Monday, January 6, 2025
Trang chủGóc khuất Trung Hoa40 quan chức tề tựu: Hồ sơ vụ án của vợ Mao...

40 quan chức tề tựu: Hồ sơ vụ án của vợ Mao Trạch Đông tính bằng thùng, có chuyên án như phim hành động

Các quan chức này còn chia sẻ về trọng án rúng động liên quan tới tập đoàn tội phạm hơn 600 người của hải quan Trung Quốc.

Báo Tân Kinh (Trung Quốc) ngày 26/5 đưa tin, nhà xuất bản Phương Chính Trung Quốc mới xuất bản cuốn hồi ký về các vụ điều tra tham nhũng từ 40 quan chức thuộc Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc CCDI – kể từ khi cơ quan này được tái thành lập vào tháng 12/1978.

Theo truyền thông Trung Quốc, 40 nhân vật nhận phỏng vấn ở các độ tuổi, kinh nghiệm công tác và vị trí công tác khác nhau, đặc biệt có những người đã tham gia xử lý nhiều trọng án như khôi phục danh dự cho Lưu Thiếu Kỳ hay điều tra nhóm Giang Thanh, Lâm Bưu v.v…

Theo lời kể ông Nhiệm Ái Quân, cựu thành viên CCDI, “dù là tìm người để nói chuyện hay tìm tài liệu, đội ngũ này đều rất tận tụy. Nhờ đó, họ có thể phát hiện vấn đề từ các tài liệu gốc trong cuộc trò chuyện và lôi ra ánh sáng hàng loạt sai phạm vi phạm kỷ luật nghiêm trọng của các quan chức địa phương như trường hợp của Phó Chủ tịch tỉnh An Huy Dương Chấn Siêu v.v…”.

“Trong quá trình thị sát, có nguồn tin muốn phản ánh vấn đề với tổ công tác nhưng họ lại sợ bị trả thù, không sẵn sằng lộ diện, cũng không muốn đến văn phòng của tổ công tác. Chúng tôi sẽ hỏi ý kiến họ qua điện thoại và yêu cầu họ chọn địa điểm.

Có lần, nguồn tin hẹn gặp chúng tôi ở một khách sạn và đề nghị sử dụng ám hiệu để nhận biết. Theo kế hoạch, anh ta sẽ cầm một tờ báo và ngồi đợi trên ghế sofa ở sảnh khách sạn, thành viên tổ công tác tới cuộc hẹn cũng phải cuộn một tờ báo trong tay. Chúng tôi đến chỗ hẹn theo yêu cầu của anh ta. Khi chúng tôi vừa đến khách sạn và thấy ám hiệu thì đối phương lại đứng dậy bỏ đi.

Sau đó, anh ta liên lạc lại và cho biết địa điểm hẹn cũ lắp đặt quá nhiều camera nên muốn tìm một nơi khác an toàn hơn. Sau đó, chúng tôi lại tìm một địa điểm khác và cuối cùng đã thu thập được rất nhiều manh mối hữu ích từ nguồn tin này”, ông Nhiệm kể lại.

Một cựu quan chức chống tham nhũng khác là ông Bành Văn Diệu chia sẻ, các phần tử tham nhũng thường rất sợ tổ công tác điều tra và chỉ cần nghe tin về chuyến thị sát của tổ công tác, họ sẽ chân đập tim run. “Dù tâm lý họ có vững đến mấy thì tổ công tác vẫn phát hiện nghi vấn từ họ”, ông nói.

Lãnh đạo quốc gia đầu tiên bị kết án tử vì tham nhũng

Thành Khắc Kiệt – Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc – là lãnh đạo quốc gia đầu tiên bị kết án tử hình vì tham nhũng sau khi nước Trung Quốc mới được thành lập. Ông Lưu Chấn Bảo – thành viên CCDI đã tham gia vào phiên xét xử Thành Khắc Kiệt cho biết.

Theo lời kể của ông Lưu, vào tháng 12/1999, lãnh đạo CCDI đã ra chỉ đạo yêu cầu đẩy nhanh quá trình xét xử Thành Khắc Kiệt và báo cáo với ủy ban vào trước tết nguyên đán năm đó.

“Chúng tôi đã can thiệp và nhanh chóng chuyển sang phiên tòa chính thức. Các đồng chí của tổ điều tra liên tục gửi hồ sơ vụ án đến văn phòng chúng tôi. Lúc đó, chúng tôi ở trong một văn phòng tương đối lớn, 6 người một phòng, làm việc đến tận đêm muộn. Vì văn phòng không có giường nên mọi người chỉ có thể ngồi hoặc nằm chốc lát trên ghế sofa để nghỉ ngơi và liên tục tăng ca.

