Sunday, May 19, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaHọc theo Mỹ và Nga, TQ muốn tích hợp tên lửa đạn...

Học theo Mỹ và Nga, TQ muốn tích hợp tên lửa đạn đạo diệt hạm cho máy bay ném bom H-6

Sau khi Mỹ và Nga thành công trong việc tích hợp tên lửa đạn đạo cho máy bay nhằm gia tăng tầm bắn cũng như khả năng ứng phó linh hoạt, cơ động, Trung Quốc hiện đang thúc đẩy kế hoạch tích hợp tên lửa đạn đạo diệ hạm cho máy bay ném bom chiến lược H-6.

Mỹ và Nga đã thành công

Từ những năm 1958, Mỹ đã bắt đầu nghiên cứu và thử nghiệm triển khai tên lửa đạn đạo trên máy bay ném bom chiến lược. Vũ khí này đạt kết quả rất khả quan trong thử nghiệm như đạt tới tầm bắn 1.800 km, tốc độ Mach 12,5, không đòi hỏi phương tiện mang phóng phức tạp. Tuy nhiên, Mỹ đã không áp dụng mô hình vũ khí này vào trang bị vì nhận thấy nó thua kém tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm về độ bí mật cũng như tầm xa đạt được. Hiện nhà sản xuất máy bay Boeing vừa nhận được hợp đồng để giúp không quân Mỹ tích hợp một loạt tên lửa hành trình phóng từ trên không mới vào máy bay ném bom B-52H. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, hợp đồng này sẽ phát triển các thiết bị và phần mềm liên quan, đồng thời bao gồm chi phí thử nghiệm, huấn luyện và cung cấp những sự hỗ trợ cần thiết để tích hợp tên lửa hành trình siêu xa (LRSO) lên máy bay ném bom B-52H. Dự kiến, viện nghiên cứu, ứng dụng và đưa vào thực tế sẽ hoàn thành vào năm 2024. Được biết, LRSO là tên lửa hành trình hạt nhân, được thiết kế để tấn công các mục tiêu mà tên lửa đạn đạo liên lục địa và tên lửa phòng từ tàu ngầm không thể tấn công. Mỹ mong muốn sử dụng B-52 như một phương tiện triển khai hạt nhân không chỉ 10 hay 20 năm nữa mà là đến những năm 2050. Tuy nhiên, B-52 không có khả năng xâm nhập không phận của đối phương, do đó nếu không có LRSO, B-52 sẽ suy giảm khả năng tấn công hạt nhân một khi tên lửa AGM-86 được  cho nghỉ hưu.  Tên lửa LRSO sẽ đóng vai trò là loại vũ khí răn đe hạt nhân tương lai của Mỹ và nó phù hợp trang bị cho tất cả máy bay ném bom của Mỹ như Boeing B-52, Northrop Grumman B-2, B-21 Raider, thay thế cho tên lửa hành trình tốc độ dưới âm phóng từ trên không AGM-86B. Theo tướng không quân về hưu David Deptula (từng là phi công máy bay chiến đấu F-15), tên lửa LRSO và máy bay B-21 Raider là các vũ khí bổ sung cho nhau. Đặc biệt khi hệ thống phòng không của kẻ địch phát triển, sự kết hợp của máy bay B-21 Raider và tên lửa LRSO sẽ giúp Mỹ thắng thế.

Sau gần 60 năm, Nga đã triển khai một ý tưởng tương tự thông qua tên lửa đạn đạo Kh-47M2 Kinzhal. Vũ khí này thực chất chính là phiên bản phóng từ trên không của đạn 9M723 thuộc tổ hợp Iskander-M. Sau khi thử nghiệm thành công trên tiêm kích đánh chặn MiG-31K, mới đây Nga còn công bố dự định sẽ tích hợp vũ khí này cho máy bay ném bom siêu âm Tu-22M3 để tạo ra một “sát thủ tàu sân bay” mới.

Trung Quốc bắt đầu khởi động

Sau khi Nga đạt được bước tiến quan trọng, Trung Quốc bắt đầu công bố một kế hoạch đầy tham vọng đó là nghiên cứu để chế tạo một vũ khí tương tự như Kh-47M2 Kinzhal. Bắc Kinh tìm cách tích hợp tên lửa đạn đạo chống tàu sân bay chuyên dụng DF-21D có tầm bắn 1.500 km và thậm chí là cả loại DF-26 có tầm bắn 3.500 km trên máy bay ném bom chiến lược H-6. Tuy nhiên trở ngại rất lớn đó là trọng lượng siêu khủng lên tới cả chục tấn của tên lửa sẽ rất khó để chiếc oanh tạc cơ này có thể mang nổi, kể cả khi đã được gia cố khung thân.

Từ khó khăn trên, Bắc Kinh đã phát triển một thế hệ tên lửa đạn đạo mới – CH-AS-X-13 được cho là có nguồn gốc từ tên lửa đạn đạo mặt đất DF-21, hiện đang phục vụ trong quân đội Trung Quốc. CH-AS-X-13 là một tên lửa đạn đạo hai giai đoạn, với tầm bắn 3.000 km. Tên lửa này có thể sử dụng vật liệu composite trọng lượng nhẹ hơn như khung máy bay để giảm trọng lượng cần thiết cho máy bay ném bom. Theo các nguồn tin của chính phủ Mỹ am hiểu về Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc, Bắc Kinh đã tiến hành 5 chuyến thử nghiệm tên lửa không tên, mà cộng đồng tình báo Mỹ gọi là tên lửa CH-AS-X-13. Tên lửa này được thử nghiệm lần đầu tiên vào tháng 12/2016 và đã được thử nghiệm gần đây nhất vào tuần cuối cùng của tháng 1/2018. Trong khi đó, theo một nguồn tin tiết lộ với The Diplomat, cộng đồng tình báo Mỹ đánh giá CH-AS-X-13 sẽ sẵn sàng cho việc triển khai vào năm 2025.

Không những vậy, Trung Quốc cũng cải tiến và nâng cấp máy bay ném bom chiến lược, chính thức đưa vào sử dụng một biến thể mới của H-6 là máy bay ném bom chiến lược H-6N, có động cơ mới, mạnh hơn, hệ thống điện tử hàng không được nâng cấp, tầm bay xa hơn (khoảng 6.000km), tải trọng lớn hơn cũng như ít cần bảo trì hơn. Việc máy bay ném bom H-6N được trang bị tên lửa có tầm xa giới hạn này chỉ mang tính chiến thuật hơn là chiến lược.

Viện Hải quân Mỹ cho biết, các máy bay ném bom chiến lược của Nga và Mỹ như D-2 Spirit và Tu-160 Blackjack có khả năng bay tới một lục địa khác, nhưng máy bay Trung Quốc thì không thể. Tức là nó không thể tiến hành các cuộc tấn công hạt nhân vào lục địa vốn là mục tiêu chính của chiến lược đánh chặn mà Trung Quốc đưa ra. Tuy nhiên, cần chú ý rằng khả năng nhắm vào các mục tiêu có tốc độ siêu thanh Mach 10 với độ chính xác cao của tên lửa này có thể phá hủy một siêu chiến đấu cơ Mỹ chỉ bằng một cuộc tấn công. Do đó, tuy H-6N cung cấp thành phần thứ 3 cho bộ 3 hạt nhân của Trung Quốc (tên lửa phóng từ mặt đất, tàu ngầm và máy bay), nhưng PLA vẫn không có một phương tiện hiệu quả để tiến hành các cuộc tấn công trên không tầm xa vốn cần thiết để tạo thành công cụ răn đe chiến lược. Khả năng này chỉ Nga và Mỹ có. Tuy vậy, việc tạo ra các tên lửa đạn đạo phóng từ trên không có thể góp phần phát triển các máy bay có khả năng tấn công hạt nhân chiến lược, đặc biệt là trong bối cảnh dự án máy bay ném bom tàng hình H-20 có tầm xa liên lục địa.

Nhìn chung, với 270 đầu đạn hạt nhân và trình độ khoa học kỹ thuật của Trung Quốc hiện nay cho thấy nước này vẫn chưa thể so sánh được với Mỹ. Kể cả trong trường hợp chính thức đưa tên lửa đạn đạo tích hợp trên máy bay ném bom chiến lược H-6 đi vào hoạt động, Trung Quốc vẫn không thể đe dọa được an ninh Mỹ. Song vũ khí này sẽ là một trong những trang bị nguy hiểm, đe dọa đến hòa bình ổn định trong khu vực, nhất là trong bối cảnh tình hình Biển Đông đang ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp.

RELATED ARTICLES

Tin mới