Wednesday, January 15, 2025
Trang chủĐàm luậnTQ có những điểm yếu gì trên Biển Đông?

TQ có những điểm yếu gì trên Biển Đông?

Dùng vũ lực chiếm đóng trái phép, ồ ạt xây dựng các đảo và thực thể thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam thành căn cứ quân sự quy mô lớn hòng đòi chủ quyền phi lý ở Biển Đông. Song chính những “bàn đạp quân sự” này lại trở thành “Gót chân Asin” (Gót chân Achilles), điểm yếu chí mạng của Trung Quốc trên Biển Đông

Toan tính và tham vọng

Cộng đồng quốc tế, nhất là các nước khu vực, nay đều đã nhìn thấu tâm can của Trung Quốc trong dùng vũ lực chiếm đóng trái phép các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974 cũng như các bãi đá, rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988 rồi bồi đắp thành các đảo nổi nhân tạo cỡ lớn. Trung Quốc đã bất chấp chủ quyền hợp pháp của Việt Nam, bất chấp luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc tế Luật Biển năm 1982 (Công ước UNCLOS 1982), để chiếm đóng bằng được các đảo và thực thể trên nhằm toan tính thực hiện “mục tiêu kép” thâm sâu.

Trước hết, Trung Quốc muốn dựa vào các đảo và thực thể mà họ đã dùng vũ lực chiếm đóng trên Biển Đông nhằm đòi chủ quyền theo yêu sách “đường lưỡi bò 9 đoạn” (còn gọi là “đường lưỡi bò”, “đường 9 đoạn”) công bố năm 2019 mà theo đó đòi chủ quyền đối với 80% diện tích Biển Đông. Thế nhưng, yêu sách đòi chủ quyền đơn phương và phi lý đã hoàn toàn bị bác bỏ theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là sau phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) hồi tháng 7-2016 trong vụ kiện Trung Quốc của Philippines, theo đó bác bỏ tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông của Trung Quốc theo yêu sách “đường lưỡi bò 9 đoạn”.

Toan tính sâu xa khác của Trung Quốc trong việc dùng vũ lực cưỡng chiếm các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và các thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là hòng biến đây thành các căn cứ quân sự để khống chế Biển Đông, tạo bàn đạp cho việc áp đặt chủ quyền vốn đã bị bác bỏ theo luật pháp quốc tế. Đó cũng chính là nguyên nhân mà Trung Quốc thời gian qua đã đổ không biết bao nhiều tiền của, ráo riết xây dựng để biến chúng thành những căn cứ quân sự lớn trên Biển Đông.

Dùng vũ lực chiếm đóng đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ năm 1974, Trung Quốc đã biến hòn đảo tự nhiên lớn nhất trong quần đảo này thành căn cứ quân sự quy mô lớn nhất và kiên cố nhất ở Biển Đông hiện nay. Đảo Phú Lâm với nhiều cây cối tươi tốt, có chiều dài tự nhiên 1,7km, chiều ngang 1,2km, song Trung Quốc đã bồi đắp trái phép để xây dựng một sân bay có chiều dài đường băng tới 3.000m, đủ khả năng cho các loại máy bay chiến đấu hạng nặng nhất của nước này có thể cất và hạ cánh, cùng các cơ sở vật chất đảm bảo khác. 

Theo các chuyên gia quân sự, đường băng trên đảo Phú Lâm có khả năng đón nhận ít nhất 8 máy bay thế hệ thứ tư như máy bay chiến đấu J-10 và máy bay ném bom JH-7. Những hình ảnh vệ tinh thu thập được ngày 19-6-2019 cho thấy ít nhất 4 máy bay chiến đấu  J-10 – loại tiêm kích đa nhiệm do Trung Quốc hợp tác cùng Israel sản xuất, có tầm tác chiến khoảng 740km, bao trùm phần lớn diện tích Biển Đông và các tuyến hàng hải trọng yếu của khu vực – đã được Trung Quốc triển khai tới đảo Phú Lâm. 

Các nguồn tin quân sự cũng cho biết từ đầu năm 2016, Trung Quốc đã bố trí 8 bệ phóng tên lửa đất đối không hiện đại của nước này HQ-9 đến đảo Phú Lâm, một động thái được cho là đe dọa an toàn hàng không khu vực. Hành động quân sự hóa nguy hiểm này trái với luật pháp quốc tế, thể hiện rõ ý muốn khống chế vùng biển thuộc khu vực Biển Đông, vùng trời có những tuyến vận tải hành khách và hàng không thương mại nhộn nhịp của cả khu vực và thế giới.

Hiện Trung Quốc đã đặt Bộ chỉ huy toàn thể lực lượng quân trú phòng quần đảo Hoàng Sa trên đảo Phú Lâm. Các nguồn tin quân sự quốc tế cho rằng, phần lớn trong số 4.000 lính hải quân và thủy quân lục chiến của Trung Quốc đồn trú trong vùng biển Hoàng Sa hiện đang đóng trên đảo Phú Lâm. Trung Quốc cũng đã xây dựng một cảng nước sâu, cầu tàu cùng cơ sở hạ tầng có thể tiếp nhận những tàu có trọng tải từ 5.000 tấn trở lên.

