Trước việc nhóm tàu Hải Dương 08 của Trung Quốc liên tiếp xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam từ đầu tháng 7/2019 với quy mô ngày càng mở rộng vào gần bở biển Việt Nam và mức độ ngày càng táo tợn, ngày 06/10/2019 Viện Nghiên cứu chính sách luật pháp và phát triển đã tổ chức cuộc tọa đàm về Biển Đông tại Hà Nội. Tham gia tọa đàm là nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia, cựu quan chức, trong đó có tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao, thạc sĩ Hoàng Việt, thiếu tướng Lê Văn Cương, các cựu đại sứ Nguyễn Trường Giang, Nguyễn Trung, Trương Triều Dương, và một số học giả khác.
Những người tham gia tọa đàm có nhận định chung là tình hình gây hấn của nhóm tàu Hải Dương 08 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam “hết sức nghiêm trọng”; Các động thái ngày càng leo thang của Trung Quốc ở khu vực này trên Biển Đông đang “đặt Việt Nam vào thế rất nguy hiểm”.
Theo một số nguồn tin, nhóm tàu khảo sát Hải dương 08 hôm 07/10 đi sâu thêm 4,7 hải lý vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam và cách bờ biển Việt Nam chỉ còn khoảng 89,1 hải lý (165 km), một sự xâm phạm ngày càng trắng trợn và táo tợn hơn. Phạm vi và tính chất hoạt động tàu khảo sát Hải Dương 08 và các tàu hộ tống thay đổi và có tính thách thức nhiều hơn. Khu vực mà nhóm tàu Hải Dương 08 hoạt đông không chỉ còn quanh quẩn trong một phạm vi gần khu vực bãi ngầm Tư Chính cho tới Phúc Tần, mà đã kéo dài lên tận phía bắc giữa Quy Nhơn và Quảng Ngãi, trải dài hơn 220 hải lý.
Thạc sĩ Hoàng Việt, thành viên Ban Nghiên cứu Luật biển và Hải đảo thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng “Nếu để mất khu vực biển này vào sự kiểm soát của Trung Quốc cũng đồng nghĩa là trong tương lai Việt Nam sẽ không có biển. Như vậy, đó là nguy cơ rất lớn đối với đất nước và dân tộc Việt Nam”.
Tại tọa đàm, ông Trương Triều Dương, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Philippines (trong thời gian Tòa Trọng tài thụ lý vụ kiện Biển Đông do Philippines khởi sướng) cho rằng “dã tâm của Trung Quốc với Biển Đông sẽ không dừng lại”; làm chủ Biển Đông sẽ là điều Trung Quốc “cố sống, cố chết” làm vì đó là con đường duy nhất để Trung Quốc vươn ra biển xa trở thành cường quốc trên biển, cơ sở quan trọng cho tham vọng cường quốc đứng đầu thế giới.
Để chống lại và chặn đứng các hành động của Trung Quốc, giới nghiên cứu, các cựu quan chức tham gia tọa đàm đề xuất rằng Việt Nam cần đưa vấn đề ra một số diễn đàn quốc tế lớn để cộng đồng quốc tế hiểu rõ bản chất bá quyền của Trung Quốc, ủng hộ cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam.
Các ý kiến tại cuộc tọa đàm đều nhất trí cho rằng Việt Nam cần phải mạnh mẽ hơn, cần sử dụng tất cả các biện pháp mà Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế cho phép để bảo vệ vùng biển thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của mình. Theo đó, Việt Nam cần sớm khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài như Philippines đã làm năm 2013. Hiện Việt Nam có “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để tiến hành một vụ kiện đối với các hành vi xâm phạm trắng trợn của Trung Quốc đối với các quyền và lợi ích trên biển của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS).
