Theo thông tin của South China Sea News đăng trên Twitter, tàu Hải Dương địa chất 08 của Trung Quốc rời bãi Tư Chính vào sáng Chủ Nhật 22/9/2019 đi về đá Chữ Thập hiện do Trung Quốc chiếm đóng, kết thúc thúc đợt xâm phạm thứ ba của nhóm tàu này ở khu vực bãi Tư Chính trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn để tàu hải cảnh mang số hiệu 45111 ở lại để uy hiếp các hoạt động dầu khí của Việt Nam trong vùng EEZ của Việt Nam.
Nhóm tàu Hải Dương 08 lần đầu tiên xâm phạm khu vực bãi Tư Chính hôm 03/7/2019. Sau hơn một tháng, chiều 07/8/2019, nhóm tàu này rút về đá Chữ Thập để tiếp vận và tiếp liệu. Chưa đầy một tuần sau, tàu quay trở lại khu vực bãi Tư chính vào hôm 13/8/2019. Tới ngày 02/9/2019, tàu Hải Dương 08 cùng bốn tàu hộ tống lại rời bãi Tư Chính quay về đá Chữ Thập, sau ba tuần có mặt trong vùng EEZ của Việt Nam. Đến ngày 07/9/2019 nhóm tàu Hải Dương 08 lần thứ ba tiến vào khu vực bãi Tư Chính. Như vậy, so với trước thì lần này tàu Hải Dương 08 của Trung Quốc hoạt động ở trong EEZ của Việt Nam ngắn hơn.
Điều này không phải là một “thiện chí” của Trung Quốc bởi lẽ ngay trước đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 18/9/2019 còn lớn tiếng nói rằng khu vực bãi Tư Chính (Trung Quốc gọi là “Vạn An Bắc” là lãnh thổ của Bắc Kinh, và ngỗ ngược đòi Việt Nam “ngay lập tức” dừng các hoạt động dầu khí tại đây. Mặt khác, họ tiếp tục để tàu Hải cảnh 45111 hoạt động trong EEZ của Việt Nam, đe dọa các hoạt động hợp tác dầu khí lâu năm trong vùng biển hợp pháp của Việt Nam.
Một số nhà phân tích am hiểu về Trung Quốc cho rằng lần này nhóm tàu Hải Dương 08 rút về đá Chữ Thập sớm hơn có thể là do sắp đến kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Trung Quốc 01/10, Trung Quốc muốn giảm bớt các hoạt động gây hấn phản cảm này ảnh hưởng đến các hoạt động kỷ niệm Quốc khánh của họ. Do vậy, không loại trừ khả năng sau Quốc khánh 01-10/2019, Trung Quốc sẽ còn những hành động táo tợn hơn, đe dọa hòa bình ổn định khu vực, Hà Nội cần hết sức cảnh giác.
Bãi Tư Chính nằm cách Vũng Tàu 160 hải lý, theo luật pháp quốc tế mà cụ thể là các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS)thì khu vực này hoàn toàn nằm trong vùng EEZ vốn được tính 200 hải lý từ đường cơ sở. Đây là nơi Việt Nam đã tiến hành hợp tác dầu khí với các đối tác nước ngoài từ nhiều năm qua. Để thực hiện quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình tại khu vực này, Việt Nam đã xây dựng và duy trì hệ thống ‘Trạm dịch vụ Kinh tế- Khoa học kỹ thuật’, gọi tắt là Nhà Giàn DK1 kể từ cuối 1988. Do vậy, có thể khẳng định rằng bãi Tư Chính hoàn toàn không có tranh chấp mà thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam.
Theo các quy định liên quan của UNCLOS, nhóm tàu Hải Dương 08 tiến hành hoạt động khảo sát địa chấn ở khu vực bãi Tư Chính mà không được phép của Việt Nam là một hành vi xâm lược trắng trợn. Bất chấp những nỗ lực giao thiệp ngoại giao của Việt Nam và phản đối của cộng đồng quốc tế, nhóm tàu Hải Dương 08 liên tiếp tiến hành 3 đợt xâm lấn khu vực bãi Tư Chính từ đầu tháng 7/2019 là một hành động ngang ngược.
Việc nhóm tàu Hải Dương 08 lần thứ ba tạm rút về đá Chữ Thập vẫn là vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa. Trước Thập niên 80 của Thế kỷ 20, Trung Quốc hoàn toàn không có sự hiện diện ở quần đảo Trường Sa. Năm 1988, lợi dụng những khó khăn của Việt Nam do bị bao vây, cấm vận về kinh tế, Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm 6 cấu trúc trong quần đảo Trường Sa, trong đó có bãi Chữ Thập. Hành động này của Trung Quốc là một hành vi xâm lược. Chiểu theo các quy định của luật pháp quốc tế, bao gồm Hiến chương Liên hợp quốc thì hành vi xâm lược của Trung Quốc không thể tạo ra cái gọi là “chủ quyền” của Trung Quốc đối với các cấu trúc mà Trung Quốc chiếm đóng ở Trường Sa, trong đó có bãi Chữ Thập.
Từ đầu Thập niên thứ hai của Thế kỷ 21, Trung Quốc ráo riết tiến hành bồi đắp, mở rộng các cấu trúc ở Trường Sa thành những đảo nhân tạo; xây dựng các cầu cảng, sân bay quân sự, bố trí vũ khí và trang thiết bị quân sự trên các cấu trúc này; biến các cấu trúc này thành các căn cứ quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông. Hành vi này của Trung Quốc không chỉ xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa mà còn vi phạm nghiêm trọng các quy định của luật pháp quốc tế, làm tổn hại nghiêm trọng đến môi trường Biển Đông. Phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông đã lên án những hành vi này của Trung Quốc phá vỡ môi trường biển.
Như vậy, dù nhóm tàu Hải Dương 08 rút về neo đậu tại đá Chữ Thập thì vẫn tiếp tục vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở một khía cạnh khác. Tiến hành khảo sát ở khu vực bãi Tư Chính, nhóm tàu Hải Dương 08 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam được xác định phù hợp với các quy định của UNCLOS; neo đậu ở đá Chữ Thập, nhóm tàu Hải Dương 08 đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa.
Hầu hết các nước nhấn mạnh việc không đứng về bên nào trong các tranh chấp về chủ quyền nên không lên tiếng về việc nhóm tàu Hải Dương neo đậu ở đá Chữ Thập, nhưng nhiều nước lên án mạnh mẽ việc Trung Quốc tôn tạo, bồi đắp và quân sự hóa các cấu trúc ở Trường Sa, trong đó có đá Chữ Thập vì đây là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế. Đành rằng hiện có 5 nước 6 bên có yêu sách chủ quyền ở mức độ khác nhau đối với quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, là người dân Việt Nam, chúng ta cần ý thức rằng việc nhóm tàu Hải Dương 08 neo đậu ở đá Chữ Thập vẫn là vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa.