Saturday, January 11, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaHàn Quốc tăng cường sức mạnh quân sự đối phó với những...

Hàn Quốc tăng cường sức mạnh quân sự đối phó với những mối đe dọa an ninh tiềm ẩn

Quân đội Hàn Quốc có quân số thường trực khoảng 625.000 người. Trong đó lục quân có quân số 560.000 người, hải quân 70.000 người, không quân 65.000 người và lực lượng dự bị khoảng hơn 3 triệu người. Để bảo vệ an ninh quốc gia và chống lại những mối đe dọa tiềm ẩn, Hàn Quốc đang tích tăng cường sức mạnh quân sự nhằm đối phó với Trung Quốc, Nhật Bản và Triều Tiên.

Hàn Quốc tăng cường sức mạnh quân sự

Trong những năm gần đây, cùng với diễn biến tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên không có dấu hiệu hạ nhiệt và việc Trung Quốc ngày càng gia tăng ảnh hưởng, gây sức ép trong khu vực, Hàn Quốc đã buộc tăng cường sức mạnh quân sự nhằm bảo vệ an ninh quốc gia và chống lại những mối đe dọa tiềm ẩn. Không những vậy, để đối phó với sự tăng cường quân sự của các nước xung quanh mình đặc biệt là các nước có tranh chấp về biển đảo, Hàn Quốc cũng tích cực nâng cao khả năng chiến đấu của quân đội trong đó có tăng cường sức mạnh cho hải quân. Ủy ban ngân sách và tài chính của quốc hội nước này đã thông qua khoản chi cần thiết cho các chương trình tăng cường sức mạnh của lực lượng hải quân nhằm đối phó với kế hoạch tăng cường hải quân của Nhật Bản và Trung Quốc. Hàn Quốc đang phát triển tên lửa hành trình siêu thanh có thể tấn công tàu sân bay, tàu khu trục. Bên cạnh đó nước này cũng tăng cường thêm về mặt số lượng các tàu khu trục và tàu ngầm với kỹ thuật hiện đại để tăng cường lực lượng hải quân nhằm đối phó với hành động khiêu khích trên biển của Triều Tiên và những tranh chấp biển đảo với các quốc gia láng giềng là Nhật Bản (Dokdo/Takeshima) và Trung Quốc (leodo/Tô Nham).

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho rằng, sở dĩ nước này đầu tư để tăng cường sức mạnh hải quân là vì lực lượng hải quân còn rất yếu chưa tương xứng với Trung Quốc và Nhật Bản cả về số lượng và chất lượng. Phía Hàn Quốc còn dự định đóng thêm tàu khu trục được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis từ năm 2023 đến 2027 nhằm nâng cao sức mạnh hải quân để đối phó với tên lửa cũng như tàu ngầm của đối phương và ứng phó với nguy cơ tiềm ẩn xung quanh bán đảo Triều Tiên. Trước thực tế Nhật Bản hạ thủy tàu Izumo được cho là vượt trội so với nhiều tàu sân bay thứ thiệt và kế hoạch đóng thêm tàu sân bay của Trung Quốc, phía Hàn Quốc cũng dự định đóng 2 tàu sân bay hạng nhẹ 30.000 tấn có thể mang 30 máy bay chiến đấu.

Không những đầu tư nâng cao sức mạnh của lực lượng hải quân, Hàn Quốc còn dự định đầu tư mua sắm để tăng cường sức chiến đấu của lực lượng không quân bằng việc lên kế hoạch mua 40 máy bay chiến đấu F35 thay vì 60 máy bay F16 như dự kiến ban đầu, nâng cấp khả năng tác chiến cho 134 máy bay F16. Sở dĩ Hàn Quốc đổi ý định từ mua F16 sang mua F35 (máy bay tàng hình) là vì Nhật Bản cũng dự định mua 40 máy bay F35 và phía Trung Quốc thì đang phát triển máy bay tàng hình J20 và J31. Ngoài ra nước này còn dự định mua thêm máy bay trực thăng, xem xét mua máy bay không người lái. Hàn Quốc cũng chú trọng phát triển công nghệ tàng hình để cạnh tranh với Nhật Bản và Trung Quốc trong bối cảnh an ninh khu vực ngày càng nóng lên.

