Tuesday, November 19, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaĐề phòng bị TQ đánh úp, Đài Loan tăng ngân sách quân...

Đề phòng bị TQ đánh úp, Đài Loan tăng ngân sách quân sự kỷ lục

Chính quyền của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (15/8) tuyên bố Đài Bắc sẽ tăng chi tiêu ngân sách quân sự cao kỷ lục trong vòng hơn một thập niên qua, nhằm đối phó mối đe dọa của quân thù và đảm bảo an ninh.

Tăng ngân sách để bảo vệ trước Trung Quốc

Theo văn phòng thống kế Đài Loan, lãnh đạo Thái Anh Văn đã ký thông qua quyết định tăng 8,3% ngân sách quân sự trong năm nay lên đến 411,3 Đài tệ (304.763 tỉ đồng).Nếu các nghị viên Đài Loan bỏ phiếu thông qua thì đây là mức tăng chi tiêu quân sự cao nhất kể từ năm 2008, giữa bối cảnh căng thẳng quân sự leo thang với Trung Quốc, vốn vẫn coi Đài Loan là lãnh thổ của mình và không loại bỏ giải pháp sử dụng vũ lực để thâu tóm hòn đảo tự trị này. Cơ quan phòng vệ Đài Loan (Bộ Quốc phòng Đài Loan) cho biết, “để đối phó mối đe dọa của quân thù và đảm bảo an ninh, ngân sách quân sự phải luôn được tăng dần”, đồng thời tuyên bố tập trung tăng chi tiêu quân sự mua các vũ khí tối tân của nước ngoài.

Để đáp lại những thay đổi về sức mạnh quân sự của các nước trong khu vực, Đài Loan đã có những hợp đồng mua bán vũ khí với Mỹ để hiện đại hóa quân đội của mình mà điển hình là vụ Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan với hợp đồng trị giá 6,4 tỷ USD vào năm 2010. Trong gói hợp đồng mua bán này phía Đài Loan mua của Mỹ máy bay trực thăng, tên lửa Patriot, tàu dò mìn và tên lửa Harpoon. Tiếp đó Đài Loan thực hiện chương trình nâng cấp máy bay F-16 với trị giá 5,8 tỷ USD (do Mỹ nâng cấp). Bên cạnh đó Đài Loan còn nghiên cứu phát triển hệ thống tên lửa “diệt tàu sân bay”. Điều đáng nói ở đây là việc thử nghiệm tên lửa diễn ra vào thời điểm Trung Quốc vừa kết thúc việc chạy thử tàu sân bay. Do đó, có thể thấy rằng Đài Loan vẫn đang không ngừng tăng cường lực lượng quân sự để đáp lại sự gia tăng về sức mạnh quân sự của Trung Quốc.

Mỹ ủng hộ, Trung Quốc khó chịu

Giám đốc viện Mỹ tại Đài Loan W. Brent Christensen (16/8) cho biết, Washington ủng hộ Đài Bắc tăng chi tiêu quân sự bởi mối đe dọa từ Trung Quốc ngày càng lớn. Theo đó, Mỹ tôn trọng sự nhiệt tình của Đài Loan trong việc theo đuổi những nền tảng cần thiết để đảm bảo năng lực phòng vệ cũng như quyết tâm ngày càng cao của hòn đảo này trong hoạt động phát triển ngành công nghiệp quân sự độc lập.

Để gia tăng thêm sức ép ngăn cản các lực lượng ủng hộ dân chủ ở Đài Loan, Trung Quốc đã tái triển khai chiến dịch cô lập ngoại giao bằng cách thuyết phục một số nước thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan từ bỏ quan hệ với hòn đảo này. Bên cạnh đó, quân đội Trung Quốc cũng tăng cường tiến hành tập trận bên trong và xung quanh eo biển Đài Loan. Trong khi đó, dù không thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức, Mỹ vẫn hỗ trợ Đài Loan cải thiện năng lực quốc phòng. Washington hồi tháng 7 đã thông qua hợp đồng bán vũ khí trị giá 2,2 tỷ USD cho Đài Bắc. Mới đây nhất, Bộ Ngoại giao Mỹ (15/8) đã gửi lời, một cách không chính thức, tới các ủy ban Hạ viện và Thượng viện rằng họ ủng hộ việc bán 66 chiếc F-16, trị giá 8 tỷ USD cho Đài Loan.

