Ngay sau khi giới chức ngoại giao Mỹ và Việt Nam cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper chuẩn bị thăm Việt Nam, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đã lên án các hành động bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Bộ Ngoại giao Việt Nam (17/10) đã xác nhận Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper sắp có chuyến thăm Việt Nam trong thời gian tới; đồng thời cho biết quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam và Mỹ trong thời gian qua tiếp tục phát triển phù hợp, dựa trên cơ sở các khuôn khổ hợp tác hiện có, cũng như trong khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước. Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper dự kiến sẽ có chuyến thăm Việt Nam theo lời mời của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch vào thời gian phù hợp.
Được biết, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper là người có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc. Ông Esper từng khẳng định Washington đã chậm trễ trong vấn đề nhìn nhận về cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc, đồng thời cho biết thêm rằng đối phó với Bắc Kinh đã là ưu tiên cá nhân của ông kể từ những năm 1990. Theo ông Esper: “Vấn đề liên quan đến Trung Quốc, sự cạnh tranh với Trung Quốc, năng lực của Trung Quốc không có gì mới mẻ với tôi… vì tôi đã tập trung theo dõi họ suốt 20 năm”. Ông Mark Esper được cho là có chủ trương sử dụng “vũ khí chính xác tầm xa” để đối phó với Trung Quốc tại châu Á – Thái Bình Dương, ám chỉ các tên lửa dẫn đường và đẩy mạnh các chương trình hiện đại hóa quân đội Mỹ.
Giới chuyên gia nhận định, quan hệ Việt Nam và Mỹ liên tục có những bước tiến mới rất quan trọng trong những năm gần đây, trong đó bao gồm cả lĩnh vực quốc phòng. Động lực quan trọng cho Việt Nam trong mối quan hệ với Mỹ chính là nhu cầu phát triển đất nước, nhất là trong vấn đề kinh tế và khoa học-công nghệ, vốn là thế mạnh của Mỹ. Trong khi đó, Mỹ cũng xem trọng Việt Nam trong quá trình nước này triển khai chiến lược tái cân bằng ở châu Á – Thái Bình Dương và cả sáng kiến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Đáng chú ý, giới chuyên gia cho rằng chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc liên tục duy trì trái phép nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 trong Vùng Đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, cũng như ngăn cản hoạt động thăm dò dầu khí hợp pháp giữa Việt Nam với các đối tác nước ngoài. Do đó, chuyến thăm tới đây của Bộ trưởng Mark Esper là nhằm thúc đẩy quan hệ quân sự giữa hai nước; đồng thời thể hiện cam kết hiện diện lâu dài của quân đội Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói chung và biển Đông nói riêng; đồng thời cho rằng động thái của Mỹ chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng từ phía Trung Quốc. Nếu Bắc Kinh tiếp tục ngang ngược, hung hăng, duy trì trò chơi bắt nạt và đe dọa chủ quyền, an ninh các nước trong khu vực thì rất có khả năng Mỹ sẽ huy động nhanh chóng sức mạnh quân sự, ngoại giao, kinh tế để ngăn ngừa khả năng Trung Quốc biến biển khu vực thành “ao nhà”.
Ngay sau khi Mỹ và Việt Nam xác nhận thông tin Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chuẩn bị thăm Việt Nam, Tiểu ban Đông Á – Thái Bình Dương và Chính sách An ninh mạng quốc tế thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ (17/10) đã tổ chức buổi điều trần về việc thực hiện Đạo luật sáng kiến tái bảo đảm châu Á (ARIA).Tại buổi điều trần, Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Đông Á – Thái Bình Dương David Stilwell khẳng định như đã nêu trong ARIA, các nguyên lý cốt lõi của hệ thống quốc tế đang bị thách thức bởi việc Trung Quốc xây dựng và quân sự hóa bất hợp pháp các thực thể nhân tạo ở Biển Đông; cho rằng các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông là mối đe dọa không chỉ đối với các quốc gia có yêu sách tại Biển Đông hoặc các quốc gia Đông Nam Á, mà còn đối với tất cả các quốc gia tham gia giao thương tại khu vực cũng như tất cả những ai coi trọng tự do hàng hải và giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình.Ông Stilwell nhấn mạnh các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với cái gọi là “đường 9 đoạn” ở Biển Đông là phi pháp và phi lý. Những tuyên bố này không có giá trị pháp lý, lịch sử hoặc địa lý, gây tổn hại các nước khác. Các hành động khiêu khích lặp đi lặp lại của Bắc Kinh đang ngăn cản các nước thành viên ASEAN tiếp cập nguồn dự trữ năng lượng ở Biển Đông, gây mất ổn định và làm gia tăng nguy cơ xung đột trong khu vực. Theo ARIA, chính sách của Mỹ là đảm bảo tự do hàng hải, hàng không và các mục đích hợp pháp khác trên biển. Washington sẽ tiếp tục thực hiện quyền tự do hàng hải, hàng không và hoạt động ở bất cử nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.
