Tuesday, May 21, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaĐể bảo vệ chủ quyền, Việt Nam sẽ kiện TQ ra các...

Để bảo vệ chủ quyền, Việt Nam sẽ kiện TQ ra các cơ quan tài phán quốc tế

Trong những ngày qua, Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 và nhiều tàu Hải cảnh, Ngư chính, dân quân biển hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam. Nếu Trung Quốc không rút những tàu trên, có lẽ phương án kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài theo phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) sẽ là một phương án khả thi và phù hợp.

Biên đội tàu thuộc Chi đội Kiểm ngư 2 của Việt Nam làm nhiệm vụ trực tại khu vực DK1, nơi có bãi Tư Chính

Việc tàu Trung Quốc hoạt động trong vùng biển Việt Nam là vi phạm luật quốc tế

Trong những ngày qua, các tàu Hải cảnh của Trung Quốc đã có những hành vi đe dọa sử dụng vũ lực đối với các tàu của Việt Nam ở Bãi Tư Chính sau khi tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 thực hiện cuộc khảo sát địa chất tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (cách bờ biển Vũng Tàu 160 hải lý). Hành động trên của Trung Quốc là vi phạm luật pháp quốc tế, cũng như các cam kết chính trị song phương, đa phương giữa Bắc Kinh với Việt Nam, ASEAN, cụ thể:

Thứ nhất, hoạt động của nhóm khi tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8của Trung Quốc tại khu vực Tư Chính-Vũng Mây là vi phạm nghiêm trọng đối với các quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982. Theo điều 56, điều 77 và điều 246 của UNCLOS 1982, chỉ có quốc gia ven biển được thực hiện các quyền chủ quyền về thăm dò, khai thác bảo tồn, quản lý các tài nguyên thiên nhiên, quyền tài phán đối với việc lắp đặt đảo nhân tạo, các thiết bị công trình cũng như hoạt động nghiên cứu khoa học biển và bảo vệ môi trường biển. Mọi hoạt động nghiên cứu khoa học biển trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa chỉ được tiến hành với sự chấp thuận của quốc gia ven biển. Khu vực Trung Quốc tiến hành khảo sát địa chất nằm hoàn toàn trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam theo Công ước UNCLOS 1982, Luật biển Việt Nam năm 2012. Hơn nữa, Phán quyết của Toà trọng tài trong vụ kiện Biển Đông năm 2016 đã khẳng định yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc không có giá trị, do đó, khu vựcphíaNam của Biển Đông không thể là đối tượng yêu sách của Trung Quốc.

Thứ hai, hành vi này của Trung Quốc cũng đi ngược lại những cam kết, thoả thuận song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc trong giải quyết các vấn đề biên giới lãnh thổ, đặc biệt là Thoả thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo vấn đề trên biển năm 2011; đi ngược lại tinh thần của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002. Trung Quốc đang áp dụng tiêu chuẩn kép, một mặt kêu gọi các bên hợp tác, thúc đẩy đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử COC trong ba năm, mặt khác lại thường xuyên tiến hành các hành vi “cưỡng ép” trên thực địa, gây căng thẳng, phức tạp tình hình.

Lập luận ngụy biện của Trung Quốc

Để biện minh cho những hành vi phi pháp của mình, Trung Quốc ngụy biện cho rằng:

Thứ nhất: họ cho rằng, đây là vùng biển nằm trong “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Đường lưỡi bò đã từng bị Tòa Trọng tài Quốc tế đưa ra phán quyết ngày 12/7/2016, bác bỏ yêu sách phi lý của Trung Quốc nhưng Trung Quốc vẫn muốn áp dụng nó trong thực tế. 

Thứ hai: Trung Quốc cho rằng, khu vực bãi Tư Chính là một phần của đảo Trường Sa mà họ vẫn gọi là Nam Sa và cho rằng, mình có chủ quyền trên quần đảo đó cho nên Trung Quốc có tất cả các quyền kèm theo đối với vùng nước và đất dưới đáy biển đó. Rõ ràng, sự lý giải của Trung Quốc không theo luật quốc tế, thể hiện thái độ bất chấp. 

