Wednesday, April 24, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNhìn lại những ngụy biện của Bắc Kinh về vụ việc tại...

Nhìn lại những ngụy biện của Bắc Kinh về vụ việc tại bãi Tư Chính và phản ứng đáp trả từ cộng đồng quốc tế

Trong vụ việc tại bãi Tư Chính, ngay từ đầu Trung Quốc đã ra sức bao biện cho hành động phi pháp của mình, tìm cách đổ trách nhiệm cho Việt Nam và các nước bên ngoài. Tuy nhiên, những ngụy biện của Trung Quốc đã bị cộng đồng quốc tế phản bác và đáp trả mạnh mẽ.

Những ngụy biện từ phía TQ về vụ việc

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 18/9 ra tuyên bố ngang ngược nói rằng “Việt Nam vi phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích của Trung Quốc khi tiến hành khai thác dầu khí đơn phương trong khu vực Bãi Tư Chính kể từ tháng 5 năm nay”. Nhấn mạnh “Trung Quốc có chủ quyền tại Trường Sa và quyền chủ quyền, quyền tài phán tại khu vực Bãi Tư Chính kế đó và rằng điều này có cơ sở vững chắc về lịch sử và pháp lý”. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng rêu rao rằng việc Hà Nội khai thác dầu khí ở Bãi Tư Chính từ tháng 5 năm nay vi phạm thỏa thuận song phương, trong đó có Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam với Trung Quốc, vi phạm Điều 5 trong Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông, và vi phạm các điều khoản liên quan trong Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển. Ông Cảnh yêu cầu phía Việt Nam ngưng ngay lập tức các hoạt động đơn phương xâm phạm để trả lại sự bình yên cho các vùng biển liên quan. Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố các hoạt động của Trung Quốc trong các vùng biển dưới quyền tài phán của Trung Quốc ở Biển Đông là hợp pháp, hợp lý và không có gì phải phàn nàn. “Chúng tôi muốn tiếp tục làm việc với phía Việt Nam để xử lý các vấn đề liên quan thỏa đáng thông qua các cuộc tham vấn hữu nghị,” ông Cảnh nói.

Như vậy, Trung Quốc xem khu vực bãi Tư Chính là “một phần của quần đảo Nam Sa và vùng biển liên quan” của Trung Quốc. để thực hiện chủ trương độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc đã triển khai các hoạt động vi phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven Biển Đông, cũng như các quốc gia ngoài khu vực có quyền và lợi ích liên quan khác, bất chấp luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982; chẳng hạn, Trung Quốc tiếp tục duy trì yêu sách “đường lưỡi bò” bao lấy hơn 80% diện tích Biển Đông và tìm cách hợp thức hóa yêu sách phi lý này bằng lập luận ngụy biện rằng: i) Đây là biên giới biển do lịch sử để lại, xuất hiện trước khi UNCLOS 1982 có hiệu lực, vì vậy nó không chịu tác động bởi UNCLOS. ii) Trung Quốc có quyền lịch sử đối với tài nguyên ở vùng biển nằm trong đường biên giới này. iii) Hơn nữa, Trung Quốc có chủ quyền đối với “Tứ Sa” ở giữa Biển Đông, bao gồm Tây Sa (tức Hoàng Sa của Việt Nam), Nam Sa (tức Trường Sa của Việt Nam), Đông Sa (Pratas) và Trung Sa (vùng bãi cạn Macclesfield); vì vậy, “theo UNCLOS”, Trung Quốc có quyền mở rộng phạm vi các “vùng biển có liên quan” của Tứ Sa ra đến biên giới biển theo “đường chữ U”. Lập luận nói này của Trung Quốc, nếu theo thuật ngữ pháp lý thì có thể được gọi là sự “giải thích và áp dụng” quy định của UNCLOS. Tuy nhiên, sự “giải thích và áp dụng” này là hoàn toàn sai trái, là sự ngụy biện mà nhiều người cho rằng Trung Quốc đang muốn viết lại Luật biển quốc tế có lợi cho họ. Chúng ta đều biết rằng Trung Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên ký kết và phê chuẩn UNCLOS năm 1982; hơn nữa còn là một trong những thành viên tích cực của nhóm quốc gia đang phát triển, đã có nhiều đóng góp trong quá trình tham gia Hội nghị của Liên hợp quốc (LHQ) về Luật biển lần thứ 3.

