Monday, December 23, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaChiến lược “Vùng Xám” của TQ ở Biển Đông

Chiến lược “Vùng Xám” của TQ ở Biển Đông

Để thực hiện mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành cường quốc biển, trước hết Trung Quốc cần khống chế, kiểm soát các khu vực biển trong Chuỗi đảo thứ nhất, gồm Biển Đông và Hoa Đông. Để thực hiện mục tiêu này, Trung Quốc muốn “hất cẳng” Mỹ ra khỏi Biển Đông, nhưng không muốn xung đột với Mỹ ở Biển Đông vì bản thân TQ nhận thấy sức mạnh về mặt quân sự của mình, đặc biệt là về hải quân, chưa thể so sánh với Mỹ,đối đầu trực diện với Mỹ về mặt hải quân sẽ là một lựa chọn chiến lược sai lầm. Chính vì vậy, Trung Quốc lựa chọn một chiến lược mới để Trung Quốc có thể kiểm soát, độc chiếm Biển Đông mà không gây leo thang căng thẳng tới mức xung đột có thể xảy ra.

Quan sát hành vi hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông từ năm 2009 cho tới nay, nhiều nhà phân tích đã nhấn mạnh thuật ngữ “Vùng xám” để ám chỉ hệ thống các chính sách mà Bắc Kinh đang sử dụng để thực hiện mưu đồ của mình. Ông Hal Brands, học giả của chương trình nghiên cứu chính sách đối ngoại về an ninh quốc gia tại đại học Johns Hopkins đưa ra định nghĩa về khái niệm này. Theo đó, chiến lược vùng xám được hiểu là hoạt động gây hấn, cưỡng chế, làm gia tăng căng thẳng nhưng lại duy trì nó ở dưới ngưỡng xung đột quân sự thông thường.

“Vùng xám” có nghĩa đen như là một thứ gì đó “mập mờ”. Một số tính chất của hệ thống chính sách này có thể được đề cập bao gồm: (i) sử dụng các lực lượng phi quân sự nhằm duy trì căng thẳng ở một mức độ nhất định, khống chế để căng thẳng không biến thành xung đột; (ii) các chính sách được tiến hành từ từ, tiệm tiến và không vội vàng; (iii) sự tổng hòa của nhiều hệ thống chính sách khác nhau, từ kinh tế, chính trị, pháp lý cho tới quân sự. Do vậy,những thách thức do chiến lược vùng xám đem đến là khá mơ hồ trên thực tế và rất khó ứng phó.

Điểm qua một số vụ việc tiêu biểu mà Trung Quốc gây ra với các nước láng giềng ven Biển Đông có thể thấy chiến lược “vùng xám” của Trung Quốc hết sức nguy hiểm. Năm 2012, Trung Quốc gây căng thẳng kéo dài với Philippines ở khu vực bãi cạn Scarborough rồi chiếm quyền kiểm soát bãi cạn này. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines  Delfin Lorenzana coi đây là “hành động ức hiếp”, buộc Philippines phải khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài năm 2013.

Năm 2014, Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa miền Trung Việt Nam, gây căng thẳng kéo dài và phản ứng mạnh mẽ của người dân Việt Nam. Tiếp đó, Trung Quốc đẩy mạnh việc bồi đắp, mở rộng các cấu trúc ở Biển Đông, bố trí vũ khí và các thiết bị quân sự để biến chúng thành những đồn điền quân sự giúp Trung Quốc khống chế toàn bộ Biển Đông.

Mới đây nhất, từ đầu tháng 7/2019Trung Quốc đưa tàu địa chất Hải Dương 08 cùng hàng chục tàu hộ tống tiến hành khảo sát địa chấn bất hợp pháp ở khu vực bãi Tư Chính trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam. Trong vụ việc bãi Tư Chính, những ai theo dõi đều thấy rõ Trung Quốc đã vận dụng chiến lược “vùng xám” để tạo ra căng thẳng ở Biển Đông, đẩy các bên liên quan vào những tình huống leo thang nhưng lại mơ hồ về cách giải quyết vấn đề.