Việt Nam đã sử dụng mọi biện pháp hòa bình để giải quyết vụ việc, song Trung Quốc vẫn xâm phạm vùng biển của Việt Nam

Ngay từ khi tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển của Việt Nam, các cơ quan chức năng Việt Nam đã sử dụng mọi biện pháp hòa bình để yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hành động của mình. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng (25/7) cho biết, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết đã có “nhiều hình thức giao thiệp ngoại giao phù hợp, trao công hàm phản đối cho phía Trung Quốc, yêu cầu rút ngay khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các lực lượng chức năng của Việt Nam đã triển khai các biện pháp phù hợp đúng pháp luật”; nhấn mạnh “Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán như đã xác lập tại Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế”

Nhưng biện pháp hiện nay của Việt Nam là trao đổi trực tiếp, đấu tranh bằng biện pháp hoà bình phù hợp với luật pháp và chuẩn mực quốc tế. Các biện pháp này có tác dụng để các nước hiểu được lập trường chính đáng của Việt Nam, phê phán, phản bác các hành vi vi phạm pháp luật của Trung Quốc. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng không loại trừ bất cứ biện pháp hoà bình nào mà luật pháp quốc tế cho phép để bảo vệ các lợi ích hợp pháp của Việt Nam, trong đó có cả khả năng sử dụng toà án hay trọng tài quốc tế. Những biện pháp này có thể không tác dụng ngay, nhưng có ý nghĩa về dài hạn, thể hiện hình ảnh một Việt Nam chín chắn, trách nhiệm, có thái độ tích cực, có tính xây dựng để quản lý khủng hoảng, quản lý tranh chấp một cách hiệu quả. Thực tế lịch sử cho thấy cách tiếp cận này cùng các biện pháp như trên có hiệu quả về tổng thể, đảm bảo đạt được mục tiêu kép là vừa duy trì hoà bình, vừa bảo vệ công lý, chuẩn mực và luật pháp quốc tế, đẩy lùi các hành vi xâm lấn trái phép vùng biển Việt Nam của các thế lực nước ngoài.

Tuy Việt Nam kiên trì giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình nhưng nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục khiêu khích thì Việt Nam có thể xem xét việc khởi kiện họ ra Tòa Trọng tài Quốc tế. 

Việt Nam nên khởi kiện Trung Quốc ra cơ quan tài phán nào

Từ những vấn đề trên cho thấy, Việt Nam có thể xem xét việc khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Quốc tế theo phụ lục VII của UNCLOS giống như Philippines đã làm với Trung Quốc trước đây. Trong vụ việc này, Tòa đã ra phán quyết cho rằng, yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc đối với vùng nước thuộc “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đưa ra không có cơ sở pháp lý.

Tòa trọng tài được thành lập theo phụ lục VII UNCLOS (sau đây gọi tắt là Toà trọng tài) sẽ có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp có liên quan đến việc giải thích hay áp dụng Công ước (trừ những vụ kiện thuộc thẩm quyền của Toà trọng tài đặc biệt). UNCLOS quy định khi ký hay phê chuẩn hoặc tham gia Công ước, hay ở bất kỳ thời điểm nào sau đó, dưới hình thức tuyên bố bằng văn bản, một quốc gia được quyền tự do lựa chọn một hay nhiều biện pháp sau để giải quyết các tranh chấp có liên quan đến việc giải thích hay áp dụng Công ước: Tòa án quốc tế về Luật biển được thành lập theo đúng Phụ lục VI; Toà án quốc tế; Tòa trọng tài được thành lập theo đúng Phụ lục VII; Tòa trọng tài đặc biệt được thành lập theo đúng Phụ lục VIII.

Cụ thể, trong trường hợp các bên tranh chấp đã chấp nhận cùng một thủ tục để giải quyết tranh chấp, thì vụ tranh chấp chỉ có thể được đưa ra giải quyết theo thủ tục đó, trừ khi các bên có thỏa thuận khác; trường hợp một quốc gia thành viên tham gia vào một vụ tranh chấp không lựa chọn một biện pháp nào (không được một tuyên bố còn hiệu lực bảo vệ) thì được xem là đã chấp nhận thủ tục trọng tài trù định ở Phụ lục VII; trường hợp các bên tranh chấp không chấp nhận cùng một thủ tục để giải quyết tranh chấp, vụ tranh chấp đó chỉ có thể được đưa ra giải quyết theo thủ tục trọng tài đã được trù định ở Phụ lục VII, trừ khi các bên có thỏa thuận khác. Như vậy, Tòa trọng tài là cơ chế duy nhất mà một bên có thể đơn phương khởi kiện, không cần sự chấp thuận của bên còn lại.