Gần đây Hàn Quốc còn tăng cường trang bị bom xuyên phá thông qua hợp đồng mua bom xuyên phá của Mỹ để lắp trên máy bay chiến đấu. Với việc trang bị loại bom xuyên phá này, Hàn Quốc có khả năng tấn công các căn cứ tên lửa hay sân tập kết máy bay chiến đấu ngầm dưới mặt đất của Triều Tiên. Hàn Quốc còn dự định trang bị thêm tên lửa hành trình (của Đức) đánh chặn mục tiêu để có thể tấn công chính xác các khu quân sự chính của Triều Tiên ở gần Bình Nhưỡng như các cơ sở hạt nhân Yongbyon, khu thử nghiệm hạt nhân, căn cứ tên lửa.

Về hải quân, tính đến tháng 10/2019, hải quân Hàn Quốc đang vận hành 68 tàu chiến lớn, bao gồm 16 tàu ngầm, 12 tàu khu trục, 13 tàu hộ vệ tên lửa, 13 tàu hộ tống và 14 tàu đổ bộ. Hạm đội còn nhiều tàu tuần tra, tàu quét mìn và tàu hậu cần. Hải quân Hàn Quốc là một trong những lực lượng có sức mạnh hàng đầu khu vực Đông Á. Lực lượng này đang vận hành khoảng 170 tàu chiến các loại, trong đó mạnh nhất là tàu khu trục lớp Sejong Đại đế. Đây là loại tàu chiến được trang bị hệ thống chiến đấu Aegis của Mỹ với khả năng công thủ toàn diện. Tàu khu trục lớp Chungmugong Yi Sun-sin của Hàn Quốc trong một nhiệm vụ trên biển. Các tàu chiến của Hàn Quốc đều do công nghiệp đóng tàu trong nước chế tạo. Chúng là những chiến hạm rất hiện đại có thể tác chiến độc lập hoặc biên đội. Hàn Quốc còn sở hữu khoảng 13 tàu ngầm, 1 tàu đổ bộ trực thăng và nhiều tàu chiến hiện đại khác. Giới phân tích quân sự nhận định tiềm lực quân sự của Hàn Quốc rất mạnh, họ có thể tác chiến độc lập mà không quá phụ thuộc vào Mỹ.

Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (12/7) đã quyết định mua sắm tàu đổ bộ tấn công (LPH-II) có khả năng vận hành máy bay cánh cố định. Tàu mới nhiều khả năng sẽ triển khai hoạt động tiêm kích tàng hình F-35B. LPH mới sẽ có lượng choán nước khoảng 30.000 tấn, gấp đôi so với tàu sân bay trực thăng lớp Dokdo chỉ có thể triển khai hoạt động trực thăng. Một tàu LPH tải trọng 30.000 tấn có thể mang theo hàng chục tiêm kích tàng hình F-35B. Trong nhiều năm, Seoul đã cân nhắc việc mua tiêm kích tàng hình F-35B, phiên bản cất, hạ cánh thẳng đứng, để bổ sung cho F-35A hoạt động trên đất liền. Đầu tháng 10, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tuyên bố mua thêm 20 tiêm kích tàng hình F-35A, để bổ sung cho 40 chiếc F-35A đã mua trước đó vào năm 2014. Tuy nhiên, kế hoạch mua F-35B có thể trang bị cho tàu sân bay tương lai vẫn chưa được thực hiện.

Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc (30/4) đã phê duyệt kế hoạch mua thêm tàu khu trục và tàu ngầm cho lực lượng hải quân đang phát triển nhanh chóng của đất nước. Kế hoạch mua sắm trị giá 6 tỷ USD, gồm 3 tàu khu trục Aegis lớp Sejong the Great được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo, 3 tàu ngầm được trang bị hệ thống phóng tên lửa hành trình tấn công mặt đất. Các tàu chiến mới có thể giúp Seoul mở rộng phạm vi hoạt động ngoài nhiệm vụ chủ yếu là bảo vệ bờ biển. Ba tàu khu trục lớp Sejong the Great và 3 tàu ngầm Dosan An Chang-Ho mới sẽ giúp mở rộng hạm đội chứ không phải để thay thế cho các tàu cũ. Các tàu khu trục Sejong the Great mới được trang bị hệ thống phóng tên lửa nâng cấp cho phép đánh chặn tên lửa đạn đạo.

Về lục quân: Lục quân Hàn Quốc sở hữu khoảng 5.180 khẩu pháo các loại, trong đó mạnh nhất là pháo tự hành K9 Thunder 155 mm (ảnh). Quân đội Hàn Quốc dự định tăng số lượng pháo tự hành K9 lên 1.200 khẩu vào năm 2019. Tổng số xe tăng các loại của Hàn Quốc khoảng 2.300 chiếc. Đáng chú ý, lục quân Hàn Quốc đang vận hành khoảng 300 xe tăng K2 Black Panther, một trong những xe tăng chiến đấu chủ lực đắt nhất thế giới. Đây là vũ khí chủ lực giúp Hàn Quốc kiềm chế lực lượng xe tăng đối phương. Ngoài ra, quân đội Hàn Quốc còn sở hữu khoảng 33 xe tăng chiến đấu chủ lực T-80U do Liên Xô sản xuất. Với biệt danh “xe tăng bay”, T-80 là một trong những xe tăng chiến đấu chủ lực hàng đầu thế giới. Tổng số xe tăng các loại của Hàn Quốc khoảng 2.300 chiếc. Về tên lửa, quân đội Hàn Quốc đang sở hữu tên lửa hành trình Hyunmoo-1/2/3, tầm bắn từ 180 – 1.500 km. Tuy ít về số lượng nhưng tên lửa Hàn Quốc được trang bị công nghệ tinh vi, có thể đánh trúng mục tiêu với độ chính xác rất cao.

Về Không quân: Lực lượng không quân Hàn Quốc (ROKAF) là lực lượng gần như thống trị bán đảo Triều Tiên. ROKAF đang vận hành khoảng 118 tiêm kích F-16. Đây là loại máy bay chiến đấu đa nhiệm có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ cùng lúc. Không những vậy, nòng cốt trong sức mạnh tấn công trên không của Hàn Quốc là tiêm kích đa nhiệm F-15K. Chiến đấu cơ này được trang bị nhiều vũ khí tiên tiến, gồm tên lửa hành trình KEPD-350 Taurus, tầm bắn hơn 500 km. Đây là vũ khí mang tầm chiến lược trong việc phá hủy các mục tiêu quan trọng sâu trong lãnh thổ đối phương. F-15K là phiên bản của F-15E được sản xuất tại Mỹ với 40% linh kiện do Hàn Quốc chế tạo. Đây là chiến đấu cơ hiện đại đại nhất bán đảo Triều Tiên cũng như khu vực Đông Bắc Á. Hàn Quốc hiện có 59 chiếc F-15K tạo nên sức mạnh chiến đấu áp đảo. F-15K tự hào được trang bị hệ thống tác chiến điện tử mạnh mẽ cho phép gây nhiễu hệ thống phòng không đối phương, giúp tác chiến an toàn hơn. F-15K được trang bị 2 động cơ phản lực F100-PW-229, tốc độ tối đa lên đến 3.000 km/h, tầm bay tối đa 3.900 km, trần bay 18.000 m. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng sức mạnh ấn tượng của F-15K chỉ làm hạn chế chứ không ngăn chặn được khả năng tấn công của Triều Tiên. Tiêm kích F-15K được trang bị tên lửa hành trình tấn công mặt đất Taurus siêu chính xác được xem là át chủ bài của Hàn Quốc. Taurus thuộc loại tên lửa hành trình tấn công mặt đất tàng hình công nghệ cao. Tên lửa bay cách mặt đất chỉ từ 30-40 m để tránh radar, khi đến gần mục tiêu, tên lửa sẽ bay lên cao để tấn công kiểu bổ nhào. Tên lửa được trang bị công nghệ dẫn hướng tiên tiến kết hợp giữa quán tính, tham chiếu địa hình và cảm biến hồng ngoại giai đoạn cuối. Taurus có thể đánh trúng mục tiêu ở cự ly 500 km với sai số chỉ 1m. Sự chính xác của tên lửa Taurus kết hợp với năng lực vượt trội của tiêm kích F-15K tạo cho Không quân Hàn Quốc phương tiện lợi hại để vô hiệu hóa các bệ phóng tên lửa của đối phương. Hàn Quốc đã nhập khẩu khoảng 170 tên lửa Taurus, trong đó 40 tên lửa đã được bàn giao cho không quân nước này. Ngoài ra, Seoul cũng đặt hàng thêm 90 tên lửa nữa để đáp ứng mối đe dọa ngày càng tăng trên bán đảo Triều Tiên. Ngoài tên lửa Taurus, tiêm kích F-15K còn có thể mang theo các vũ khí đối không và đối đất khác với tổng tải trọng lên đến 10 tấn, gấp 3 lần tải trọng máy bay ném bom trong Thế chiến II.

