Monday, November 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTQ đang một mình chống lại cả Thế giới trong vấn đề...

TQ đang một mình chống lại cả Thế giới trong vấn đề Biển Đông

Từ những diễn biến gần đây xung quanh vấn đề Biển Đông, xem ra Trung Quốc đang một mình chống lại cả thế giới.

Trung Quốc đang ngày càng có các hành động gây hấn leo thang ở Biển Đông nhằm biến Biển Đông thành “ao nhà” của riêng Trung Quốc kiến cả cộng đồng quốc tế bất bình. Sau khi dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa năm 1974 và 6 cấu trúc thuộc quần đảo Trường Sa năm 1988, bãi Vành Khăn thuộc Trường Sa năm 1995, từ đầu Thập niên thứ 2 của Thế kỷ 21, Trung Quốc ra sức bồi đắp, mở rộng các cấu trúc mà họ chiếm đóng thành các đảo nhân tạo và bố trí vũ khí, trang thiết bị quân sự biến chúng thành các căn cứ quân sự để thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông.

Sau khi cơ bản hoàn thành việc quân sự hóa Biển Đông, Trung Quốc lấn thêm một bước trong việc xâm lấn vùng biển của các nước ven Biển Đông, đòi các nước không được hợp tác với các nước ngoài khu vực ở Biển Đông. Từ đầu năm 2019, Trung Quốc cho các tàu hải cảnh, tàu dân quân biển và các tàu khảo sát xâm lấn sâu vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam. Nhóm tàu Hải Dương 08 gây hấn ở khu vực bãi Tư Chính suốt từ đầu tháng 7/2019 tới nay.

Những hành vi xâm lấn hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông đã vấp phải làn sóng lên án của cả cộng đồng quốc tế. Chính giới Mỹ lên tiếng phản ứng mạnh mẽ nhất từ trước đến nay, lên án đích danh Trung Quốc xâm phạm vùng biển của Việt Nam, uy hiếp các hoạt động dầu khí của Việt Nam; mặt khác, Mỹ tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông, liên tiếp tiến hành các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông trong vòng 2 tuần lễ, điều tàu chiến đấu ven bờ hiện đại đến neo đậu ở Singapore, tiến hành diễn tập quân sự ở Biển Đông. Các nước Ấn Độ, Nhật, Úc, Anh, Pháp, Đức và EU thể hiện sự phản đối các hành vi xâm lấn của Trung Quốc với các hình thức khác nhau.

Tựu chung lại, các nước đều lên án hành vi của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), tuân thủ phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông. Nhưng Trung Quốc vẫn bất chấp tất cả, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động gây hấn leo thang ở Biển Đông.

Các nhà phân tích, nhà nghiên cứu, học giả và luật gia trên thế giới cũng đều lên án hành vi xâm lăng của Trung Quốc, chưa có bất cứ ý kiến quốc tế nào vào hùa bao che cho hành vi thô bạo của Trung Quốc ở Biển Đông. Các nhà phân tích cho rằng, một mình Trung Quốc đang chống lại cả thế giới ở Biển Đông; Trung Quốc tự mình diễn giải luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS theo yêu sách của họ, thậm chí tự viết ra luật riêng của Trung Quốc ở Biển Đông. Ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông cũng đã ra phán quyết, giải thích rõ về việc áp dụng Điều 121 của UNCLOS đối với các thực thể ở Biển Đông. Theo đó, Tòa phán quyết tất cả các thực thể thuộc quần đảo Trường Sa chỉ có tối đa vùng lãnh hải 12 hải lý, không có vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa riêng.

Phán quyết nhận được sự ủng hộ của cả thế giới, riêng Trung Quốc thì phớt lờ phán quyết. Trong phát biểu mới nhất của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm 18/9/2019 còn lớn tiếng nói rằng “Trung Quốc có chủ quyền đối với Nam Sa (Trường Sa)” và “bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Trung Quốc”, có lẽ đây là quan điểm riêng của Trung Quốc và họ bắt luật pháp quốc tế phải được hiểu theo ý của họ và cả thế giới phải theo họ chăng?

Trước những hành vi ngang trái của Trung Quốc ở Biển Đông, hôm 18/9/2019 ông Albert del Rosario – cựu ngoại trưởng Philippines và là người khởi xướng vụ kiện Biển Đông năm 2013 đã yêu cầu chính quyền Philippines nêu lên phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực La Haye về Biển Đông tại Khóa họp thường niên của Đại hội đồng Liên hợpquốc đang diễn ra ở New York để tìm kiếm sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế buộc Trung Quốc tuân thủ.

Ông del Rosario cho rằng phán quyết của Tòa Trọng tài là một chiến thắng áp đảo không chỉ đối với Philippines mà còn đối với toàn thế giới,do vậy“Trung Quốc không còn có thể tuyên bố Biển Đông là ao nhà của họ”. EU, ASEAN, Mỹ, Nhật Bản, Úc và nhiều nước khác đã lên tiếng ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài khi nhấn mạnh đến nhu cầu tôn trọng luật pháp và sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp. Ông del Rosario nhấn mạnh đây là lúc phải thu hút sự chú ý của Liên hợp quốc đối với những hành vi đó vì việc Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế và không tuân thủ phán quyết hợp pháp của một tòa án quốc tế, đang phá hoại chính nền tảng của ổn định, hòa bình và an ninh của cộng đồng quốc tế.

Ông del Rosario trích dẫn ví dụ của Nicaragua, nước đã chiến thắng trong vụ kiện đòi Mỹ bồi thường trước Tòa án Công lý quốc tế của Liên hợpquốc. Nicaragua đã thắng kiện, nhưng Mỹlúc đầu đã không chấp hành phán quyết. Nicaragua đã nêu vấn đề ra trước Liên hợp quốc, gây được tiếng vang trên trường quốc tế, và được dư luận thế giới ủng hộ. Mỹ cuối cùng đã cung cấp một gói viện trợ đáng kể cho Nicaragua.

Trước những hành vi ngang ngược của Trung Quốc chống lại cả thế giới ở Biển Đông. Bên cạnh việc có những hành động trên thực tế để chuyển tải thông điệp cứng rắn tới Trung Quốc, Mỹ đã khuyến khích các nước đồng minh cùng hành động để ngăn chặn Trung Quốc. Trong chuyến công du châu Âu giữa tháng 9 vừa qua, tân Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Mark Esper đã kêu gọi các đồng minh giúp chống lại các “cố gắng của Bắc Kinh nhằm phá vỡ trật tự quốc tế” để tìm thế “thống trị”.

Thấy rõ mưu đồ bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, Anh là nước thể hiện sự hưởng ứng mạnh mẽ đối với nỗ lực của Mỹ triển khai các hành động trên thực tế ở Biển Đông và có những bước đi quyết liệt để duy trì cục diện ở Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế. Tháng 11/2018, Tàu Hải quân Hoàng gia Anh HMS Albion đã đi vào sát khu vực quần đảo Hoàng Sa. Bất chấp việc Trung Quốc đã có những phát biểu với lời lẽ thô bạo “dằn mặt” đối với kế hoạch của Anh đưa tàu sân bay tới Biển Đông, đe dọa sẽ sử dụng vũ lực nếu Anh đưa tàu sân bay đến Biển Đông, gần đây Anh tiếp tục khẳng định sẽ đưa tàu sân bay HMS Queen Elizabeth. Phát ngôn viên Chính phủ Anh nhấn mạnh “Anh duy trì các lợi ích ở khu vực và cam kết duy trì an ninh khu vực. Sự hiện diện của hải quân quốc tế ở Biển Đông là bình thường và của Hải quân Hoàng gia Anh cũng không phải ngoại lệ” và “Anh cam kết thực hiện quyền tự do hàng hải và hàng không theo luật pháp quốc tế”.

Tháng 2/2019 Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson cho biết Anh Quốc sẽ điều tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tới Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông vào năm 2021. Điều này đã khiến Bắc Kinh tức giận và Phó Thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa hủy bỏ cuộc gặp với Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond được lên kế hoạch từ trước.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Williamson hồi tháng 2/2019 cũng đã phát biểu trước Quốc hội Anh rằng cũng như nhiều quốc gia khác như Mỹ, Úc, Pháp, New Zealand và Canada, Anh quốc tin vào việc tuân thủ luật và hệ thống luật quốc tế. “Anh sẽ luôn là một quốc gia không chỉ có nói mà còn có hành động để duy trì việc tuân thủ luật pháp vốn đã giúp ích cho nhiều quốc gia trên toàn cầu”. Bày tỏ thái độ đối với hành vi xâm lấn của Trung Quốc ở khu vực bãi Tư Chính, trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam ngày 29/8/2019 Anh đã cùng với Pháp và Đức ra Tuyên bố chung bày tỏ quan ngại về tình hình căng thẳng ở Biển Đông, đề cao UNCLOS và phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông; yêu cầu các bên tuân thủ luật pháp quốc tế.

Hành vi thô bạo, hiếu chiến của Trung Quốc trên Biển Đông không chỉ xâm phạm lợi ích của các nước ven Biển Đông mà còn là một thách thức lớn đối với hệ thống luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS. Các nước ngoài khu vực không những có lợi ích lớn trong việc duy trì hòa bình ổn định, tự do, an ninh an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông mà còn có lợi ích trong việc hợp tác kinh tế biển với các nước ven Biển Đông. Do vậy, các hành vi gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông đang thách thức cả cộng đồng quốc tế.

Trung Quốc là nước đông dân nhất thế giới và có nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, song liệu một mình Trung Quốc có thể chống lại cả thế giới trên vấn đề Biển Đông hay không? Chắc chắn là không bởi dù những người cầm quyền ở Bắc Kinh có nói mỹ miều hay ho đến mấy, nhưng hành vi của họ làm cả thế giới nhận thấy rằng Trung Quốc đang trở thành mối đe dọa lớn nhất đối với khu vực Biển Đông nói riêng và trên phạm vi toàn cầu nói chung.

Chúng ta tin tưởng rằng với những nỗ lực chung của cả cộng đồng quốc tế, Trung Quốc không phải muốn làm gì cũng được, kể cả ở Biển Đông. Trung Quốc sẽ phải gánh chịu những hệ quả nghiêm trọng từ những hành vi gây hấn ở Biển Đông như họ đang phải gánh chịu từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung và tình hình Hồng Công hay các vấn đề nội bộ khác của Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới