Friday, May 3, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaChính sách Biển Đông của Trung Quốc, hệ lụy nào cho quan...

Chính sách Biển Đông của Trung Quốc, hệ lụy nào cho quan hệ Trung – Việt

Trong tư duy chiến lược và tìm tòi phương cách để phát triển đất nước, các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc đều khá giống nhau ở mục tiêu chiến lược là đưa Trung Quốc trở thành cường quốc thế giới. Họ cũng khá giống nhau ở việc xem xét, đánh giá giá trị của Biển Đông và đều coi đây là một trong những phương cách để đạt mục tiêu chiến lược trên. Từ đó, họ nhất quán tham vọng “độc chiếm” vùng biển này, qua đây xâm nhập, chi phối các nước Đông Dương, Đông Nam Á trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, quân sự… tạo điều kiện cho mở rộng vai trò và ảnh hưởng của Trung Quốc ra khu vực châu Á – Thái Bình Dương và trên toàn thế giới.

Từ năm 1949 đến nay, Trung Quốc đã thực thi những chính sách khác nhau đối với Biển Đông nhưng đều hướng theo mục tiêu nhất quán là “từng bước thu hồi chủ quyền, thực hiện độc chiếm, tiến ra Thái Bình Dương, tạo điều kiện thuận lợi đi vào Ấn Độ Dương, phấn đấu xây dựng Trung Quốc trở thành cường quốc biển”. Sự khác nhau của những chính sách đối với Biển Đông là do phải căn cứ vào bối cảnh tình hình khách quan, chủ quan, điều kiện khả năng trong nước, quốc tế và so sánh tương quan lực lượng giữa các bên liên quan đến Biển Đông tại mỗi giai đoạn, hoàn cảnh lịch sử khác nhau. Tuy nhiên, tựu trung lại trong 70 năm qua, những chính sách nổi bật mà Trung Quốc thực hiện đối với Biển Đông là: 1/ Đòi hỏi “chủ quyền” toàn bộ đối với Biển Đông và tìm mọi cách hợp lý hóa về mặt pháp lý đối với đòi hỏi “chủ quyền” trên; 2/ Thúc đẩy triển khai “chiến lược phát triển kinh tế biển” nhằm hỗ trợ cho chiến lược Biển Đông; 3/ Đẩy mạnh thực hiện các kế hoạch thăm dò và khai thác dầu khí ở Biển Đông; 4/ Tăng cường xây dựng sức mạnh quân sự, trong đó ưu tiên phát triển lực lượng hải quân, không quân và lực lượng chiến lược nhằm mục đích khống chế, kiểm soát Biển Đông, đồng thời ngăn chặn sự can thiệp của các nước khác; 5/ Thúc đẩy chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác”, phân hóa các nước ASEAN, kéo dài thời gian để tìm thời cơ thích hợp thực hiện mục tiêu chiến lược đối với Biển Đông. Những chính sách nêu trên được vận dụng và thực hiện với mức độ ráo riết, quyết liệt hay từ từ, thong thả; biện pháp, thủ đoạn cứng hay mềm, nông hay sâu cũng khác nhau ở từng giai đoạn, nhưng hầu hết đều nhằm vào Việt Nam, nước có mâu thuẫn, bất đồng và tranh chấp lớn nhất, chủ yếu nhất với Trung Quốc về chủ quyền ở Biển Đông. Vì thế, quan hệ Trung Quốc – Việt Nam trong những năm qua cũng đã phải hứng chịu khá nhiều hệ lụy do việc thực hiện các chính sách trên đối với Biển Đông của Trung Quốc gây ra. Cụ thể như sau:  

Thứ nhất, chính sách Biển Đông của Trung Quốc tạo ra sự căng thẳng đa chiều trong quan hệ bình thường giữa hai nước, làm suy giảm sự tin cậy chính trị và tình cảm hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