Ngoài ra, ROKAF còn sở hữu máy bay huấn luyện kiêm tấn công hạng nhẹ T-50 do Hàn Quốc chế tạo là một vũ khí lợi hại khác giúp tăng cường sức mạnh tấn công mặt đất. Bên cạnh dùng cho ROKAF, T-50 đã được xuất khẩu cho một số quốc gia trên thế giới.

Những đối thủ thủ tiềm tàng của Hàn Quốc

Triều Tiên luôn ưu tiên hàng đầu cho sức mạnh quân sự dựa trên chính sách “tiên quân”. Con bài quân sự luôn được Triều Tiên sử dụng để mặc cả với thế giới bên ngoài. Do vậy, Triều Tiên không ngừng nâng cao khả năng quân sự của mình thông qua các vụ thử hạt nhân và tên lửa. Điều đó đồng nghĩa với việc an ninh khu vực Đông Bắc Á luôn trong tình trạng bất ổn do Triều Tiên luôn khuấy động một cuộc tăng cường vũ khí quân sự trong khu vực. Bên cạnh đó, sự trở lại châu Á của Mỹ cùng với các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc cũng là một nguyên nhân thúc đẩy Triều Tiên tăng cường sức mạnh quân sự. Mỹ xoay trục về châu Á và tăng cường sự hiện diện quân sự ở khu vực này trở thành mối đe dọa thường trực đến an ninh của Triều Tiên và để đảm bảo an ninh cho mình, Triều Tiên không ngừng nâng cao khả năng quân sự thông qua các vụ thử hạt nhân và tên lửa bất chấp sự lên án của cộng đồng quốc tế và lệnh cấm vận của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Chính việc gia tăng sức mạnh quân sự của Triều Tiên là một trong những nguyên nhân làm cho các nước khác trong khu vực phải tăng cường phòng thủ bằng cách nâng cấp các trang thiết bị quân sự qua đó làm gia tăng chạy đua sức mạnh quân sự giữa các quốc gia trong khu vực Đông Bắc Á.

