Wednesday, January 8, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaÂm mưu và hệ lụy khi TQ điều tàu hoạt động trái...

Âm mưu và hệ lụy khi TQ điều tàu hoạt động trái phép trong vùng biển của Việt Nam

Từ đầu tháng 7 đến nay, tình hình Biển Đông đang diễn biến rất phức tạp, có khả năng xảy ra xung đột bất cứ lúc nào. Giới chuyên gia, học giả cho rằng đây là âm mưu của Trung Quốc nhằm độc chiếm Biển Đông.

Âm mưu của Trung Quốc

Trung Quốc muốn thông qua hành động điều tàu hoạt động trái phép trong EEZ và thềm lục địa của Việt Nam là nhằm thâu tóm, độc quyền kiểm soát các nguồn lợi ích ở Biển Đông.

Về lợi ích kinh tế: Thứ nhất, lợi ích của Biển Đông là về vấn đề kinh tế, đầu bảng là tài nguyên dầu khí, sau đó là băng cháy. Khu vực Đông Nam Á có lượng băng cháy cực lớn. Đây là nguồn năng lượng của tương lai, có thể sử dụng trong nhiều thế kỷ, theo tính toán sơ bộ là khoảng 800 năm tới. Việt Nam là một trong những quốc gia sở hữu lượng băng cháy tương đối lớn. Chúng ta có khoảng 2.400 tỷ mét khối băng cháy, là quốc gia có thứ hạng ở châu Á về loại tài nguyên này. Đây là nguồn năng lượng tuyệt vời. Do đó, Trung Quốc nhìn vào nguồn băng cháy như một loại tài nguyên thay thế cho dầu khí đang dần trở nên cạn kiệt. Thứ hai, Biển Đông được xác định là một trong 4 khu vực đánh cá chủ yếu của ngư dân Trung Quốc. Thứ ba, Biển Đông cũng được xác định là con đường sinh mệnh của nền kinh tế Trung Quốc. Trong số 27 tuyến vận tải của Trung Quốc, 17 trong số đó nằm ở Biển Đông. Biển Đông giúp kết nối Trung Quốc với 125 nước và vận chuyển 3/4 lượng dầu nhập khẩu vào nước này.

Về an ninh quốc phòng, đây là một bức trường thành tự nhiên trên biển. Biển Đông như một vành đai quân sự, phòng thủ, là rào cản an ninh để ngăn chặn những rủi ro và uy hiếp từ bên ngoài.

Về mặt địa chiến lược, Trung Quốc xác định Biển Đông như sân sau, nơi tập dượt của hải quân Trung Quốc để tiến ra thế giới bên ngoài. Ngoài ra, Biển Hoa Đông ở phía đông Trung Quốc quá nông, lại có một đối thủ khó nhằn là Nhật Bản án ngữ phía ngoài. Còn đối với Biển Đông, vùng biển này rộng 3,4 triệu km2, độ sâu trung bình là 1.400 mét và có rất nhiều rãnh sâu. Đây là địa điểm tuyệt vời cho sự hoạt động của các loại tàu ngầm. Muốn thành bá chủ toàn cầu, Trung Quốc phải trở thành cường quốc trên biển. Điều này chỉ có thể thực hiện được ở Biển Đông, vùng biển mà xung quanh đó toàn các quốc gia nhỏ bé. Về mặt địa chiến lược, đây là cửa ngõ duy nhất, là bàn đạp để Trung Quốc đi ra thế giới bên ngoài. Do vậy, trong cái nhìn đại chiến lược của người Trung Quốc, Biển Đông có lợi ích sống còn.

Về mặt tuyên truyền, Trung Quốc chọn thời điểm đúng 3 năm Tòa Trọng tài ra phán quyết về vụ kiện của Philippines liên quan vấn đề Biển Đông để tiến hành các hoạt động khiêu khích, xâm phạm vùng biển của Việt Nam. Hành động phi pháp trên của Trung Quốc nhằm phản bác phán quyết của Tòa Trọng tài, đồng thời thể hiện quyết tâm của Bắc Kinh trong việc sử dụng sức mạnh kinh tế, quân sự, khoa học kỹ thuật để ép buộc các nước giải quyết tranh chấp ở Biển Đông theo cách mà Trung Quốc áp đặt. Không những vậy, Trung Quốc điều trái phép tàu thăm dò địa chất và lực lượng chấp pháp xâm phạm vùng biển của Việt Nam là nhằm phô trương sức mạnh quân sự, kích động tinh thân dần tộc và lòng yêu nước của người dân, để lái hướng sự chú ý của người dân đối với tình hình Hồng Công, sự suy thoái kinh tế và cuộc chiến thương mại với Mỹ. Ngoài ra, qua hành động phi pháp trên, Trung Quốc cũng muốn lôi kéo sự chú ý của Mỹ và phương Tây vào tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, hòng phân tán sự chú ý và can thiệp của Mỹ và phương Tây vào vấn đề Hồng Công. Không những vậy, trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Trung quốc và Mỹ, có lẽ Bắc kinh muốn dùng sự kiện này làm lu mờ tầm quan trọng của cuộc bao vây kinh tế mà Washington phát động nhằm lái sự bất an của người dân trong nước sang một điểm khác qua chiến lược thôn tính Biển Đông. Bắc Kinh có quyền nghi ngờ sự cương quyết của Việt Nam do những kinh nghiệm trước đây và họ tin rằng kéo dài cuộc căng thẳng này sẽ có lợi hơn là có hại, mặc dù Trung Quốc cũng biết rất rõ nếu không nhượng bộ như lần trước thì nguy cơ chiến tranh có thể xảy ra.