Để thực hiện chiến lược “vùng xám”, Trung Quốc không sử dụng lực lượng hải quân mà sử dụng các lực lượng chấp pháp trên biển của Trung Quốc nhưhải cảnh hay kiểm ngư, đặc biệt là lực lượng dân quân biểnnúp dưới danh nghĩa các tàu cá dân binh hoạt động ở vùng biển của các nước. Trong quá trình đánh bắt cá (thậm chí có tàu không đánh bắt cá), các đội dân quân này nhiều lần xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước trong khu vực.

Các chuyên gia đã quan ngại, cho rằng lực lượng tàu cá dân binh này của Trung Quốc có thể từng bước xâm lấn và chiếm đóng các thực thể tranh chấp trên Biển Đông. Theo nhà nghiên cứu Ryan D. Martinson thuộc Đại học Hải chiến Mỹ, lực lượng dân quân biển Trung Quốc đóng trái phép trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa hiện được xem là hình mẫu chuyên nghiệp cho toàn Trung Quốc, với hơn 70 tàu lớn được thiết kế và đóng mới chỉ để phục vụ chiến lược “vùng xám”.

Sau khi cơ bản hoàn tất việc bồi đắp, mở rộng các cấu trúc ở Trường Sa mà Trung Quốc chiếm đóng bằng vũ lực năm 1988, lực lượng dân quân biển đã được bố trí đến các cấu trúc này. Các hình ảnh vệ tinh có độ phân giải cao cho thấy luôn có 200-300 tàu cá Trung Quốc xung quanh đá Xu Bi và Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hầu hết những con tàu này đều trên 500 tấn, đồng nghĩa chúng bắt buộc phải lắp đặt hệ thống nhận dạng tự động (AIS). Tuy nhiên, trên thực tế đa số trong số tàu này không bật hệ thống AIS thường xuyên. Đây là cách làm của Trung Quốc để chống lại việc thu thập các thông tin liên quan. Hôm 09/8/2019, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã lên tiếng công khai tố cáo các tàu của Trung Quốc tắt hệ thống nhận dạng tự động (AIS) khi hoạt động ở Biển Đông.

Với chiến lược “vùng xám”, Trung Quốc đang mưu toan biến các vùng biển không tranh chấp, thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước ven Biển Đông theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 thành khu vực tranh chấp để rồi ép buộc các nước ven Biển Đông không được hợp tác với các nước khác ngoài Trung Quốc. Hoạt động của các tàu Trung Quốc ở khu vực bãi Tư Chính vừa qua là một minh chứng rõ ràng cho ý đồ của Trung Quốc trong việc cản phá các nước láng giềng khai thác dầu khí ở Biển Đông nếu không có sự tham gia của Bắc Kinh và cũng không muốn các nước trong khu vực có mối quan hệ hợp tác với nước ngoài để làm việc đó.

Mỹ đã nhận thức rõ về sự nguy hiểm của chiến lược “vùng xám” mà Trung Quốc đang triển khai ở Biển Đông thể hiện qua việc hôm 06/02/2019 của Tư lệnh Hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson, về việc triển khai các biện pháp cứng rắn hơn nhằm đối phó với sự gây hấn “vùng xám” của Trung Quốc. Đô đốc Richardson cho biết Mỹ cần tìm cách thực thi các quy tắc đối với lực lượng cảnh sát biển và tàu cá dân quân biển của Trung Quốc. Đây chính là hai lực lượng phi quân sự trong chiến lược “vùng xám” của Trung Quốc có thể gây ra các vụ chạm trán thiếu chuyên nghiệp với các tàu của Hải quân Mỹ.

Để chủ động trong việc đối phó với thách thức “vùng xám” của Trung Quốc, theo yêu cầu của Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ,từ đầu năm 2019, Mỹ đã điều tàu của Lực lượng Tuần duyên bờ biển Mỹ vào biên chế của Hạm đội 7. Trong thời gian qua, tàu tuần duyên Mỹ (màu trắng) đã tiến hành tuần tra ở eo biển Đài Loan và Biển Đông.

