Saturday, April 27, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaHoạt động phi pháp của TQ ở Biển Đông từ đầu năm...

Hoạt động phi pháp của TQ ở Biển Đông từ đầu năm 2019 đến nay

Từ đầu năm 2019 đến nay, Trung Quốc tạm thời dừng lại các hoạt động cải tạo đảo, đá phi pháp và quân sự hóa ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, song lại đẩy mạnh các hoạt động khiêu khích, thăm dò trái phép tại khu vực này. Hành động phi pháp của Trung Quốc không chỉ đi ngược lại các tuyên bố, cam kết của mình mà còn bị cộng đồng quốc tế lên án, chỉ trích.

Trung Quốc liên tục điều tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 hoạt động trái phép ở quần đảo Trường Sa.

Từ cuối tháng 6, đầu tháng 7/2019 đến nay, Trung Quốc ngang nhiên đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 cùng với nhiều tàu cảnh sát biển, tàu hải giám, tàu dân quân biển, trong đó có tàu cảnh sát biển loại lớn nhất và có vũ trang của Trung Quốc mang số hiệu 3901 với tải trọng 12.000 tấn, đã xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, để thực hiện một cuộc khảo sát địa chấn. Đáng chú ý, theo hệ thống AIS vệ tinh, tàu Hải Dương Địa Chất 8 cùng nhóm tàu hộ tống của Trung Quốc (9/10) tiếp tục đi sâu thêm một cách bất thường vào biển Việt Nam, so với đường khảo sát thứ 6 đã cách 21 hải lý. Nếu tính theo hướng mũi tàu thì hiện giờ tàu này đang cách mũi Đá Vách (cạnh vịnh Cam Ranh) 86,6 hải lý. Đây là điểm sâu nhất trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam mà tàu Hải Dương Địa Chất 8 đạt tới từ tháng 9 đến nay và có lẽ sâu nhất kể từ đợt đầu tiên. Với sơ đồ đường đi vừa vào sâu vừa trải dài, có thể nói hoạt động khảo sát của tàu Hải Dương Địa Chất 8 đã bao phủ một diện rộng suốt dọc khu vực biển không thể tranh chấp của Việt Nam, bề dài xấp xỉ 363 hải lý và bề rộng xấp xỉ 73 hải lý. Ngoài thu thập các dữ liệu về dầu khí, khả năng cao nhóm tàu Trung Quốc còn khảo sát bề mặt, địa hình lồi lõm dưới đây biển, biết các luồng lạch mà tàu ngầm có thể di chuyển thuận lợi nhất

Trung Quốc đưa giàn khoan 982 xuống Biển Đông

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (25/9) cho biết, Trung Quốc đã đưa giàn khoan nước sâu Hải Dương 982 tới hoạt động ở Biển Đông. Bưu điện Hoa Nam buổi sáng dẫn lại thông tin từ tài khoản mạng xã hội Trường An Kiếm (Chang An Jian) của Ủy ban Chính pháp Trung ương Trung Quốc cho biết giàn khoan nước sâu Hải Dương 982 từ hôm 21/09 hoạt động tại một vùng biển sâu đến 3.000 m ở Biển Đông, nhưng vị trí của giàn khoan không được tiết lộ. Trước đó, Cục Hải sự Trung Quốc (21/8) thông báo Hải Dương 982 tiến hành hoạt động trên Biển Đông từ ngày 21/8 đến ngày 5/11, mỗi ngày 24 tiếng, tại khu vực có bán kính 2 km tính từ tâm là vị trí có tọa độ 17°37′44.589 vĩ Bắc / 110°21′16.894 kinh Đông. Cũng theo thông báo trên, vị trí này là khu vực giếng dầu Lăng Thủy 15-2-1 (LS15-2-1), nằm về phía Đông Nam thành phố Tam Á thuộc đảo Hải Nam của Trung Quốc.

Hải Dương 982 được hạ thủy tháng 5/2017 và được chuyển giao cho Công ty dịch vụ mỏ dầu Trung Quốc (COSL) trực thuộc Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) vào tháng 3/2018. Giàn khoan Hải Dương 982 được đóng ở xưởng đóng tàu Đại Liên là loại giàn khoan nửa nổi nửa chìm thế hệ thứ 6, có thể chịu được những cơn bão mạnh, phù hợp với điều kiện thời tiết khi tác nghiệp tại Biển Đông. Hải Dương 982 được trang bị hệ thống định vị động lực DP3, khả năng tác nghiệp tại mức nước sâu nhất lên đến 1.500m và độ sâu của giếng khoan thăm dò đạt 9.144m. Giàn có chiều dài 104,5 mét, chiều rộng 70,5 mét, có thể phục vụ cho 180 nhân viên. Giàn khoan này được chế tạo với thời gian phục vụ khoảng 25 năm. CCTV từng cho biết, giàn khoan Hải Dương 982 chính là phiên bản giản hóa của giàn khoan Hải Dương 981. Nó sẽ thuận lợi hơn cho Trung Quốc trong quá trình thăm dò và khai thác dầu khí, bởi giàn khoan Hải Dương 982 được thiết kế có thể liên kết với các ụ tàu nổi, các cảng trên biển để trở thành “đảo di dộng nhân tạo trên biển”.

