Wednesday, January 15, 2025
Trang chủĐiểm tinShangri La: 3 chủ đề không thể thiếu, 2 quốc gia luôn...

Shangri La: 3 chủ đề không thể thiếu, 2 quốc gia luôn bất hòa và 1 sự phân hóa sâu sắc cho khu vực

Năm nay là lần thứ 18 đối với diễn đàn Đối thoại Shangri-La ở Singapore. Ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nó là diễn đàn chính trị an ninh lớn nhất.

Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan. Ảnh: Strait Times

Đến hẹn lại lên

Trung Quốc có dựng nên diễn đàn Hương Sơn nhưng không được bên ngoài hưởng ứng nhiều. ASEAN có Diễn đàn ARF nhưng không kết hợp được cả tính chính thức lẫn không chính thức như Đối thoại Shangri-La ở Singapore.

Ở khu vực châu Âu có Hội nghị An ninh Munich (Đức). Trong thời gian khá dài, cả diễn đàn an ninh ở Munich và ở Singapore đều được coi như những chiếc hàn thử biểu về chính trị an ninh thế giới, khu vực và châu lục.

Và cũng theo thời gian, chúng trở thành sự kiện đến hẹn lại lên, gây ồn ào thời gian ngắn để rồi nhanh chóng bị quên lãng cho tới năm sau. Nhưng điều ấy cũng không có gì lạ bởi ngay đến cả những khuôn khổ diễn đàn như G7, G8 hay G20, thậm chí cả Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos (Thuỵ Sỹ) thì cũng như thế cả.

Đối thoại Shangri-La Singapore năm nay vì thế cơ bản vẫn như cũ. Năm nào cũng vậy, ba chủ đề nội dung không thể thiếu trên chương trình nghị sự và cũng được quan tâm để ý đến nhiều hơn cả là mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, tình hình chính trị an ninh ở khu vực Biển Đông – mà tập trung chính vào chính sách và hoạt động của Trung Quốc cũng như cọ sát giữa Mỹ và Trung Quốc – và vấn đề chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Đối thoại Shangri-La năm nay có mới ở bối cảnh tình hình và ở nhân sự tham gia từ phía Mỹ và Trung Quốc.

Giữa Mỹ và Trung Quốc hiện không chỉ đơn thuần có xung khắc thương mại mà còn có cạnh tranh chiến lược quyết liệt công khai trên mọi phương diện, khiến cho mối quan hệ song phương này không được bình thường, không thể được coi là êm thấm và báo hiệu tình trạng này sẽ còn kéo dài.

Mỹ và Trung Quốc không chỉ tiếp tục bất hoà về Đài Loan và vì Đài Loan mà còn cọ sát lợi ích trực tiếp ngày càng thêm gay gắt ở khu vực Biển Đông.

Chơi nhau và đáp trả nhau cả trên dư luận lẫn bằng biện pháp chính sách cụ thể giữa Mỹ và Trung Quốc được biểu lộ hết ở diễn đàn này.

Lần đầu tiên kể từ năm 2011, Trung Quốc lại cử Bộ trưởng Quốc phòng đến Singapore tham dự sự kiện. Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan lần đầu tiên tham dự. Hai người này có gặp nhau và đương nhiên khẩu chiến nhau quyết liệt ở diễn đàn – như đại diện của hai bên vẫn làm ở những lần diễn đàn trước đó.

Lần đối thoại này, người mới thật đấy ở cả hai phía, nhưng nội dung phát biểu của họ tại diễn đàn lại gần như không có gì mới. Nội dung cũ nhưng được thể hiện với tông độ mới trong bối cảnh tình mới nên tạo cảm nhận như thể căng thẳng hơn, gay cấn hơn.

Mỹ vẫn giữ nguyên những cáo buộc lâu nay về Trung Quốc ở biển Hoa Đông và ở khu vực Biển Đông, vẫn quả quyết không để cho Trung Quốc muốn làm gì thì làm và vẫn cam kết hỗ trợ các bên liên quan khác đối phó Trung Quốc để ngăn ngừa những mưu tính chiến lược của Trung Quốc ở cả hai khu vực.

Trung Quốc vẫn khẳng định những quan điểm và biện luận lâu nay liên quan đến tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và Đài Loan, vẫn quả quyết Trung Quốc đúng và Mỹ sai cũng như vẫn tỏ ra sẵn sàng chơi mọi cuộc chơi với Mỹ ở khu vực này.

Trung Quốc muốn phân hoá Mỹ với các nước khác trong khu vực, còn Mỹ không hẳn tìm cách tập hợp lực lượng trong khu vực để cùng đối phó Trung Quốc mà muốn thể hiện cho Trung Quốc và các nước phải thấy là chuyện ở khu vực là chuyện của cả Mỹ, các bên có làm gì thì cũng phải lưu ý đến Mỹ.

Lựa chọn của mỗi nước

Ở Singapore có ý kiến cho rằng Mỹ và Trung Quốc đẩy các nước trong khu vực phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trên thực tế hiện chưa phải như vậy. Vì hai lý do.

Thứ nhất là cọ sát lợi ích chiến lược và bất đồng quan điểm giữa Mỹ và Trung Quốc ở khu vực chưa đến mức Mỹ hay Trung Quốc thấy cần thiết phải đẩy các nước khác đến trước sự lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc.

Thứ hai là cả hai đều ý thức được rằng không thể ép buộc tất cả các nước trong khu vực, một vài nước thì có thể, lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuỳ lúc, tuỳ thời và trong từng vụ việc cụ thể, các nước sẽ lựa chọn cái có lợi nhất hoặc ít nhất thì cũng là cái ít bất lợi nhất đối với họ.

Họ không lựa chọn Mỹ hay Trung Quốc làm đồng minh mà lựa chọn lợi ích thiết thực của họ khi thể hiện quan điểm thái độ về chính sách và hành động của Trung Quốc và Mỹ ở khu vực.

Cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc còn dai dẳng dài dài. Những vấn đề ở khu vực Đông Bắc Á và ở Biển Đông cũng chưa thể sớm được giải quyết ổn thoả.

Cấu trúc về khu vực lớn Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương mà Mỹ muốn cùng Ấn Độ, Nhật Bản và Australia gây dựng chưa biết đến khi nào mới định hình và tác động tới những gì đang tồn tại ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương đến đâu. Cho nên Đối thoại Shangri-La Singapore sang năm rồi sẽ giống nhiều hơn khác năm nay.

RELATED ARTICLES

Tin mới