Ngày 04/9/2019, Hội nghị Thượng đỉnh thường niên lần thứ 20 giữa Ấn Độ và Nga diễn ra ở Vladivostok. Kết thúc Hội nghị Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ra Tuyên bố “Thông qua sự tin cậy và quan hệ đối tác – Hướng đến những đỉnh cao hợp tác mới”. Tổng thống Putin cho biết tuyên bố chung đã “thể hiện mong muốn làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ giữa Nga và Ấn Độ, bao gồm cả hoạt động phối hợp chính sách đối ngoại”. Về phần mình, Thủ tướng Modi nhấn mạnh hợp tác giữa hai bên đã đạt đến “một giai đoạn mới” với những khoản đầu tư song phương lớn “chưa từng thấy” trong lĩnh vực dầu khí.
Cũng trong ngày 04/9/2019, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF) tại Vladivostok, Ấn Độ và Nga đã ký biên bản ghi nhớ về thành lập một tuyến thông thương hàng hải mới. Tuyến hàng hải mới dự kiến sẽ kết nối thành phố Vladivostok (Nga) với thành phố Chennai (Ấn Độ) sẽ giúp rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển giữa hai nước so với tuyến đường biển dài hơn 16.000 km nối thành phố Saint Petersburg và thủ đô Mumbai hiện đang được sử dụng. Đáng chú ý, một đoạn của con đường này đi ngang qua khu vực Biển Đông.
Ấn Độ và Nga (Liên Xô trước đây) có mối quan hệ truyền thống khá khăng khít từ thời kỳ chiến tranh lạnh của Thế kỷ 21. Hai bên có quan hệ quân sự ở mức cao, Moscow đã cung cấp cho Ấn Độ hơn 60% trong tổng số vũ khí hạng nặng của quốc gia Nam Á này. Nga và Ấn Độ đã, đang và sẽ có nhiều lý do để tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn nữa với nhau do Nga và Ấn Độ là 2 nước lớn có nhiều lợi ích song trùng ở khu vực Châu Á – Thái Bình dương và không có bất đồng lớn về mặt chiến lược.
Cả Ấn Độ và Nga đều có chung một đối thủ tiềm tàng ở khu vực là Trung Quốc. Cả hai nước từng xảy ra chiến tranh biên giới từ giữa Thế kỷ 20 và hiện đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ từ Trung Quốc. Với Ấn Độ là vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở khu vực Jammu và Kashmir và việc Trung Quốc đứng đằng sau giúp Pakistan chống lại Ấn Độ. Với Nga là vấn đề khu vực Viễn Đông, việc người Trung Quốc tràn vào khu vực này để tìm kiếm việc làm trong vài năm qua đang tạo ra những nguy cơ lớn về việc Trung Quốc thao túng khu vực Viễn Đông của Nga. Do vậy, cả Ấn Độ và Nga đều có nhu cầu tăng cường hợp tác để ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc.
Đối với vấn đề trên biển, việc Trung Quốc ráo riết đẩy mạnh triển khai chiến lược biển để thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa”, kể cả ở khu vực Bắc cực là điều Nga hoàn toàn không mong muốn. Với Ấn Độ, Trung Quốc đang sử dụng sáng kiến “Vành đai con đường” để chiếm lĩnh các cảng biển của các nước Nam Á, tăng cường sự hiện diện ở Ấn Độ dương đang là nguy cơ lớn đối với Ấn Độ.
Ở Biển Đông, cả Nga và Ấn Độ đều có chung lợi ích trong việc duy trì hòa bình, ổn định, tự do, an toàn hàng hải, hàng không và một trật tự dựa trên pháp luật. Cả Nga và Ấn Độ đều có lợi ích lớn về kinh tế trong các hoạt động hợp tác dầu khí ở Biển Đông, doanh nghiệp của cả hai nước đều đang có các hợp đồng hợp tác dầu khí với Việt Nam trong vùng biển của Việt Nam. Trung Quốc đã nhiều lần gây sức ép yêu cầu Nga và Ấn Độ dừng các hoạt động hợp tác dầu khí với Việt Nam, song cả 2 nước đều kiên trì triển khai các hoạt động hợp tác chính đáng với Việt Nam, không chấp nhận những yêu sách phi lý của Trung Quốc.
Trong bối cảnh tình hình Biển Đông diễn biến ngày càng phức tạp do Trung Quốc gia tăng các hoạt động cưỡng ép, bắt nạt, gây hấn với các nước ven Biển Đông, nhất là việc nhóm tàu Hải Dương 08 tiến hành hoạt động khảo sát bất hợp pháp ở khu vực bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam thì việc Ấn Độ và Nga chung tay hành động là một nhu cầu thực tế khách quan. Hành động của Nhóm tàu Hải Dương 08 đe dọa trực tiếp lợi ích của các doanh nghiệp dầu khí Nga (hoạt động của công ty Rosneft ở lô 06-1) và Ấn Độ (hoạt động của công ty ONGC ở lô 127-128).