Trung Quốc điều tàu cản trở hoạt động tiếp tế của Philippines ở bãi Cỏ Mây, vây đảo Thị Tứ và đâm chìm tàu cá Philippines

Giới chức Philippines (14/5) cho biết, Trung Quốc đã điều tàu Hải cảnh 3305 ngăn chặn nhóm tàu tiếp vận dân sự của Manila khi đang di chuyển đến bãi Cỏ Mây. Theo thông tin trên, sự việc xảy ra khi tàu hải cảnh Trung Quốc số hiệu 3305 chặn đường nhóm tàu tiếp vận dân sự Philippines đang di chuyển tới bãi Cỏ Mây, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Thứ trưởng Quốc phòng Philippines Cardozo Luna cho biết Bắc Kinh thường duy trì một tàu hải cảnh gần bãi Cỏ Mây để giám sát hoạt động của tàu cá Philippines, cũng như nhiệm vụ tiếp tế cho BRP Sierra Madre. Được biết, quân đội Philippines sử dụng tàu chiến cũ nát BRP Sierra Madre mắc cạn ở bãi Cỏ Mây như một tiền đồn để duy trì sự hiện diện ở khu vực này từ năm 1999. Trên tàu có một đơn vị thủy quân lục chiến đồn trú và phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn tiếp tế từ đất liền.

Đây không phải lần đầu Trung Quốc quấy nhiễu, bao vây, ngăn chặn tàu Philippines hoạt động trên Biển Đông. Vào tháng 4/2012, khi lực lượng hải quân Philippines bắt giữ các tàu cá đang đánh bắt không phép tại khu vực Scarborough (Việt Nam không tuyên bố chủ quyền với bãi cạn này), thì Trung Quốc đã điều động các tàu hải giám và các tàu cá lân cận với số lượng đông hơn hẳn để “bủa vây” các tàu của Philippines, tạo nên cuộc đối đầu căng thẳng gần 2 tháng sau đó. Cùng lúc với thế trận bủa vây áp đảo ở Scarborough, chính phủ Trung Quốc sử dụng truyền thông đại chúng của họ vin vào cớ Philippines dùng đến hải quân trong tranh chấp dân sự để cáo buộc Philippines “quân sự hóa tranh chấp”, đồng thời tuyên bố cấm vận nhập khẩu một số mặt hàng nông nghiệp chủ lực từ Philippines. Với một tình thế bất khả kháng trên thực địa, kết hợp với những tổn hại nghiêm trọng về thương mại, chính phủ Philippines tỏ ra kiệt sức và chấp nhận lui tàu sau khi phía Mỹ đứng ra làm trung gian hòa giải. Chỉ đợi như vậy, cho rằng phía Mỹ không có quyền can thiệp vào vấn đề này, Trung Quốc cho tàu phong tỏa bãi Scarborough cho đến hiện nay.

Trước đó, Hãng tin AFP cho biết, Trung Quốc (5/3) đã điều hơn 50 tàu quân sự đội lốt tàu cá bao vây 3 bãi cát xung quanh đảo Thị Tứ, đồng thời ngăn chặn ngư dân Philippines tiếp cận ngư trường trong khu vực này. Các Quan chức Philippines trước đó cũng cho biết Trung Quốc điều các tàu hải quân và bảo vệ bờ biển tới bãi cát Sandy Cay nằm ngoài khơi đảo Thị Tứ trên Biển Đông từ 2017 để ngăn Philippines kiểm soát khu vực này.

Đáng chú ý, tàu Yuemaobinyu 42212 của Trung Quốc (6/2019) đã đâm chìm tàu Gem-Ver 1 ở bãi Cỏ Rong thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam và bỏ mặc 22 ngư dân Philippines trôi dạt trên biển.

