Trung Quốc đã tiến hành diễn tập quân sự quy mô lớn trên Biển Đông từ ngày 29/6 đến 03/7/2019. Khu vực tiến hành diễn tập nằm giữa quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Điều làm cả thế giới và khu vực lo ngại là trong cuộc diễn tập này, Trung Quốc lần đầu tiên bắn thử tên lửa chống ngầm từ các công trình nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép ở Biển Đông trong mấy năm qua. Hiện Trung Quốc đã có khoảng 27 tiền đồn quân sự nằm rải rác ở Biển Đông.
Tháng 5/2018, Trung Quốc đã âm thầm thiết lập các hệ thống tên lửa tuần du đối hạm và hệ thống tên lửa đất đối không trên một số cấu trúc ở Biển Đông, cụ thể là đá Chữ Thập, đá Subi và đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa. Các loại tên lửa hành trình chống hạm mà Trung Quốc bố trí tại các tiền đồn này là loại YJ-12B và tên lửa đất đối không. Một số thông tin còn cho biết Trung
Quốc cũng đã bố trí tên lửa hành trình chống hạm YJ-62 trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Dư luận quốc tế rất bất bình trước việc Trung Quốc bố trí tên lửa ở Biển Đông, phê phán mạnh mẽ hành động quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc.
Việc bắn thử tên lửa chống ngầm từ các tiền đồn quân sự được Trung Quốc thiết lập trên các cấu trúc nhân tạo ở Biển Đông là một bước leo thang mới của Trung Quốc trong việc quân sự hóa Biển Đông, trái ngược hoàn toàn với những lời nói hay ho, mỹ miều của Trung rằng “các công trình ở Biển Đông chỉ phục vụ mục đích hòa bình”. Hành động này đe dọa nghiêm trọng tự do, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông. Các nước đã bày tỏ lo ngại trước động thái mới này của Trung Quốc, coi đây là hành động nhằm thực hiện mục tiêu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.
Ngày 02/7/2019, Người Phát ngôn Lầu Năm Góc Dave Eastburn cho biết, Bộ Quốc phòng Mỹ đã nắm được thông tin Trung Quốc phóng thử tên lửa chống hạm từ các đảo nhân tạo nước này xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Mặc dù các tàu chiến Mỹ đang hoạt động ở Biển Đông nhưng không ở gần khu vực Trung Quốc phóng thử tên lửa đạn đạo nên không gặp phải nguy hiểm nào, song phía Mỹ vẫn lên án hành động này của Trung Quốc. Phát ngôn viên Eastburn cho rằng, vụ phóng tên lửa của Trung Quốc là hành động “đáng lo ngại” và trái ngược với cam kết không quân sự hóa Biển Đông của Bắc Kinh.
Phản ứng trước hành động hiếu chiến thử tên lửa của Trung Quốc, ngày 04/7/2019, Người Phát ngôn Bộ Quốc phòng Úc khẳng định “Úc nhận thức được các cuộc tập trận tên lửa đạn đạo của Trung Quốc trên Biển Đông. Úc quan ngại về hành động của bất kỳ bên nào có thể làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông. Úc luôn kêu gọi tất cả các bên có những bước đi có ý nghĩa làm giảm bớt căng thẳng và tạo dựng niềm tin, bao gồm việc thông qua đối thoại”.
Ngày 04/7/2019, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng yêu cầu “mọi hoạt động của các bên ở khu vực Biển Đông cần tôn trọng chủ quyền, quyền lợi chính đáng, hợp pháp của các quốc gia, tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, đóng góp vào hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực”.
Trung Quốc tìm mọi cách để lấp liếm cho hành động hiếu chiến bắn thử tên lửa ở Biển Đông. Hôm 05/7/2019, Bộ Quốc phòng Trung Quốc nhấn mạnh những thông tin liên quan (về việc Trung Quốc bắn thử tên lửa ở Biển Đông) không đúng với thực tế” mà Trung Quốc chỉ tiến hành tập trận bắn đạn thật như thông lệ. Trung Quốc còn sử dụng trang Global Times (một công cụ ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc) để bào chữa cho các hành động hiếu chiến của họ, đổ lỗi cho Bộ Quốc phòng Mỹ “cố tình gây bất hòa giữa các nước trong vùng khi đưa tin thất thiệt rằng Trung Quốc bắn thử tên lửa từ một trong số những đảo nhân tạo ở Biển Đông”.
Thấy rõ được mưu đồ bá quyền, độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc, thời gian gần đây, Mỹ và các đồng minh cũng đã tăng cường sự hiện diện của mình trong khu vực. Tháng 6/2019 vừa qua, tàu chiến JS Izumo của Nhật Bản đã có cuộc tập trận chung với hàng không mẫu hạm Mỹ USS Ronald Reagan ở khu vực Biển Đông. Nhiều nước khác như Úc, Anh, Pháp, Canada, Ấn Độ… cũng đã triển khai các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông.
Nhiều nhà phân tích đã đưa ra đánh giá về việc Trung Quốc phóng thử tên lửa chống hạm ở Biển Đông. Tiến sĩ Malcolm Davis, chuyên gia phân tích cấp cao tại Viện Chính sách chiến lược Úc cho rằng Bắc Kinh muốn gửi đi một thông điệp là họ có thể tấn công các tàu chiến của Hải quân các nước hoạt động ở Biển Đông nhằm đe dọa hoạt động tự do hàng hải, qua đó tìm cách củng cố yêu sách đơn phương của họ đối với toàn bộ Biển Đông. Tiến sĩ Davis nhận định mục tiêu phóng thử tên lửa đạn đạo chống hạm của Trung Quốc là nhằm chứng minh Mỹ phải trả giá đắt khi tiếp cận Biển Đông. Trung Quốc nghĩ rằng Mỹ sẽ không liều lĩnh để tàu chiến hay thủy thủ của mình gặp bất trắc. Tuy nhiên, đây là một suy nghĩ hết sức sai lầm. Tiến sĩ Davis khẳng định “Mỹ sẽ tìm cách vô hiệu hóa mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo chống hạm của Trung Quốc bằng cách tấn công vào ‘chuỗi tiêu diệt’ – mạng lưới C41SR (chỉ huy, kiếm soát, thông tin liên lạc tình báo và trinh sát) mà Trung Quốc sử dụng để phát hiện và theo dõi các tàu chiến của Mỹ, chẳng hạn như máy bay do thám và các vệ tinh trinh sát đại dương, dồng thời tấn công vào lực lượng tên lửa của Trung Quốc”.
Giáo sư James R. Holmes, chuyên gia về chiến lược tại đại học Chiến tranh Hàng hải Mỹ cho rằng qua việc phóng thử tên lửa đạn đạo chống hạm, Bắc Kinh để các nước thấy rằng tàu chiến các nước chỉ có thể hiện diện ở Biển Đông nếu Trung Quốc “cho phép”. Bắc Kinh muốn “răn đe” các tàu chiến Mỹ phải tránh xa vùng biển nằm trong tầm bắn của tên lửa đạn đạo chống hạm của Trung Quốc, ngăn Mỹ tiếp cận các vùng biển ở Biển Đông trừ phi Mỹ chấp nhận thiệt hại về nhân mạng và khí tài. Giáo sư Holmes cho rằng “nếu Washington chùn bước trong việc duy trì tự do hàng hải trên biển, còn các đồng minh và đối tác của Mỹ cảm thấy thất vọng trước khả năng duy trì cam kết của Washington. Trong trường hợp này, Trung Quốc đã thắng”.
Trong lúc các nước ASEAN đang nỗ lực cùng Trung Quốc trao đổi xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) và chính Trung Quốc đề xuất hoàn thành COC trong 3 năm, song hành động mới của Trung Quốc ở Biển Đông, phóng thử tên lửa chống hạm từ các cấu trúc Trung Quốc chiếm đóng đã đi ngược lại tôn chỉ của DOC cũng như COC, đồng thời càng làm cho dư luận quốc tế thấy rằng Trung Quốc nói một đằng làm một nẻo. Những hành động hiếu chiến này của Trung Quốc chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tiến trình đàm phán COC.
Việc Trung Quốc phóng thử tên lửa chống hạm ở Biển Đông làm cho cộng đồng quốc tế thấy rõ bản chất hiếu chiến, bá quyền của Trung Quốc. Hành động này của Trung Quốc đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định và tự do, an toàn, an ninh hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Mỹ và các nước sẽ phải hiện diện và can dự nhiều hơn ở Biển Đông để ngăn chặn những hành động leo thang của Bắc Kinh ở Biển Đông.