Friday, November 15, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaThủ đoạn mới thực hiện ý đồ độc chiếm Biển Đông của...

Thủ đoạn mới thực hiện ý đồ độc chiếm Biển Đông của TQ

Bên cạnh việc gia tăng các hoạt động xâm lấn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của các nước ven Biển Đông, thời gian qua Trung Quốc sử dụng “một chiêu mới” nhằm khẳng định sự hiện diện của họ ở vùng biển của các nước phục vụ mưu đồ độc chiếm Biển Đông. Đó là việc bật tín hiệu nhận dạng tự động AIS của các tàu hải cảnh Trung Quốc khi hoạt động tại các vùng biển gần các bãi Luconia (Malaysia), Cỏ Mây và Scarborough.

Các nhà phân tích cho rằng các tàu thương mại trọng tải trên 300 tấn được yêu cầu phải mở tín hiệu AIS thường trực để tránh va chạm, nhưng đây không phải là điều bắt buộc đối với tàu quân sự hay chấp pháp, song Trung Quốc luôn làm để tất cả mọi người thấy rõ là tàu chấp pháp Trung Quốc đang hiện diện trong khu vực, qua đó khẳng định rằng vùng đó là thuộc chủ quyền Trung Quốc.

Báo cáo ngày 26/9/2019 của Sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI), thuộc Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Mỹ cho biết theo số liệu theo dõi trong 1 năm qua (365 ngày) thì một tàu hải cảnh của Trung Quốc hoạt động gần bãi Luconia được ghi nhận phát sóng AIS 258 ngày, trong khi tàu ở bãi Cỏ Mây là 215 ngày, và bãi Scarborough là 162 ngày.

Trung Quốc muốn các nước trong khu vực biết được sự hiện diện của họ với tính toán rằng duy trì hiện diện ‘bán thường trực’ của cảnh sát biển đủ lâu, thì các nước trong khu vực sẽ phải chấp thuận sự kiểm soát thực tế của Trung Quốc đối với khu vực này.

Thông qua triển khai tàu hải cảnh, Trung Quốc sẽ tạo ra sự hiện diện rõ rệt trên thực địa tại những vùng biển thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của các nước ven Biển Đông mà Trung Quốc áp đặt chủ quyền phi lý nhưng không có được những cơ sở đồn trú thường trực.

Trả lời báo Hồng Kông South China Morning Post số ra ngày 27/09/2019, ông Collin Koh, chuyên gia về hải quân thuộc Chương trình An ninh hàng hải tại trường Nghiên cứu quốc tế S Rajaratnam ở Singapore, cho rằng hành động phô trương sự hiện hiện của các tàu hải cảnh là cách thức Trung Quốc áp đặt quyền tài phán của họ trong khu vực.

Các tàu chấp pháp Trung Quốc có kích cỡ lớn hơn tàu chấp pháp và thậm chí lớn hơn cả tàu quân sự của các nước láng giềng ven Biển Đông, được trang bị súng vòi rồng và các vũ khí nhỏ sẵn sàng thực hiện các hành động đe dọa đâm va, chèn ép, xua đuổi các tàu của các nước khác mà không cần sử dụng vũ lực gây sát thương. Với cách làm này, Trung Quốc không chỉ khẳng định được sự hiện diện thường xuyên của mình mà còn nhằm đẩy lùi hoạt động của tàu thuyền các nước khác ven Biển Đông ra khỏi các khu vực này.

Đây là “một chiêu mới” của Trung Quốc nhằm gia tăng quyền kiểm soát thực hiện ý đồ biến các khu vực hoàn toàn không có tranh chấp thuộc vùng biển của các nước thành khu vực tranh chấp.

Trong vụ việc nhóm tàu Hải Dương địa chất 08 của Trung Quốc gây hấn ở khu vực bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam từ đầu tháng 7 đến nay, Trung Quốc cũng đã sử dụng “chiêu bài” này. Các tàu Hải cảnh mà Trung Quốc triển khai cùng với tàu thăm dò Hải Dương địa chất 08 hoạt động trái phép trong vùng biển Việt Nam đã “cố ý” để lộ diện trên dữ liệu theo dõi hàng hải nhằm khẳng định chủ quyền.

Sau khi bồi đắp, mở rộng, quân sự hóa các cấu trúc mà Trung Quốc chiếm đóng ở Biển Đông, Trung Quốc đã dùng “chiêu bài” đưa tàu chấp pháp vào vùng biển các nước và chủ động phát tín hiệu AIS để khẳng định sự hiện diện của Trung Quốc ở những nơi mà Trung Quốc không thể xây dựng các căn cứ cố định của họ. Những đồn điền quân sự mà Trung Quốc đã xây dựng trên các đảo nhân tạo (các cấu trúc Trung Quốc chiếm đóng bằng vũ lực) trở thành nơi xuất phát cho các tàu chấp pháp của Trung Quốc xâm nhập vào vùng biển của các nước ven Biển Đông.

Các nhà phân tích cho rằng số lượng phát tín hiệu AIS ở bãi Luconia và bãi Cỏ Mây thường xuyên hơn ở bãi Scarborough vì bãi Luconia vẫn đang nằm dưới sự quản lý của Malaysia và bãi Cỏ Mây vẫn đang nằm dưới sự quản lý của Philippines còn bãi Scarborough dường như đã nằm dưới sự “kiểm soát chặt chẽ” của Trung Quốc từ năm 2012 nên không nhất thiết phải phát tín hiệu nhận dạng vị trí của tàu như một cách tuyên bố chủ quyền.

Từ góc độ đó, có thể thấy việc nhóm tàu Hải Dương địa chất 08 và tàu chấp pháp Trung Quốc phát tín hiệu AIS khi hoạt động trái phép ở khu vực bãi Tư Chính liên tục trong hơn 3 tháng qua (chỉ có về bãi Chữ Thập 5-7 ngày để tiếp vận) là nằm trong tính toán này của Trung Quốc.

Khu vực bãi Tư Chính hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam được xác định dựa trên các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Việt Nam đã xây dựng ở đây một số nhà giàn (DK1) để thực thi quyền quản lý của mình và đã cùng nhiều đối tác nước ngoài ký các hợp đồng hợp tác dầu khí ở khu vực này. Trung Quốc đang dùng “chiêu bài mới” này để dần dần tạo thành tình trạng kiểm soát “trên thực tế” của Trung Quốc buộc Việt Nam phải chấp nhận.

“Chiêu bài” mới này của Trung Quốc đang từng bước tạo thành “khuôn mẫu” và “thông lệ” ở Biển Đông càng làm rõ thêm âm mưu khống chế, độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Cách làm này hết sức nguy hiểm và đặt ra những thách thức lớn hơn cho các nước ven Biển Đông trong việc chống chọi với Trung Quốc.

Hy vọng giới chuyên gia, học giả, nhà nghiên cứu tiếp tục có những bài viết vạch trần thủ đoạn tinh vi này của những người cầm quyền ở Bắc Kinh để cộng đồng quốc tế nhận thức rõ về nguy cơ đe dọa từ Trung Quốc đối với hòa bình ổn định, tự do an ninh hàng hải trên các đại dương nói chung và Biển Đông nói riêng để cùng chung tay ngăn chặn.

RELATED ARTICLES

Tin mới