Mời thầu thăm dò dầu khí trái phép

Tổng Công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC, 26/6) ngang nhiên thông báo mời thầu khai thác 8 lô dầu khí ở Biển Đông và Hoa Đông. Theo thông báo, CNOOC sẽ mời thầu thăm dò 8 lô dầu khí với tổng diện tích lên đến 9.761km2, trong đó có 5 khu vực ở bồn địa Châu Giang Khẩu với diện tích 993km2; 1 khu vực ở bồn địa Quỳnh Đông Nam và 1 khu vực ở bồn địa Oanh Ca Hải, với diện tích 2.257km2; 1 khu vực hợp tác chiến lược ở Quỳnh Đông Nam, với diện tích lên đến 6.511km2. Ngoài ra, CNOOC còn kêu gọi hợp tác khai thác tại 6 giếng dầu và bồn địa khác ở khu vực Châu Giang Khẩu, Oanh Ca Hải và Quỳnh Đông Nam. CNOOC cho biết, đây là những khu vực thăm dò dầu khí nước sâu, sẽ hợp tác trên tinh thần “cùng thắng”.

Tấn công, cướp tàu cá Việt Nam, xua đuổi không cho ngư dân vào tránh bão

Theo Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Việt Nam, ngày 6/3 vừa qua, một tàu cá Quảng Ngãi mang số hiệu QNg 90819 TS/05 bị tàu Hải cảnh Trung Quốc số hiệu 44101 đâm chìm trong khu vực đảo Đá Lồi thuộc quần đảo Hoàng Sa. Vị trí tàu bị đâm cách phía Đông Đà Nẵng khoảng 198 hải lý. Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, theo thông tin từ các cơ quan chức năng Việt Nam, một tàu Hải cảnh của Trung Quốc đã dùng vòi rồng xua đuổi khiến tàu cá Việt Nam bị đâm vào rạn đá ngầm và chìm trên khu vực quần đảo Hoàng Sa. Cụ thể, sáng ngày 6/3, tàu cá Việt Nam mang số hiệu QNg 90819 TS cùng 5 ngư dân đang neo đậu tại khu vực đảo Đá Lồi thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, thì phát hiện tàu Hải cảnh Trung Quốc mang số hiệu 44101 chạy đến dùng vòi rồng phun lên tàu cá để xua đuổi. Trong quá trình di chuyển, đến 10h00 cùng ngày, tàu QNg 90819 TS đâm vào rạn đá ngầm và chìm tại toạ độ 16015’N – 111038’E (cách Tây Bắc đảo Đá Lồi thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam khoảng 0,5 hải lý); các ngư dân bám vào mũi tàu trôi dạt trên biển, được tàu cá của Việt Nam số hiệu QNg 90620 TS cứu vớt vào khoảng 13h00 cùng ngày.

Không những vậy, tàu Trung Quốc đã từ chối cứu hộ 12 ngư dân Quảng Nam trên tàu cá mang số hiệu QNa 90569 TS khi lâm nạn ở quần đảo Hoàng Sa. Hành động này của phía tàu Trung Quốc không chỉ vi phạm các quy định về hàng hải mà còn thể hiện sự mất nhân tính trong cách đối xử với người bị nạn trên biển. Theo thông tin do Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam và Cục cứu hộ cứu nạn của Bộ Quốc phòng cho biết, biết tàu cá của tỉnh Quảng Nam mang số hiệu QNa 90569 TS với 12 lao động đã bị gãy trục láp hôm 25/9 và phải thả trôi trên biển. Các ngư dân trên tàu cá QNa 90569 TS của ông Huỳnh Văn Sửu phát tín hiệu cầu cứu sau khi gặp nạn ở khu vực đảo Bạch Quy, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ngay sau khi nhận được tín hiệu cầu cứu của tàu cá QNa 90569 TS, Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao Việt Nam) đã đề nghị phía Trung Quốc hỗ trợ giúp đỡ các ngư dân trên. Trung Quốc (29/9) đã cử 1 tàu đến khu vực nêu trên để cứu nạn tàu cá của Quảng Nam. Tuy nhiên khi đến hiện trường, lực lượng cứu nạn của Trung Quốc “xác định sự cố tàu QNa 90569 TS chỉ cứu hộ, không phải cứu nạn.” Do đó, phía Trung Quốc “giới thiệu thông tin cơ quan cứu hộ tàu” cho phía Việt Nam và cho biết “để được thực hiện cứu hộ phải trả tiền theo thỏa thuận”. Phía Trung Quốc thông báo cho cơ quan chức năng Việt Nam rằng hiện có một tàu cá khác đi cùng tàu QNa 90569 TS nhưng không cho biết rõ số hiệu của con tàu đó.

Tăng cường tập trận trái phép ở Biển Đông

Tạp chí PLA Pictorial cho biết, Trung Quốc (7/2019) đã điều nhiều máy bay chiến đấu Su-35 tập trận trên Biển Đông nhằm “kiểm tra năng lực của các máy bay mới được cải tiến”. Theo thông tin trên, một đơn vị không quân thuộc Chiến khu Nam tham gia diễn tập sau khi nâng cấp mẫu tiêm kích do hãng Sukhoi của Nga chế tạo. Các cuộc diễn tập bao gồm 3 máy bay tấn công 1 mục tiêu trên biển, chiến thuật phối hợp khai hỏa và thao tác điều khiển bay và chiến dịch ban đêm, tạp chí trên đưa tin nhưng không tiết lộ thêm chi tiết. Được biết, tất cả 24 chiếc Su-35 của Trung Quốc được đưa vào biên chế một lữ đoàn không quân đóng gần thành phố Trạm Giang ở tỉnh Quảng Đông. Theo bản tin, lữ đoàn trên đã tăng tốc để rút ngắn thời gian nâng cấp các tiêm kích.

