Sunday, January 5, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaMalaysia cảnh báo TQ đang thực hiện ý đồ chia rẽ ASEAN

Malaysia cảnh báo TQ đang thực hiện ý đồ chia rẽ ASEAN

Trong khi Trung Quốc điều tàu hoạt động trái phép trong vùng biển của Việt Nam, Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah (24/7) đã cảnh báo Biển Đông không nên trở thành nhân tố gây chia rẽ trong ASEAN mà phải là yếu tố kết nối đoàn kết trong khối.

Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah

Cảnh báo từ phía Malaysia

Theo ông Saifuddin Abdullah, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) được ASEAN và Trung Quốc ký ngày 4/11/2002 đưa ra các quy định khá lỏng lẻo về các hành vi trong vùng biển tranh chấp. Nó không ngăn được Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa khu vực và leo thang căng thẳng. Việc Trung Quốc gửi các tàu bảo vệ bờ biển lớn chẳng khác nào tàu chiến tới các vùng lãnh thổ giàu năng lượng và khiến các quốc gia láng giềng phải nóng mắt; đồng thời nhấn mạnh vấn đề Biển Đông không nên trở thành nhân tố gây chia rẽ trong ASEAN mà phải là thành tố kết nối sợi dây đoàn kết giữa các quốc gia trong khối. Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah nhận định, nếu ASEAN vẫn giữ chắc vị thế trung tâm, sẽ không có chuyện 1 hay 2 quốc gia thành viên đơn lẻ đàm phán song phương với Trung Quốc liên quan tới Biển Đông. Kịch bản sẽ chỉ có thể là cả 10 quốc gia thành viên cùng đàm phán với Trung Quốc.

Ngoài ra, ông Saifuddin Abdullah nhắc lại tuyên bố hồi tháng 5 của Thủ tướng Mahathir Mohamad rằng Kuala Lumpur ủng hộ việc các tàu biển, kể cả chiến hạm, di chuyển qua Biển Đông nhưng phản đối việc triển khai lực lượng đóng quân tại đó. Ngoại trưởng Malaysia khẳng định tuyên bố này cùng thái độ cứng rắn của ông Mohamad gửi đi tín hiệu rằng chính phủ mới của Malaysia sẽ áp dụng lập trường cứng rắn hơn trong việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông.

Giới chuyên gia, học giả cũng đưa ra cảnh báo tương tự

Với việc điều tàu thăm dò, tàu chấp pháp và tàu chiến xâm phạm thô bạo Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trong những ngày qua cho thấy, Trung Quốc đang coi thường luật pháp quốc tế và không có thiện chí thúc đẩy các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, trong đó có việc đàm phán về COC với ASEAN.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Thanh Ca cho biết, Trung Quốc đã thực hiện thăm dò tài nguyên tại khu vực Bãi Tư Chính và khu vực vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hành động này đang làm xấu hình ảnh của Trung Quốc và làm mất lòng tin của các nước trong và ngoài khu vực đối với Trung Quốc. Đặc biệt, hiện nay ASEAN và Trung Quốc đang đàm phán COC. Hành động này của Trung Quốc đã gây khó khăn rất lớn, nếu không muốn nói  là cản trở quá trình đàm phán và Trung Quốc phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu đàm phán COC thất bại. Tôi cho rằng Trung Quốc sẽ chịu thiệt thòi rất nhiều nếu cứ tiếp tục các hành động sai trái như thế. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Thanh Ca, nếu COC là một văn bản có tính ràng buộc về mặt pháp lý và tuân thủ luật pháp quốc tế thì đó sẽ là một công cụ rất tốt để duy trì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững trên biển Đông. Tuy vậy, việc đàm phán để đạt được COC như thế là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn cho tất cả các nước, đòi hỏi các nước ASEAN phải thật sự quyết tâm. Cùng quan điểm trên, chuyên gia Hoàng Việt thuộc Ban Nghiên cứu luật Biển và Hải đảo (Liên đoàn Luật sư Việt Nam) nhận định rằng những hành động của Trung Quốc đi ngược lại với những gì chính phủ nước này cam kết, cũng như các văn bản đã ký kết với ASEAN, bao gồm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến trình soạn thảo COC.

