Báo Philippines đặt nghi vấn về ý nghĩa thực sự của việc Tổng thống Rodrigo Duterte đề cập tới phán quyết Biển Đông trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây.
Nhiều ngày trước chuyến công du lần thứ 5 của Tổng thống Rodrigo Duterte tới Trung Quốc vào tuần trước, các quan chức Philippines tuyên bố rằng đã đến lúc ông Duterte đề cập tới phán quyết Biển Đông trong cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình.
Trước đó, vào tháng 7/2016, tòa trọng tài quốc tế thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) ở Hà Lan ra phán quyết về vụ Philippines khởi kiện Trung Quốc liên quan tới tranh chấp Biển Đông. Phán quyết này đã vô hiệu hóa yêu sách đơn phương của Trung Quốc dựa trên cái gọi là “đường chín đoạn” đối với hầu hết diện tích Biển Đông.
Phát biểu trước các doanh nhân Philippines gốc Trung Quốc, chính Tổng thống Duterte cũng khẳng định tầm quan trọng của thời điểm đề cập tới phán quyết Biển Đông khi ông gặp Chủ tịch Tập.
“Phán quyết của tòa, chúng tôi sẽ trao đổi về điều đó. Đó là lý do tôi tới Trung Quốc”, ông Duterte nói.
Tuyên bố của nhà lãnh đạo Philippines đã thu hút sự chú ý của dư luận. Tuyên bố này đánh dấu lần đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền cách đây 3 năm, Tổng thống Duterte cuối cùng cũng đề cập tới một phán quyết tưởng chừng như không bao giờ được nhắc tới trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc.
Trong những ngày đầu nhậm chức, Tổng thống Duterte đã chỉ đạo các quan chức trong chính quyền của ông hạn chế và không đề cập gay gắt tới phán quyết Biển Đông. Vào thời điểm đó, chính quyền Duterte đang kỳ vọng xây dựng mối quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc.
Rốt cuộc, khi Tổng thống Duterte tới Bắc Kinh tuần trước, ông đã đề cập tới phán quyết Biển Đông như đã hứa.
Theo mô tả của ông Salvador Panelo, người phát ngôn của Tổng thống Duterte, nhà lãnh đạo Philippines đã đề cập tới phán quyết “một cách rõ ràng, dứt khoát, nhưng vẫn trên tinh thần hữu nghị”. Ông Panelo cho biết Tổng thống Duterte khẳng định với Chủ tịch Tập Cận Bình rằng phán quyết của tòa là “cuối cùng, mang tính ràng buộc và không thể kháng cáo”.
“Đáp lại, Chủ tịch Tập một lần nữa khẳng định lập trường của chính phủ ông ấy về việc không công nhận phán quyết của tòa và cũng không thay đổi lập trường của Trung Quốc”, ông Panelo cho biết.
Sau đó, hai nhà lãnh đạo chuyển sang các chủ đề khác, liên quan tới việc làm thế nào để “cải thiện hơn nữa” quan hệ song phương, bao gồm việc thúc đẩy các hoạt động khai thác dầu khí chung tại Biển Đông.
Hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Philippines hội đàm tại Bắc Kinh ngày 29/8 (Ảnh: Getty)
Theo báo Inquirer (Philippines), mọi việc về cơ bản chỉ dừng lại ở đó. Ông Duterte dường như nêu phán quyết một cách mau lẹ, trong khi ông Tập phủ nhận ngay lập tức. Và phán quyết Biển Đông đã quay trở lại vị trí như vốn có ban đầu, một lần nữa bị phớt lờ và không được thảo luận.
Không có thông tin nào được đưa ra về bất kỳ cuộc thảo luận thực tế nào của hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Philippines về vấn đề quan trọng liên quan tới căng thẳng gia tăng trên Biển Đông, bao gồm yêu sách chủ quyền quá đáng và vô căn cứ của Trung Quốc tại vùng biển này, cũng như những hành vi khiêu khích của Bắc Kinh như quân sự hóa các đảo tranh chấp hay xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của các nước, trong đó có Philippines.
Inquirer đặt ra câu hỏi rằng: Liệu tất cả những tuyên bố của Tổng thống Duterte có phải chỉ mang tính hình thức?
Nếu dựa trên phát ngôn của người phát ngôn Panelo, ông Duterte rõ ràng không có kế hoạch khẳng định chủ quyền của Philippines với người đồng cấp Trung Quốc. Thậm chí, tổng thống Philippines còn cảm thấy hối lỗi khi đề cập tới phán quyết Biển Đông.
“Tổng thống đã nói (với ông Tập Cận Bình rằng): Tôi không muốn cảnh báo ông về những gì tôi sắp nêu ra đây vì ông cũng đang có vấn đề Hong Kong, đó là lý do tôi muốn ông thứ lỗi, nhưng tôi vẫn cần phải nói vì tôi đã hứa với người dân của tôi rồi”, người phát ngôn của Tổng thống Duterte thuật lại.
Inquirer tiếp tục đặt câu hỏi: “Đề nghị thứ lỗi? Thứ lỗi vì điều gì”.
Theo báo Philippines, mọi chuyện lẽ ra phải diễn biến theo chiều hướng ngược lại, tức là Trung Quốc phải bày tỏ sự hối lỗi vì những hành vi ngang ngược của nước này với Philippines, từ việc quấy rối ngư dân Philippines, cho tới triển khai lực lượng dân quân biển xung quanh đảo do Philippines chiếm giữ và nhiều lần đưa tàu chiến vào vùng biển của Philippines trong khi tắt hệ thống nhận diện để tránh bị theo dõi.
Khi được hỏi liệu Tổng thống Duterte có ý định hành động thêm nữa hay không, chẳng hạn khẳng định lập trường của Philippines một cách mạnh mẽ hơn thông qua việc nhắc lại phán quyết Biển Đông với Chủ tịch Tập, ông Panelo nói: “Không còn gì thêm nữa. Chúng tôi đã đề cập (phán quyết). Chúng tôi sẽ không đề cập nhiều lần”.
Theo Inquirer, từ ngôn ngữ cơ thể của hai nhà lãnh đạo, có thể thấy một điều rõ ràng rằng, họ đã đạt được sự đồng thuận về việc bỏ qua một bên phán quyết Biển Đông và tiếp tục trở thành những người bạn cùng chia sẻ lợi ích.
Truyền thông Trung Quốc cho biết, hai nước đã nhất trí thành lập một ủy ban điều phối chung liên chính phủ và một nhóm làm việc liên doanh nghiệp để cùng triển khai dự án khai thác dầu khí chung trên Biển Đông. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Philippines và cũng là nước nhập khẩu hàng đầu các hàng hóa của Philippines.
Cũng trong chuyến thăm của Tổng thống Duterte, Trung Quốc và Philippines đã ký 6 thỏa thuận trong các lĩnh vực. Ông Tập Cận Bình kêu gọi hai nước đẩy mạnh sự phối hợp giữa Sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc và Chương trình Xây dựng của Philippines để thực hiện các dự án về cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp, viễn thông và năng lượng.