Thursday, November 28, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTrong 2 tuần, Malaysia bắt giữ 25 tàu cá và 123 ngư...

Trong 2 tuần, Malaysia bắt giữ 25 tàu cá và 123 ngư dân Việt nam

Giới truyền thông Malaysia cho biết, từ ngày 2-16/5, lực lượng Cảnh sát biển Malaysia (Malaysian Maritime Enforcement Agency – MMEA) đã bắt giữ 25 tàu cá và 123 ngư dân Việt Nam với cáo buộc “khai thác thủy sản bất hợp pháp trong vùng biển đặc quyền của Malaysia”.

MMEA cho biết, trong 2 tuần, họ kiểm tra 226 tàu và bắt giữ 25 tàu, đều của Việt Nam. Tất cả bị cáo buộc khai thác thủy sản trong vùng biển của Malaysia mà không có giấy phép hợp lệ. Theo số liệu thống kê không chính thức kể từ đầu năm 2018 đến nay, Malaysia đã bắt giữ tất cả 163 tàu đánh cá của Việt Nam trên đó có 1.258 ngư dân. Trong khi đó, theo thống kê của phía Malaysia cho thấy từ năm 2006 đến nay, Malaysia bắt giữ 748 tàu cá Việt Nam với hơn 7.000 ngư dân bị cáo buộc xâm phạm vùng biển Malaysia, khai thác thủy sản bất hợp pháp. 

Chính phủ Malaysia (8/5) đã bất chấp quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nươc, đưa ra cảnh cáo sẽ “đối xử thẳng tay” với ngư dân Việt Nam bị cáo buộc khai thác thủy sản lậu trong vùng biển đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Malaysia trên Biển Đông. Chính phủ Kuala Lumpur còn đang trù tính cả chuyện gia tăng các sự trừng phạt nhằm đối phó với các vụ khai thác thủy sản lậu. Trong những năm qua, Malaysia đã bắt giữ rất nhiều tàu đánh cá của Việt Nam. Ngư dân bị bỏ tù và tàu đánh cá bị tịch thu dù không bị đánh chìm như Indonesia.

Trước đó, Malaysia (4/2019) thành lập một tổ chức đặc nhiệm nhằm đối phó với nạn khai thác thủy sản lậu của các tàu nước ngoài. Đội đặc nhiệm bao gồm lực lượng của các cơ quan khác nhau từ hải quân, cảnh sát biển hoạt động theo dõi giám sát cả trên mặt nước lẫn từ trên cao của lực lượng không quân.

Được biết, từ sau khi tân Thủ tướng malaysia Mahathir Mohamad lên cầm quyền, Malaysia đã có một số sự điều chỉnh chiến lược liên quan vấn đề Biển Đông theo cách cứng rắn và linh hoạt hơn so với chính quyền tiền nhiệm, nhằm đảm bảo duy trì lợi ích của Malaysia tại Biển Đông. Trước đây, Malaysia có truyền thống áp dụng cách tiếp cận “giữ an toàn” ở Biển Đông vừa để bảo vệ yêu sách của nước này vừa để duy trì mối quan hệ song phương quan trọng với Trung Quốc. Trong giai đoạn cầm quyền, chính quyền của cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak duy trì chính sách “không đối đầu, không gây chuyện”, cố gắng tránh xung đột bên ngoài, đặc biệt là xung đột quân sự; ưu tiên việc sử dụng biện pháp chính trị để đảm bảo duy trì lợi ích ở Biển Đông; chủ trương của Malaysia có phần ủng hộ, ngả theo Trung Quốc, song Malaysia cũng tăng cường hợp tác quân sự với các nước trong khu vực và Mỹ. Malaysia cũng đã lựa chọn biện pháp an ninh và chính trị mang tính phòng bị đối với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Chủ yếu bao gồm 3 phương diện: Tăng cường bố trí quân sự, đẩy nhanh nâng cao sức mạnh hải quân; Tăng cường hợp tác an ninh quân sự với thế lực ngoài khu vực chủ yếu là Mỹ, lợi dụng tối đa sự hoài nghi chiến lược lẫn nhau giữa Trung Quốc và Mỹ, để Mỹ cân bằng sức mạnh quân sự và tầm ảnh hưởng khu vực không ngừng tăng lên của Trung Quốc, đạt được mục đích duy trì thế cân bằng ở khu vực Biển Đông; Nỗ lực thúc đẩy ký kết “Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông” (COC), đẩy mạnh hợp tác và liên kết với Philippines, Việt Nam, thúc đẩy đoàn kết nội bộ ASEAN, làm suy yếu ưu thế của lực lượng biển Trung Quốc tại khu vực Biển Đông. 