Tiến sĩ Koh Swee Lean Collin nhận định, ngay từ khi ASEAN và Trung Quốc đẩy nhanh quá trình đàm phán COC, thì đã đặt ra vấn đề là thực tế hợp tác an ninh hàng hải ở vùng biển này như thế nào. Cần nhớ rằng Biển Đông là vùng biển nửa kín, trung tâm hàng hải toàn cầu – nơi hàng hóa có giá trị hàng ngàn tỉ USD được chuyên chở qua đây mỗi năm. Đây là vùng biển hàm chứa quyền lợi kinh tế toàn cầu, nên cần được đảm bảo hòa bình và ổn định, vốn gắn chặt với cả các nước ven vùng biển lẫn các quốc gia có hàng hóa vận chuyển qua đây. Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982 chính là cơ sở pháp lý để các nước hợp tác với nhau đảm bảo an ninh, hòa bình. Trong đó, các quốc gia vùng ven Biển Đông đóng vai trò quan trọng để thực thi điều này, nhưng sự đóng góp của các nước bên ngoài quan trọng không kém. Điển hình như eo biển Malacca được kiểm soát bởi 4 quốc gia ven biển giáp ranh, nhưng 4 nước này cũng luôn hoan nghênh các đóng góp, nỗ lực từ bên ngoài. Nói rõ hơn thì các nước vùng ven Biển Đông cũng cần tiếp nhận sự hỗ trợ từ bên ngoài để theo đuổi mục tiêu trên. Sự hỗ trợ có thể là tài chính, kỹ thuật, phương tiện, thiết bị, đào tạo… hay thậm chí là thông tin tình báo. Những hoạt động này cũng giúp cho các quốc gia trong khu vực ngày càng tiến đến năng lực quốc tế. Từ nền tảng đó, COC mới có thể được thực thi hiệu quả hơn trong thực tế, chứ không phải bị “độc quyền” bởi quốc gia nào.

Malaysia sẽ cứng rắn hơn với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông

Chính phủ Malaysia trước đây hiếm khi thẳng thừng chỉ trích bất cứ hành vi gây hấn nào của tàu thuộc lực lượng tuần duyên Trung Quốc ở vùng biển Malaysia. Sự thay đổi tông giọng của Ngoại trưởng nước này mới đây và Thủ tướng trước đó cho thấy quyết tâm của Malaysia trong nỗ lực ngăn cản các hành động ngày càng ngang ngược của Trung Quốc. 

Được biết, từ sau khi tân Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad lên cầm quyền, Malaysia đã có một số sự điều chỉnh chiến lược liên quan vấn đề Biển Đông theo cách cứng rắn và linh hoạt hơn so với chính quyền tiền nhiệm, nhằm đảm bảo duy trì lợi ích của Malaysia tại Biển Đông. Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cho rằng Biển Đông nên là một vùng biển hợp tác, kết nối và xây dựng cộng đồng, không phải là nơi đối đầu hay xung đột; Không phải đe dọa quân sự mà tham vấn ngoại giao mới là chìa khóa để xử lý và giải quyết bất cứ tranh chấp liên quốc gia nào ở Đông Á cũng như những nơi khác; Tất cả các nước, dù lớn hay nhỏ, đều được hoan nghênh đóng vai trò xây dựng trong một cộng đồng Đông Á rộng mở thông qua sự hội nhập và tạo thành thị trường lớn hơn, nhưng lợi ích của các nước yếu hơn phải được tôn trọng, bảo vệ và hoàn thiện.