Phản ứng vạch trần của cộng đồng quốc tế

Trong tuyên bố liên quan, Bộ Quốc phòng Mỹ cáo buộc Trung Quốc sử dụng “chiến thuật bắt nạt” khi đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 quay lại cản trở trái phép các hoạt động dầu khí trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. “Bộ Quốc phòng cực kỳ lo ngại về những hành động liên tiếp tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Trung Quốc vi phạm trật tự quốc tế dựa trên quy tắc. Gần đây, Trung Quốc lặp lại sự can thiệp cưỡng ép nhằm vào các hoạt động dầu khí từ lâu của Việt Nam tại Biển Đông, mâu thuẫn trực tiếp với cam kết của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tại Đối thoại Shangri-La rằng Trung Quốc sẽ kiên định trên con đường phát triển hòa bình”, theo thông cáo của Lầu Năm Góc.

Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng những hành động của Trung Quốc trái ngược với tầm nhìn về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, trong đó toàn bộ các quốc gia lớn nhỏ đều được đảm bảo chủ quyền, không bị chèn ép và có thể theo đuổi tăng trưởng kinh tế phù hợp với các quy tắc và luật lệ quốc tế được công nhận. “Trung Quốc sẽ không có được lòng tin của các láng giềng cũng như sự tôn trọng của cộng đồng quốc tế nếu giữ nguyên chiến thuật bắt nạt. Hành động chèn ép các bên tranh chấp thuộc ASEAN, triển khai hệ thống quân sự tấn công và đòi hỏi yêu sách hàng hải phi pháp làm gia tăng nghiêm trọng sự nghi ngờ về uy tín của Trung Quốc”, Bộ Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh. Thông cáo cũng khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ nỗ lực của đồng minh và đối tác nhằm đảm bảo tự do hàng hải và cơ hội kinh tế trên toàn khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Trước đó, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao Mỹ đã bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc” về “hàng loạt hành động khiêu khích” của Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Phái đoàn liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam cũng đã đăng tải tuyên bố của Người phát ngôn cơ quan ngoại giao EU về những diễn biến gần đây tại Biển Đông.Tuyên bố nêu rõ: “Các hành động đơn phương trong những tuần qua tại biển Đông đã dẫn tới những căng thẳng gia tăng và sự suy thoái môi trường an ninh hàng hải, điều này thể hiện một mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự phát triển kinh tế hòa bình của khu vực”.Theo quan điểm của EU, “điều tối quan trọng đối với tất cả các bên trong khu vực là phải tự kiềm chế, tiến hành các bước cụ thể hướng tới việc trở lại nguyên trạng, tránh quân sự hóa khu vực và giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS”. “Các bên, nếu thấy hữu ích, cũng có thể tìm kiếm sự trợ giúp của bên thứ ba dưới hình thức hòa giải hoặc phân xử nhằm tạo thuận lợi cho việc giải quyết các tranh chấp chủ quyền”, tuyên bố nêu rõ. Nói về vai trò của EU tại khu vực, khối này cho biết EU sẽ tiếp tục hỗ trợ đầy đủ cho các tiến trình do ASEAN dẫn dắt trong khu vực nhằm thúc đẩy hơn nữa một trật tự khu vực và quốc tế dựa trên các quy tắc, củng cố hợp tác đa phương cũng như sự hợp tác chặt chẽ hơn với các bên thứ ba. Theo EU, xu hướng giải quyết tranh chấp biển Đông là nhu cầu tất yếu của EU.

Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono thì cho rằng cần phản đối những hành động đơn phương thay đổi hiện trạng Biển Đông vì đây là tuyến đường quan trọng của khu vực.“Cộng đồng quốc tế, trong đó có Nhật Bản, quan tâm sâu sắc tới tình hình trên Biển Đông. Nhật Bản phản đối bất cứ hành động của nước nào làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông”, Ngoại trưởng Taro Kono trả lời phóng viên trong cuộc họp báo tại Tokyo hôm nay, khi được hỏi về xu hướng gia tăng căng thẳng trên Biển Đông sau hàng loạt hành động đơn phương của Trung Quốc. Ông khẳng định Biển Đông là tuyến đường biển quan trọng đối với Nhật Bản và nhiều quốc gia khác, có liên quan trực tiếp tới sự ổn định và hòa bình của khu vực. Nhật Bản đề nghị các bên liên quan phi quân sự hóa những cơ sở hoặc thực thể trên Biển Đông và giải quyết mọi tranh chấp theo luật pháp quốc tế. Ông cũng cho rằng cộng đồng quốc tế cần phản đối tất cả hành động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng, cũng như những động thái nghiêm trọng mang tính cưỡng ép của bất cứ quốc gia nào.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ khẳng định nước này ủng hộ tự do hàng hải và luật pháp quốc tế ở Biển Đông, đặc biệt UNCLOS.“Biển Đông là một phần của chung trên toàn cầu. Ấn Độ, vì vậy, đã tôn trọng lợi ích của hòa bình và ổn định khu vực. Ấn Độ quyết tâm ủng hộ tự do hàng hải, hàng không và thương mại hợp pháp trong các vùng nước quốc tế, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS. Ấn Độ cũng tin rằng bất kỳ khác biệt nào cũng cần được giải quyết hòa bình bằng việc tôn trọng các tiến trình pháp lý và ngoại giao và không có chỗ cho sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực”, Phát ngôn viên Kumar của Bộ Ngoại giao Ấn Độ nêu hôm 29/8.

TQ cố tình viện dẫn, áp dụng sai UNCLOS theo ý đồ của mình để đỏi hỏi chủ quyền và biện minh cho những hành động sai trái

Cộng đồng giới chuyên gia, học giả đã vạch rõ tính ngụy biện trong cách “giải thích và áp dụng” UNCLOS 1982 của Trung Quốc. Một là, “biên giới do lịch sử” để lại và “quyền lịch sử”. Theo UNCLOS 1982, một quốc gia khi đã trở thành thành viên chính thức thì phải tuyệt đối tuân thủ và phải sửa đổi tất cả các quy định đã ban hành trước khi có công ước, nếu chúng không phù hợp với các quy định của công ước. Nếu không hủy bỏ và sửa đổi thì sẽ không có hiệu lực thi hành đối với các quốc gia thành viên khác. Trong quá trình tiến hành Hội nghị của LHQ về Luật biển lần thứ 3, các đoàn đại biểu đã thảo luận về việc có nên đưa khái niệm “quyền lịch sử” đối với các tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế không. Cuối cùng khái niệm này đã bị gạt ra khỏi các quy định tại phần V, từ điều 55 đến điều 75. Trong phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế The Haye (7/2016), Hội đồng Trọng tài cũng đã bác bỏ “quyền lịch sử đối với tài nguyên” trong vùng biên “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Hai là, vấn đề hiệu lực của các thực thể địa lý ở giữa Biển Đông trong việc xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa. Trung Quốc đã tuyên bố hệ thống đường cơ sở thẳng tại quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam) năm 1998, vận dụng theo phương pháp thiết lập hệ thống đường cơ sở “quốc gia quần đảo”. Phần IV, Điều 46 đã định nghĩa “quốc gia quần đảo” (Etat Archipel) là một quốc gia hoàn toàn được cấu thành bởi một hay nhiều quần đảo và có khi bởi một số hòn đảo khác nữa. “Quần đảo” (Archipel) là một tổng thể các đảo, kể cả các bộ phận của các đảo, các vùng nước tiếp liền và các thành phần tự nhiên khác có liên quan với nhau đến mức tạo thành về thực chất một thể thống nhất về địa lý, kinh tế và chính trị, hay được coi như thế về mặt lịch sử. Điều 47 quy định một quốc gia quần đảo có thể vạch các đường cơ sở thẳng của quần đảo nối liền các điểm ngoài cùng của các đảo xa nhất và các bãi đá lúc chìm lúc nổi của quần đảo, với điều kiện là tuyến các đường cơ sở này bao lấy các đảo chủ yếu và xác lập một khu vực mà tỉ lệ diện tích nước đó với đất, kể cả vành đai san hô, phải ở giữa tỉ lệ số 1/1 và 9/1.

