Cố vấn của chính phủ Trung Quốc tiết lộ nguyên nhân khiến đàm phán thương mại với Mỹ sụp đổ, cho rằng Washington đòi hỏi quá nhiều.
“Mỹ yêu cầu Trung Quốc thay đổi các điều luật, không phải một hoặc hai mà vô cùng nhiều, có thể tới hàng trăm điều. Bắc Kinh không thể thay đổi nhiều như thế”, ông Shi Yinhong, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân đồng thời là cố vấn của chính phủ Trung Quốc, hôm nay cho biết, nói thêm rằng đây là yếu tố chính khiến đàm phán thương mại song phương sụp đổ.
Ông Shi giải thích rằng khoảng cách giữa hai nước ngày càng lớn do Washington đề nghị áp dụng một cơ chế thực thi mạnh mẽ nhưng Bắc Kinh muốn linh động hơn trong việc thực hiện thỏa thuận thương mại. “Từ đầu tháng 5, Trung Quốc bắt đầu nghĩ rằng không có thỏa thuận nào còn tốt hơn việc đạt được thỏa thuận bất lợi”, ông nói.
Hồi đầu năm, Mỹ và Trung Quốc đều hy vọng đạt được thỏa thuận chấm dứt tình trạng đánh thuế lẫn nhau. Tuy nhiên, quá trình này gặp trở ngại sau khi Tổng thống Donald Trump yêu cầu những điều khoản ràng buộc hơn. Washington đã đưa cho Bắc Kinh danh sách hàng trăm vụ vi phạm sở hữu trí tuệ mà họ muốn giải quyết.
Shi cho biết khi Trung Quốc đưa ra “những cam kết chung”, phía Mỹ lại coi rằng đây là những cam kết “cố định và cụ thể”. Ông đánh giá chiến tranh thương mại không chỉ là xung đột về kinh tế mà còn là nỗ lực của Mỹ nhằm thay đổi cách chính quyền Trung Quốc điều hành hoạt động kinh tế trong và ngoài nước.
Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung bắt đầu vào tháng 7/2018 khi Mỹ áp thuế nhập khẩu lên 34 tỷ USD hàng Trung Quốc, cáo buộc nước này vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và có các hoạt động thương mại không công bằng.
Căng thẳng giữa hai nước leo thang từ khi Tổng thống Trump tăng thuế lên 25% với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc hồi tháng trước, đồng thời đe dọa áp thêm thuế lên 300 tỷ USD hàng Trung Quốc nữa. Bắc Kinh trả đũa bằng việc nâng thuế với 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ đã chịu thuế từ năm ngoái.
Giới quan sát đánh giá chiến tranh thương mại Mỹ – Trung là một phần của cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa hai siêu cường và đang lan sang các lĩnh vực khác. Mỹ gần đây ra các lệnh cấm nhắm vào tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc và chỉ trích các hoạt động “đe dọa chủ quyền nước khác” của Bắc Kinh tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore, trong khi Trung Quốc tuyên bố sẽ không nhượng bộ Mỹ trong các vấn đề mang “giá trị cốt lõi”.
Nhiều chuyên gia lo ngại chiến tranh thương mại Mỹ – Trung kéo dài có thể ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế thế giới, thậm chí có thể gây nên tình trạng suy thoái trên toàn cầu.