Tuy không liên quan trực tiếp đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, song hòa bình, ổn định ở khu vực có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của Hàn Quốc. Những năm gần đây, Hàn Quốc đã tích cực thúc đẩy giải quyết hòa binh tranh chấp Biển Đông dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Lợi ích của Hàn Quốc tại Biển Đông
Khu vực Biển Đông, xét về mặt địa lý, là một khu vực cách xa Hàn Quốc. Nước này đối với tranh chấp Biển Đông cũng không có bất cứ tuyên bố chủ quyền, lẫn vùng biển chồng lấn nào. Hai yếu tố trên được các nhà quan sát cho là những nguyên nhân quan trọng dẫn tới việc Seoul giữ thái độ im lặng trong suốt thời gian nổi sóng tại khu vực này trong thời gian vừa qua.
Những ý kiến trên không sai, nhưng nó chỉ phản ánh một phần của toàn bộ vấn đề. An ninh hàng hải trên tuyến đường huyết mạch qua eo biển Malacca và những nỗ lực cân bằng tam giác Hàn – Mỹ – Trung cần được đề ra như một cơ sở lý luận cho mọi phân tích. Biển Đông đóng vai trò là một phần của cấu trúc an ninh tại châu Á – Thái Bình Dương, là cơ sở của sự hợp tác hay ngược lại – sự đối đầu của các quốc gia. Với những lợi ích, cơ hội và nghĩa vụ gìn giữ sự ổn định của khu vực, Hàn Quốc có thể đóng một vai trò nhất định trong việc cùng giữ an ninh tại khu vực đó, giải quyết các tranh cãi và làm giảm bớt tình hình ngày càng căng thẳng.
Thứ nhất, nằm trong số các quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc vào đường biển, Hàn Quốc xem Biển Đông là mạch đường quan trọng để vận chuyển dầu và các nguồn tài nguyên. Qua eo biển Malacca, Biển Đông là tuyến đường ngắn nhất để dầu thô chuyển từ châu Phi đến Trung Đông, Australia rồi đến các quốc gia châu Á – trong đó có Hàn Quốc. Các nước như Malaysia, Indonesia, Qatar khi xuất khẩu dầu sang Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan cùng một số quốc gia châu Á khác cũng qua Biển Đông. Ngoài ra, các hoạt động thương mại giữa Hàn Quốc cũng như Nhật Bản, Trung Quốc với các nước Trung Cận Đông và Đông Nam Á cũng đều đi qua khu vực này. Biển Đông đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động giao thương trực tiếp của Hàn Quốc. Nếu Trung Quốc nắm trọn quyền kiểm soát Biển Đông hoặc xung đột diễn ra trong khu vực này, lợi ích thương mại của các quốc gia – bao gồm cả Hàn Quốc sẽ bị đe doạ trực tiếp.
Thứ hai cần xét đến là nhu cầu về một khu vực hòa bình và ổn định. Một Đông Nam Á hoà bình có thể đem đến cho Hàn Quốc những lợi ích nhất định. Đông Nam Á là một trong những đối tác kinh tế quan trọng của Hàn Quốc. Việc tăng cường đầu tư vào các quốc gia ASEAN đem đến hai lợi ích, như thúc đẩy được sự hợp tác kinh tế giữa hai bên; tăng cường được tầm ảnh hưởng của Hàn Quốc đối với các quốc gia khu vực ASEAN. Đây cũng là một phần trong kế hoạch mở rộng ảnh hưởng hơn nữa ra khu vực và trên thế giới mà Hàn Quốc vẫn theo đuổi từ cuối những năm 1980. Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính Hàn Quốc, Hàn Quốc là nước có số vốn đầu tư lớn vào khu vực Đông Nam Á – thông qua nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và đáng kể là các viện trợ phát triển chính thức (ODA) của các công ty Hàn Quốc – đồng nghĩa với việc đảm bảo tình hình ổn định cả về chính trị lẫn an ninh trong vùng là một ưu tiên. Trước tình hình tranh chấp về chủ quyền trên Biển Đông đang trong trạng thái ngày càng căng thẳng hơn, các động thái rõ ràng hơn của Hàn Quốc góp phần giữ vững nền hoà bình và đồng thời bảo vệ các lợi ích về kinh tế cũng như củng cố vị trí chiến lược của mình.
Thứ ba, nhìn trên bối cảnh chuyển đổi quyền lực khu vực đang diễn ra, Biển Đông là một phần quan trọng trong cấu trúc an ninh tại châu Á – Thái Bình Dương. Hàn Quốc sẽ có được lợi ích về phía mình khi cấu trúc đó không bị phá vỡ và không có chiến tranh xảy ra. Sự giàu mạnh của Hàn Quốc trong thời điểm hiện tại đã khẳng định được tầm quan trọng của Mỹ trong chính sách phát triển đất nước. Cho đến thời điểm hiện nay, cấu trúc an ninh tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương tuy có biến đổi, nhưng Seoul vẫn là đồng minh thân thiết của Washington. Sự trở lại của Mỹ trong chiến lược “tái cân bằng châu Á” tạm thời giữ cho cấu trúc an ninh tại khu vực không bị phá vỡ. Một cấu trúc an ninh khu vực do Mỹ đứng đầu đang thể nhiều lợi ích cho đồng minh của Hàn Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn còn đang là ẩn số, với những chia sẻ quyền lợi tương đối rõ ràng trong kinh tế, nhưng ít dự đoán được hơn trong các vấn đề an ninh chiến lược.
