Thursday, March 28, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTruyền thông Nhật Bản lý giải sức mạnh lực lượng Hải cảnh...

Truyền thông Nhật Bản lý giải sức mạnh lực lượng Hải cảnh TQ tăng mạnh

Hãng tin Nikkei Asia Review cho biết, trong những năm gần đây, những vị trí lãnh đạo chủ chốt trong lực lượng Hải cảnh Trung Quốc đang được thay thế bằng các sĩ quan Hải quân, cho rằng động thái này nhằm tăng cường năng lực “chấp pháp” và thể hiện tham vọng hiện diện vũ trang trong vùng tranh chấp.

Theo Nikkei Asia Review, Khi Trung Quốc (3/2013) tiến hành hợp nhất các đơn vị thực thi pháp luật hàng hải vào lực lượng Hải cảnh, ban lãnh đạo hải cảnh là sự pha trộn giữa các nhân viên dân sự và quân sự. Nhưng bây giờ các vị trí lãnh đạo chủ chốt trong hải cảnh đều do các sĩ quan hải quân nắm giữ. Những thay đổi về nhân sự chủ chốt của hải cảnh được hoàn thành trong tháng 6/2019, khi một cựu sĩ quan hải quân được bổ nhiệm chỉ huy đơn vị Hải cảnh giám sát Biển Đông. Trước đó, một sĩ quan hải quân khác cũng được bổ nhiệm chỉ huy đơn vị hải cảnh giám sát biển Hoa Đông. Theo đó, tháng 12/2018, Chuẩn đô đốc Wang Zhongcai, Tư lệnh nhóm đặc nhiệm hộ tống số 26, Hạm đội Đông Hải được bổ nhiệm là Tư lệnh Hải cảnh, vị trí bị bỏ trống trong thời gian khá dài. Việc bổ nhiệm cho thấy sự ưu tiên của Bắc Kinh trong chiến lược sử dụng hải cảnh là thành phần chính trong các tranh chấp lãnh thổ trên biển.

Nikkei Asia Review nhận định, nếu hải cảnh Trung Quốc trở thành một chi nhánh của lực lượng vũ trang với các tàu tuần tra được vũ trang mạnh, nó sẽ tạo ra thách thức lớn cho các lực lượng bảo vệ bờ biển khác khi thực hiện nhiệm vụ an ninh biên giới hàng hải bình thường. Theo thống kê của giới chức Nhật Bản, hoạt động xâm nhập của tàu hải cảnh Trung Quốc tăng từ một đến hai lần trong một tháng của năm 2018 lên đến 3 lần mỗi tháng trong năm 2019. Tính đến tháng 9, 98 tàu hải cảnh Trung Quốc đã xâm nhập lãnh hải Nhật Bản, so với 70 tàu của năm 2018.

Được biết, lực lượng Hải cảnh Trung Quốc (CCG) được thành lập tháng 03/2013, trên cơ sở tái cơ cấu Cục Hải dương Quốc gia, nhằm thống nhất chỉ huy các lực lượng “tuần tra, chấp pháp ở Biển Đông và Biển Hoa Đông”, bao gồm các lực lượng: Hải giám (CMS), Hải cảnh (Cảnh sát biển của Cục quản lý biên phòng – BCD), Ngư chính (Cơ quan đảm bảo thực thi pháp luật Ngư nghiệp – FLEC), Tổng cục Hải quan và Cơ quan Hải dương Trung Quốc (GAC). Theo đó, các lực lượng này khi hoạt động ở Biển Đông và Biển Hoa Đông đều phải lấy danh nghĩa Cảnh sát biển Trung Quốc và sẽ chịu sự “chỉ huy nghiệp vụ” của Cục Cảnh sát biển thuộc Bộ Công an Trung Quốc và “quản lý hành chính” của Bộ Đất đai và Tài nguyên.

CCG được trang bị khoảng 164 tàu tuần tra, 10 máy bay các loại trong đó có ít nhất 1 trực thăng vận tải đa năng Mi-8, 2 máy bay cánh cố định Y-12 cùng một số trực thăng khác do Trung Quốc sản xuất. Hiện nay, Trung Quốc cũng đưa vào sử dụng các tàu tuần tra ngoài khơi có lượng giãn nước trên 10.000 tấn, 4 tàu tuần tra có lượng giãn nước 5.000 tấn, 4 tàu tuần tra có lượng giãn nước 4.000 tấn, 23 tàu tuần tra có lượng giãn nước 3.000 tấn, 10 tàu tuần tra có lượng giãn nước 1.500 tấn, 27 tàu tuần tra có lượng giãn nước 1.000 tấn.