Hành động của Trung Quốc làm suy yếu hòa bình, an ninh khu vực; chứng minh Trung Quốc coi thường quyền của các quốc gia thực hiện hoạt động kinh tế trong vùng đặc quyền kinh tế của mỗi nước. Cả Nga và Ấn Độ đều ủng hộ quyền của các quốc gia trong việc khai thác các nguồn tài nguyên trong vùng biển của mình được xác định phù hợp với các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Việc Trung Quốc đòi đưa vào Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) nội dung ngăn các nước ven Biển Đông hợp tác với các nước ngoài khu vực là điều mà cả Nga và Ấn Độ đều không thể chấp nhận được.
Việc Ấn Độ và Nga tăng cường trao đổi, hợp tác để làm mới mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện đặc quyền, đặc lợi giữa hai nước là tín hiệu đáng mừng, giúp củng cố vị thế của cả hai cũng như góp phần cho hòa bình, ổn định và phát triển trên thế giới nói chung và ở Biển Đông nói riêng.
Đặc biệt, việc Nga và Ấn Độ mở tuyến hàng hải kết nối thành phố Vladivostok (Nga) với thành phố Chennai (Ấn Độ) đi qua Biển Đông là một tín hiệu đáng mừng cho các nước ven Biển Đông trong việc chống lại sự bành trướng của Bắc Kinh.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định tuyến hàng hải mới hoàn toàn phù hợp với chính sách “Hướng Đông” mà New Delhi đang theo đuổi với mục tiêu phát triển hợp tác chính trị, kinh tế giữa khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ. Hiện Ấn Độ là nền kinh tế lớn thứ bảy trên thế giới và thứ ba tại châu Á, hơn 55% giao thương của nước này đi qua các tuyến hàng hải quan trọng như eo biển Malacca.
Ấn Độ là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng đầu thế giới hiện nay. Biển Đông đang trở thành một mắt xích trọng yếu trong tham vọng thương mại của New Delhi, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ, do vậy Ấn Độ rất lo ngại về Trung Quốc và động thái theo đuổi yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốcở Biển Đông. Nỗi lo này là động lực để Ấn Độ tăng cường hợp tác với các nước ở Biển Đông, trong đó có Nga. Việt hình thành trục hàng hải giữa thành phố Vladivostok (Nga) với thành phố Chennai (Ấn Độ) là nằm trong tính toán này của Ấn Độ.
Nga (Liên Xô) là nước có căn cứ quân sự ở cảng Cam Ranh của Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh lạnh của Thế kỷ 20. Mặc dù đã rút căn cứ quân sự khỏi Cam Ranh song Nga có lợi ích to lớn ở Biển Đông, là nước có quan hệ hợp tác dầu khí sớm nhất (từ Thập niên 80 của Thế kỷ 20) và lớn nhất với Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam. Trong thời gian qua, lợi dụng những khó khăn kinh tế của Nga, Trung Quốc đã đẩy mạnh quân sự hóa và tăng cường mạnh mẽ chỗ đứng của họ ở Biển Đông lấn sân của Nga, thậm chí gây sức ép đối với những dự án hợp tác dầu khí của các doanh nghiệp Nga trên thềm lục địa Việt Nam và mới đây nhất là dự án của Rosneft với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ở lô 06-1.
Trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động gây hấn với các nước trên Biển Đông, việc Mỹ tăng cường can dự vào Biển Đông càng thôi thúc Nga tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông để bảo vệ những lợi ích trước mắt và lâu dài của Nga ở khu vực này.
Giữa lúc Biển Đông trở thành điểm nóng cạnh tranh chiến lược Trung – Mỹ, việc Nga cùng Ấn Độ thiết lập tuyến hàng hải mới qua Biển Đông giúp cả Nga và Ấn Độ củng cố vị thế trong bàn cờ chiến lược ở Biển Đông.
Vai trò và tầm ảnh hưởng của Ấn Độ trong khu vực, đặc biệt trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mà các cường quốc như Mỹ đang triển khai, trở thành yếu tố khiến Moskva coi New Delhi là đối tác chủ chốt. Đây là yếu tố thôi thúc Nga và Ấn Độ nâng cấp quan hệ lên mức “đối tác chiến lược đặc quyền và đặc lợi”.
Mối quan hệ Nga – Ấn đã trải qua những thử thách nhất định trong thời kỳ chiến chanh lạnh sẽ tiếp tục được tăng cường hơn nữa thông qua việc triển khai tuyến hàng hải nối thành phố Vladivostok (Nga) với thành phố Chennai (Ấn Độ) đi qua Biển Đông sẽ là một nhân tố quan trọng kiềm chế sự bành trướng của Trung Quốc, thúc đẩy hòa bình, ổn đinh, tự do, an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Điều này có lợi cho các nước nhỏ ven Biển Đông trong việc đối phó với mối đe dọa của Bắc Kinh.