Trung Quốc (29/6) thông báo quân đội Trung Quốc sẽ tiến hành tập trận bắn đạn thật 05 ngày ở vùng biển quốc tế, gần quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Cuộc tập trận bắt đầu từ lúc 0 giờ ngày 29/6 và sẽ kết thúc vào lúc 24 giờ ngày 3/7, tại khu vực được bao quanh bởi 4 địa điểm có tọa độ 13048’ vĩ Bắc/114010’ kinh Đông, 12048’ vĩ Bắc/114010’ kinh Đông, 12048’ vĩ Bắc/116002’ kinh Đông và 13048’ vĩ Bắc/116002’ kinh Đông. Khu vực tập trận được ước tính nằm cách quần đảo Trường Sa khoảng 50 hải lý về phía Bắc.

Trước đó, Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng cho biết, từ 16/1 – 20/2, Trung Quốc đã điều lực lượng hải quân, không quân và tên lửa tiến hành tập trận phi pháp tại Biển Đông và Tây và Trung Thái Bình Dương. Không giống những lần trước, trong cuộc tập trận lần này, Trung Quốc chỉ thông báo về đợt tập trận không quân, hải quân, tên lửa ở Biển Đông và Thái Bình Dương sau khi nó kết thúc. Tuyên bố từ thuộc Hạm đội Nam Hải nhấn mạnh một số tàu chiến hiện đại nhất đã được quân đội Trung Quốc điều động tham gia đợt tập trận bao gồm tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường Hợp Phì, tàu chiến trang bị tên lửa dẫn đường Vận Thành, tàu tấn công đổ bộ Trường Bạch Sơn và tàu tiếp liệu Hồng Hồ. Thậm chí, để mô phỏng thực viễn cảnh thời chiến, cuộc tập trận còn không vạch sẵn kế hoạch và không đưa ra cảnh báo trước cho các lực lượng tham gia. Nói cách khác, mọi chỉ đạo và hành động trong cuộc tập trận đều phụ thuộc vào tình hình thực tế. Ngoài ra, quân đội Trung Quốc còn tiến hành diễn tập khả năng tiêu diệt các tàu chiến hiện đại, cứu hộ và bắn đạn thật. Một nguồn tin thân cận với quân đội Trung Quốc cho hay, Lực lượng Tên lửa nước này còn điều động một nhóm liên lạc tham gia tập trận bởi một trong số bài tập trận có liên quan tới hệ thống phòng thủ tên lửa và các binh sĩ được Trung Quốc triển khai trái phép ra các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh chiếm đóng trái phép ở Biển Đông cũng cùng tham gia. Theo đó, Trung Quốc đã điều động các tên lửa phòng không HQ-9 và tên lửa chống hạm YJ lên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vốn đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép tham gia cuộc tập trận trên. Trong thời gian qua, quân đội Trung Quốc ngang nhiên triển khai tên lửa tới đảo Phú Lâm và một số đảo nhân tạo phi pháp trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền VN. Những hình ảnh vệ tinh trước đó cho thấy bệ phóng tên lửa được lắp đặt trên những đảo nhân tạo phi pháp, nhưng chúng đã được chuyển đi, theo SCMP. “Trung Quốc chưa triển khai vũ khí tấn công tới các đảo ở Biển Đông một phần vì Mỹ thường xuyên điều máy bay do thám ở khu vực”, nguồn tin nói trên lý giải. Các nhà quan sát nói rằng các cuộc tập trận cho thấy Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc muốn đưa hệ thống chỉ huy thời chiến của họ vào thử nghiệm, đồng thời tăng cường hàng phòng vệ tên lửa ở Biển Đông. Chuyên gia phân tích quân sự tại Hong Kong, ông Tống Trung Bình nhận định các đợt tập trận mới nhất của Trung Quốc cho thấy quân đội Trung Quốc đang cố gắng hợp nhất hoạt động của các đơn vị thông thường và chiến thuật của lực lượng tên lửa với chiến khu miền Nam thuộc quân đội Trung Quốc, lực lượng giám sát Biển Đông. Đợt tập trận này nhằm thử nghiệm cái gọi là bộ chỉ huy lực lượng kết hợp với tất cả những năng lực chiến đấu đó.