Trong năm 2019, giới chức quân đội Mỹ cũng nhiều lần đưa ra các tuyên bố phản đối hành động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, đồng thời khẳng định Mỹ sẽ hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực hàng hải. Phát biểu trong chuyến thăm Việt Nam (18-20/8), Đại tướng David L. Goldfein, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ, và Đại tướng Charles Q. Brown Jr., Tư lệnh Không quân Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương cho biết Mỹ luôn ủng hộ quyền tự vệ và phòng vệ chính đáng của Việt Nam. Đại tướng David L. Goldfeincho biết: “Năm nay Việt Nam là trạm dừng chân duy nhất ở khu vực Thái Bình Dương trong lịch trình công tác của tôi. Việt Nam là một chặng dừng quan trọng với nhiều lý do cả công việc chuyên môn và cá nhân. Tôi rất tự hào vì đây là chuyến thăm đầu tiên của một Tham mưu trưởng Không quân Mỹ đến Việt Nam kể từ khi chiến tranh kết thúc. Tôi muốn nhấn mạnh đến thông điệp mà ngài Ngoại trưởng và Tổng thống của chúng tôi nhắc đi nhắc lại nhiều lần đó là: Chúng tôi cam kết hỗ trợ Việt Nam trở thành một quốc gia thịnh vượng và hùng mạnh. Tôi đến đây để thăm một nước đối tác rất quan trọng và nước đối tác có nhiều lợi ích và mối quan tâm của chúng tôi. Sự hiện diện của hai Đại tướng Không quân Mỹ thể hiện cam kết mạnh mẽ của Mỹ với Việt Nam nói riêng và khu vực nói chung. Chuyến thăm có ý nghĩa đặc biệt với cá nhân cả hai chúng tôi vì trước đây bố của chúng tôi đều có thời gian phục vụ trong quân ngũ và từng tham chiến tại Việt Nam. Cha của Brown có 2 đợt đến Việt Nam làm việc trong lục quân còn bố tôi là phi công bảo vệ cha của Đại tướng Brown từ trên không”. Về vấn đề hợp tác Mỹ – Việt, Đại tướng David Goldfein nêu rõ: “Quan trọng nhất là xây dựng mối quan hệ hợp tác mạnh mẽ và vững chắc với Việt Nam. Chúng tôi muốn đề cập đến việc xây dựng nhận thức trong khu vực không chỉ về mặt hàng hải mà còn là hàng không. Chúng ta có nhận thức đúng đắn, hiểu rõ những khó khăn thách thức phải đối mặt trong một khu vực sẽ có cách ứng phó tốt nhất. Chúng tôi sẽ bàn luận và phối hợp chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực quan trọng với Việt Nam. Tôi muốn nhấn mạnh đến cam kết xử lý vấn đề hậu quả chiến tranh”. Trước câu hỏi về hoạt động mua sắm vũ khí trong tương lai ngoài máy bay không người lái và tàu tuần tra, Đại tướng David Goldfein cho biết: “Khi nói tới mua sắm vũ khí thì chúng ta nói về nền tảng để trang bị cho vũ khí đó. Khả năng phối hợp hợp tác với nhau giữa các nước quan trọng nhất là con người. Cơ hội tôi nhìn thấy trước mắt và gần nhất của chúng ta là hợp tác đào tạo, nâng cao kỹ năng con người giữa hai nước. Chúng tôi hoan nghênh và chào đón thêm sĩ quan trẻ Việt Nam sang các trường, học viện không quân để học tập và trau dồi kiến thức”. Ngoài ra, Đại tướng David Goldfein cho biết thêm: “Chúng tôi cam kết mạnh mẽ và lâu dài với khu vực, với Việt Nam, làm sao để Việt Nam là một đất nước hùng mạnh, độc lập và thịnh vượng, để duy trì sự ổn định trong khu vực”. Liên quan việc Trung Quốc điều tàu hoạt động trái phép trong vùng biển của Việt Nam, Đại tướng David L. Goldfein nói: “Tôi nhấn mạnh lại tuyên bố rất mạnh mẽ của Ngoại trưởng Mike Pompeo đã đưa ra. Đó là chúng tôi phản đối mạnh mẽ các hoạt động gây ảnh hưởng và thách thức những quyền lợi chính đáng cũng như chủ quyền của Việt Nam trong khu vực. Chúng tôi hoàn toàn cam kết ủng hộ hoạt động hợp tác, đảm bảo quyền lợi hai nước. Về việc Trung Quốc điều tàu đến vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, trước hết chúng tôi tôn trọng các quyết định và hành động của Việt Nam. Chúng tôi luôn luôn ủng hộ quyền tự vệ và phòng vệ chính đáng của Việt Nam, chúng tôi sẽ theo sát các hoạt động của Việt Nam, sẵn sàng hợp tác làm việc với Việt Nam. Đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, mong muốn lớn nhất của chúng tôi là tất cả các quốc gia có thể tiếp cận khu vực biển cũng như không phận quốc tế, tuân thủ luật pháp quốc tế, để tất cả các nước đều được hưởng lợi ích chung”.
Cùng quan điểm trên, Đại tướng Charles Q. Brown Jr khẳng định: “Phần quan trọng trong chính sách của chúng tôi là đảm bảo một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương rộng mở và tự do. Một trong những phần quan trọng đảm bảo việc này là làm sao duy trì vận hành tàu thuyền, máy bay trong bất kỳ khu vực nào mà luật pháp quốc tế cho phép, đảm bảo chủ quyền và quyền lợi hợp pháp của không chỉ riêng Việt Nam mà tất cả các nước khác trong các hoạt động ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”. Trước câu hỏi về việc nhiều chuyên gia quốc tế dự đoán về mục tiêu của Trung Quốc trong việc đưa tàu Hải Dương 8 vào thềm lục địa của Việt Nam, Đại tướng Charles Q. Brown Jr cho biết: “Về mục tiêu của Trung Quốc là gì, người tốt nhất chúng ta nên hỏi là Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng tôi quan sát rất kỹ những hoạt động của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông, và chúng tôi nhận định rằng những hoạt động của Trung Quốc như thế này sẽ đi ngược lại mục tiêu, tôn chỉ của chúng tôi đã làm là giữ cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương rộng mở và tự do. Rõ ràng những hoạt động của họ có tác động rất lớn, tác động không mong muốn và tác động quá đà, đặc biệt là đối với khu vực đặc quyền kinh tế của các nước. Khi nói về phản ứng của Mỹ, rất khó để nói trước các hoạt động của chúng tôi sẽ tiến hành như thế nào, nhưng với tư cách tư lệnh không quân Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nhiệm vụ của chúng tôi là viết ra những phương án để các lãnh đạo, chính trị gia sẽ đưa ra quyết định dựa trên phương án mà chúng tôi đề xuất. Tôi xin lưu ý rằng với những phương án chúng tôi đề xuất, chúng tôi sẽ có trao đổi với Việt Nam cũng như phù hợp với những lợi ích của các nước trong khu vực mà các hoạt động diễn ra ở khu vực Biển Đông”.