Nhiệm vụ của CCG rất đa dạng, bao gồm: tuần tra vùng lãnh hải và lãnh thổ tranh chấp; chống buôn lậu, chống vi phạm chủ quyền; kiểm soát và kiểm tra tàu biển; đảm bảo an toàn và an ninh ven biển; nghiên cứu và khảo sát biển; tìm kiếm cứu nạn trên biển; bảo vệ thủy sản và các nguồn tài nguyên biển…

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đặc biệt chú trọng đầu tư, tăng cường năng lực cho CCG. Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc (3/2017) quyết định, từ ngày 1/7/2018, Quân ủy trung ương Trung Quốc (CMC) sẽ thay Cục Hải dương quốc chỉ đạo trực tiếp mọi hoạt động của CCG. Việc điều chỉnh trên được Bắc Kinh tuyên truyền rằng ngoài việc thực thi chức năng, nhiệm vụ trước đây như “duy trì, chấp hành pháp luật trên biển, bao gồm triệt phá hoạt động phạm tội, vi phạm pháp luật trên biển, duy trì trị an và bảo vệ an ninh trên biển, bảo vệ sử dụng khai thác tài nguyên biển và môi trường sinh thái biển, quản lý nghề đánh bắt thủy sản, chống buôn lậu trên biển và hiệp đồng chỉ đạo công tác chấp pháp trên biển của các địa phương”, việc tái cơ cấu cũng sẽ “cho phép CCG tham gia nhiều hơn vào các cuộc diễn tập quân sự, hoạt động huấn luyện thường nhật với Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) và CCG cũng sẽ hợp tác hiệu quả hơn với lực lượng hải quân trong các trường hợp khẩn cấp, thậm chí là chiến tranh”. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Ngô Khiêm cũng cho biết, sau khi gia nhập, CCG sẽ trở thành trung đoàn cảnh sát biển thuộc lực lượng cảnh sát vũ trang nhân dân Trung Quốc với tên gọi Cục cảnh sát biển. Thời gian tới, Trung Quốc sẽ tăng cường đầu tư, trang bị thêm cho CCG nhiều tàu tuần tra cớ lớn và máy bay trinh sát, cảnh báo hiện đại. Các tàu CCG cũng sẽ được trang bị thêm pháo mạnh, thay vì vòi rồng hay pháo nước và các nhân viên trên tàu có thể mang theo vũ khí tấn công.

Theo nhận định của giới truyền thông và chuyên gia, học giả quốc tế, Trung Quốc tăng cường năng lực chấp pháp cho CCG là nhằm: (1) Thứ nhất, Tập Cận Bình đang triển khai kế hoạch củng cố quyền lực và thâu tóm quyền lãnh đạo đối với tất cả lực lượng vũ trang Trung Quốc. Gia nhập lực lượng cảnh sát vũ trang đồng nghĩa CCG chính thức nằm dưới sự lãnh đạo trực tiếp của trung ương đảng và quân ủy trung ương Trung Quốc. Hiện ông Tập Cận Bình giữ chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương, nắm quyền chỉ huy quân đội nên điều này có nghĩa là các lực lượng vũ trang đều sẽ nằm dưới sự chỉ hủy trực tiếp của ông Tập. Trong những năm qua, ông Tập Cận Bình cũng dần dần củng cố quyền lực đối với quân đội, bổ nhiệm nhiều người thân tín vào các vị trí chủ chốt trong lực lượng vũ trang. (2) Thứ hai, việc cơ cấu lại CCG khiến lực lượng này có chức năng như một cơ quan thực thi pháp luật. Nó sẽ góp phần củng cố chức năng, nhiệm vụ của CCG khi tiến hành các hoạt động phi pháp ở Biển Đông và Hoa Đông. Ngoài ra, việc sáp nhập sẽ khiến CCG được hải quân Trung Quốc hậu thuẫn khi tiến hành “tuần tra, giám sát” trên biển. (3) Thứ ba, việc tái cơ cấu cũng khiến hải quân Trung Quốc có thêm một số lượng lớn tàu chiến tham gia vào các hoạt động phi pháp ở Biển Đông và Hoa Đông. Đáng chú ý, Bắc Kinh tiến hành tái cơ cấu là muốn khi sử dụng các tàu của CCG thực thi “nhiệm vụ” trên biển ít bị cộng đồng quốc tế, đặc biệt là những nước trong khu vực lên tiếng phản đối, chỉ trích. (4) Thứ tư, với việc trang bị vũ khí tấn công cho nhân viên trên các tàu CCG, Trung Quốc đang trực tiếp răn đe, cảnh cáo tàu cá và ngư dân các nước “đừng có dại mà vào đánh bắt cá ở Biển Đông và Hoa Đông” và rằng Trung Quốc sẵn sàng nổ súng trấn áp người dân các nước. (5) Thứ năm, cùng với việc được vũ trang hóa, CCG của Trung Quốc sẽ đóng vai trò “người bảo kê” và đương nhiên, Bắc Kinh sẽ thu phí đối với tàu thuyền các nước khi qua lại trong khu vực. Ngoài những ý đồ trên, Trung Quốc thúc đẩy cải cách lực lượng CCG cũng nhằm tinh giảm biên chế, nâng cao hiệu quả hoạt động và thống nhất trong chỉ đạo, chỉ huy các chiến dịch “chấp pháp” trên biển.

Một số chuyên gia, học giả quốc tế cũng cho rằng việc CCG được đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của CMC đồng nghĩa lực lượng này sẽ có sự linh hoạt và quyền hành động mang tính quyết định ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Trong khi đó, bà Yun Sun, chuyên gia về Đông Á thuộc Trung tâm Stimson (Mỹ), cho rằng những cải cách của CCG giờ đây càng cho thấy rõ tham vọng quân sự hóa trên biển của Trung Quốc. Theo chuyên gia này, Bắc Kinh sẽ tăng cường năng lực cho CCG nhằm chống lại các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ trong khu vực.

Để đối phó với những hoạt động khiêu khích, trái phép của CCG, nhiều quốc gia quanh khu vực Biển Đông gần đây đã đầu tư phát triển sức mạnh của lực lượng cảnh sát biển để đối phó với những động thái phi pháp của Trung Quốc. Hải quân các nước Đông Nam Á đang tăng cường sức mạnh quân sự trên nhiều mặt để đối phó với các vụ việc căng thẳng trên Biển Đông và bảo quyền chủ quyền lãnh hải trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng gia tăng các động thái bành trướng tại vùng biển này. Nhiều nước trong khu vực đã mua sắm các tàu mới với quy mô lớn hơn. Trước đây, lực lượng hải quân của các nước phần lớn chỉ sử dụng các tàu tuần tra và tàu tấn công nhanh để triển khai cho các chiến dịch ven biển. Còn bây giờ, các lực lượng hải quân đều trang bị các tàu chiến có tầm hoạt động xa hơn, kích cỡ lớn hơn, thông thường là các tàu hộ vệ hoặc tuần dương. Nhiều lực lượng hải quân trong khu vực cũng trang bị các tàu mới cho các hoạt động tác chiến xa bờ. Singapore đã tự thiết kế và đóng mới 4 tàu đổ bộ lớp Endurance, đồng thời đóng thêm một tàu cũng thuộc lớp này cho hải quân Thái Lan. Indonesia và Philippines cũng đều mua các tàu đổ bộ lớp Makassar do Hàn Quốc thiết kế, trong khi Thái Lan đang vận hành tàu sân bay duy nhất ở Đông Nam Á. Philippines gần đây đã tiếp nhận 10 tàu tuần tra dài 44m từ Nhật Bản.

Mặc dù xu hướng tăng cường sức mạnh của lực lượng hải quân các nước tại và xung quanh khu vực Biển Đông gây chú ý trong những năm gần đây, song lực lượng cảnh sát biển cũng được đánh giá đóng vai trò quan trọng không kém và được các nước đẩy mạnh phát triển. Các cuộc tuần tra của các lực lượng cảnh sát biển được tiến hành thường xuyên hơn và trong một số trường hợp trở nên cứng rắn hơn.

RELATED ARTICLES

Tin mới