầng viễn thông di động.
Những cá nhân hay tổ chức đồng lõa hoặc trực tiếp tham gia vào các hoạt động đe dọa tới “hòa bình, an ninh hay ổn định” ở những khu vực do Nhật Bản hoặc Hàn Quốc quản lý trên biển Hoa Đông cũng bị nhắm mục tiêu trừng phạt theo dự luật mới.
Việc giới thiệu lại dự luật này được lưỡng đảng Mỹ tại Thượng viện và Hạ viện đánh giá là “rất đúng lúc” trong bối cảnh các hoạt động của hải quân Mỹ tại Biển Đông và Biển Hoa Đông thời gian gần đây với nhiệm vụ thực thi “ các hoạt động tự do hàng hải” tại khu vực này nhưng luôn vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía Trung Quốc và trong một số trường hợp đã có xảy ra một số vụ chạm trán với hải quân Trung Quốc. Được biết, Dự luật trên từng được giới thiệu hồi năm 2017, tuy nhiên chưa được chuyển từ Ủy ban Đối ngoại Thượng viện lên Thượng viện. Theo quy định của Mỹ, Thượng viện và Hạ viện Mỹ phải thông qua Dự luật này trước khi chuyển lên Tổng thống Mỹ ký thành luật chính thức. Dự luật hiện tại nhận được sự ủng hộ từ 13 thượng nghị sĩ Dân chủ và Cộng hòa, nhiều hơn hẳn so với số lượng ủng hộ hồi năm 2017. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy sự gia tăng trong lập trường phản đối Trung Quốc tại Quốc hội Mỹ.
Một số chuyên gia Mỹ hoan nghênh dự luật này, gọi đây là biện pháp của Mỹ nhằm “dằn mặt” và kiềm chế Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông. Trả lời phỏng vấn tạp chí Foreign Policy, chuyên gia Bonnie Glaser tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS, Mỹ) nhận định dự luật này cho thấy “Mỹ có sẵn nhiều công cụ để kiềm chế chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông”. Trong khi đó, một số chuyên gia khác cảnh báo dự luật này nếu được thông qua có thể hủy hoại quan hệ song phương Mỹ – Trung Quốc, thậm chí đe dọa an ninh quốc gia Mỹ.
Trong năm 2016, Thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio cũng đã đề xuất dự luật trừng phạt Trung Quốc do các hành động ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Dự luật mang tên “Hành động trừng phạt Biển Đông và biển Hoa Đông 2016”, đề nghị trừng phạt các cá nhân và tổ chức của Trung Quốc tham gia những hoạt động phi pháp của Bắc Kinh tại hai vùng biển này. Theo ông Marco Rubio, “hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông là phạm pháp, đe dọa an ninh khu vực và hoạt động thương mại của Mỹ. Việc này có thể cảm nhận tại Mỹ, bao gồm các cảng ở Florida và qua kinh tế tàu biển và hàng hóa của bang chúng ta”. Dự luật do Rubio đưa ra thể hiện thay đổi đầy tham vọng trong chính sách của Mỹ. Nếu được thông qua, nó sẽ yêu cầu Tổng thống Mỹ thực hiện một loạt biện pháp trừng phạt chống lại các cá nhân, tổ chức Trung Quốc tham gia hoạt động ở Biển Đông và phạt cả tổ chức tài chính của bên thứ ba cố ý tham gia. Dự luật cũng bao gồm đề xuất hạn chế viện trợ với các nước đứng về lập trường của Trung Quốc trong xử lý vấn đề tại Biển Đông, biển Hoa Đông. Điều này thay đổi lập trường của Mỹ lâu nay là không đứng về bên nào trong các tranh chấp lãnh thổ (trừ một số ngoại lệ).