Quan hệ Trung – Việt được xây dựng và thiết lập trên cơ sở nền tảng là hai quốc gia láng giềng có lịch sử quan hệ lâu đời, nhất là sau khi nhà nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa ra đời thì lại có cơ sở chung là cùng con đường xây dựng Chủ nghĩa xã hội, cùng do đảng Cộng sản cầm quyền và lãnh đạo ở hai nước. Nhưng, chính sách Biển Đông mà Trung Quốc thực hiện ngay từ những năm 50 của thế kỷ trước đã khiến cho quan hệ hai bên có những lúc “bằng mặt nhưng không bằng lòng”, thậm chí “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” trên tất cả các bình diện. Về chính trị, ngoại giao, những chính sách Biển Đông mà Trung Quốc đưa ra luôn vấp phải phản ứng không ít thì nhiều của chính phủ và nhân dân Việt Nam. Thỉnh thoảng người ta lại thấy phương tiện truyền thông hai nước phát ra các tuyên bố phản đối, lên án lẫn nhau; quan hệ ngoại giao song phương chùng xuống; các chuyến viếng thăm qua lại bị hủy bỏ; nhiều cuộc tiếp xúc chính thức giữa lãnh đạo hai nước bị đình hoãn hoặc nếu có diễn ra thì đều trong bối cảnh căng thẳng, không tin tưởng lẫn nhau. Sau một khoảng thời gian nhất định, Trung Quốc lại xuống thang, làm hòa, lại lấy “tình hữu nghị láng giềng liền núi, liền sông” ra để khuyên Việt Nam “lấy đại cục làm trọng”. Lúc nào căng quá, muốn cứu vãn thì lại lấy “4 tốt, 16 chữ vàng” ra để ca ngợi… Về kinh tế, chính sách của Trung Quốc làm cho căng thẳng ở Biển Đông leo thang dẫn tới giao lưu kinh tế hai nước bị đình trệ, người dân Việt Nam và Trung Quốc tẩy chay mua bán hàng hóa của nhau, thị trường du lịch bị tác động mạnh mẽ. Sự thiếu thiện cảm đối với Trung Quốc của người Việt Nam trở nên đáng lo ngại. Những động thái trên làm cho nền kinh tế cả hai nước đều thiệt hại, ảnh hưởng tới việc GDP phát triển chậm ở mỗi nước. Về quốc phòng an ninh, các hành động trong chính sách Biển Đông nhằm thực hiện “giấc mơ Trung Hoa” và “xây dựng cường quốc biển” của Trung Quốc đã làm cho Biển Đông trở thành một trong những vùng biển nóng nhất trên thế giới, làm ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh, chủ quyền biển đảo của cả Việt Nam lẫn Trung Quốc. Trở thành một trong những nguyên nhân thúc đẩy hai nước cùng gia tăng tiềm lực quốc phòng trong thời gian qua. Điều đáng quan ngại nhất, lòng tin chính trị giữa hai nước cứ bị mài mòn dần, đến nỗi mà ngay người Trung Quốc cũng bắt đầu không tin vào mối quan hệ với Việt Nam nữa. Bằng chứng là kênh thời sự quốc tế của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV4) ngày 18/04/2015 phát sóng bình luận với tiêu đề “Thuật cân bằng giữa các nước lớn của Việt Nam” đã thể hiện quan điểm cho rằng: “Việt Nam lúc nào cũng xem Trung Quốc là kẻ thù hàng đầu nhưng không dám công khai nói ra. Nhưng với tư tưởng này, có khả năng một số chính sách đối ngoại hay tính toán chủ yếu của Việt Nam là xuất phát từ quan điểm đề phòng Trung Quốc”. Đáng tiếc là đài này đã không đặt câu hỏi, tại sao Việt Nam lại như thế.

Thứ hai, chính sách Biển Đông của Trung Quốc đã làm gia tăng thêm tính bất cân xứng vốn đã tồn tại từ lâu trong quan hệ hai nước.

Trước hết, đó là sự thể hiện thái độ nước lớn đối với nước nhỏ từ một số người có trách nhiệm và ảnh hưởng ở Trung Quốc. Tại Trung Quốc, những người Trung Quốc có tư tưởng dân tộc cực đoan chưa bao giờ coi Việt Nam là mảnh đất độc lập. Họ luôn coi Việt Nam là một phần của Trung Quốc và luôn nhắc đi nhắc lại luận điệu Trung Quốc là người anh lớn, Việt Nam là người em nhỏ, biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) sẽ sớm là biển quốc nội của Trung Quốc. Thậm chí, có những phe cánh luôn muốn “dạy” tiếp cho Việt Nam một bài học mới sau nhiều sự kiện diễn ra tại Biển Đông. Trong các cuộc tiếp xúc song phương, kể cả ở cấp cao, phía Trung Quốc luôn đơn phương yêu cầu phía Việt Nam không được đề cập tới vấn đề Hoàng Sa. Coi đây như là vấn đề mặc nhiên không bàn cãi nữa. Các phương tiện truyền thông đại chúng của Trung Quốc luôn đăng tải những bài báo và chương trình phản ánh sai sự thật về Việt Nam, lịch sử Việt Nam và quan hệ Việt Nam – Trung Quốc… Đặc biệt, tốc độ hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc, trong đó có việc gia tăng đáng kể sức mạnh Hạm đội Nam Hải, cùng các lực lượng chấp pháp khác tại Biển Đông hiện nay làm cho sự bất cân xứng về sức mạnh quân sự cũng như quân sự hóa dân sự của Trung Quốc so với Việt Nam ngày càng lớn hơn. Sự bất cân xứng này còn thể hiện cả đối với nhiều nước khác trong khu vực. Thực tế, sức mạnh quân sự của Trung Quốc hiện tại đang đứng thứ ba thế giới, sau Mỹ, Nga, còn Việt Nam chỉ đang đứng thứ 23 thế giới và thứ 3 Đông Nam Á. Trên thực địa, Trung Quốc đã tập trung một lực lượng hùng mạnh về hải quân, không quân cho khu vực Biển Đông, ngang nhiên bồi đắp nhiều đảo nhân tạo, xây dựng thành nhiều “căn cứ” quân sự mới tại khu vực này. Vì vậy, sự bất cân xứng về sức mạnh quân sự giữa hai nước tại đây là rất lớn. Điều này đã và đang đe dọa an ninh chủ quyền của Việt Nam, làm cho quan hệ hai nước trở nên căng thẳng.