Thực hiện “đại chiến lược” quốc gia là vươn lên trở thành cường quốc số 1 thế giới, Trung Quốc đã và đang không ngừng tăng cường sức mạnh quân sự với những khoản đầu tư quốc phòng rất lớn, đã tăng từ khoảng 30 tỷ USD vào năm 2000 lên 120 tỷ USD vào năm 2010. Năm 2013, Trung Quốc vẫn giữ vị trí số 1 về chi tiêu quốc phòng ở khu vực châu Á nói chung và Đông Bắc Á nói riêng. Theo tính toán của các nhà chuyên môn, với tốc độ chi tiêu ngân sách quốc phòng của Trung Quốc như những năm qua thì con số này sẽ vượt ngân sách quốc phòng của Mỹ vào năm 2035. Nhờ khoản chi phí quốc phòng lớn này mà chất lượng của quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) được cải thiện đáng kể. Quân đội Trung Quốc hiện nay không chỉ đông về mặt số lượng mà những trang thiết bị chiến đấu cũng ngày càng được hiện đại. Trong những năm đầu thế kỷ XXI, Trung Quốc đã cho ra mắt các loại phương tiện chiến đấu hiện đại để cạnh tranh với Mỹ như máy bay tàng hình J20, J31, tàu sân bay và các loại vũ khí, khí tài hiện đại. Việc xuất hiện những phương tiện chiến đấu mới này đã gây lo ngại cho các nước trên thế giới nói chung và khu vực Đông Bắc Á nói riêng. Sự tăng cường lực lượng của Trung Quốc không chỉ tăng mức độ an toàn cho quốc gia này mà còn có tác dụng răn đe các nước trong khu vực khi giải quyết các tranh chấp. Hiện nay, Trung Quốc đang chế tạo tàu sân bay trong nước, dự kiến tàu sân bay nội địa của Trung Quốc sẽ đi vào hoạt động trong năm 2020. Bên cạnh đó Trung Quốc cũng chủ trương tăng cường sức mạnh hải quân để thực hiện những tham vọng quốc gia nói chung và chiến lược biển nói riêng.

Năm 2010, Nhật Bản đã thay đổi chiến lược quân sự trên cơ sở xem xét mối đe dọa an ninh đối với nước mình mà trọng tâm là việc chuyển ưu tiên trong quân sự từ đối phó với Nga ở phía Bắc sang đối phó với Trung Quốc ở phía Nam. Nhật Bản đã, đang và sẽ tăng cường sức mạnh quân sự bằng việc mua sắm các trang thiết bị cho lực lượng phòng vệ, đặc biệt là trang bị cho lực lượng phòng vệ trên biển của nước này (tương đương hải quân của các nước khác) thông qua việc mua tàu ngầm (dự định tăng từ 16 lên 22 chiếc), triển khai các dự án đóng tàu chở trực thăng chiến đấu cỡ lớn. Để thực hiện các kế hoạch đặt ra, Nhật Bản đã tăng ngân sách quốc phòng trong 5 năm từ 2014 – 2019 lên 5% tương đương 240 tỷ USD để mua sắm các trang thiết bị vũ khí hiện đại nhằm tăng cường sức mạnh quốc phòng. Theo đó Nhật Bản mua 2 tàu khu trục được trang bị hệ thống chống tên lửa Aegis, 3 máy bay không người lái cho hoạt động giám sát, 5 tàu ngầm, 52 xe lội nước và 17 máy bay vận tải Osprey của Mỹ cho các lược lượng phòng vệ mặt đất và trên biển, trang bị 28 máy bay chiến đấu F35. Không dừng lại ở những chủ trương, hành động nêu trên, Nhật Bản đã tiến hành giải thích lại Hiến pháp để thực hiện quyền phòng vệ tập thể với Mỹ, trong đó có nới lỏng quy định cấm xuất khẩu vũ khí để mở đường cho các công ty trong nước tham gia các dự án xuất khẩu vũ khi với nước ngoài. Việc này được coi như là một bước ngoặt mang tính lịch sử trong chính sách quốc phòng của Nhật Bản. Tất cả những động thái đó đi ngược lại những gì mà Nhật Bản đã từng thực hiện trong quá khứ. Điều đó cho thấy, Nhật Bản đang dần dần thay đổi để phù hợp với điều kiện hoàn cảnh mới, để đáp lại những thay đổi của môi trường an ninh xung quanh và gia tăng sự cạnh tranh sức mạnh với các nước Đông Bắc Á.

RELATED ARTICLES

Tin mới