Trong bối cảnh trên, chính sách hay cách tiếp cận của Seoul tại Biển Đông cần được xem xét dựa trên mối quan hệ giữa Hàn Quốc và hai cường quốc. Một mặt, Hàn Quốc vừa muốn phát triển mối quan hệ với đồng minh hiệp ước là Mỹ. Mặt khác, quốc gia này vẫn muốn duy trì quan hệ tốt với láng giềng của mình là Trung Quốc. Nếu Mỹ được coi là người bảo trợ về quân sự thì Trung Quốc đóng vai trò là một bạn hàng lớn của Hàn Quốc về thương mại, đầu tư và các hoạt động trao đổi dịch vụ. Không dừng ở khía cạnh kinh tế, Trung Quốc là mắt xích quan trọng trong vòng đàm phán sáu bên với phía Bắc Triều Tiên. Cả hai quốc gia Mỹ – Trung Quốc đều đem đến những lợi ích rõ ràng cho Hàn Quốc. Tuy nhiên, những ý đồ an ninh không rõ ràng của Trung Quốc đối với khu vực trong thời gian gần đây khiến cho Hàn Quốc phân vân. Đối với Hàn Quốc, quốc gia này chưa xác định rõ được Trung Quốc hiện là một cường quốc nguyên trạng hay là một cường quốc xét lại, với mong muốn thay đổi trật tự và luật lệ hiện có của khu vực. Sự lưỡng lự này phần nào thể hiện qua cuộc tranh luận của giới học giả, cũng như giới ngoại giao nước này trong hai trường hợp (i) có tham gia Ngân hàng Phát triển Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng, và Mỹ phản đối, và (ii) cho Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao (THAAD) ở Hàn Quốc với sự phản đối kịch liệt của Bắc Kinh.
Cách tiếp cận của Hàn Quốc trong vấn đề Biển Đông
Với những lợi ích, cơ hội và nghĩa vụ trong việc gìn giữ sự ổn định của khu vực, Hàn Quốc đã đóng vai trò nhất định trong vấn đề Biển Đông, thông qua việc góp tiếng nói trong các nỗ lực chung của quốc tế để giải quyết các tranh chấp và giảm bớt căng thẳng. Giới chuyên gia cho rằng trong chiến lược phát triển chung của mình, Hàn Quốc tin rằng cách tốt nhất để duy trì hoà bình, hợp tác ở khu vực là tìm thấy quyền lợi chung, tham gia vào các cuộc đối thoại và tin tưởng xây dựng mối quan hệ với các quốc gia hơn là việc chia rẽ. Đồng thời nhu cầu giảm thiểu sự nghi ngờ và phê phán lẫn nhau từ cả hai bên là rất lớn. Trên cơ sở đó, Hàn Quốc đã đưa ra những chính sách và quan điểm của mình tại Biển Đông.
Thứ nhất, quan điểm của lãnh đạo Hàn Quốc về Biển Đông cũng tương đồng với quan điểm của các quốc gia khác là Nhật Bản, Mỹ, Australia. Đó là cần đảm bảo tự do hàng hải tại khu vực Biển Đông, không chấp nhận bất kỳ hành vi độc chiếm Biển Đông của bất kỳ quốc gia nào. Điều này được Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc, ông Cho Tae-Yong nhắc đến trong cuộc hội đàm với Mỹ và Nhật Bản vào ngày 16/4/2015 tại Mỹ. Quan chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Noh Kwang Il trong một phát biểu của mình đã nhấn mạnh hoà bình và ổn định trong khu vực có ý nghĩa với Hàn Quốc. Hàn Quốc đồng thời kêu gọi áp dụng các khuôn khổ pháp lý hiện hành cho phép “bảo đảm quyền tự do hàng hải và ổn định” trong khu vực. Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng ủng hộ gần như mọi sáng kiến hoà bình của các quốc gia trong khu vực, nhất là của ASEAN và Nhật Bản về vấn đề Biển Đông. Có nhiều cách lý do được đưa ra để lý giải cách tiếp cận này. Trước hết là vì lợi ích về kinh tế. Chỉ cần không xảy ra xung đột, sẽ không có bất cứ gián đoạn nào trên con đường giao thương chính trên biển của Hàn Quốc mà Biển Đông là một huyết mạch quan trọng. Ngoài ra, Hàn Quốc nhận thấy rằng cần nhiều sự ủng hộ hơn nữa trong vấn đề Bắc Triều Tiên trong khi các lựa chọn “siêu cường”, tuy vẫn nằm trong danh sách ưu tiên nhưng luôn có những rủi ro khó đoán. Liên minh Mỹ-Nhật đang chuyển biến và có những động thái thay đổi mang tính cấu trúc, sự trỗi dậy của Trung Quốc vẫn không có dấu hiệu tiên đoán trước được. Vì thế đầu tư vào mạng lưới an ninh khu vực như một giải pháp song hành. Đầu tư này đồng nghĩa với việc cần tạo thêm sự ủng hộ và cam kết. Sẽ không có thêm quốc gia nào đứng về phía Hàn Quốc khi không nhận thấy sự hiện diện của nước này hay bản thân họ không nhận được lợi ích nào từ Hàn Quốc.