Triển khai trái phép vũ khí tới quần đảo Hoàng Sa

Truyền thông phương Tây (20/6) trích dẫn ảnh vệ tinh chụp hôm 19/6 cho thấy Trung Quốc vừa triển khai trái phép ít nhất 4 tiêm kích J-10 tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Giới chuyên gia nhận định, Trung Quốc triển khai phi pháp tiêm kích J-10 trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhằm tăng cường năng lực tác chiến; răn đe chiến lược đối với các nước tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và một số nước có lợi ích trực tiếp trong khu vực (như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ…); thăm dò, thử phản ứng của cộng đồng quốc tế trước khi tiến hành rầm rộ các hoạt động quân sự hóa; tuyên truyền, quảng bá năng lực quốc phòng và quyết tâm bảo vệ “chủ quyền” biển đảo cho người dân Trung Quốc, để từ đó khích lệ tinh thần dân tộc và lòng trung thành của người dân đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc, mà trực tiếp là trung thành với Tập Cận Bình, cụ thể:Thứ nhất, việc triển khai vũ khí trên đảo Phú Lâm nhằm thăm dò, thử phản ứng của các nước liên quan và khích lệ tinh thần dân tộc của người dân trong nước. Thứ hai, lợi dụng việc cộng đồng quốc tế đang tập trung, theo dõi vào những điểm nóng trên thế giới như cạnh tranh thương mại Mỹ – Trung, Hội nghị thượng đỉnh G-20, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Triều Tiên, căng thẳng Trung Đông… không đủ “sức lực” quan tâm, theo dõi, giám sát các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông để tiến hành các hoạt động quân sự hóa trên các đảo nhân tạo để đánh lạc hướng dư luận, hạn chế tối đa sự chỉ trích, lên án của các nước. Thứ ba, tạo thế “sự đã rồi” khi đưa vũ khí ra quần đảo Hoàng Sa. Sau khi triển khai vũ khí, dù có gặp phải sự phản đối, chỉ trích của các nước, Trung Quốc sẽ lại viện những lý do hết sức nực cười như “đây là công việc nội bộ của Trung Quốc”, hay “việc đưa vũ khí ra Biển Đông nhằm đảm bảo an ninh hàng hải, không nhằm vào nước khác” để biện minh cho các hoạt động phi pháp của mình. Thứ tư, Trung Quốc cố tình đẩy nhanh tốc độ quân sự hóa ở Biển Đông để tạo thế chủ động và giành lợi thế khi đàm phán, mặc cả với Mỹ trong việc trao đổi, thỏa thuận ngầm về những lợi ích song phương; từng bước thực hiện mục tiêu lâu dài, đối trọng với chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ. Thứ năm, giành quyền chủ động trong việc kiểm soát toàn bộ Biển Đông, nhất là kiểm soát giao thông hàng hải, hàng không cùng nguồn tài nguyên dầu khí và hải sản ở Biển Đông; từng bước áp đặt luật chơi của Trung Quốc đối với khu vực này. Trong tương lai không xa, sau khi kiểm soát toàn bộ Biển Đông và đã triển khai đủ các loại vũ khí, không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông nó sẽ bao trọn quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Thứ sáu, gián tiếp răn đe, cảnh cáo các nước trong khu vực, nhất là những nước tồn tại tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông về sức mạnh quân sự của Trung Quốc và quyết tâm độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh. Thứ bay, trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang đặc biệt theo dõi và phản ứng cứng rắn đối với việc Trung Quốc sử dụng tàu dân quân biển cố tình đâm chìm và bỏ mặc 22 ngư dân Philippines trên biển ở khu vực bãi Cỏ Rong, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, thì việc cố tình tiết lộ thông tin triển khai trái phép tiêm kích J-10 ra đảo Phú Lâm của Việt Nam là nhằm hướng lái sự chú ý của cộng đồng quốc tế; tránh để các nước tiếp tục chỉ trích Trung Quốc về vụ đâm chìm tàu cá của ngư dân Philippines.

Trung Quốc tìm mọi các biện minh cho những hoạt động phi pháp ở Biển Đông

Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc liên tục đưa ra các tuyên bố bao biện cho những hành vi phi pháp của Bắc Kinh trên Biển Đông; đồng thời tìm cách chỉ trích “các nước liên quan can thiêp công việc nội bộ của Trung Quốc”.