Nói về việc triển khai tàu Tuần duyên ở khu vực, ngày 23/7/2019, Đô đốc Karl L. Schultz, Tư lệnh Tuần duyên Mỹ (USCG) khẳng định Tuần duyên Mỹ và Hải quân Mỹ ủng hộ việc duy trì các vùng biển quốc tế rộng mở và tự do, đồng thời ủng hộ việc giải quyết tranh chấp chủ quyền của các nước trong khu vực một cách thích hợp tại tòa án quốc tế. Đô đốc Karl L. Schultz nhấn mạnhkhu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cụ thể là Biển Đông, có ảnh hưởng rất lớn đối với các lợi ích của Mỹ và quốc tế. Việc Mỹ tăng cường hiện diện trong khu vực như xây dựng năng lực cho các đối tác cho thấy được Washington thật sự nghiêm túc trong việc thực hiện cam kết về đảm bảo các giá trị dựa trên luật pháp trong khu vực. 

Hiện nay, nhiều ý kiến hối thúc Mỹ cần phối hợp chặt chẽ hơn với các đồng minh để đẩy lùi sự gây hấn do chiến thuật “vùng xám” của Trung Quốc. Nhiều chuyên gia cho rằng ngăn chặn chiến lược “vùng xám” của Trung Quốc cần trở thành một nội dung quan trọng trong chiến lược Ấn Độ dương – Thái Bình dương tự do, rộng mở với nòng cốt là Nhóm “Bộ Tứ” Mỹ-Nhật-Ấn Độ -Úc. Các ý kiến cho rằng cần có sự phối hợp của lực lượng tuần duyên của “Bộ Tứ” này để tăng cường an ninh hàng hải tại khu vực.

Tiến sĩ David Brewster, chuyên gia về các vấn đề Nam Á và Ấn Độ Dương, Đại học Quốc gia Úc cho rằng hợp tác hải quân đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định khu vực, nơi “đã bị một Trung Quốc đang trỗi dậy với những hành vi quyết liệt làm cho bất ổn”. Tuy nhiên, trong bối cảnh Trung Quốc triển khai chiến lược “vùng xám” thì những con tàu “thân trắng” của lực lượng tuần duyên Nhóm “Bộ Tứ” mới là lực lượng thường xuyên đứng nơi “đầu sóng ngọn gió”, một thế lực quan trọng trong việc kiềm chế Trung Quốc, duy trì trật tự, an ninh và tự do hàng hải, hàng không tại khu vực. Đã đến lúc “Bộ Tứ” cần phát huy vai trò của lực lượng tuần duyên trong việc ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc.

Một số nhà phân tích cho rằng hợp tác hải quân đôi khi có những “hạn chế nghiêm trọng”, nảy sinh từ vấn đề chi phí lẫn vấn đề chính trị, vì mục đích chủ yếu của các tàu “thân xám” của Hải quân là tham gia chiến tranh, khiến một số nước tỏ ra thận trọng vì đềumuốn tránh việc bị coi là tham gia vào một liên minh quân sự; các tàu Tuần duyên không chỉ có ích cho việc thực thi luật hàng hải mà còn có thể là công cụ thuận tiện cho hợp tác quốc tế.

Để đối phó với chiến lược “vùng xám” của Trung Quốc, lực lượng Tuần duyênở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đang tăng cường tìm ra các cách để hợp tác với nhau. Hội nghị Lãnh đạo Cơ quan Hải cảnh châu Á (HACGAM) là một cơ chế khu vực mang đến những cơ hội kết nối và chia sẻ thông tin giữa lực lượng Tuần duyên 22 nước thành viên”. Hội nghị HACGAM thường niên lần thứ 16 sẽ được tổ chức tại Úc vào năm 2020. Đây sẽ là cơ hội quan trọng để Úc phát huy vai trò trong “Bộ Tứ” tăng cường liên kết hoạt động với lực lượng Tuần duyên các nước khác khắp châu Á.

Hơn 10 năm nay, Trung Quốc đã áp dụng một chiến lược tổng thể để thực hiện cho được mục tiêu thâu tóm Biển Đông thông qua chiến lược vùng xám. Cách hành xử của Trung Quốc không giúp họ tạo lập được chủ quyền với những đòi hỏi phi lý mà chỉ khiến các nước khác có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông quyết tâm hơn trong hành động, đưa ra phản kháng mạnh mẽ hơn trong tương lai, đồng thời thôi thúc các nước ngoài khu vực liên kết với nhau để chống lại chính sách bành trướng, bá quyền của Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới