Thursday, May 2, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaDiễn tập Mỹ - ASEAN ở Biển Đông nói lên điều gì?

Diễn tập Mỹ – ASEAN ở Biển Đông nói lên điều gì?

Trong khuôn khổ “Thỏa thuận giữa các Bộ trưởng quốc phòng ASEAN và Mỹ năm 2018” từ ngày 2 đến ngày 7/9 vừa qua, Mỹ và 10 nước thành viên của ASEAN đã tiến hành cuộc diễn tập hải quân chung đầu tiên với sự tham gia của tám tàu chiến, bốn máy bay và lực lượng gồm hơn một nghìn quân nhân. Cuộc diễn tập được tiến hành giữa lúc Trung Quốc liên tiếp có các hành động gây hấn với các nước láng giềng ven Biển Đông, đặc biệt là xâm lấn khu vực bãi Tư Chính trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam và đe dọa, uy hiếp các hoạt động hợp tác dầu khí lâu năm của Việt Nam. Mặt khác, Trung Quốc tìm cách “chặn họng” các nước, yêu cầu giải quyết nội bộ, không quốc tế hóa vấn đề.

Việt Nam đã cử một tàu tham gia cuộc diễn tập. Việc tham gia của Việt Nam là điều bình thường bởi lẽ Việt Nam là thành viên có vai trò quan trọng trong ASEAN. Điều đáng nói là trước đây Việt Nam tỏ ra thận trọng khi tham gia vào các cuộc diễn tập như thế này, song lần này Việt Nam tỏ ra tích cực chủ động hơn, tàu chiến của Việt Nam là 1 trong 8 chiếc tàu tham gia cuộc diễn tập và thể hiện khá chuyên nghiệp theo như đánh giá củaChuẩn đô đốc Murray Joe Tynch.

Một số nhà phân tích cho rằng chính Trung Quốc đã thôi thúc Việt Nam phải tích cực hơn trong việc tham gia các hoạt động đa phương ở Biển Đông, bao gồm cuộc diễn tập chung ASEAN – Mỹ lần đầu tiên này, bởi lẽ nếu Việt Nam một mình chống chọi với Trung Quốc thì sẽ bị những người cầm quyền ở Bắc Kinh “bóp nát”.

Các nhà phân tích còn cho rằng việc Trung Quốc cho nhóm tàu Hải Dương 08 liên tục xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở khu vực bãi Tư Chính từ đầu tháng 7/2019 là nhằm “bào mòn ý chí và quyết tâm” của Việt Nam trong đấu tranh với Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc khó lòng mà thực hiện được mưu đồ này bởi ý chí kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam.

Trung Quốc nhằm vào Việt Nam ở thời điểm này vì Trung Quốc cho rằng Việt Nam là “cứng đầu, cứng cổ” nhất trong số các nước ven Biển Đông. Nếu quy phục được Việt Nam thì các nước khác sẽ phải đi theo quỹ đạo của Trung Quốc. Mặt khác, Trung Quốc muốn “dằn mặt” Việt Nam không được quốc tế hóa vấn đề Biển Đông tại các cuộc họp trong khuôn khổ ASEAN năm 2020 khi Việt Nam làm chủ tịch ASEAN. Tuy nhiên, việc làm của Trung Quốc có thể phản tác dụng; hành động gây hấn leo thang của Trung Quốc có thể đẩy Việt Nam xích lại gần Mỹ hơn. Việc Việt Nam chủ động cùng các nước ASEAN triển khai diễn tập ASEAN – Mỹ vừa qua cũng cho thấy điều này.

Trước việc hành động gây hấn của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam diễn ra liên tục từ đầu tháng 7/2019 đến nay và ngày càng leo thang (có lúc nhóm tàu Hải Dương 08 vào cách bờ biển của Việt Nam chỉ hơn 50 hải lý), Việt Nam phải đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ hợp tác đa phương ở Biển Đông và kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế là lẽ đương nhiên.