Ngày 3/1, trong khi trả lời câu hỏi của phóng viên về việc tàu cá Việt Nam đang đánh bắt cá tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam) đã nhiều lần bị tàu Hải cảnh Trung Quốc đâm va, thậm chí bị phía Trung Quốc cướp bóc hải sản đánh bắt được, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đã ngang nhiên đưa ra tuyên bố vô trách nhiệm, ngang ngược nhằm bao biện cho các tuyên bố chủ quyền (phi pháp) của Bắc Kinh trên Biển Đông. Ông Lục Khảng tuyên bố một cách vô trách nhiệm khi cho rằng “tàu công vụ của Trung Quốc đang tiến hành tuần tra thường kỳ hợp pháp trong vùng biện thuộc quyền quản hạt của Trung Quốc, việc áp dụng một số biện pháp đối với tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển của Trung Quốc là hành động bình thường và cũng là phương thức hạn chế thấp nhất”. Đáng chú ý, ông Lục Khảng còn ngang ngược cho rằng đây là vụ việc “cá biệt” và thường phát sinh trên thế giới, đồng thời ông Khảng cũng không quên tuyên truyền về việc Chính phủ Trung Quốc và Việt Nam đang giữ kênh liên lạc liên quan việc chấp pháp nghề cá và đã hợp tác tốt trong một số lĩnh vực trên biển.

Liên quan việc Trung Quốc triển khai trái phép tiêm kích J-10 tới đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường (27/6) giải thích sai trái rằng “đó là lãnh thổ của Trung Quốc và không có tranh chấp” dù trên thực tế là quốc tế không hề công nhận điều Trung Quốc nói (Hoàng Sa vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam bị Trung Quốc cưỡng chiếm). Với nhận thức sai lầm, ông Nhậm còn lên giọng thách thức: “Đó là quyền hợp pháp của các quốc gia có chủ quyền khi triển khai các căn cứ và tiến hành huấn luyện trên lãnh thổ của mình. Các hành động bên phía Trung Quốc là hợp pháp, hợp lý và công bằng và các bên liên quan không nên ngạc nhiên”.

Các nước trên thế giới đều phản đối hành động quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc:

Cộng đồng quốc tế đã ngay lập tức có phản ứng trước hành vi gây căng thẳng trên Biển Đông của Trung Quốc khi đưa nhóm tàu Hải Dương 8 xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền không thể tranh cãi và bác bỏ của Việt Nam.

Mỹ với vai trò là quốc gia nằm bên bờ Thái Bình Dương và đã tuyên bố “có lợi ích sống còn” trên đại dương rộng lớn nhất thế giới này, Mỹ đã có những phản ứng mạnh trước hành vi gây căng thẳng, đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định trên Biển Đông của Trung Quốc. Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Mỹ cùng nhiều quan chức đã chỉ trích các hành động khiêu khích lặp đi lặp lại của Trung Quốc nhằm vào các hoạt động phát triển dầu mỏ và khí đốt của các quốc gia có tuyên bố chủ quyền khác trong khu vực đã đe dọa an ninh năng lượng khu vực và làm tổn hại tới thị trường năng lượng của khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và mở. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi Trung Quốc chấm dứt “hành vi bắt nạt và không thực hiện những hành động khiêu khích cũng như gây bất ổn”. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton nhấn mạnh: “Hành động bắt nạt của Trung Quốc” đối với các quốc gia láng giềng Đông Nam Á là phản tác dụng và đe dọa đến hòa bình cũng như ổn định ở khu vực.

Giới chức Anh, EU, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia… cũng đưa ra các tuyên bố thể hiện sự quan ngại, lên án những hành vi phi pháp của Trung Quốc trong vùng biển của Việt Nam, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh tuân thủ luật pháp quốc tế, chấm dứt các hành vi khiêu khích, xâm phạm lãnh thổ nước khác và ngăn chặn hoạt động thăm dò dầu khí hợp pháp ở Biển Đông.

Ngoài ra, dư luận khu vực và thế giới cho rằng, là cường quốc trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, một Ủy viên Thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và một thành viên của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, Trung Quốc phải có trách nhiệm và nghĩa vụ góp phần gìn giữ môi trường hòa bình ổn định, thúc đẩy hợp tác, hữu nghị trên toàn thế giới cũng như trong khu vực Biển Đông. Trung Quốc vì thế phải rút ngay nhóm tàu Hải Dương 8 khỏi vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông để làm giảm căng thẳng hiện nay.

