Giá vận chuyển nhiên liệu tăng vọt, các công ty dầu mỏ cuống cuồng tìm tàu thay thế là những hệ quả từ lệnh cấm của Mỹ.
Tàu chở dầu của hãng Cosco Shipping neo đậu gần một nhà máy lọc dầu ở Ả-rập Xê-út. (Ảnh: Bloomberg)
Các công ty môi giới vận chuyển trên khắp thế giới đang bị “ngập đầu” trong các cuộc gọi từ các thương nhân dầu mỏ nhằm tìm kiếm tàu thay thế sau khi Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt đối với hàng chục tàu chở dầu do một nhà điều hành tàu chở dầu lớn của Trung Quốc vận hành.
Với cáo buộc chở các lô dầu thô bất hợp pháp của Iran, Mỹ đã liệt vào “danh sách đen” khoảng 50 tàu chở dầu được điều hành bởi một công ty con của Cosco Shipping Energy Transport (CSET) – một trong những chủ tàu chở dầu lớn nhất thế giới và đáp ứng phần lớn nhu cầu dầu của Trung Quốc.
Washington cũng cảnh báo các cảng biển và thương nhân trên khắp thế giới ngừng kinh doanh với các tàu của Trung Quốc.
Một nhà môi giới Singapore cho biết, điện thoại của công ty đã không ngừng đổ chuông kể từ khi có thông báo và các thương nhân muốn tìm kiếm giải pháp thay thế.
“Chúng tôi làm việc cả đêm. Tất cả đều có yêu cầu giống nhau: ‘Hãy cho tôi bất cứ tàu nào cũng được ngoại trừ tàu của Cosco và phải ngay lập tức’. Mọi người đều đang hoảng loạn” – nhà môi giới cho biết.
Làn sóng tìm tàu thay thế đã góp phần thúc đẩy thêm một đợt tăng giá mới đối với chi phí vận tải dầu, sau khi vụ tấn công trong tháng này nhằm vào các cơ sở dầu của Ả-rập Xê-út gây lo ngại về nguồn cung dầu thô và khiến giá cước vận chuyển tăng.
“Lệnh trừng phạt này nghĩa là hầu hết công ty phương Tây sẽ phải tránh thuê tàu Cosco, đồng nghĩa với việc nguồn cung tàu chở dầu sẽ bị thắt chặt một cách hiệu quả” – đại diện ngân hàng đầu tư Clarksons Platou Securities cho biết.
Công ty mẹ của CSET – Cosco Shipping Group – là nhà khai thác vận tải lớn nhất thế giới xét về số lượng tàu và năng lực, vận hành hơn 1.100 tàu các loại, bao gồm tàu container, tàu chở dầu và tàu chở hàng rời. Công ty này cũng là một phần quan trọng trong sáng kiến “Vành đai và Con đường” trị giá hàng nghìn tỷ USD của Bắc Kinh nhằm mục đích thiết lập cơ sở hạ tầng và kênh phân phối để giúp mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc trên toàn thế giới.
Một nguồn tin am hiểu vấn đề này cho biết, Cosco đang yêu cầu Bắc Kinh đưa lệnh trừng phạt này vào nội dung cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung dự kiến diễn ra vào tháng 10 tới. Nguồn tin này cũng khẳng định, giới chức Trung Quốc coi động thái này của Mỹ như là một “cú đâm trực tiếp” vào chính quyền Bắc Kinh.
“Chúng tôi rất ngạc nhiên và dự định sẽ tìm hiểu thêm về tình hình này” – đại diện của Cosco đưa ra phản ứng trước lệnh cấm của Mỹ.