Trung Quốc đã lên tiếng phản đối và chỉ trích mạnh mẽ việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, đồng thời đe dọa áp đặt lệnh trừng phạt đối với bất cứ doanh nghiệp nào của Mỹ tham gia vào các thương vụ này. Thậm chí, Trung Quốc xem việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan là hành động gây ảnh hưởng xấu tới chủ quyền và an ninh quốc gia.

Trung Quốc vẫn chiếm ưu thế vượt trội

Chi tiêu quốc phòng của Đài Loan luôn được quốc tế đánh giá cao bởi khả năng duy trì thường xuyên hàng năm ở mức từ 2% – 3% GDP, tương đương khoảng 10 – 11 tỷ USD. Với khoản ngân sách này, Đài Loan có nhiều lựa chọn trong các hợp đồng vũ khí với nước ngoài, đó là còn chưa kể tới một hệ thống nhà máy công nghiệp quốc phòng được đánh giá là tiên tiến trong khu vực. Tuy nhiên, do sự tác động ngầm nhất định từ phía Bắc Kinh một số kế hoạch hiện đại quân đội của Đài Loan thông qua các hợp đồng mua sắm vũ khí với nước ngoài thường bị cản trở và khó thực hiện. Dù vậy trong bảng xếp hạng chỉ số tiềm lực quốc phòng ở khu vực châu Á năm 2019 do trang Global Firepower đánh giá Đài Loan vẫn nằm trong top 12.

Về năng lực tác chiến trên biển, ở thời điểm hiện tại Hải quân Đài Loan đang sở hữu hạm đội tàu chiến lên đến 120 tàu trong đó gồm: 18 tàu chiến có lượng giãn nước trên 3.800 tấn, 4 tàu khu trục lớp Kee Lung, 8 tàu lớp Cheung Kung, 6 tàu frigat lớp Kang Ting, 8 tàu frigat lớp Chi Yang, 12 tàu tấn công nhanh lớp Jing Chiang, 34 tàu lớp Kung Hua VI, 4 tàu ngầm thông thường lớp Hai Shih. Trong đó Kee Lung được đánh giá là lớp tàu chiến mạnh nhất Hải quân Đài Loan. Các tàu khu trục loại này có lượng giãn nước khoảng 10.000 tấn và được trang bị 2 pháo 127mm Mk45 của BAE Systems, 2 bệ phóng tên lửa hạm đối không 2 ống phóng Mk26 cũng của hãng BAE Systems.

Về khả năng tấn công và phòng thủ tầm xa khu trục hạm Kee Lung được trang bị các tên lửa phòng không SAM RIM-66M Block-IIIA của hãng Raytheon, tên lửa đối hạm RGM-84L Harpoon Block-II của Boeing, 1 trực thăng S-70CM1/2 Thunderhawk của hãng Sirkorsky hoặc 1 máy bay cánh quay yểm trợ hải quân MD-500 của hãng MD Helicopters.

Không quân Đài Loan có quân số xấp xỉ 80.000 quân và là quân chủng có ngân sách hàng năm lớn nhất khoảng 1,3 tỉ USD. Lực lượng này được biên chế gồm 146 máy bay F-16A/B Block 20; 55 máy bay chiến đấu đa năng Mirage 2000-5EI; 126 máy bay chiến đấu đa năng F-CK-1 Ching Kuo chế tạo trong nước; 20 máy bay vận tải chiến thuật C-130H Hercules cùng một số máy bay F/RF-5E/F Tiger-II của Northrop Grumman và máy bay trinh sát. Trong đó, các máy bay F-16A/B có thể phóng các tên lửa đối hạm AGM-84 Harpoon và đang được nâng cấp theo tiêu chuẩn máy bay F-16V với thiết bị điện tử hàng không và động cơ được cải tiến, đồng thời trang bị bom đạn tấn công trực tiếp liên quân GBU-31(V)1/2/3/4B và GBU-38/B.