Sau khi cưỡng chiếm một số bãi đá và rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988, Trung Quốc từ năm 2014 đến nay đã ồ ạt bồi đắp trái phép, biến các thực thể này thành các đảo nhân tạo với tổng diện tích trên 13km2, chiếm khoảng 95% tổng diện tích các đảo tự nhiên và đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa. Trung Quốc đã bồi đắp, mở rộng diện tích quy mô lớn 6 bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, gồm: Chữ Thập, Ga Ven, Châu Viên, Gạc Ma, Tư Nghĩa và Vành Khăn trong tổng số 7 thực thể do nước này chiếm đóng trái phép thành các đảo nhân tạo. 

Trong đó, Trung Quốc đã bồi đắp trái phép 3 thực thể là đá Subi, đá Vành khăn và đá Chữ Thập thành 3 đảo nhân tạo quy mô lớn, có đường băng dài 3.000m, đủ để cho các máy bay chiến đấu hạng nặng có thể cất/hạ cánh; và có cả cảng biển nước sâu để tàu chiến hạng nặng có thể ra vào. Giới quân sự quốc tế qua phân tích những hình ảnh chụp từ vệ tinh đã khẳng định có nhiều đường băng, chỗ đỗ máy bay, các điểm radar và bệ phóng tên lửa đất đối không nổi trên 3 thực thể là đá Subi, đá Vành khăn và đá Chữ Thập mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép ở Trường Sa.

Các chuyên gia của Tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) cho biết, Trung Quốc đã triển khai đến các đảo nổi nhân tạo mà họ bồi đắp trái phép ở Trường Sa hệ thống tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B hiện đại nhất của nước này, có khả năng tấn công các tàu ở khoảng cách 550 km. “Cặp bài trùng” với YJ-12B là hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa HQ-9A hoặc HQ-9B có tầm bắn lên đến 300km.

Những cái giá phải trả vô cùng đắt

Ý đồ quân sự hóa các đảo thuộc quần đảo và các đảo nổi nhân tạo thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng trái phép đã quá rõ là Bắc Kinh muốn biến chúng thành các căn cứ quân sự hòng phục vụ cho toan tính độc chiếm Biển Đông. Thế nhưng, toan tính và tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông là một chuyện, thực tế lại là một chuyện hoàn toàn khác.

Trong bài bình luận đăng trên chuyên san The National Interest trung tuần tháng 10-2019, Giáo sư Robert Farley (Đại học Kentucky, Mỹ) nhận định rằng, Trung Quốc muốn xây dựng cơ sở hạ tầng cho các đảo, đảo nhân tạo mà họ chiếm đóng phi pháp trên Biển Đông nhằm giành lợi thế quân sự, nhưng giá trị thực tế của các “căn cứ nổi” này không như Bắc Kinh nghĩ. Các căn cứ quân sự này đã bộc lộ nhiều điểm yếu, mà một trong những điểm yếu chí mạng theo Giáo sư Robert Farley là phụ thuộc nhiều vào công tác hậu cần từ đại lục vì hầu hết đều không có kho dự trữ đủ lớn nên khi xung đột xảy ra, việc giữ cho đường dây liên lạc, cung cấp nhiên liệu, đạn dược… được an toàn sẽ là rủi ro và thách thức rất lớn đối với Trung Quốc. 

Các đường băng, máy bay, tên lửa phòng không và tên lửa chống hạm… của Trung Quốc tại các căn cứ quân sự ở Biển Đông đều rất khó ngụy trang và cơ động nên có thể dễ dàng làm “mồi” cho các loại vũ khí chính xác, thông minh tầm xa của đối phương. 

Các tổ hợp radar được coi là “tai mắt” của Trung Quốc trên Biển Đông cũng có thể dễ dàng bị vô hiệu hóa bởi cuộc tấn công của các đối phương mạnh như Mỹ và đồng minh.  Dẫn ra trường hợp dễ dàng bị tấn công vô hiệu hóa của các căn cứ quân sự mà Nhật Bản dày công xây dựng trên Thái Bình Dương trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, Giáo sư Robert Farley cho rằng, một khi bị cô lập, các căn cứ quân sự ở Biển Đông của Trung Quốc dù đã tiêu tốn rất nhiều tiền của và công sức song sẽ sụp đổ trong thời gian ngắn.

Chung quan điểm và cách nhìn nhận, đánh giá của Giáo sư Robert Farley, giới phân tích quân sự trước đó cũng đã chỉ ra những điểm yếu chí mạng khác của các căn cứ quân sự Trung Quốc ở Biển Đông. Có nguồn tin quân sự cho biết, Trung Quốc hồi năm 2017 đã triển khai máy bay chiến đấu J-11 (sao chép từ máy bay chiến đấu S-27 mua của Nga) tới sân bay trên đảo bồi đắp trái phép ở Trường Sa nhưng chỉ được thời gian ngắn bởi tác động của sức nóng, độ ẩm và hơi muối ở đây. 

Tờ nhật báo Hồng Kông Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) hồi tháng 7-2019 cho biết, có khẩu pháo triển khai trên đảo nhân tạo bồi đắp trái phép đã bị loại khỏi biên chế chỉ sau vẻn vẹn có 3 tháng do bị gỉ sét. Thời tiết, khí hậu biển ở Biển Đông thực sự là “kẻ địch lớn” với tất cả các vũ khí, trang bị mà Trung Quốc triển khai trên các hòn đảo, đảo nổi nhân tạo bị họ cưỡng chiếm trên vùng biển này.

Các căn cứ quân sự Trung Quốc ở Biển Đông đã lộ ra những “Gót chân Asin” chí mạng, khiến nước này có thể phải trả những cái giá vô cùng đắt trong tham vọng độc chiếm Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới