Monday, November 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaHệ thống vệ tinh định vị dẫn đường Bắc Đẩu chuẩn bị...

Hệ thống vệ tinh định vị dẫn đường Bắc Đẩu chuẩn bị đưa vào sử dụng: Trung Quốc sẽ cung cấp dịch vụ trên phạm vi toàn cầu

Phát biểu tại Hội nghị thường niên về dịch vụ định vị và dẫn đường của vệ tinh Trung Quốc, người phụ trách Hệ thống vệ tinh định vị dẫn đường Bắc Đẩu của Trung Quốc Dương Trường Phong cho biết, Trung Quốc đang có 39 vệ tinh Bắc Đẩu trên quỹ đạo, trong đó có 21 vệ tinh thuộc Hệ thống vệ tinh Bắc Đẩu 3 (BDS-3). Hệ thống trên cơ bản sẽ hoàn thiện và đưa vào sử dụng trong năm 2020.

Hệ thống vệ tinh định vị dẫn đường Bắc Đẩu 3

Theo thông tin trên, hiện tại Trung Quốc đang có 39 vệ tinh Bắc Đẩu trên quỹ đạo, trong đó có 21 vệ tinh thuộc Hệ thống vệ tinh Bắc Đẩu 3 (BDS-3). Hệ thống này cũng sẽ kết nối chặt chẽ với mạng Internet, mạng vạn vật kết nối, 5G, số liệu lớn (big data)… của Trung Quốc. Theo kế hoạch, năm 2019, Trung Quốc dự kiến sẽ phóng thêm 5-7 vệ tinh Bắc Đẩu. Năm 2020 phóng thêm 2-4 vệ tinh và cơ bản hoàn thiện hệ thống vệ tinh định vị dẫn đường của nước này, đồng thời cung cấp dịch vụ trên phạm vi toàn cầu. Khi đi vào hoàn thiện, BDS-3 của Trung Quốc sẽ có 35 vệ tinh trên quỹ đạo. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang lên kế hoạch hoàn thành việc xây dựng hệ thống định vị, dẫn đường và thời gian (PNT) toàn diện có độ chính xác cao dựa trên cơ sở của BDS vào năm 2035.

Được biết BDS là hạ tầng không gian có vai trò quan trọng cấp quốc gia, cung cấp các dịch vụ định vị, dẫn đường và hẹn giờ mọi lúc, mọi thời tiết với độ chính xác cao cho người dùng toàn cầu. BDS sẽ có vai trò lớn khi được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như thành phố thông minh, nông nghiệp và dự báo thời tiết, máy lái tự động, vận tải thông minh… BDS hiện được sử dụng rộng khắp trên thế giới trong các công trình xây dựng ở Kuwait, nông nghiệp ở Myanmar, khảo sát và vẽ bản đồ đất đai ở Uganda, hay phục vụ ngành logistics ở Thái Lan.

Giới chuyên gia Trung Quốc cho biết, tính đến nay nước này đã triển khai và vận hành độc lập ba hệ thống Bắc Đẩu, nhằm cung cấp dịch vụ định vị và dẫn đường trên thế giới. Trung Quốc bắt đầu thiết lập BDS từ những năm 90 của thế kỷ trước nhằm giảm phụ thuộc hệ thống định vị toàn cầu GPS của Mỹ và bắt đầu triển khai hệ thống Bắc Đẩu năm 2000. Hệ thống vệ tinh Bắc Đẩu thế hệ thứ 1 (BDS-1) là hệ thống thử nghiệm, gồm ba vệ tinh, đã dừng hoạt động cuối năm 2012. Hệ thống vệ tinh Bắc Đẩu thế hệ thứ 2 (BDS-2) được vận hành ở Trung Quốc vào tháng 12-2011. Từ tháng 12/2012, BDS-2 cung cấp dịch vụ cho các khách hàng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Kể từ khi đi vào hoạt động, hệ thống BDS-2 đã cung cấp dịch vụ ổn định và đáng tin cậy. Bên cạnh đó, tính chính xác của hệ thống đã được cải thiện từ 10 m xuống còn 6 m. Năm 2015, Trung Quốc bắt đầu xây dựng hệ thống Bắc Đẩu thế hệ thứ 3 (BDS-3). Tháng 12/2018, BDS bắt đầu cung cấp các dịch vụ toàn cầu. Theo các chuyên gia, khi BDS-3 hoàn thành vào năm 2020, các khách hàng trên thế giới sẽ có thêm sự lựa chọn hệ thống dẫn đường toàn cầu với sự chính xác cao hơn các hệ thống hiện có gồm Hệ thống định vị toàn cầu (GPS) của Mỹ, GLONASS của Nga và Galileo của châu Âu. BDS-3 có thể đạt độ chính xác tới từng mm. Các dịch vụ vệ tinh dẫn đường hiện có trên thế giới gần như không thể thực hiện được tại các vị trí như bên trong các tòa nhà, dưới đất, dưới nước… BDS cung cấp dịch vụ chính xác hơn ở những vị trí này.