Thứ hai, Hàn Quốc vẫn đang thận trọng, cả về mặt ngôn từ, lẫn hành động, trong đó thường xuyên tham gia vào các cuộc họp đa phương trong các khuôn khổ kiến trúc khu vực của ASEAN. Trong các tuyên bố của mình, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã lên tiếng ủng hộ thực thi Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) mặc dù sự thể hiện ủng hộ này còn mang tính chung chung, nếu không nói là khá “kiệm lời” so với phát biểu nhiều phê bình và chỉ trích của các quốc gia khác về các tác nhân đang làm thay đổi thực trạng hiện có của khu vực. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã công khai ủng hộ Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) và cả việc cần xúc tiến đàm phán và kết thúc COC. Dựa trên sự ủng hội này, những hành động thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực hay đơn phương khiêu khích làm phức tạp hơn tình hình tranh chấp cần được Hàn Quốc phản đối – cả đa phương, lẫn song phương, cả công khai, lẫn trong các trao đổi nội bộ với các nước liên quan. Chính sách của Hàn Quốc tại Biển Đông phụ thuộc nhiều vào góc nhìn lợi ích của quốc gia này trong bức tranh chung đại chiến lược đang thay đổi. Vì thế cũng dễ hiểu khi Hàn Quốc tỏ ra thận trọng với từng bước đi của mình tại Biển Đông để vừa duy trì lợi ích của mình trong mối quan hệ với Mỹ, Trung. Nhưng các bước quá thận trọng như hiện nay rõ ràng đang chậm hơn những gì diễn ra hằng ngày trên thực địa tại Biển Đông và trong chuyển động an ninh chiến lược của các cường quốc.
Thứ ba, về hành động, một số chuyển biến có thể ghi nhận trong thời gian vừa qua. Đó là việc Hàn Quốc tăng cường hợp tác quốc phòng với Philippines trong giai đoạn Manila với Băc Kinh đang kéo dài các căng thẳng tại Biển Đông. Đây có thể xem như một động thái ngầm ủng hộ Philippines tại Biển Đông. Mặc dù phía Trung Quốc phản đối, chính phủ Seoul vẫn quyết định cung ứng các thiết bị quân sự và vũ khí cho Manila. Vào tháng 6/2014, Hàn Quốc đã quyết định tặng tàu chiến lớp Pohang cho Philippines. Trước đó, Manila cũng đã nhận được 1 tàu đổ bộ cùng 16 xuồng cao su từ phía Hàn Quốc. Hàn Quốc nhìn chung đã đưa ra những tín hiệu thể hiện sự ủng hộ của mình trong vấn đề tranh chấp tại Biển Đông, mặc dầu chưa được mạnh mẽ như người láng giềng Nhật Bản.
Thể hiện lập trường trong đối đầu Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông
Giữa một bên là sức ép và mối quan hệ lợi ích từ Trung Quốc, với một bên là mối quan hệ đồng minh với Mỹ, Hàn Quốc đã thể hiện cách tiếp cận riêng trong vấn đề Biển Đông. Chính quyền của Tổng thống Mon Jea-in tăng cường hợp tác quốc phòng với ASEAN, phản đối quân sự hóa ở Biển Đông, ủng hộ duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Trong các tuyên bố, Hàn Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, an toàn và tự do hàng hải, cùng nhận thức phải giải quyết hòa bình các tranh chấp liên quan theo nguyên tắc của luật pháp quốc tế, thực hiện hiệu quả và toàn diện Tuyên bố các bên về ứng xử ở Biển Đông (DOC), thúc đẩy sớm ký kết Bộ Quy tắc ứng xử các bên ở Biển Đông (COC).
Tại các cuộc Đối thoại thường niên ASEAN – Hàn Quốc, Hàn Quốc ủng hộ lập trường chung của ASEAN trong việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, đề cao các nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế, giải quyết hoà bình các tranh chấp, không quân sự hóa. Gần đây nhất, trong chuyến thăm Việt Nam (2018), Brunei, Malaysia và Campuchia (3/2019), Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã chia sẻ mối quan tâm của khu vực đối với vấn đề Biển Đông khi kêu gọi các bên liên quan cần kiềm chế, tôn trọng đầy đủ tiến trình ngoại giao và pháp lý, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS; cần thực hiện hiệu quả và toàn diện DOC, thúc đẩy sớm ký COC hiệu quả, nhằm giữ gìn hòa bình, ổn định và tìm kiếm giải pháp cơ bản lâu dài mà các bên đều có thể chấp nhận được.