Ngay sau khi Trung Quốc điều tàu thăm dò địa chất và tàu chấp pháp hoạt động trái phép trong vùng biển của Việt Nam, cơ cơ quan chức năng của Việt Nam đã đưa ra những phản ứng phù hợp với diễn biến tình hình, luật pháp quốc tế, quan hệ song phương.
Phản ứng của Việt Nam
Về phía ngoại giao: Bộ Ngoại giao Việt Nam đã thông qua nhiều kênh phản đối hành động phi pháp của Trung Quốc, đồng thời yêu cầu Bắc Kỉnh rút ngay lập tức các tàu trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Việt Nam cũng đã trao công hàm phản đối chính thức hành vi trên của Trung Quốc. Không những vậy, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam liên tục đưa ra 3 tuyên bố chính thức, mức độ cứng rắn tăng dần, cụ thể: (1) Ngày 16/7, trả lời câu hỏi của một số phóng viên trong và ngoài nước liên quan đến diễn biến gần đây ở Biển Đông, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển ở Biển Đông được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và các nước ở Biển Đông đều là thành viên. Do đó, mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam phải tuân thủ các quy định có liên quan của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, pháp luật Việt Nam. Mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam nếu không được phép của Việt Nam đều vô giá trị, xâm phạm vùng biển Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Chủ trương nhất quán của Việt Nam là kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 trước bất cứ hành vi nào xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Việt Nam hết sức coi trọng hòa bình, hữu nghị, hợp tác, thiện chí và sẵn sàng giải quyết các tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình. Trên cơ sở đó, trong thời gian qua, Việt Nam đã triển khai đồng bộ các biện pháp hòa bình để giải quyết vấn đề, đấu tranh yêu cầu tôn trọng vùng biển Việt Nam, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên vùng biển của mình, không có hành động làm phức tạp tình hình. Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam đã và đang thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam”. (2) Ngày 19/7, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị bình luận về phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 17/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng hôm nay nhấn mạnh: “Trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên. Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam; tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực. Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phù hợp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam. Như đã khẳng định tại phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao ngày 16/7, lập trường nhất quán của Việt Nam là kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 trước bất cứ hành vi nào xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Duy trì trật tự, hòa bình, an ninh ở khu vực Biển Đông là lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực cũng như cộng đồng quốc tế. Do đó, Việt Nam mong muốn các nước liên quan và cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực đóng góp nhằm bảo vệ và duy trì lợi ích chung này”. (3) Ngày 25/7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng cùng các nước và cộng đồng quốc tế nỗ lực đóng góp vào mục tiêu nói trên, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới; nhấn mạnh các hành động gần đây của Trung Quốc là “nghiêm trọng” và Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền, cụ thể: “Chúng tôi đã đề cập trong các phát biểu trước đây về việc này. Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán, như đã khẳng định trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982), bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Với mục tiêu trên, Việt Nam đã có nhiều hình thức giao tiếp, ngoại giao phù hợp, trao công hàm phản đối cho phía Trung Quốc, yêu cầu rút ngay khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các lực lượng chức năng của Việt Nam triển khai những biện pháp phù hợp, đúng pháp luật. Duy trì hòa bình, ổn định, đảm bảo an toàn hàng không, hàng hải, thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia theo UNCLOS, là lợi ích và trách nhiệm chung của các nước và cộng đồng quốc tế”.
Về các lực lượng chấp pháp: Khi tàu Trung Quốc hoạt động trái phép trong vùng biển của Việt Nam, các lực lượng chấp pháp của Việt Nam đã triển khai các hoạt động ngăn chặn, xua đuổi tàu của Trung Quốc. Theo thông tin không chính thống, Việt Nam đã điều nhiều tàu kiểm ngư như KN 468 và KN 472, tàu Cảnh sát biển… tới ngăn chặn và xua đuổi tàu Trung Quốc. Ngoài ra, Việt Nam liên tục tiến hành tập trận trên Biển Đông, binh lính đóng quân trên các đảo, đá ở quần đảo Trường Sa cũng tiến hành diễn tập để đề phòng các tình huống xấu xảy ra.