Chính sách Biển Đông của Malaysia dưới thời Thủ tướng Mahathir Mohamad tập trung xoay quanh một số vấn đề: (1) Bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của Malaysia ở Biển Đông; (2) Thúc đẩy phối hợp với các nước liên quan tranh chấp chủ quyền trong khu vực và kêu gọi ASEAN đóng vai trò dẫn dắt và chủ động trong việc xử lý mọi tình huống trên Biển Đông. (3) Tìm cách thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các nước lớn trong cả lĩnh vực chiến lược và kinh tế. Điều này được thể hiện bằng việc Malaysia cam kết duy trì sự trung lập và kêu gọi sự tham gia của tất cả các tác nhân, đồng thời nhấn mạnh vai trò của việc tham vấn, củng cố vai trò trung tâm của ASEAN cũng như mở rộng chủ nghĩa đa phương của tổ chức khu vực này trên nhiều tầng nấc. (4) Tăng cường hợp tác, giao lưu hải quân với các nước trong khu vực và trên thế giới nhằm thúc đẩy sự tin cậy chính trị, nâng cao năng lực hải quân và khả năng ứng phó với những tình huống đột xuất trên biển. (5) Tìm cách ngăn chặn các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông.

Đáng chú ý, từ khi lên cầm quyền đến nay, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã có nhiều tuyên bố, hành động cụ thể khẳng định sẽ làm hết sức để bảo vệ chủ quyền, lợi ích của Malaysia ở Biển Đông và phản đối các hành động phi pháp, đe dọa sử dụng vũ lực hay quân sự hóa trong khu vực, cụ thể: (1) Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad (14/8/2018) tuyên bố Malaysia “ủng hộ việc các tàu biển, kể cả chiến hạm, di chuyển qua Biển Đông, nhưng phản đối việc triển khai lực lượng đóng quân tại đó”; lên tiếng cảnh báo việc quân sự hóa trong khu vực tranh chấp ở Biển Đông có thể sẽ gây nên chạy đua vũ trang không lành mạnh. Ông Mahathir cũng tố cáo Mỹ can thiệp vào các tranh chấp thuần túy của châu Á với việc thường xuyên cho tàu chiến, máy bay triển khai hoạt động cũng như việc Trung Quốc cho tàu tuần tra trong vùng. Ian Storey, chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông, cho rằng ông Mahathir sẽ cứng rắn với các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông hơn so với người tiền nhiệm, vốn bị coi là nhượng bộ Bắc Kinh và Malaysia sẽ quyết tâm cao để bảo vệ quyền chủ quyền, quyền tài phán của nước này trên Biển Đông. (2) Ông Mahathir Mohamad tuyên bố, Trung Quốc cần tôn trọng quyền tự do đi lại trên Biển Đông của tàu bè tất cả các nước và Trung Quốc chớ nên gây căng thẳng không cần thiết ở vùng biển này. (3) Ngoài ra, ông Mahathir Mohamad cũng đang tìm cách giảm sự ảnh hưởng của Trung Quốc đối với nền kinh tế Malaysia bằng cách tăng cường hợp tác với các nước (ASEAN, Mỹ và Nhật Bản) và xem xét, hủy một dự án do các công ty Trung Quốc tài trợ. Hành động này của Malaysia có thể sẽ góp phần thúc đẩy nước này có thái độ cứng rắn hơn với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Trong chuyến thăm Trung Quốc 5 ngày (17-21/8/2018), Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã tuyên bố hủy bỏ dự án đường sắt cao tốc và hai đường ống dẫn năng lượng trị giá 22 tỷ USD với Trung Quốc.Theo tính toán của các chuyên gia, chỉ riêng việc phá vỡ hợp đồng dự án Đường sắt bờ biển phía Đông (ECRL), phía Malaysia sẽ phải bồi thường cho các công ty Trung Quốc khoảng 5,5 tỷ USD.

RELATED ARTICLES

Tin mới