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad được cho là người theo chủ nghĩa dân tộc, có quan điểm, chủ trương bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia. Liên quan vấn đề Biển Đông, ông Mahathir Mohamad cho rằng Biển Đông nên là một vùng biển hợp tác, kết nối và xây dựng cộng đồng, không phải là nơi đối đầu hay xung đột; Không phải đe dọa quân sự mà tham vấn ngoại giao mới là chìa khóa để xử lý và giải quyết bất cứ tranh chấp liên quốc gia nào ở Đông Á cũng như những nơi khác; Tất cả các nước, dù lớn hay nhỏ, đều được hoan nghênh đóng vai trò xây dựng trong một cộng đồng Đông Á rộng mở thông qua sự hội nhập và tạo thành thị trường lớn hơn, nhưng lợi ích của các nước yếu hơn phải được tôn trọng, bảo vệ và hoàn thiện. Do đó, xu hướng chính sách của Malaysia xoay quanh một số vấn đề: Bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của Malaysia ở Biển Đông; Thúc đẩy phối hợp với các nước liên quan tranh chấp chủ quyền trong khu vực và kêu gọi ASEAN đóng vai trò dẫn dắt và chủ động trong việc xử lý mọi tình huống trên Biển Đông. Tìm cách thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các nước lớn trong cả lĩnh vực chiến lược và kinh tế. Điều này được thể hiện bằng việc Malaysia cam kết duy trì sự trung lập và kêu gọi sự tham gia của tất cả các tác nhân, đồng thời nhấn mạnh vai trò của việc tham vấn, củng cố vai trò trung tâm của ASEAN cũng như mở rộng chủ nghĩa đa phương của tổ chức khu vực này trên nhiều tầng nấc. Tăng cường hợp tác, giao lưu hải quân với các nước trong khu vực và trên thế giới nhằm thúc đẩy sự tin cậy chính trị, nâng cao năng lực hải quân và khả năng ứng phó với những tình huống đột xuất trên biển. Tìm cách ngăn chặn các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông.

Trong vấn đề kiểm soát, ngăn chặn tàu cá nước ngoài đánh bắt cá trong vùng biển của Malaysia, phía Malaysia đã đưa ra một số quy định mới của Chính phủ về việc xử lý tàu thuyền nước ngoài xâm phạm vùng biển Malaysia. Nội dung cụ thể như sau: Theo luật pháp của Malaysia, mọi hành vi xâm phạm trái phép vùng biển đều bị bắt giữ, đưa ra tòa, xử phạt hành chính hoặc phạt tù. Đối với các trường hợp đánh cá trộm thì cách xử lý như sau: Cảnh sát biển Hoàng gia Malaysia sẽ đưa tàu đến bắt giữ và đưa đến cảng gần nhất. Sau khi hoàn thiện hồ sơ ban đầu, số ngư dân, ngư cụ sẽ được giao cho cơ quan Thủy sản, sau đó đưa ra tòa xét xử. Hình thức xử phạt đối với ngư dân vi phạm lãnh hải gồm 11 mức: Mức 01 áp dụng cho tài công: nộp phạt đến 100.000 ringgit, tương đương 26.316 USD (Tỷ giá 01 USD = 3,8 ringgit), nếu không có tiền nộp phạt thì bị 06 tháng tù giam trở lên; Từ mức 02 đến mức 07 áp dụng cho ngư dân: ngư dân nào nằm trong khung này thì phải nộp phạt đến 50.000 ringgit, tương đương 13.158 USD, nếu không có tiền nộp, thì chịu 02 tháng tù giam trở lên; Các mức phạt từ 08 đến 11 áp dụng cho người dưới 18 tuổi: ngư dân nào thuộc đối tượng này sẽ chuyển cho Cục Nhập cư để giải quyết cho về sớm; Tịch thu toàn bộ ngư cụ.

Được biết việc xử lý đối với các trường hợp ngư dân bị bắt ở các nước hết sức phức tạp, tốn nhiều thời gian và chi phí. Hầu hết các trường hợp được phóng thích về nước đều phải đi bằng đường hàng không và phải trải qua nhiều thủ tục khác nhau cả ở phía bạn và trong nước. Với quy định mới này của Malaysia, các chủ tàu đánh và ngư dân phải hết sức lưu ý và triệt để tuân thủ quy định của các nước trong đánh bắt xa bờ để tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra.

RELATED ARTICLES

Tin mới