Chúng tôi cân nhắc đến mọi trường hợp, đưa ra nhiều phương án, tập trung nghiên cứu, cuối cùng đưa ra quyết định hợp lý nhất và trình lên trung ương sau khi thông qua sự đồng thuận của lãnh đạo CCDI”.

Ông này cho biết, từ góc độ thẩm tra, bản báo cáo về vụ án của Thành Khắc Kiệt là một sự thay đổi rất lớn khi nó thay đổi phương pháp trình bày văn bản của các tài liệu thẩm tra, trở thành văn bản mẫu mực trong một thời gian của các báo cáo thẩm tra sau này.

Cựu quan chức CCDI cũng tiết lộ, quá trình xử lý vụ án của Thành Khắc Kiệt cũng là một quá trình tiên phong khi vụ án được tiếp nhận, giải quyết nhanh chóng, toàn diện. Đến năm 2000, Thành Khắc Kiệt đã bị kết án tử hình với tội danh nhận hối lộ và bị xử tử vào tháng 9 cùng năm.

Tổ chức tội phạm nguy hiểm lẩn trốn trong đội ngũ hải quan

Vào cuối thế kỷ trước, vụ án Viễn Hoa Hạ Môn nhận được nhiều sự chú ý. Đây là vụ án tội phạm kinh tế lớn đầu tiên được điều tra kể từ khi nước Trung Quốc mới được thành lập. Cựu Chủ nhiện phòng giám sát kỷ luật thuộc Văn phòng liên lạc Hồng Kông Điêu Duệ cũng tham gia vào cuộc điều tra.

Theo Điêu Duệ, vào tháng 4/1999, tổ kiểm tra lỷ luật và cục Giám sát trực thuộc Tổng cục Hải quan đã nhận được một đơn thư tố cáo dài 74 trang, tiết lộ tập đoàn tội phạm buôn lậu Viễn Hoa Hạ Môn đã sử dụng nhiều thủ đoạn để buôn lậu hàng chục tỷ hàng hóa.

Vào ngày 20/4, theo chỉ thị của lãnh đạo trung ương Trung Quốc, Cục Giám sát của CCDI đã thành lập “Tổ chuyên án 20.4, huy động lực lượng chuyên trách từ Tổng cục Hải quan, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao để tiến hành điều tra toàn diện.

“Thời gian cho vụ án này rất dài. Tôi đã dành một năm rưỡi trong đội điều tra này. Vụ án liên quan đến hơn 600 người và gần 300 người bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong số đó, gần 150 người bị truy cứu trách nhiệm hình sự do liên quan đến chức vụ. Lại Xương Tinh – kẻ chủ mưu – bỏ trốn sang Canada năm 1999 – đã bị di lý về Trung Quốc vào tháng 7/2011. Lại bị kết an chung thân, tịch thu tài toàn bộ tài sản cá nhân vào ngày 18/5/2012”.

Ông Điêu cho biết, vụ án Viễn Hoa Hạ Môn là đòn trừng phạt nghiêm khắc vào nhóm tội phạm ẩn nấp trong đội ngũ hải quan, qua đó thúc đẩy việc cải thiện thể chế luật pháp, quy định trong ngành hải quan.

Ông này tiết lộ, nhiều cán bộ đã phải khắc phục khó khăn trong quá trình điều tra vụ án trên, đặc biệt là trường hợp của nguyên Phó Bí thư CCDI Hà Dũng.

“Do lịch trình công việc hàng ngày dày đặc, không thể lưu lại Hạ Môn trong thời gian dài để xử lý các vấn đề liên quan nên mỗi tháng, nguyên Phó Bí thư Hà Dũng sẽ dành thời gian cuối tuần tới Hạ Môn làm việc trong vài ngày liên tục. Trong trường hợp xuất hiện các chi tiết quan trọng, ông cũng sẽ kịp thời có mặt, cùng phân tích và thảo luận với các thành viên liên quan của các bên công an và hải quan, từ đó đưa ra chỉ thị cụ thể”.

Giáo dục cảnh tỉnh đa số, trừng phạt thiểu số

Hứa Nghị (sinh năm 1927) bắt đầu công tác tại CCDI vào tháng 2/1979, từng xử lý hồ sơ của nhóm Giang Thanh – vợ Mao Trạch Đông và Lâm Bưu.

Ông này kể lại rằng, vào mùa xuân 1979, trung ương Trung Quốc thành lập tổ lãnh đạo điều tra hai trường hợp kể trên với tổ trưởng là Bí thư thứ ba CCDI bấy giờ là ông Hồ Diệu Bang. Trong đó, Hứa Nghị chịu trách nhiệm thẩm tra các cán bộ từ cấp phó tỉnh, bộ trở lên.

