Căn cứ địa chất, địa lý và pháp lý đều cho thấy khu vực bãi Tư Chính không phải khu vực tranh chấp ở Biển Đông, theo các chuyên gia.
“Xét về cả mặt địa chất và địa lý, vùng Tư Chính – Vũng Mây thuộc thềm lục địa của Việt Nam và không phải là một bộ phận của quần đảo Trường Sa”, Phó giáo sư Nguyễn Chu Hồi, cựu Cục phó Tổng cục biển và hải đảo Việt Nam, nói trong Tọa đàm “Quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trong Biển Đông theo luật pháp quốc tế” sáng nay tại Hà Nội. Tọa đàm do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức, với sự tham gia của nhiều chuyên gia và các bộ ngành, như Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Tư lệnh cảnh sát biển.
Ông Chu Hồi củng cố quan điểm của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 3/10, khẳng định bãi Tư Chính là của Việt Nam, không phải nơi có tranh chấp, khi tàu khảo sát Hải Dương 8 và nhóm tàu hộ tống của Trung Quốc hoạt động trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở Nam Biển Đông từ đầu tháng 7. Bà Hằng bác bỏ phát ngôn của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng, trong đó cho rằng “bãi Tư Chính là của Trung Quốc và yêu cầu Việt Nam dừng khai thác dầu khí”
Về mặt địa chất, Phó giáo sư Chu Hồi cho hay trong cấu trúc nước sâu của Biển Đông, có một rãnh sâu lớn nhất chạy theo trục Đông Bắc Tây Nam. Khi rãnh sâu này về đến Đà Nẵng nó chạy song song với bờ biển của Việt Nam và đi tiếp lên Đông Bắc, tới Scarborough và ra Thái Bình Dương, ngăn cách quần đảo Trường Sa với khu thềm lục địa của Việt Nam, nơi có bãi Tư Chính – Vũng Mây.
Rãnh sâu này (có nơi sâu đến 4.000 m) đi đến gần bãi cạn Scarborough tạo thành đồng bằng biển thẳm, rộng khoảng 2.000 km2. Đây chính là trục có đường hàng hải quốc tế đi qua, cách Côn Đảo của Việt Nam khoảng 36 km. Khu vực Tư Chính – Vũng Mây được cho là nơi có bồn dầu khí có trữ lượng cao trong 7 khu vực chứa dầu ở Biển Đông.
Về mặt địa lý, ông Chu Hồi cho biết trong số các tài liệu chính thống của Tổ chức Thủy đạc quốc tế (IHO) thuộc Liên Hợp Quốc và các tài liệu địa lý quốc tế, chưa có công bố nào cho thấy khu vực Tư Chính – Vũng Mây thuộc quần đảo Trường Sa.
“Nếu nói Tư Chính thuộc quần đảo Trường Sa thì chứng tỏ là có sự hiểu sai về mặt địa lý, địa chất và đặc trưng đáy biển Đông”, ông Chu Hồi nói.
Cựu phó cục trưởng cho biết Việt Nam đã làm hồ sơ trình Tiểu ban Ranh giới thềm lục địa của Ủy ban Thềm lục địa của Liên Hợp Quốc để xem xét khả năng mở rộng hai khu vực, trong đó có vùng Đông Nam Biển Đông, liên quan đến Malaysia.
“Như vậy thềm lục địa của Việt Nam không chỉ bao gồm Tư Chính mà còn mở rộng ra vùng Đông Nam, như hồ sơ Việt Nam đang trình”, ông Chu Hồi lưu ý.
Nhắc lại cơ sở pháp lý của Việt Nam, Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới chính phủ, cho hay phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế năm 2016 đã khẳng định Tư Chính không thuộc quần đảo Trường Sa. Phán quyết năm 2016 được đưa ra sau khi Philippines kiện Trung Quốc về giải thích và áp dụng sai Công ước luật biển năm 1982 (UNCLOS) ở Biển Đông để đưa ra đường lưỡi bò chiếm gần trọn Biển Đông.
Trong trao đổi với VnExpress hồi tháng 7/2019, ông Trần Công Trục cho biết phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài quốc tế khẳng định các bãi cạn nằm cách xa quần đảo Trường Sa, bị ngăn cách bởi các rạn san hô thì không phải là bộ phận của quần đảo Trường Sa. Bãi cạn Tư Chính, Huyền Trân, Phúc Nguyên ở phía Việt Nam đáp ứng các tiêu chí này nên chúng không thuộc quần đảo Trường Sa.
Tại khu vực phía Nam Biển Đông (gồm các bãi cạn Tư Chính, Vũng Mây, Quế Đường, Huyền Trân), Việt Nam đã và đang thăm dò, khai thác dầu khí, xây dựng các cụm dịch vụ mang tên DK. Việc này phù hợp với các quy định về quyền và nghĩa vụ của quốc gia ven biển, theo Điều 60 và Điều 80 của UNCLOS. Việt Nam cũng có đặc quyền xây dựng, cho phép và quy định việc xây dựng, khai thác và sử dụng đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình có mục đích được trù định ở Điều 56 của UNCLOS hoặc các mục đích kinh tế khác trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Đưa ra các khuyến nghị, Tiến sĩ Trục cho rằng Việt Nam cần nghiên cứu kỹ phương án nếu muốn kiện Trung Quốc. Hà Nội cần có sự chuẩn bị sâu về tài liệu, có đột ngũ luật sư giỏi ngoại ngữ, đủ sức tranh luận ở tòa quốc tế.
“Chúng ta không nói chung chung, tránh hô hào”, ông Trục nói.
Theo ông Chu Hồi, Việt Nam cần kiên quyết theo đuổi quyền của mình theo luật quốc tế, tôn trọng các quy định của UNCLOS. Việt Nam cũng cần lưu ý hỗ trợ để các ngư dân bám biển, liên kết với nhau, thực thi quyền của mình.
“Việt Nam cần chứng tỏ cho cộng đồng quốc tế thấy rằng, mình tuy là nước nhỏ nhưng không yếu”, ông Chu Hồi nói.