Bên cạnh đó, mạng lưới phòng không của Đài Loan dựa vào tên lửa đất đối không Tien Kung II có tầm bắn 232km. Những thành phố chính được bảo vệ bằng 7 tiểu đoàn SAM MIM-104C của hãng Raytheon, hiện đang được nâng cấp theo tiêu chuẩn của MIM-104F Patriot nâng cao khả năng tác chiến tầm xa.

Lục quân Đài Loan có quân số gần 130.000 quân, được biên chế các loại vũ khí trang bị gồm: 350 – 480 xe tăng chủ lực M60A Chrysler với các tháp pháo 105mm và hệ thống điều khiển hỏa lực cải tiến; 50 xe tăng chủ lực M48A3 và 250 xe tăng chủ lực CM12. Ngoài ra, theo truyền thông Đài Loan, quốc đảo này đang có kế hoạch mua 120 xe tăng chủ lực M1A1 Abrams do Mỹ chế tạo đã qua sử dụng với thời hạn chuyển giao vào giữa năm 2020. Bên cạnh đó, để tăng cường cho lực lượng thiết giáp, Lục quân Đài Loan có khoảng 60 trực thăng tấn công AH-1W Super Cobra và 60 trực thăng vận tải tầm trung đa dụng UH-60M Black Hawk. Theo các chuyên gia quân sự quốc tế, mặc dù bị rằng buộc bởi nhiều vấn đề nhưng quân đội Đài Loan vẫn là một lực lượng tiềm tàng nếu như những nỗ lực hiện đại hóa của quốc đảo này hiện nay đi đến thành công. Điều này sẽ giúp Đài Loan có được năng lực cần thiết để đối phó với các thách thức mới mà quốc đảo này đang phải đối mặt.

Trong khi đó, so với Đài Loan, Trung Quốc được coi là một trong những nước có chi tiêu quốc phòng lớn nhất trên thế giới. Trong phần khai mạc kỳ họp thường niên ngày 5/3, Quốc hội Trung Quốc công bố báo cáo ngân sách cho biết chi tiêu cho quốc phòng năm 2019 sẽ tăng 7,5% so với năm 2018. Tổng ngân sách quốc phòng lên đến 1,19 nghìn tỷ RMB (khoảng 177,49 tỷ USD). Trước đó, năm 2018, ngân sách quốc phòng Trung Quốc tăng 8,1%. Mức tăng trong hai năm 2017 và 2016 lần lượt là 7% và 7,6%. Trong giai đoạn từ năm 2011-2015, tăng chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc luôn nằm ở mức hai con số. Ngân sách quốc phòng Trung Quốc được giới phân tích quốc tế theo dõi sát sao để hiểu thêm về những ý định chiến lược của Bắc Kinh. Nước này đang đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội, phát triển nhiều vũ khí và khí tài quân sự mới như máy bay tàng hình, tàu sân bay và tên lửa diệt vệ tinh. Theo AFP, việc tăng chi tiêu quốc phòng còn để tăng lương và điều kiện sống của quân nhân. Nội dung này nằm trong kế hoạch xây dựng lực lượng quân đội chuyên nghiệp mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề ra thời gian qua. Bắc Kinh không công khai nội dung chi tiêu quốc phòng của mình. Nhiều chuyên gia nhận định sự thiếu tính minh bạch này có thể khiến các quốc gia trong khu vực lo ngại về an ninh. Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc được công bố trong bối cảnh tình hình an ninh trên eo biển Đài Loan, biển Hoa Đông và Biển Đông vẫn còn phức tạp. Trong thời gian qua, Bắc Kinh nhiều lần đề cập sẵn sàng thống nhất đảo Đài Loan bằng vũ lực nếu cần thiết. Các hoạt động diễn tập quân sự thường xuyên diễn ra trong khu vực eo biển Đài Loan. Trung Quốc cũng tiếp tục các hoạt động cải tạo và quân sự hóa trái phép nhiều thực thể trên Biển Đông, bất chấp sự phản đối của các nước trong khu vực và quốc tế. Nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại xảy ra va chạm giữa Mỹ và Trung Quốc trong khu vực đặc biệt khi Mỹ vẫn duy trì các hoạt động tuần tra tự do hàng hải nhằm bác bỏ những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới