Tuesday, November 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTQ xây đập trên Mekong: Việt Nam giải bài toán khó...

TQ xây đập trên Mekong: Việt Nam giải bài toán khó…

Dù Trung Quốc xây đập thủy điện trên sông Mekong với mục đích gì, quan trọng nhất vẫn là Việt Nam chịu tác động ra sao, ứng phó thế nào…

Tại hội thảo “Tác động từ những chính sách của Trung Quốc đối với sông Mekong” tổ chức ngày 8/10, ông Brian Eyler, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á, Trung tâm nghiên cứu Stimson, Mỹ, cho rằng Trung Quốc xây đập thủy điện trên sông Mekong không phải để lấy điện mà muốn tích trữ nước cho tương lai.

Hiện Trung Quốc đã hoàn thành 11 đập thủy điện trong tổng số 19 đập ở thượng nguồn Mekong.

Trong khi đó, ở hạ nguồn Mekong, ước tính có khoảng 400 đập thủy điện sắp được xây dựng, trong đó Lào sẽ xây 300 đập. Trung Quốc tham gia với tư cách nhà đầu tư của các dự án này, cùng với Thái Lan.

Chia sẻ với Đất Việt, TS Dương Văn Ni (Đại học Cần Thơ) cho biết, khi xây đập thủy điện, các quốc gia thường nhắm tới một số mục tiêu: phát điện; trữ nước; làm cho nhiệt độ khu vực có thủy điện hạ xuống; dâng mực nước lên cho tàu bè đi lại dễ dàng, khai thác giao thông thủy; tạo cảnh quan, khai thác du lịch… 

Khẳng định Trung Quốc xây các đập thủy điện trên sông Mekong với mục đích gì là chuyện của họ, TS Dương Văn Ni cho rằng, điều quan trọng là các đập thủy điện đó tác động đến Việt Nam như thế nào và ta phải ứng phó ra sao.

Đối với Việt Nam, các đập thủy điện của Trung Quốc ở thượng nguồn sông Mekong để lại hai hệ lụy chính, đó là Việt Nam bị thiếu phù sa, nhất là nhóm phù sa thô (như cát), đồng thời làm thay đổi chế độ thủy văn ở hạ nguồn.

“Hiện nay, Đồng bằng sông Cửu Long bị thiếu hụt cát, không biết lấy ở đâu bù vào. Tương tự, trước đây cứ đến tháng 7 là nước về (Tháng 7 nước nhảy khỏi bờ) thì bây giờ thủy điện trên thượng nguồn đã khiến quy luật đó thay đổi.

Chuyện nước về sớm, về muộn ảnh hưởng đến đa dạng sinh học. Theo đó, nước lên lúc nào, rút lúc nào tạo ra nhịp sinh học hàng hàng ngàn năm nay, cứ tới mùa nước về là nhiều loài cá di cư, đẻ trứng… Nhưng khi thủy điện thay đổi quy luật đó, nhiều loài không thích nghi được dẫn đến nguy cơ bị tuyệt chủng. Đó là những hệ lụy không tránh khỏi và Việt Nam phải đối phó lâu dài”, TS Dương Văn Ni nói.

Đề cập đến những biện pháp ứng phó của Việt Nam, trở lại hội thảo, chuyên gia Eyler cho rằng, Việt Nam cần lưu ý thảo luận giảm lũ với Trung Quốc vì Đồng bằng sông Cửu Long cần có lũ để phát triển. Còn với các đập thủy điện ở hạ nguồn, ông Eyler cho biết Việt Nam có thể hợp tác với Lào và Campuchia điều chỉnh theo hướng giảm số lượng đập thủy điện. Xét về cung cầu điện trong khu vực, Việt Nam được coi là khách hàng chính. Vì vậy, Việt Nam có thể “đặt hàng” để Lào và Campuchia phát triển các năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, hóa sinh.

TS Dương Văn Ni chỉ đồng ý một nửa với đề xuất trên của vị chuyên gia Mỹ. Theo TS Ni, các đập thủy điện của Lào và Campuchia tác động lớn nhất đến Việt Nam trước hết là ở sản lượng cá. 

Đoạn dưới sông Mekong đã khá phẳng, nhiều loài sử dụng dòng sông làm nơi ăn, sinh sản. Việc Lào, Campuchia xây dựng đập thủy điện ở hạ nguồn khiến nguồn cá tự nhiên của Việt Nam bị ảnh hưởng, đồng thời kéo theo tác động tới ngành chăn nuôi cá, vì cá nuôi phải ăn cá tự nhiên mới lớn được.