Việc Trung Quốc triển khai các hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông là vi phạm nghiêm trọng các quy định luật pháp quốc tế

Hành động của Trung Quốc cho thấy nước này đang vi phạm nghiêm trọng các quy định của luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc, UNCLOS, DOC, thỏa thuận song phương với Việt Nam…

Trung Quốc vi phạm nguyên tắc tôn trọng các cam kết quốc tế: Nguyên tắc tôn trọng các cam kết quốc tế (pacta sunt servanda) là một trong các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế được quy định tại khoản 2 Điều 2 Hiến chương Liên hợp quốc. Theo đó, mọi quốc gia đều có nghĩa vụ thực hiện tự nguyện và có thiện chí, trung thực và đầy đủ các nghĩa vụ đối với các điều ước quốc tế mà nước mình đã tham gia ký kết. Nguyên tắc này cũng được ghi nhận trong nhiều điều ước quốc tế khác. Lời mở đầu của Hiến chương Liên hợp quốc đã khẳng định quyết tâm của các nước thành viên là: “Tạo những điều kiện cần thiết để bảo đảm công lý và tôn trọng những nghĩa vụ phát sinh từ các điều ước quốc tế và các nguồn khác của luật quốc tế đặt ra”. Điều 26 Công ước Viên về Luật Điều ước quốc tế cũng nêu rõ “Mọi điều ước đã có hiệu lực ràng buộc các bên tham gia và phải được các bên thi hành với thiện chí”. Tuyên bố năm 1970 về Các nguyên tắc của luật quốc tế; Định ước Helsinki năm 1975 cũng có nêu rõ nguyên tắc này.

Trung Quốc vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc:Không chỉ là thành viên mà Trung Quốc còn là 1 trong 5 Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, vậy mà Trung Quốc đã không tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc. Hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông đã vi phạm nguyên tắc bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia quy định tại Khoản 1 Điều 2 Hiến chương LHQ khi Trung Quốc dựa vào vị thế nước lớn nên tự cho mình có nhiều quyền và lợi ích trên biển hơn quốc gia khác, để tiến hành hoạt động quân sự nhằm bảo vệ cho những quyền và lợi ích đó bất chấp việc xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và các quyền, lợi ích hợp pháp của các nước khác. Vi phạm nguyên tắc các quốc gia giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình quy định tại Khoản 3 Điều 2 Hiến chương LHQ. Vi phạm Khoản 4, Điều 2 Hiến chương LHQ, cụ thể quy định “các quốc gia thành viên hạn chế việc đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực (Vũ lực thông thường được hiểu là vũ lực quân sự, vũ lực do vũ khí, khí tài) trong quan hệ quốc tế chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của các quốc gia khác hoặc trái với các mục đích của LHQ”. Vi phạm Điều 33 Hiến chương LHQ, trong đó quy định: “Các bên tham gia tranh chấp trước tiên phải cố gắng tìm cách giải quyết tranh chấp bằng con đường đàm phán, điều tra, trung gian, hòa giải, trọng tài, tòa án, sử dụng các tổ chức hoặc các hiệp định khu vực, hoặc bằng các biện pháp hòa bình khác tùy theo sự lựa chọn của mình”, tuy nhiên việc quân sự hóa trên các thực thể ở Biển Đông của Trung Quốc hoàn toàn đi ngược lại quy định này.

Trung Quốc vi phạm UNCLOS:Trung Quốc là một thành viên ký UNCLOS, tuy nhiên, Trung Quốc không những không thực hiện nghiêm túc các quy định của Công ước mà còn ngang nhiên vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo quy định của Công ước. Trung Quốc cũng đã phớt lờ Điều 123 UNCLOS về trách nhiệm của các quốc gia ven biển hợp tác với nhau trong việc sử dụng các quyền và thực hiện nghĩa vụ của họ; vi phạm Điều 129, Điều 193, Điều 196 UNCLOS về nghĩa vụ chung cho tất cả các quốc gia trong việc bảo vệ và giữ gìn môi trường biển. Vi phạm quyền tự do hàng hải, quyền tự do hàng không. Cùng với việc Trung Quốc thúc đẩy các hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông, an ninh hàng hải và hàng không bị ảnh hưởng rất lớn, quyền tự do hàng hải và quyền đi qua không gây hại của các quốc gia khác cũng như quyền tự do hàng không bị thu hẹp và phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức. Ngoài ra, Trung Quốc cũng vi phạm các quy định Điều 87 UNCLOS, liên quan việc “tôn trọng hợp lý”.Việc hưởng quyền xây dựng đảo nhân tạo của một số quốc gia không nên ảnh hưởng bất hợp lý đến quyền và lợi ích của các quốc gia khác cũng như cả cộng đồng quốc tế. Nguyên tắc này được thể hiện rõ trong các điều khoản liên quan của UNCLOS, nó chỉ ra rằng khi một quốc gia ven biển thiết lập vùng an toàn xung quanh đảo nhân tạo, cần đảm bảo rằng khu vực này liên quan một cách hợp lý đến bản chất và chức năng của hòn đảo nhân tạo ấy, và cũng cần phải đưa ra thông báo về phạm vi của vùng an toàn. Hơn nữa, “đảo, các thiết lập và cấu trúc nhân tạo cùng với các vùng an toàn bao quanh chúng có thể không được thiết lập nếu chúng ảnh hưởng đến việc sử dụng các tuyến đường biển đã được công nhận thiết yếu đối với đường biển quốc tế”. 