“Nhiệm vụ này rất nặng nề bởi liên quan đến nhiều người nên chúng tôi lại chia thành 6 tổ nhỏ. Tôi phụ trách khu vực Tây Nam, Tây Bắc, cũng có khi tham gia cùng với các tổ khác”.

Ông cho biết, việc làm đầu tiên của ông là nhận tài liệu vụ án Lâm Bưu. Hồ sơ của Lâm Bưu nằm ở Bộ Công an trong khi hồ sơ của “nhóm bốn tên” nằm ở Văn phòng trung ương. Sau khi thu thập, số hồ sơ hai vụ được ông đưa về điều tra lên tới hàng chục thùng, chưa kể hàng bao tài liệu từ các địa phương gửi về.

Hứa chia sẻ, khi đó, phương châm của trung ương đảng và CCDI đối với hai vụ án là “giáo dục cảnh tỉnh đại đa số, đả kích trừng phạt thiểu số” và “khi xử lý hai vụ án, không nên chỉ đứng ở một khía cạnh để nhìn vào sai lầm của đối tượng, mà cần đánh giá sai lầm của họ trong toàn bối cảnh lịch sử”.

“Vì vậy, trong công tác thực tế, chúng tôi phải nắm bắt chính xác chính sách, cố gắng giảm thiểu bản án, hình phạt kỷ luật và hầu hết là giáo dục cảnh tỉnh. Tất nhiên, tinh thần cơ bản nhất là nhìn vào sự thật”, ông Hứa nói rằng, xử lý hai vụ án có ý nghĩa chính trị vô cùng to lớn, đặt nền tảng tư tưởng và nền tảng chính trị cho cải cách và mở cửa trong tương lai.

Xóa án oan cho Lưu Thiếu Kỳ

Ông Dương Du Châm (sinh năm 1927) là thành viên từng tham gia vào vụ án của Lưu Thiếu Kỳ – nguyên Chủ tịch nước Trung Quốc.

Ông này cho biết, vào năm 1979, phiên họp toàn thể đầu tiên của CCDI đã thảo luận quyết định “xử lý các trường hợp tồn đọng, xem xét khắc phục các án sai, án oan” là một trong ba nhiệm vụ quan trọng sau khi tái thành lập CCDI. Trong số đó, vụ án của ông Lưu Thiếu Kỳ có ảnh hưởng nhất và khó khăn nhất.

“Việc đề xuất lật lại vụ án của Lưu Thiếu Kỳ là một quá trình khó khăn”, ông này cho biết nó liên quan đến một số sự kiện chính trị lớn của cuộc Đại cách mạng văn hóa, cũng như một số vấn đề lịch sử và những lãnh đạo cấp cao như Bành Hoài Đức, Dương Thượng Côn – những người đưa ra kết luận sai của vụ án Lưu Thiếu Kỳ.

Vào đầu tháng 2/1979, Tổng cục trưởng Tổng cục địa chất Trung Quốc Tôn Đại Quang đã gửi kiến nghị về việc lật lại vụ án của Lưu Thiếu Kỳ tới trung ương đảng. Thư kiến nghị này sau đó được Ủy ban thường vụ Bộ chính trị trung ương ĐCSTQ phê chuẩn.

Đến ngày 23/2, Bí thư thứ nhất CCDI khi đó là Trần Vân dựa trên thư kiến nghị của Tôn Đại Quang đã chỉ thị cho CCDI, Ban Tổ chức trung ương phối hợp điều tra đại án này.

“Chỉ thị này đối với công tác lật lại hồ sơ vụ án có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nếu không có chỉ thị đó, vụ điều tra sẽ không được tiến hành. Điều này có nghĩa, việc lật lại vụ án phải được sự đồng ý Ban thường vụ Bộ chính trị trung ương, do trung ương quyết định”, ông Dương nói.

Theo ông này, sau hơn nửa năm điều tra kỹ lưỡng và nhiều lần xác minh tài liệu, tội danh trước đây của Lưu Thiếu Kỳ được xóa bỏ. Đến tháng 2/1980, Hội nghị toàn thể lần thứ V khóa XI thông qua nghị quyết phục hồi danh dự cho Lưu Thiếu Kỳ. Ngay sau đó, trung ương đã tổ chức một lễ truy điệu long trọng lớn cho Lưu Thiếu Kỳ tại Đại lễ đường Nhân dân.

RELATED ARTICLES

Tin mới