Bên cạnh đó, thủy điện của Lào, Campuchia có khả năng khiến hạn chồng hạn và lũ chồng lũ. Vào mùa hạn, thủy điện của các nước trên tích nước khiến Việt Nam đã hạn lại càng hạn thêm, mặn xâm nhập sâu vào đồng bằng.

Tương tự, vào mùa lũ, Đồng bằng sông Cửu Long đã nhiều nước rồi, các nước lại xả xuống hàng loạt khiến lũ chồng lũ.

Trong hoàn cảnh ấy, Việt Nam phải ứng xử thế nào? Trả lời câu hỏi này, TS Dương Văn Ni nhắc lại đề xuất thương lượng với Lào, Campuchia mà chuyên gia Eyler đề cập tại hội thảo.

Theo TS Ni, hiện nay nhu cầu điện của Thái Lan gần như đã bão hòa, trong khi đó kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển, nhu cầu điện tăng đáng kể. Chính vì thế, có thể coi Việt Nam là khách hàng tiềm năng duy nhất mà Lào có thể bán điện cho. Chưa kể, Lào không có đủ năng lực xây dựng đường truyền tải từ các đập thủy điện đấu nối vào đường điện quốc gia của Việt Nam. Do đó, Việt Nam có thể sử dụng ưu thế trên của mình để thương lượng với Lào giảm bớt các đập thủy điện trên sông Mekong.

“Trước đây, khi Lào xây đập Xayaburi, chúng tôi đã đề nghị với Chính phủ cố gắng thương lượng với Lào để họ dời thời gian xây dựng đập lại 10 năm để nghiên cứu cho cẩn thận. Chúng tôi tin rằng 10 năm sau giá điện mặt trời, giá điện gió sẽ rẻ hơn bây giờ và nó sẽ thay đổi quan điểm của nhà đầu tư.

Bây giờ, như đã nói, chúng ta là khách hàng tiềm năng, đồng thời là nhà đầu tư của Lào. Đó là chưa kể, điện gió, điện mặt trời của Việt Nam ngày càng phát triển, thậm chí thời gian qua đã xảy ra hiện tượng dư thừa điện ở Bình Thuận, do đó, trong tương lai không xa Việt Nam có thể tự thỏa mãn được phần lớn nhu cầu điện của mình. Chúng ta dựa vào những lợi thế đó để thương lượng với Lào về các đập thủy điện nhằm hạn chế suy giảm nguồn cá tự nhiên; giảm thiểu nguy cơ hạn chồng hạn, lũ chồng lũ ở Việt Nam”, TS Dương Văn Ni phân tích.

Riêng với các đập thủy điện của Trung Quốc, vị chuyên gia cho rằng việc thương lượng sẽ khó đem lại kết quả gì bởi Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 16% lượng nước trên sông Mekong. Đây chủ yếu là lượng nước trong mùa khô, Trung Quốc lấy băng tan từ dãy Himalaya xuống. Vào mùa khô, dẫu Trung Quốc có xả 16% đó thì cũng không đủ bù cho Lào, Thái Lan và Campuchia, chưa nói tới VIệt Nam.

“Đã quá trễ để thương lượng bởi Trung Quốc đã xây các đập thủy điện rồi, lại là các đập cao từ 100-200m, cá biệt có đập Tiểu Loan cao tới 292m. Hệ lụy lớn nhất của các đập này, như nói ở trên, là ngăn cản cát sỏi về hạ du. Dẫu Trung Quốc có mở cửa xả nước thì cát cũng không thể qua đập cao như vậy.

Năm 2015-2016 xảy ra hạn hán nghiêm trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long, Chính phủ Việt Nam đã gửi công hàm đề nghị Trung Quốc xả đập Cảnh Hồng, Trung Quốc đã xả nước nhưng nước không thể về tới Đồng bằng sông Cửu Long, bởi tới Bắc Campuchia là hết nước.

Xét về lượng nước, Trung Quốc không kiểm soát được dòng Mekong. Do đó, tôi cho rằng không cần mất thời gian thương lượng với Trung Quốc bởi chuyện đã rồi. Điều chúng ta có thể làm là thương lượng với Lào, Campuchia với lợi thế của một khách hàng mua điện tiềm năng duy nhất để họ giảm xây các đập thủy điện”, TS Dương Văn Ni chỉ rõ.

RELATED ARTICLES

Tin mới