Mặc dù, Hải quân Mỹ đã tiến hành các cuộc diễn tập, các chuyến cập cảng và giao tiếp với nhiều nước ở Đông Nam Á trong những năm qua, song Cuộc diễn tập chung ASEAN – Mỹ ở Biển Đông lần đầu tiên khá thành công này là một bước tiến mới trong hợp tác giữa Mỹ và các nước ASEAN, thể hiện xu hướng gia tăng hợp tác đa phương ở BiểnĐông. Những hoạt động này có ý nghĩa quan trọng đối với việc duy trì hòa bình ổn định, tự do an toàn hàng hải ở Biển Đông và là yếu tố quan trọng ngăn chặn những hành động gây hấn, bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trả lời báo giới liên quan đến diễn tập chung ASEAN – Mỹ lần đầu tiên ở Biển Đông, bà Andrea L. Thompson – Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ chuyên trách về Kiểm soát Vũ khí và An ninh Quốc tế nhấn mạnh, “Mỹ phối hợp với các đối tác và đồng minh nhằm bảo đảm quyền tự do hàng hải và quyền tự do đi lại ở khu vực đó (Biển Đông). Mỹ phối hợp song phương cũng như đa phương nhằm quy trách nhiệm cho Trung Quốc”; khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục phối hợp với các đồng minh và đối tác để“bảo vệ lẽ phải cũng như quyền tự do hàng hải”.

Cuộc diễn tập chung ASEAN – Mỹ cho thấy rõ một điều rằng, chính những hành động xâm lấn, bắt nạt các nước nhỏ ven Biển Đông của Trung Quốc đã tạo cơ hội để Mỹ tăng cường hợp tác song phương với các nước ven Biển Đông nói riêng và hợp tác đa phương Mỹ – ASEAN ở Biển Đông nói chung.

Diễn tập chung ASEAN – Mỹ càng có ý nghĩa hơn với sự tham gia của cả 10 nước ASEAN với tư cách một khối thống nhất, bao gồm cả Lào là nước không có biển. Một điều rất đặc biệt là mặc dù quân đội Myanmar nằm trong diện trừng phạt của Mỹ nhưngMyanmar cũng cử tàu khu trục UMS Kyan Sittha tham gia đợt diễn tập này. Đây còn là một dấu ấn quan trọng bác bỏ yêu sách ngang ngược của Bắc Kinh trong đàm phán COC với các nước ASEAN khi họ đòi bất kỳ các cuộc tập trận quân sự giữa ASEAN với “các nước ngoài khu vực” đều phải có ý kiến của Bắc Kinh. 

Trong khi Trung Quốc tìm mọi cách loại bỏ Mỹ và các nước ngoài khu vực ra khỏi Biển Đông và không muốn nhìn thấy các đợt diễn tập giữa ASEAN với “các quốc gia ngoài khu vực”, nhất là với Mỹ thì cuộc diễn tập chung ASEAN – Mỹ lần đầu tiên này là câu trả lời rõ ràng nhất với Bắc Kinh rằng ASEAN có tính độc lập không chịu sự khống chế hay sự lệ thuộc vào Bắc Kinh mà là một khối thống nhất mong muốn phát huy vai trò trung tâm trong việc duy trì hòa bình ổn định và tự do, an ninh an toàn hàng hải dựa trên luật pháp quốc tế. Động thái mới này sẽ giúp cho ASEAN nâng cao vị thế của mình trong đàm phán COC thời gian tới.

Với sự khởi đầu thuận lợi, tin rằng diễn tập chung ASEAN – Mỹ ở Biển Đông sẽ diễn ra thường xuyên hơn trong tương lai để duy trì một trật tự dựa trên luật pháp quốc tế ở Biển Đông, đồng thời mở đường cho các diễn biến đa phương khác ở Biển Đông, chẳng hạn như ASEAN có thể tiến hành diễn tập chung với các đối tác khác như Ấn Độ, Úc, Nhật và các nước Châu Âu như Anh, Pháp…, thậm chí diễn tập chung giữa ASEAN với cả 4 nước trong “Bộ tứ” Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ trong khuôn khổ thúc đẩy chiến lược Ấn Độ dương – Thái Bình Dương tự do rộng mở.

Xem ra những hành động gây hấn ngày càng leo thang của Bắc Kinh ở Biển Đông đang tạo điều kiện cho nhóm “Bộ tứ” triển khai chiến lược Ấn Độ dương – Thái Bình dương tự do, rộng mở.

RELATED ARTICLES

Tin mới