Bãi Tư Chính không phải là một bộ phận của quần đảo Trường Sa và không được coi là “vùng biển liên quan” của quần đảo này

Tuy nhiên trong phần IV không có điều khoản nào quy định phương pháp vạch đường cơ sở quần đảo không phải là quốc gia quần đảo. Vì vậy, quốc gia lục địa có chủ quyền phải vạch đường cơ sở cho từng thực thể địa lý của quần đảo để xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa cho từng thực thể địa lý đó. Như vậy, Trung Quốc đã giải thích và áp dụng sai các quy định của phần IV, UNCLOS 1982 trong việc xác lập hệ thống đường cơ sở đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trung Quốc cũng đang tính đến việc xác lập hệ thống đường cơ sở ở quần đảo Trường Sa mà họ gọi là Nam Sa, sau khi họ đã chiếm đóng tại các thực thể là các bãi cạn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và trên thềm lục địa của các quốc gia xung quanh Biển Đông.Từ cách xác lập hệ thống đường cơ sở sai trái đó, Trung Quốc khẳng định họ có quyền xác định các “vùng biển liên quan” của các quần đảo ở giữa Biển Đông có chiều rộng đến 200 hải lý. Đây là một sai phạm tiếp theo sai phạm nói trên. Bởi vì phần VIII, điều 121, UNCLOS 1982 quy định: 1. “Một đảo là một vùng đất tự nhiên có nước bao bọc, khi thủy triều lên vùng đất này vẫn ở trên mặt nước”. 2. “Với điều kiện phải tuân thủ khoản 3, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa của hòn đảo được hoạch định theo đúng các quy định của công ước áp dụng cho các lãnh thổ đất liền khác”. 3. “Những hòn đảo đá nào không thích hợp cho con người đến ở hoặc cho một đời sống kinh tế riêng thì không có vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa”.

Theo Hội đồng Trọng tài được thành lập theo phụ lục VII để xử vụ Philippines kiện Trung Quốc năm 2016, nếu căn cứ vào nguồn gốc của các đảo thuộc quần đảo Trường Sa thì tất các đảo ở đây rất nhỏ bé, không thích hợp cho đời sống của cộng đồng dân cư và không có đời sống kinh tế riêng nên chỉ có thể có vùng lãnh hải tối đa 12 hải lý. Như vậy, các bãi cạn ở cách bờ biển của các quốc gia ven Biển Đông không quá 200 hải lý không phải là bộ phận của quần đảo Trường Sa; bởi vì chúng là những bãi ngầm, bãi cạn ở xa và bị ngăn cách quần đảo này bởi các rãnh sâu, không thể tạo thành một thể thống nhất về địa lý, địa chất, không gắn kết về kinh tế, lịch sử để tạo thành một thể thống nhất của quần đảo. Theo đó, bãi Tư Chính không thể là một bộ phận của quần đảo Trường Sa và vùng biển bãi Tư Chính không được coi là “vùng biển liên quan” của quần đảo này.

Tóm lại, cộng đồng quốc tế đang dồn sự chú ý vào diễn biến ở Biển Đông, trong đó đặc biệt là việc Trung Quốc vi phạm chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Vùng thềm lục địa phía Nam Biển Đông trong suốt 2 tháng qua. Mặc dù Trung Quốc ra sức bao biện, song sự phản ứng của các nước đã vạch trần những ý đồ và hành động phi pháp của Bắc Kinh.

RELATED ARTICLES

Tin mới