Triều Tiên dường như đã khai hỏa một tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm vào sáng nay, quân đội Hàn Quốc nhận định. Trong khi đó, Nhật Bản cho biết Bình Nhưỡng đã phóng 2 tên lửa cách nhau chỉ vài phút và một trong số đó đã rơi vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.
Hãng tin Yonhap ngày 2/10 dẫn thông tin từ quân đội Hàn Quốc cho biết, cơ quan này đã phát hiện vụ phóng một tên lửa bay xa 450km và ở độ cao 910km. Đây dường như là một tên lửa lớp Pukguksong, một tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm của Triều Tiên (SLBM), vốn đang được phát triển.
Quân đội Hàn Quốc cho hay, độ cao của tên lửa đồng nghĩa với việc nó đã được khai hỏa từ góc cao, và nếu được phóng đi ở góc độ bình thường thì nó có thể bay xa hơn nhiều.
Hội đồng An ninh Quốc gia Hàn Quốc đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp và bày tỏ “lo ngại mạnh mẽ” đối với vụ phóng trên, theo một tuyên bố được đưa ra từ Phủ tổng thống Hàn Quốc.
Theo quân đội Hàn Quốc, tên lửa đã được phóng từ Wosan, địa điểm của một trong số các căn cứ quân sự của Triều Tiên ở bờ biển phía đông, ra phía biển.
Triều Tiên đã phát triển công nghệ tên lửa đạn đạn phóng từ tàu ngầm trước khi ngừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa tầm xa và bắt đầu các cuộc đàm phán với Mỹ vốn dẫn tới cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un vào tháng 6/2018 tại Singapore.
Lần gần đây nhất Triều Tiên tiến hành một vụ thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm là khi nước này khai hỏa một tên lửa Pukguksong-1 ra bờ biển phía đông hồi tháng 8/2016. Khi đó tên lửa đã bay xa 500km.
Cho tới nay, Bình Nhưỡng được tin là đã phát triển các tên lửa SLBM Pukguksong-1 và Pukguksong. Tầm bay tối đa của chúng được tin là vào khoảng 1.300km.
Vì sao Mỹ đặc biệt lo ngại về tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm của Triều Tiên?
Cùng với các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), chương trình SLBM được xem là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với Mỹ và các đồng minh, vì nó có thể mở rộng tầm xa của các tên lửa hạt nhân Triều Tiên, và một tên lửa như vậy có thể khó bị phát hiện trước khi nó nổi lên trên mặt nước.
Hồi tháng 7, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã thị sát một tàu ngầm mới chế tạo, kêu gọi phát triển các lực lượng vũ trang hải quân để tăng cường các khả năng của quân đội nước này, theo hãng truyền thông nhà nước Triều Tiên KCNA. Bình Nhưỡng được tin là đã chế tạo một tàu ngầm mới tại căn cứ hải quân ở Sinpo bên bờ biển phía đông.
Giới chức tình báo tại Hàn Quốc cho biết vào thời điểm đó rằng tàu ngầm mới chế tạo sẽ sớm sẵn sàng đi vào hoạt động, và dường như có khả năng mang tên lửa SLBM. Hiện Triều Tiên được tin là đang vận hành khoảng 70 tàu ngầm, trong đó có 20 tàu lớp Romeo 1.800 tấn.
Trong khi đó, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga sáng nay cho biết Triều Tiên dường như đã phóng 2 tên lửa cách nhau chỉ vài phút, và tên lửa thứ 2 đã rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.
Hiện chưa có giải thích nào về thông tin khác nhau giữa đánh giá của Nhật Bản và Hàn Quốc về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên sáng nay. Phía Hàn Quốc đã đề nghị Nhật Bản chia sẻ thông tin quân sự liên quan theo khuôn khổ thỏa thuận chia sẻ tình báo song phương.
Các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc cho biết đã nắm được thông tin về vụ phóng và đang theo dõi sát sao tình hình, cũng như liên lạc chặt chẽ với các đồng minh trong khu vực.
Vụ phóng hôm nay diễn ra chỉ một ngày sau khi Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất của Triều Tiên Choe Son-hui cho biết Triều Tiên và Mỹ đã đồng ý nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân trong tuần này. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus sau đó xác nhận các cuộc đàm phán, mà bà nói dự kiến diễn ra “trong tuần tới”.
Vụ phóng sáng nay là vụ thử tên lửa thứ 11 của Triều Tiên trong năm nay. Trong 10 vụ phóng trước đó, Triều Tiên được tin là đã khoe 4 loại vũ khí mới: một loại giống tên lửa đạn đạo Iskander của Nga, một mẫu giống hệ thống tên lửa chiến thuật của Mỹ, một hệ thống tên lửa dẫn đường đa cỡ nòng lớn mới và một bệ phóng siêu lớn.