Thứ nhất về thiên thời,thì đây là thời điểm phù hợp nhất cho Việt Nam tiến hành một vụ kiện bởi lẽ chính Trung Quốc đã đẩy Việt Nam đến “chân tường”. Trong suốt hơn 3 tháng qua, Việt Nam đã kiên trì đấu tranh ngoại giao yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hành động xâm lấn, tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, song Trung Quốc không những không dừng mà còn mở rộng, leo thang xâm lấn. Khi mà các biện pháp đấu tranh ngoại giao không phát huy hiệu quả thì việc Việt Nam sử dụng biện pháp pháp lý là lẽ đương nhiên. Điều này phù hợp với chủ trương giải quyết hòa bình các tranh chấp mà lâu nay Việt Nam luôn công khai khẳng định.
Thứ hai về địa lợi, khu vực mà nhóm tàu Hải Dương 08 hoạt động từ đầu tháng 7/2019 đến nay, dù xét từ bất cứ góc độ nào cũng thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam theo các quy định của UNCLOS. Đặc biệt, phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông do Philippines khởi sướng là một án lệ hết sức quan trọng. Nếu như khi Philippines khởi kiện, nhiều ý kiến còn lo ngại việc Tòa Trọng tài không có thẩm quyền xem xét vụ kiện do Trung Quốc phản đối. Đến nay, Việt Nam không còn phải lo ngại điều này nếu như đơn kiện chỉ xoay quanh vấn đề giải thích và áp dụng UNCLOS thì đương nhiên Tòa Trọng tài theo Phụ lục 7 UNCLOS sẽ có thẩm quyền xem xét như trong vụ kiện của Philippines.
Hơn thế nữa, phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài đã bác bỏ tất cả các yêu sách về vùng biển của Trung Quốc ở Biển Đông, bao gồm “đường lưỡi bò” hay yêu sách vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa tính từ các cấu trúc thuộc quần đảo Trường Sa. Đây là cơ sở quan trọng tạo thuận lợi cho Việt Nam giành thắng lợi một khi khởi kiện các hành vi xâm lấn của Trung Quốc trong vùng biển Việt Nam.
Thứ ba về nhân hòa, Việt Nam có chính nghĩa và luôn đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật. Việt Nam không yêu cầu gì hơn những gì mà luật pháp quốc tế cho phép. Các vùng biển của Việt Nam được xác định dựa trên các quy định của UNCLOS. Việt Nam đã kiên trì đấu tranh ngoại giao với Trung Quốc trong thời gian dài, thể hiện thiện chí tối đa. Quan điểm của Việt Nam trên vấn đề Biển Đông nói chung và trong vụ việc Trung Quốc xâm lấn từ đầu tháng 7/2019 nói riêng nhận được sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế.
Nhiều nước và giới chuyên gia, luật sư quốc tế đã lên tiếng phê phán mạnh mẽ hành vi sai trái, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc; chưa có bất cứ một tiếng nói quốc tế nào bảo vệ cho hành vi xâm lấn của Trung Quốc trong vùng biển của Việt Nam. Sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông đã cho cộng đồng quốc tế hiểu rõ thêm về bản chất bá quyền và nhận thức đầy đủ về nguy cơ và mối đe dọa từ Trung Quốc. Đây là điều kiện quốc tế thuận lợi để Việt Nam tiến hành khởi kiện Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông.
Chính những hành vi xâm lấn của Trung Quốc đang tạo ra cơ hội cho Việt Nam sử dụng biện pháp pháp lý. Để tiếp tục thể hiện thiện chí, Việt Nam có thể nói thẳng với Trung Quốc “Việt Nam đã kiên trì thông qua biện pháp ngoại giao để giải quyết vụ việc. Nếu Trung Quốc không rút nhóm tàu Hải Dương 08 ra khỏi vùng biển thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam thì Việt Nam buộc phải đưa vấn đề ra Tòa Trọng tài”.
Việt Nam cần thể hiện sự cứng rắn hơn trước hành vi xâm lấn của Trung Quốc. Nếu tỏ ra mềm yếu, Trung Quốc sẽ tiếp tục lấn tới.