Saturday, November 16, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiDự luật dẫn độ Hong Kong: Nguồn gốc, tranh cãi và thách...

Dự luật dẫn độ Hong Kong: Nguồn gốc, tranh cãi và thách thức

Việc thi hành luật dẫn độ một khi được thông qua không hề đơn giản với các vấn đề chính trị giữa Hong Kong – Đài Loan – Trung Quốc đại lục và căng thẳng quốc tế.

Dù được Anh trao trả về Trung Quốc (TQ) năm 1997 nhưng Hong Kong vẫn được giữ quyền tự trị và quyền có hệ thống tòa án riêng biệt. Hiện chính quyền Hong Kong đang chuẩn bị thông qua một dự luật cho phép dẫn độ nghi phạm, tội phạm sang TQ đại lục.

Người dân Hong Kong lo dự luật này sẽ giúp TQ đại lục dễ dàng bắt giữ người tại Hong Kong với nhiều lý do, kể cả lý do chính trị, đồng thời làm suy yếu sự độc lập của hệ thống tư pháp Hong Kong. Trái lại, chính quyền Hong Kong cho rằng dự luật dẫn độ sẽ góp phần hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật hiện tại của Hong Kong.

Ngày 9-6, hơn 1 triệu người Hong Kong xuống đường biểu tình phản đối dự luật. Cuộc biểu tình theo đánh giá của hãng tin Reuters là có quy mô lớn nhất Hong Kong trong nhiều năm nay đã kết thúc vào tối cùng ngày và không đủ sức làm cho chính quyền đặc khu thay đổi quyết định.

Sáng 10-6, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, Trưởng đặc khu Hong Kong, nói bà không có kế hoạch rút điều khoản cho phép dẫn độ nghi phạm, tội phạm sang TQ đại lục ra khỏi dự luật đang bị tranh cãi. Theo bà Lâm, “đây là điều khoản rất quan trọng của luật, giúp giữ vững công lý và đảm bảo Hong Kong tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ quốc tế liên quan các tội phạm xuyên biên giới và xuyên quốc gia”.

Hai yếu tố quan trọng: Đài Loan, TQ đại lục

Trước hết cần nói đến yếu tố Đài Loan. Việc xúc tiến bàn thảo dự luật dẫn độ bắt đầu với vụ một thanh niên Hong Kong tên Chan Tong-kai bị cáo buộc giết bạn gái đang mang thai khi cả hai đến Đài Bắc (Đài Loan). Chan Tong-kai chạy về Hong Kong để tránh bị bắt, bị truy tố.

Dù bắt giữ Chan Tong-kai nhưng theo luật Hong Kong, tòa án ở đây không thể xét xử những vụ án xảy ra bên ngoài lãnh thổ Hong Kong. Mặt khác, các điều khoản trong sắc lệnh tội phạm bỏ trốn hiện tại của Hong Kong quy định đặc khu này không được phép chuyển giao nghi phạm, tội phạm với chính quyền trung ương TQ hay với bất kỳ lãnh thổ nào của TQ (trong đó có Đài Loan). Và vì thế, chính quyền Hong Kong không thể dẫn độ Chan Tong-kai sang Đài Loan. Chính quyền Hong Kong nhận ra sắc lệnh tội phạm bỏ trốn hiện tại cần được cập nhật để bịt lỗ hổng luật pháp này.

Tuy nhiên, thời điểm này Đài Loan lại bước vào giai đoạn tranh cử lãnh đạo và đương kim lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn nói không với dự luật dẫn độ – điều bà cho là sẽ hủy hoại vị thế của Đài Loan trong mối quan hệ rất đặc thù với chính quyền Bắc Kinh. Phức tạp hơn, cảnh sát Đài Loan dù trước đó có nhờ đến sự giúp đỡ của các đồng nghiệp Hong Kong để bắt Chan Tong-kai thì giờ lại không đề nghị thêm bất kỳ điều gì liên quan đến việc dẫn độ, xét xử nghi phạm.

Yếu tố quan trọng thứ hai là TQ đại lục. Chính quyền Bắc Kinh bắt đầu với tâm thế là bên ủng hộ thụ động dự luật lần này, nếu không muốn nói chỉ là một nhà quan sát. Nhưng sau đó TQ đại lục bắt đầu tham gia và ủng hộ mạnh chiến dịch của bà Lâm nhằm tìm đủ lá phiếu thông qua dự luật tranh cãi này.

Điều gì tiếp theo một khi dự luật được thông qua?

Theo lời bà Lâm, dự luật dẫn độ vẫn sẽ được đưa vào bỏ phiếu trong tháng 6 như dự kiến. Khả năng lớn dự luật sẽ được thông qua vào mùa hè này, vì chính quyền Hong Kong có đủ sự ủng hộ trong hội đồng lập pháp. Một khi được thông qua, luật sẽ cho phép chính quyền Hong Kong dẫn độ các nghi phạm, tội phạm sang các lãnh thổ mà Hong Kong không có thỏa thuận dẫn độ chính thức, trong đó có TQ đại lục, Đài Loan, Macau.

Chính sách “một đất nước, hai hệ thống” giữa Hong Kong và TQ đại lục một khi bị tổn hại có thể gây rủi ro cho vị thế đặc biệt lâu nay của Hong Kong trong các vấn đề quốc tế.

Bộ Ngoại giao Mỹ

SCMP nhận định việc dự luật dẫn độ được giới thiệu trong thời điểm này là không phù hợp. Tuy nhiên, điều này chưa quan trọng bằng việc dự luật được thông qua mới chỉ là bước khởi đầu của một tiến trình dài đầy thách thức đối với chính quyền Hong Kong.

Với TQ đại lục cũng không dễ dàng. Giữa TQ và Mỹ vẫn đang vướng cuộc chiến thương mại căng thẳng, TQ cũng cảm thấy bất tiện với sự quan ngại và kháng cự từ các doanh nghiệp, chính phủ nước ngoài với dự luật dẫn độ của Hong Kong.

Trước mắt, dù mới là dự luật nhưng đã gặp phản đối không chỉ nội bộ Hong Kong mà còn cả từ phía Mỹ và Liên minh châu Âu. Nhiều nước lo ngại dự luật sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng là một trung tâm tài chính quốc tế của Hong Kong, đồng thời cảnh báo những người nước ngoài bị TQ truy nã sẽ né Hong Kong vì sợ bị bắt dẫn độ sang TQ.

RELATED ARTICLES

Tin mới