Tòa trọng tài được thành lập và tự quy định thủ tục của mình bằng cách cho mỗi bên có khả năng bảo vệ các quyền và trình bày căn cứ của mình. Hơn nữa, khi một trong số các bên trong vụ tranh chấp không ra Toà hoặc không trình bày các lý lẽ của mình, bên kia có thể yêu cầu Toà tiếp tục trình tự tố tụng và ra phán quyết. Việc một bên vắng mặt hay việc một bên không trình bày các lý lẽ của mình không cản trở đến trình tự tố tụng. Bản án của Toà mang tính tối hậu, không được kháng cáo (trừ khi các bên trong vụ tranh chấp đã có thỏa thuận trước về một thủ tục kháng cáo) và có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý đối với các bên tranh chấp. Những tranh cãi có thể xảy ra giữa các bên liên quan đến việc giải thích hay cách thi hành bản án, đều có thể được một trong các bên đưa ra để Toà trọng tài đã tuyên án quyết định; hoặc có thể được đệ trình lên một Toà khác theo đúng Điều 287 nếu tất cả các bên trong vụ tranh chấp thoả thuận.

Việt Nam cần chuẩn bị hồ sơ pháp lý như thế nào

Đầu tiên, Việt Nam cần xác định nội dung Tuyên bố khởi kiện phù hợp với thẩm quyền của Tòa trọng tài:Trung Quốc đã rào trước đón sau rất kỹ về mặt pháp lý để hầu như tránh hết các khả năng bị kiện, đồng thời kiên định thực hiện chiến lược giải quyết tranh chấp song phương nhằm chủ động phòng ngừa những khả năng bị kiện còn lại khác. Có thể thấy với Tuyên bố 2006, trên thực tế Trung Quốc đã loại trừ hầu hết các loại tranh chấp trên biển Đông ra khỏi quyền tài phán của một cơ quan tài phán quốc tế. Việc Philippines khởi kiện Trung Quốc đánh dấu lần đầu tiên tranh chấp trên Biển Đông được đưa ra trước một cơ quan tài phán quốc tế. Tham khảo Thông báo và tuyên bố yêu sách của Philippines ngày 22/1/2013, Việt Nam sẽ đưa ra lập luận về việc có những tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc về việc giải thích hay áp dụng các điều khoản của UNCLOS ngoài các tranh chấp nằm trong vùng loại trừ của Trung Quốc và thuộc thẩm quyền của một cơ quan tài phán quốc tế. Trên cơ sở đó, chúng ta sẽ xác định nội dung khởi kiện Trung Quốc để yêu cầu Tòa đưa ra phán quyết liên quan đến các vấn đề sau: (1) Tuyên bố Trung Quốc chỉ có thể yêu sách quyền với các vùng biển tính từ lãnh thổ đất liền (bao gồm các đảo), yêu sách từ đường chín đoạn không phù hợp với UNCLOS; (2) Giải thích Điều 121.3 và khả năng áp dụng ở biển Đông. Cụ thể, yêu cầu Tòa đưa ra phán quyết về việc tất cả các “đảo” do phía Trung Quốc chiếm đóng là “đá” chỉ được hưởng lãnh hải 12 hải lý vì chúng không thể “duy trì đời sống con người hay đời sống kinh tế” theo như quy định tại điều 121.3 UNCLOS. Khẳng định Trung Quốc đã đưa ra yêu sách bất hợp pháp đối với các vùng biển ngoài 12 hải lý từ các thực thể đó; (3) Xác định hành vi của tàu Trung Quốc trong thời gian gần đây (tàu hải giám, hải cảnh, tuần ngư… thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc) phá hỏng, đánh chìm tàu Việt Nam, gây thương tích cho người Việt Nam là hành vi sử dụng vũ lực. Trên sơ sở đó tuyên bố Trung Quốc sử dụng vũ lực vi phạm Điều 2.4 Hiến chương Liên hợp quốc và Điều 279 UNCLOS. Nội dung kiện này hoàn toàn không nằm trong vùng loại trừ của Trung Quốc; (4) Tuyên bố việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 cùng tàu hộ tống vào khai thác trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam và việc Trung Quốc dùng các tàu của mình ngăn cản các tàu chấp pháp của Việt Nam thực hiện quyền kiểm tra, khám xét giàn khoan HD 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo Điều 56 và Điều 77 của UNCLOS; (5) Tuyên bố các hành vi của Trung Quốc liên quan đến sự kiện hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam (thiết lập vùng an toàn 3 hải lý, cấm các loại tàu bè đi vào vùng biển có bán kính 3 hải lý xung quanh giàn khoan HD 981, và va đâm các tàu chấp pháp Việt Nam, dùng vòi rồng tấn công…) là vi phạm quyền tự do hàng hải, đe dọa an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trong khu vực của Việt Nam và các nước trên thế giới, trái với Điều 58, Điều 60 của UNCLOS; (6) Tuyên bố việc Trung Quốc thiết lập vùng nước quần đảo hoặc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa cho các đảo ở quần đảo Hoàng Sa không phù hợp với các Điều 47, 48, 49 và 121 của UNCLOS; (7) Tuyên bố hành vi bồi đắp, xây dựng với quy mô rất lớn của Trung Quốc (trên các bãi đá Gạc Ma, Châu Viên, Chữ Thập, Gaven, Tư Nghĩa, Xu Bi, Vành Khăn mà Trung Quốc đã sử dụng vũ lực chiếm đóng) trên Biển Đông là trái với quy định về xây dựng đảo và công trình, thiết bị nhân tạo của UNCLOS; (8) Tuyên bố hành vi điều tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 và tàu chấp pháp hoạt động trong EEZ và thềm lục địa của Việt Nam là vi phạm UNCLOS…