Thứ ba, chính sách Biển Đông của Trung Quốc đã kéo nhiều nước ngoài khu vực can dự vào, làm tăng nguy cơ Trung Quốc xung đột với các nước đó và tạo cơ hội cho Việt Nam tranh thủ được nhiều bạn bè vốn là đối thủ của Trung Quốc.

Nhà Biển Đông học người Nga Lokshin G. trong cuốn “Biển Đông: Chặng đường thỏa thuận khó khăn” cũng như các nhà khoa học khác như Dmitry Mosyakov, Evgeny Kobelev đều cho rằng, Trung Quốc là nguyên nhân chính của các cuộc xung đột diễn ra ở Biển Đông. Họ đã có lý khi nhìn thấy một loạt hành động từ phía Trung Quốc trên Biển Đông gây sự cố tổn hại đến quan hệ Trung – Việt như cắt cáp tàu thăm dò Bình Minh 02, hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981, bồi đắp 7 bãi cạn, đá ngầm tại Trường Sa, đơn phương cấm đánh bắt cá ở Biển Đông… Những hành động trên, dưới con mắt của các nhà khoa học được cho là không tuân thủ luật pháp quốc tế, không chỉ tác động ảnh hưởng đến Việt Nam và quan hệ Trung – Việt mà còn đe dọa đến tự do hàng hải và an ninh trong khu vực. Nó khiến cho nhiều cường quốc ngoài khu vực có lợi ích ở đây phải tập trung mọi nỗ lực, kể cả hiện diện quân sự nhằm bảo vệ lợi ích của mình. Từ đó dẫn đến những ảnh hưởng trong quan hệ song phương của chính Trung Quốc với các nước đó. Tiêu biểu cho những nỗ lực và hiện diện đó là sự can dự quyết liệt của Hoa Kỳ trong vài năm gần đây nhưng lại bị Trung Quốc cho là thiên vị Việt Nam, Philippines và kiềm chế Trung Quốc. Nếu như trước đây, khi nói đến xung đột ở Biển Đông, người ta thường chỉ đề cập đến xung đột lợi ích giữa Trung Quốc với Việt Nam, Philippines và các nước ASEAN khác, thì nay đã xảy ra xung đột giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Gần đây, Hoa Kỳ đã không ít lần phớt lờ lời cảnh báo của Trung Quốc, điều máy bay đến gần các rạn san hô, nơi Trung Quốc đã bồi đắp một cách bất hợp pháp thành các đảo nhân tạo, biến nó thành các cơ sở hạ tầng cho lực lượng hải quân và không quân, trong đó có cả sân bay hiện đại. Mới đây nhất, tàu khu trục của Hải quân Hoa Kỳ đã di chuyển qua các khu vực mà Trung Quốc tuyên bố cấm đối với tàu quân sự. Rõ ràng là, vào bất cứ thời điểm nào, tất cả những hành động như vậy đều có thể dẫn đến một cuộc xung đột quân sự với hậu quả khó lường giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Nhưng trong một diễn biến khác, quan hệ của Việt Nam với các nước trong và ngoài khu vực có liên quan lại phát triển, mở rộng bởi trong cái thế bất cân xứng như nói ở phần trên, Việt Nam đương nhiên không thể chịu phận “lép vế” một mình mà phải kết bạn bè, tranh thủ ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Nổi bật là quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, theo thời gian lại ngày một trở nên hữu nghị hơn, hiểu biết hơn, gắn bó hơn. Cái sự gắn bó đó có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng phải thành thật mà nói rằng, có một phần là bởi động lực được tạo ra từ những căng thẳng do Trung Quốc gây ra với Việt Nam. Thậm chí, có lúc Trung Quốc cũng phải lo ngại sức ép của mối quan hệ trên mà bóng gió đánh tiếng với Việt Nam rằng “nước xa không cứu được lửa gần”. Kỳ thực, chính Trung Quốc không nhận ra “lửa gần” sẽ đốt cháy chính họ nếu không dừng lại những hành động quá đà. Mặc dù Trung Quốc muốn Biển Đông chỉ là “câu chuyện” giữa họ với các nước có tranh chấp liên quan như Việt Nam, Philippines, Malaysia… hoặc cùng lắm là với ASEAN. Không có bất kỳ nước ngoài khu vực nào “nhúng mũi” vào. Nhưng trớ trêu, chính sách Biển Đông của Trung Quốc đã không những không đẩy được các nước ngoài khu vực ra khỏi Biển Đông mà còn tạo lý do chính đáng để các nước can dự mạnh mẽ. Đúng là Trung Quốc đã tự vác đá đập chân mình.

Để tránh những hệ lụy không nên và không đáng xảy ra trong quan hệ Trung – Việt, những người lãnh đạo ở Trung Quốc nên với thiện chí chính trị và tầm nhìn chiến lược, dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế để giải quyết thỏa đáng vấn đề Biển Đông, đem lại lòng tin cho quan hệ hai nước, góp phần vào an ninh chung trong khu vực và trên thế giới.

RELATED ARTICLES

Tin mới