Chiến lược phát triển không gian vũ trụ của Trung Quốc

Trong những năm gần đây, không gian vũ trụ đang là điểm nóng mới trong cuộc chạy đua của các cường quốc trên thế giới. Việc kiểm soát không gian vũ trụ có ý nghĩa sống còn đối với tất cả các nước. Trong giai đoạn hiện nay,Trung Quốc đang tích cực phát triển không gian vũ trụ nhằm phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, triển khai phục vụ các mục đích quân sự và tìm cách kiểm soát Biển Đông. Trung Quốc đã nhiều lần ra Sách Trắng về không gian vũ trụ, trong đó đề cập chủ trương, chính sách của Bắc Kinh liên quan việc phát triển không gian vũ trụ. Theo đó, Chính phủ Trung Quốc coi lĩnh vực không gian là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển tổng thể của quốc gia; tuyên truyền rằng nước này phát triển và sử dụng các nguồn tài nguyên không gian một cách thận trọng, áp dụng các biện pháp hiệu quả để bảo vệ môi trường không gian nhằm đảm bảo không gian vũ trụ hòa bình và trong sạch, đồng thời đảm bảo rằng các hoạt động không gian của Trung Quốc mang lại lợi ích cho toàn thể nhân loại; và rằng Trung Quốc phản đối việc trang bị vũ khí hoặc chạy đua vũ trang trong không gian vũ trụ, đồng thời nêu rõ Trung Quốc luôn tuân thủ nguyên tắc thám hiểm và sử dụng không gian vũ trụ vào các mục đích hòa bình.

Phó Cục trưởng Cục Hàng không vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) Ngô Diễm Hoa nhận định về một số thành tựu nổi bật của ngành công nghiệp vũ trụ của Trung Quốc: Kết nối thành công giữa tàu vũ trụ Thần Châu 9 và 10 với tàu vũ trụ Thiên Cung 1, giữa tàu vũ trụ Thần Châu 11 với tàu vũ trụ Thiên Cung 2, tàu vũ trụ Hằng Nga 3 đã lần đầu tiên đáp xuống mặt Trăng và cho xe tự hành thám hiểm, hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đầu 2 đã hoàn thành toàn diện, chính thức cung cấp dịch vụ định vị và cho khách hàng khu vực châu Á-Thái Bình Dương; phóng thành côngvà đưa vào sử dụng 6 vệ tinh trong hệ thống quan trắc Trái đất với độ phân giải cao…

Trong năm 2017, Trung Quốcđã tiến hành phóng tàu vũ trụ Thiên Châu 1 từ bãi phóng Văn Xương, tỉnh Hải Nam. Thiên Châu-1 là tàu vũ trụ chở hàng đóng kín hoàn toàn do Trung Quốc tự nghiên cứu chế tạo, kết cấu hai khoang, trọng lượng cất cánh 13 tấn, có thể chở 6 tấn vật tư. Thiên Châu-1 chủ yếu thực hiện các nhiệm vụ như vận chuyển hàng cho thí nghiệm không gian, nhiên liệu, thiết bị và dụng cụ sửa chữa, thiết bị thử nghiệm, đồng thời sẽ chuyển về những phế liệu từ một số trạm không gian; tiến hành kết nối với tàu vũ trụ Thiên Cung-2 để “tiếp dầu” cho Thiên Cung-2 ở trong không gian vũ trụ, triển khai thử nghiệm các công nghệ như sửa chữa và bổ sung nhiên liệu trên quỹ đạo.

Bắc Kinh cũng phóng thành công tàu Thường Nga-5, có trọng lượng 8,2 tấn; là tàu vũ trụ có độ khó lớn nhất, nhiệm vụ phức tạp nhất do Trung Quốc nghiên cứu chế tạo cho đến nay. Thường Nga-5lần đầu tiên tiến hành kết nối tự động trên quỹ đạo Mặt Trăng ngoài 380.000 km và cũng lần đầu tiên đưa mẫu đất từ Mặt Trăng về Trái Đất.

Ngoài ra, Trung Quốc đã phóng thành công cụm vệ tinh Bắc Đẩu-3. Nó được thiết kế với các chức năng được tích hợp như truyền tín hiệu giữa các vệ tinh, truyền tín hiệu với mặt đất, bảo đảm kết nối giữa trạm mặt đất với các vệ tinh trên quỹ đạo cao và quỹ đạo thấp; tuổi thọ vệ tinh lên tới 12 năm. Việc đưa Bắc Đẩu-3 vào quỹ đạo đã mở rộng phạm vi phủ sóng trên toàn cầu của Trung Quốc. Nó góp phần không nhỏ trong việc hỗ trợ các mục đích quân sự (kiểm soát đường biên giới, định vị mục tiêu quân sự, hỗ trợ định vị đường bay của tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo…), và kiểm soát thực địa ở Biển Đông (kiểm soát tàu, thuyền các nước ở Biển Đông). Trung Quốccũng đã phóng 6 vệ tinh thông tin (Thực Tiễn-13, Thực Tiễn-18, Trung Tinh-9A, Trung Tinh-9C) hỗ trợ kết nối mạng trên máy bay, đường sắt cao tốc.

Xuất phát từ việc Chính phủ Trung Quốc coi ngành công nghiệp vũ trụ là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển tổng thể quốc gia, khẳng định Trung Quốc luôn sẵn sàng tăng cường giao lưu, hợp tác với các quốc gia nhằm đi sâu nghiên cứu công nghệ hàng không vũ trụ trong các lĩnh vực trọng điểm. Trung Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp không gian vũ trụ, đi sâu nghiên cứu, nắm bắt các công nghệ then chốt hàng đầu. Hiện Trung Quốc đã thông báo kế hoạch phóng tàu thăm dò Sao Hỏa đầu tiên trước năm 2020, lên kế hoạch thăm dò Mặt Trăng bằng tàu vũ trụ Hằng Nga 4 và 5, nghiên cứu chế tạo, phát triển các tên lửa vận chuyển hạng nặng thế hệ mới, xây dựng hệ thống bảo dưỡng tàu vũ trụ trên quỹ đạo; có kế hoạch thành lập mạng lưới Bắc Đẩu gồm 35 vệ tinh phục vụ hoạt động định vị toàn cầu trước năm 2020.

RELATED ARTICLES

Tin mới