Phản ứng của Việt Nam là phù hợp
Đa phần giới chuyên gia, học giả và truyền thông quốc tế đánh giá phản ứng của Việt Nam là phù hợp.
Tiến sĩ Collin Koh cho rằng giải pháp cho một nước nhỏ hơn và thậm chí ngay cả cộng đồng quốc tế để đối phó hiệu quả với một quốc gia sẵn sàng coi thường luật pháp quốc tế và chơi theo luật riêng của mình là “tin tưởng mạnh mẽ vào hệ thống dựa trên các quy tắc hiện hành, đồng thời luôn nhắc nhở mọi người về tầm quan trọng của việc tuân thủ các quy tắc và chuẩn mực chung của quốc tế”. Cụ thể, Việt Nam có thể tăng cường các biện pháp mạnh mẽ hơn để thuyết phục các thành viên khác trong ASEAN về hậu quả nghiêm trọng trong hành vi của Bắc Kinh tại Bãi Tư Chính. Việt Nam cũng có thể thông qua các cơ quan ngoại giao ở nước ngoài vận động hành lang với các cường quốc và các tổ chức quốc tế quan trọng như EU và Liên Hợp Quốc, để đưa ra các tuyên bố về vấn đề này.
Chuyên gia pháp lý Nguyễn Thị Lan Hương của Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao Việt Nam nhận định các biện pháp hiện nay của Việt Nam là trao đổi trực tiếp, đấu tranh bằng biện pháp hoà bình phù hợp với luật pháp và chuẩn mực quốc tế. Các biện pháp này có tác dụng để các nước hiểu được lập trường chính đáng của Việt Nam, phê phán, phản bác các hành vi vi phạm pháp luật của Trung Quốc. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng không loại trừ bất cứ biện pháp hoà bình nào mà luật pháp quốc tế cho phép để bảo vệ các lợi ích hợp pháp của Việt Nam, trong đó có cả khả năng sử dụng toà án hay trọng tài quốc tế. Những biện pháp này có thể không tác dụng ngay, nhưng có ý nghĩa về dài hạn, thể hiện hình ảnh một Việt Nam chín chắn, trách nhiệm, có thái độ tích cực, có tính xây dựng để quản lý khủng hoảng, quản lý tranh chấp một cách hiệu quả. Thực tế lịch sử cho thấy cách tiếp cận này cùng các biện pháp như trên có hiệu quả về tổng thể, đảm bảo đạt được mục tiêu kép là vừa duy trì hoà bình, vừa bảo vệ công lý, chuẩn mực và luật pháp quốc tế, đẩy lùi các hành vi xâm lấn trái phép vùng biển Việt Nam của các thế lực nước ngoài.
Trong khi đó, Giáo sư Carlyle A.Thayer, Học viện Quốc phòng Australia cho rằng Việt Nam phải tuân theo luật pháp quốc tế và phản ứng tương xứng với bất kỳ hành vi đe doạ hay cưỡng ép nào của Trung Quốc. Việt Nam cần tiếp tục phản đối ngoại giao tới Bắc Kinh về hành vi xâm phạm quyền tài phán của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình. Việt Nam cũng phải tham gia các cuộc tham vấn với Trung Quốc để giải quyết vấn đề này. Phản đối ngoại giao và tham vấn là cần thiết để chứng tỏ rằng Việt Nam đang tìm kiếm một giải pháp hoà bình để giải quyết tranh chấp, và đặt nền tảng cần thiết để nếu cần sẽ thực hiện các biện pháp pháp lý theo UNCLOS. Cùng lúc, Việt Nam nên tiếp tục sử dụng các biện pháp chính trị và ngoại giao lập luận về trường hợp của mình với các nước thành viên ASEAN, bởi cả Malaysia và Philippines đều chịu sự ép buộc của Trung Quốc về vấn đề trên biển trong năm nay. Việt Nam cần nỗ lực củng cố chính sách của ASEAN về Biển Đông trong các tuyên bố của Chủ tịch ASEAN. Việt Nam nên nói rõ với các quốc gia thành viên ASEAN rằng Việt Nam từ chối đồng thuận về COC nếu những lợi ích của Việt Nam không được bảo vệ trước những hành động phi pháp trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam nên đề xuất hợp tác với các nước trên thế giới, bao gồm các nước lớn và các cường quốc biển, theo ít nhất hai cách. Trước hết, Việt Nam cần tăng cường hợp tác với lực lượng bảo vệ bờ biển của các quốc gia có cùng chí hướng, tiến hành các hoạt động và diễn tập song phương và đa phương nhằm nâng cao nhận thức và xây dựng năng lực hàng hải. Những cuộc diễn tập này nên được thực hiện thường xuyên và thiết lập “thông lệ mới” của sự hợp tác giữa lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ, Nhật và các nước khác với cảnh sát biển Việt Nam. Cuối cùng, Việt Nam cần để ngỏ mọi lựa chọn theo luật pháp quốc tế. Việt Nam cần chuẩn bị tốt hồ sơ nếu phải giải quyết tranh chấp bắt buộc theo Phụ lục 7 UNCLOS. Việt Nam cũng nên tìm hiểu khả năng trừng phạt đối với những công ty nhà nước Trung Quốc cố tình vi phạm luật pháp quốc tế. Quốc hội Mỹ có thể dự thảo các biện pháp trừng phạt và Việt Nam có thể tuyên bố ủng hộ.
Giới học kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ Việt Nam
Giáo sư Carlyle A.Thayer, Học viện Quốc phòng Australia cho rằng tất cả các nước lớn và các nước có giao thương qua khu vực đều có lợi ích trực tiếp trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông cũng như việc phải ngăn chặn để không quốc gia nào thực hiện sự bá quyền tại tuyến hàng hải quan trọng của thế giới. “Cộng đồng quốc tế cần ủng hộ Việt Nam và các nước lớn cần thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.
Giáo sư James Kraska, Trung tâm luật quốc tế Stockton, Đại học Hải chiến Mỹ nhấn mạnh, cộng đồng quốc tế, đặc biệt là khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cùng Liên minh châu Âu (EU), cần làm nhiều hơn để ủng hộ Việt Nam củng cố các quyền lợi biển của mình. Các nước bên ngoài khu vực đang ngại chọc giận Trung Quốc. Tuy nhiên, họ càng kéo dài việc ngầm chấp thuận những hành động này, Trung Quốc sẽ càng táo bạo hơn. Không quá bất ngờ khi EU không tập trung vào vấn đề Biển Đông nhưng sự phớt lờ của cộng đồng quốc tế sẽ là sai lầm vì điều này sẽ khuyến khích Trung Quốc tiếp tục vươn dài cánh tay và có thể đẩy các nước ngoài khu vực ra rìa”.
Giáo sư Alexander Vuving, Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á – Thái Bình Dương, Mỹ cho rằng Việt Nam cùng các nước bên ngoài có chung lợi ích và quan điểm như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, Anh, Pháp, Canada và các nước coi trọng luật pháp quốc tế khác nên cùng tạo thành một mặt trận quốc tế đấu tranh chống yêu sách phi lý và hành động hiện thực hóa “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Nếu không hình thành được mặt trận quốc tế như vậy thì không thể răn đe Trung Quốc. Bên cạnh đó, chuyên gia này cho rằng các nước cần đẩy mạnh hợp tác trên thực địa, giúp Việt Nam nâng cao năng lực bảo vệ chủ quyền và an ninh trong EEZ của mình. Theo ông Vuving: “Các nước có thể gửi tàu cảnh sát biển tới hỗ trợ VN tuần tra trên EEZ của Việt Nam (tàu cắm cờ Việt Nam, có đại diện Việt Nam trên tàu, tương tự chương trình “ship rider” mà các nước đang hỗ trợ một số đảo quốc ở Nam Thái Bình Dương tuần tra bảo vệ vùng EEZ rộng lớn của họ). Chính Trung Quốc cũng từng tham gia chương trình “ship rider” như vậy với Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Nga ở khu vực Bắc Thái Bình Dương”.