Lượng xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc đã giảm trong tháng 5 nhưng không giảm quá nhiều, Mỹ băn khoăn không biết Bắc Kinh đã “chơi chiêu” hay chưa.
Reuters ngày 10/6 thông tin, xuất khẩu đất hiếm trong tháng 5 của Trung Quốc đã giảm trong bối cảnh truyền thông Bắc Kinh từng hăm dọa ngừng cung cấp cho Mỹ những khoáng chất được sử dụng để sản xuất một loạt các thiết bị điện tử tiêu dùng.
Theo số liệu Hải quan Trung Quốc mà Reuters có được, nước này đã xuất khẩu 3.639,5 tấn đất hiếm vào tháng trước, giảm 689.5 tấn (khoảng 16%) lượng xuất khẩu đất hiếm so với tháng 4 (khoảng 4.329 tấn). Lượng đất hiếm Trung Quốc xuất khẩu trung bình hàng tháng từ tháng 1/2018 ở ngưỡng 4.264 tấn.
Hoạt động xuất khẩu đất hiếm ra nước ngoài trong 5 tháng đầu năm 2019 giảm 7.2% xuống 19,265 tấn so với cùng kỳ năm trước.
Mức giảm này lập tức được gắn với cuộc đối đầu thương mại với Mỹ khi truyền thông Bắc Kinh từng đồn đoán về khả năng sẽ sử dụng đất hiếm như cú trả thù vào những gì mà Washington đã áp đặt lên hãng công nghệ viễn thông khổng lồ của nước này là Huawei.
Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (USITC) cho thấy, Washington hiện vẫn phụ thuộc vào đất hiếm từ Bắc Kinh. Mỹ đang là quốc gia nhập khẩu đất hiếm đã qua xử lý lớn nhất thế giới, trong đó 59% lượng nhập khẩu đất hiếm (trị giá 92 triệu USD) đến từ Trung Quốc.
Trong bối cảnh hai nước chưa có động thái nào nhằm thay đổi cục diện đối đầu thương mại hiện nay theo hướng tích cực thì mức sụt giảm về lượng đất hiếm xuất khẩu của Bắc Kinh là cần đặt một dấu hỏi lớn.
Dẫu vậy, Reuters đánh giá rằng, mức giảm lượng xuất khẩu của Trung Quốc là phù hợp với sự thay đổi thông thường về thương mại. Mặt hàng đất hiếm này từng có những thời điểm dao động mạnh về khối lượng xuất khẩu. Giữa hai tháng liên tiếp thậm chí chênh lệch lên tới 20%.
Điều này càng khiến giới đầu tư hoang mang, thực sự thì đây có phải là chiêu bài mà Bắc Kinh muốn sử dụng đến hay không?
Các chuyên gia hiện vẫn chưa nhất quán trong việc đánh giá tác động của biện pháp ngưng xuất khẩu đất hiếm của Bắc Kinh. Liệu nó có thể là một yếu tố thay đổi cuộc chơi trong cuộc chiến tranh thương mại đang diễn ra hay không.
Một số ý kiến cho rằng, căn cứ vào những dữ liệu thương mại hiện tại, Mỹ hiện phụ thuộc nhiều vào nguồn cung của Trung Quốc. Do đó, việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu đất hiếm có thể gây tổn hại cho các ngành công nghiệp của Mỹ như công nghiệp quốc phòng và ô tô, thậm chí là cả sản xuất vũ khí quốc phòng.
Chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 5 khi tới một nhà máy đất hiếm đã thúc đẩy suy đoán rằng Trung Quốc sẽ sử dụng vị trí thống trị của mình (sản xuất 70% lượng đất hiếm trên thế giới, số liệu năm 2018) để làm đòn bẩy trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến khác nói rằng công nghiệp sản xuất của Mỹ không tiêu thụ nhiều đất hiếm, bên cạnh đó, họ có thể có được những nguồn cung khác Trung Quốc. Vì vậy, khả năng Bắc Kinh sử dụng các khoáng sản này để trả đũa Washington sẽ có ít tác dụng.
Qiao Yide, Phó Chủ tịch của Cơ quan Nghiên cứu Phát triển Thượng Hải (SDRF) – một tổ chức phi lợi nhuận được thiết lập với mục đích thúc đẩy nghiên cứu về các vấn đề phát triển nhận định: “Trung Quốc vẫn nên mang thái độ cởi mở về căng thẳng thương mại, đối xử với các thỏa thuận thương mại và các công ty nước ngoài một cách thân thiện. Ngay cả khi hai bên không thể tiến tới thỏa thuận thương mại trong tương lai, Trung Quốc nên cải cách thị trường để nó trở nên công bằng và minh bạch trên hệ thống thương mại toàn cầu”.