Đô đốc Karl L. Schultz, Tư lệnh Tuần duyên Mỹ (23/7, USCG) cho biết, USCG đang hợp tác chặt chẽ với lực lượng cảnh sát biển Việt Nam, đặc biệt khi Việt Nam đang tăng cường quy mô và năng lực của lực lượng. Mỹ đã chuyển nhiều tàu tuần tra có năng lực cao từng qua sử dụng, cụ thể là tàu lớp Hamilton, cho các nước như Philippines, Lanka và Việt Nam. Mỹ hy vọng họ có thể phát triển và sử dụng những nguồn lực này để chủ động thực thi lợi ích chủ quyền trong khu vực. Đô đốc Schultz cho biết USCG được huy động hỗ trợ tại khu vực theo yêu cầu của Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Đồng thời, lực lượng cũng giúp củng cố năng lực bảo vệ chủ quyền của nhiều nước trong khu vực, chuyển giao nhiều tàu tuần tra năng lực hoạt động cao cho các nước. Ngoài ra, Đô đốc Schultz nhận định khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cụ thể là Biển Đông, có ảnh hưởng rất lớn đối với các lợi ích của Mỹ và quốc tế. USCG hiện diện tại khu vực nhằm mang đến “hình mẫu về minh bạch” trong quản trị các vấn đề hàng hải dựa trên pháp luật. Liên quan đến vụ việc tàu Trung Quốc đang có những hành động quấy rối tại Bãi Tư Chính thuộc chủ quyền của Việt Nam, Đô đốc Karl L. Schultz cho biết: “Trước những kiểu hành xử mang tính cưỡng ép và khiêu khích đang diễn ra, USCG mang đến sự minh bạch trong tiếp cận và hợp tác. Năng lực đặc biệt trong mở rộng quan hệ quốc tế của USCG cho phép chúng tôi hỗ trợ cải thiện năng lực của các nước đối tác và thúc đẩy cách ứng xử dựa trên pháp luật mà Mỹ mong muốn nhìn thấy tại khu vực. Mục tiêu của tôi cho lực lượng USCG là trở thành một lựa chọn đối tác cho khu vực. Chúng tôi thiết kế hỗ trợ cho các nước đối tác tùy vào nhu cầu của họ, trong đó có việc chuyển giao tàu tuần tra”.
Trước đó, trong chuyến thăm Việt Nam, Đô đốc Philip S. Davidson, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ (USINDOPACOM) khẳng định sẽ tiếp tục thúc đẩy vai trò lãnh đạo của Việt Nam tại khu vực cũng như trên toàn cầu, đặc biệt là khi Việt Nam đang chuẩn bị để đảm nhận vai trò chủ tịch ASEAN vào năm 2020. Ông Philip S. Davidson cũng cho biết, hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và Việt Nam dựa trên lợi ích chiến lược chung của hai nước trong việc đảm bảo chủ quyền và độc lập của Việt Nam và thúc đẩy một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ; nhấn mạnh việc Việt Nam làm chủ tịch ASEAN năm 2020 là cơ hội tốt để củng cố chiến lược khu vực của Washington, khẳng định sẽ tiếp tục thúc đẩy vai trò lãnh đạo của Việt Nam tại khu vực cũng như trên toàn cầu, đặc biệt là khi Việt Nam đang chuẩn bị để đảm nhận vai trò chủ tịch ASEAN vào năm 2020. Ngoài ra, ông Davidson cũng ca ngợi Việt Nam đã lên tiếng mạnh mẽ phản đối những hoạt động hạn chế quyền tiếp cận quốc tế tại khu vực, cũng như việc Việt Nam ủng hộ các “hoạt động tự do hàng hải” (FONOP) của Mỹ. Tư lệnh Mỹ cũng nêu lên hai ưu tiên chính trong xây dựng quan hệ an ninh song phương. Đầu tiên, tiếp tục tăng cường quan hệ, tổ chức huấn luyện và hợp tác chung giữa hai quân đội, phù hợp với ưu tiên và năng lực của Việt Nam. Thứ hai, tiếp tục quảng bá và thúc đẩy vai trò lãnh đạo của Việt Nam tại khu vực và quốc tế, đặc biệt khi Việt Nam chuẩn bị tiếp nhận chủ tịch ASEAN luân phiên vào năm sau. Bên cạnh đó, phía Mỹ hoan nghênh sự tăng cường hợp tác giữa các quốc gia vùng Hạ Mê Kông, và bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ xây dựng khu vực này theo hướng ổn định, phồn vinh và tôn trọng chủ quyền của các bên.