Thứ hai, cần chuẩn bị hồ sơ pháp lý:Đây là một trong những công việc rất quan trọng. Về cơ bản, hồ sơ pháp lý Việt Nam cần chuẩn bị bao gồm các tài liệu, văn bản sau đây: (i) Đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp. Trong đơn cần thể hiện một cách cụ thể các yêu sách của Việt Nam, phạm vi các vấn đề có tranh chấp cũng như quan điểm của Việt Nam đối với các nội dung tranh chấp. Đặc biệt cần xác định rõ phạm vi của khu vực tranh chấp cũng như phạm vi những nội dung có tranh chấp, tránh nhầm lẫn giữa khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam bị nước khác chiếm giữ với khu vực cả hai bên cùng tranh chấp cũng như phải giới hạn rõ ràng các nội dung tranh chấp, tranh chấp về thềm lục địa, tranh chấp về đường biên giới trên biển hoặc tranh chấp về vùng đặc quyền kinh tế… (ii) Bản bảo vệ yêu sách của Việt Nam. Đây là văn bản quan trọng nhất để bảo vệ quan điểm của Việt Nam. Cần chú ý lập luận theo một trình tự, định hướng nhất quán, tránh mâu thuẫn, xung đột giữa các quan điểm bảo vệ cho các yêu sách khác nhau của Việt Nam. Việt Nam cần tập hợp các chuyên gia trong lĩnh vực này để tư vấn ý kiến cho việc soạn thảo bản bảo vệ yêu sách chủ quyền của mình. (iii) Chứng cứ pháp lý chứng minh yêu sách của Việt Nam. Đây là những cơ sở pháp lý chứng minh cho bản yêu sách ở trên vì vậy cần phải có sự chuẩn bị đầy đủ và khoa học mọi chứng cứ có liên quan. Các chứng cứ phải được phân loại thành từng nhóm theo những tiêu chí nhất định. Ví dụ: chứng cứ xuất phát từ tư liệu lịch sử, chứng cứ xuất phát từ pháp luật quốc tế, chứng cứ xuất phát từ thực địa trên thực tế… (iv) Văn bản tranh luận phản bác lại quan điểm đối ngược của quốc gia tranh chấp với Việt Nam. Trước khi đưa vụ việc tranh chấp ra giải quyết tại bất cứ cơ quan tài phán quốc tế nào Việt Nam cần nghiên cứu các cơ sở pháp lý mà các nước khác sử dụng để chứng minh cho yêu sách chủ quyền của họ cũng như nghiên cứu những yêu sách đó trong tương quan so sánh với những chứng cứ mà Việt Nam đang có để chuẩn bị trước các lập luận phản bác. Văn bản này sẽ nộp cho Tòa trọng tài và gửi cho Trung Quốc trong quá trình Tòa giải quyết tranh chấp. (v) Ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước về vấn đề tranh chấp mà Việt Nam đã tập hợp qua cơ chế tham vấn hoặc tư vấn (trong trường hợp cần thiết). Những ý kiến này thường đến từ các hội thảo khoa học quốc tế, các hội nghị quốc tế giữa các quốc gia có liên quan, các công trình khoa học có liên quan đã công bố… (vi) Tùy từng trường hợp cụ thể có thể có thêm các tài liệu khác. Các tài liệu này được tập hợp, sắp xếp lại thành hồ sơ pháp lý của vụ kiện. Việc chuẩn bị hồ sơ pháp lý cần phù hợp với yêu cầu của quy trình tố tụng mà Việt Nam đã lựa chọn cũng như phải đảm bảo được tính hiệu quả, thuận lợi trong việc sử dụng để bảo vệ yêu sách của Việt Nam.

Tóm lại, việc kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài theo phụ lục VII của UNCLOS sẽ là một giải pháp khả thi nhằm bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông nói chung và ở Bãi Tư Chính nói riêng. Hành động này sẽ là phù hợp với các quy định chung của luật pháp quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam.

RELATED ARTICLES

Tin mới