Ngoài ra, thông qua hành động trên, Trung Quốc muốn ngăn cản và đe dọa các công ty dầu khí nước ngoài “không được hợp tác thăm dò, khai thác dầu khí ở Biển Đông”. Trên thực tế, Trung Quốc điều tàu thăm dò xâm nhập trái phép Bãi Tư Chính của Việt Nam không nhằm mục đích vì dầu khí. Theo các chuyên gia, không có công ty nước ngoài nào sẵn sàng tham gia đấu thầu các lô này vì không có công ty nào thấy hiệu quả vì việc đưa khí từ đó vào đất liền Trung Quốc là hiệu quả. Việc lắp đặt ống đưa khí đốt vào đất liền đi qua vùng nước tranh chấp là quá xa và hiện không hiệu quả về mặt kinh tế. Nhưng nếu họ có thể khiến công ty nước ngoài tham gia đâú thầu vào một trong nhưng lô mời thầu năm 2012 ở phía bắc Bãi Tư Chính thì đó là một chiến thắng về mặt ngoại giao cho Trung Quốc. Họ có thể nói là công ty nước ngoài thừa nhận đòi hỏi chủ quyền của họ. Giáo sư Carl Thayer thuộc đại học New South Wales của Australia cho rằng cũng có khả năng vụ đụng độ nằm ở gần khu vực nơi Trung Quốc đã từng bán quyền khai thác dầu khí cho công ty Crestone của Mỹ hồi năm 1992. Nếu vị trí này được xác nhận thì khu vực này cũng là thuộc các lô dầu khí 133 và 134 của Việt Nam. Nếu vị trí của tàu khảo sát Trung Quốc thực sự được xác nhận ở phía tây đảo Trường Sa Lớn (thuộc quần đảo Trường Sa), thì đây sẽ là khu vực cực kỳ nhậy cảm với Việt Nam. Trường Sa Lớn là đảo lớn nhất mà Việt Nam kiểm soát và cũng là đông dân nhất trong các đảo của Việt Nam tại đây.

Hệ lụy từ những hành động phi pháp của Trung Quốc

Hành động của Trung Quốc trong những ngày qua trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam cũng như các hành động trước đó với Philippines là những hành động cực kỳ nguy hiểm, đi ngược lại các quy định của luật pháp quốc tế và các nhận thức, thỏa thuận của Lãnh đạo cấp cao của các nước ASEAN, đặc biệt là Việt Nam, Philippines và Trung Quốc. Không những vậy, hành động của Trung Quốc cũng có thể coi là hành động khiêu khích, làm phức tạp tình hình, gây leo thang xung đột và ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định trên Biển Đông. Hành động của Trung Quốc đặc biệt là nguy hiểm trong bối cảnh các nước ASEAN và Trung Quốc đang đàm phán để đi đến ký kết văn bản Quy tắc về ứng xử các bên ở Biển Đông (COC), một cộng cụ cực kỳ quan trọng để giúp duy trì hòa bình, ổn định, tự do hàng hải, hàng không và phát triển bền vững Biển Đông. 

Trong bối cảnh đàm phán, các nước cần kiềm chế các hoạt động để đảm bảo tình hình Biển Đông ổn định, không làm phức tạp thêm tình hình, gia tăng xung đột phục vụ xây dựng lòng tin, sự hiểu biết và sự thành tâm trong đàm phán, nhằm đạt được những kết quả đàm phán. Như vậy, có thể nói rằng với các hoạt động vô pháp của mình, Trung Quốc phải chịu trách nhiệm chính nếu đàm phán COC bị kéo dài hoặc thậm chí không thành công. Chống lại luật pháp quốc tế là chống lại cả cộng đồng quốc tế, hay nói cách khác là chống lại toàn thể loài người. Trung Quốc rất cần sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Muốn trở thành một nước lớn với tầm ảnh hưởng phù hợp, Trung Quốc phải tập tôn trọng và hành động theo luật pháp quốc tế. Trung Quốc không thể một mình chống lại cả cộng đồng quốc tế. Nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục hành xử như hiện nay, họ sẽ chịu những tổn hại rất lớn về uy tín và những thiệt hại cả về kinh tế, chính trị ngoại giao rất khó có thể tính được bằng tiền. Chắc chắn, những thiệt hại do Trung Quốc gây ra cho chính mình nhiều hơn rất nhiều những lợi ích mà họ đạt được khi họ đi bắt nạt và quấy rối các nước láng giềng của họ. 

Nhìn chung, việc Trung Quốc điều tàu hoạt động trái phép trong EEZ và thềm lục địa của Việt Nam là vi phạm các quy định của luật pháp quốc tế, đi ngược lại nhận thức chung, cam kết giữa hai nước về việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế. Hành động này của Trung Quốc không chỉ khiến tình hình tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông trở nên căng thẳng, rơi vào bế tắc mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đối với hòa bình, ổn đinh, tự do hàng hải, hàng không trong khu vực. Trung Quốc cần tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông; tuân thủ nghiêm túc các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS và rút tàu thăm dò, tàu chấp pháp ra khỏi vùng biển của Việt Nam.

RELATED ARTICLES

Tin mới