Trung Quốc vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC):Trung Quốc đã ký kết DOC với các nước ASEAN năm 2002, tuy nhiên những hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông đã đi ngược lại Khoản 2, Khoản 3 và Khoản 4 DOC, theo đó, “Các bên cam kết tìm kiếm những cách thức xây dựng lòng tin và sự tín nhiệm lẫn nhau hài hòa với những nguyên tắc nêu trên và trên căn bản bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau; Các bên cam kết kiềm chế không tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp thêm hoặc gia tăng tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định của khu vực; Các bên tái khẳng định sự tôn trọng và cam kết của mình đối với quyền tự do hoạt động hàng hải và bay trên vùng trời Biển Đông như đã được quy định bởi các nguyên tắc được thừa nhận phổ biến trong luật pháp quốc tế, kể cả UNCLOS”.

Ngoài ra, hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông cũng đi ngược lại nhận thức chung của Lãnh đạo Cấp cao Việt Nam – Trung Quốc ký kết trong các chuyến thăm cấp cao như: Tuyên bố chung về chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (11-15/10/2011); Tuyên bố chung về chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (19-21/6/2013); Tuyên bố chung trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (13-15/10/2013); Tuyên bố chung liên quan chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (7-10/4/2015); Thông cáo chung sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (12-15/1/2017) và Tuyên bố chung liên quan chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (12-13/11/2017). Theo đó, Trung Quốc đã vi phạm nhận thức chung về việc: Lấy đại cục quan hệ hai nước làm trọng, xuất phát từ tầm cao chiến lược và toàn cục, dưới sự chỉ đạo của phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”, kiên trì thông qua hiệp thương hữu nghị, xử lý và giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển, làm cho Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, hữu nghị, hợp tác, đóng góp vào việc phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc, góp phần duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.

Việt Nam liên tục đưa ra các tuyên bố khẳng định chủ quyền ở Biển Đông và phản đối các hành động phi pháp của Trung Quốc

Trước việc Trung Quốc đưa nhóm tàu Hải Dương 8 xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng phản đối. Theo đó, Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc, trao Công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam; tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực. Việt Nam cũng nêu rõ, các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phù hợp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần khẳng định, Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển ở Biển Đông được xác định theo đúng các quy định của UNCLOS 1982 mà Việt Nam và các nước ở Biển Đông đều là thành viên. Do đó, mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam phải tuân thủ các quy định có liên quan của UNCLOS 1982, pháp luật Việt Nam. Mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam nếu không được phép của Việt Nam đều vô giá trị, xâm phạm vùng biển Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982. Chủ trương nhất quán của Việt Nam là kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 trước bất cứ hành vi nào xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển được xác định phù hợp với UNCLOS 1982. Việt Nam hết sức coi trọng hòa bình, hữu nghị, hợp tác, thiện chí và sẵn sàng giải quyết các tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình. Trên cơ sở đó, trong thời gian qua, Việt Nam đã triển khai đồng bộ các biện pháp hòa bình để giải quyết vấn đề, đấu tranh yêu cầu tôn trọng vùng biển Việt Nam, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên vùng biển của mình, không có hành động làm phức tạp tình hình. Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam đã và đang thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam.

Hội dầu khí Việt Nam ra tuyên bố cho biết Thông báo mời thầu của CNOOC đó là việc làm sai trái, không có giá trị, trái với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và không phù hợp với thông lệ dầu khí quốc tế; Hành động này đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia của Việt Nam, làm phức tạp thêm tình hình và gây căng thẳng ở Biển Đông. Hội Dầu khí Việt Nam cực lực phản đối và yêu cầu Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc huỷ bỏ ngay hoạt động mời thầu sai trái nói trên, nghiêm túc tuân thủ Thoả thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là công ước Liên hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Hội Dầu khí Việt Nam đề nghị các công ty dầu khí quốc tế không tham gia dự thầu mà Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc mời thầu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Hội Dầu khí Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống giữa nhân dân và những người làm dầu khí hai nước Việt Nam – Trung Quốc trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, tôn trọng luật pháp quốc tế, góp phần giữ gìn hòa bình và an ninh trong khu vực. Hội Dầu khí Việt Nam hoan nghênh Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc và các công ty dầu khí khác của Trung Quốc cũng  như  các  công ty dầu  khí quốc tế khác tham gia hợp tác trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, phù hợp với luật pháp Việt Nam, luật pháp quốc tế, nhất là công ước Liên hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Về phần mình, Hội Dầu khí Việt Nam sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng của Việt Nam ủng hộ và bảo đảm để các hoạt động hợp tác này được triển khai thuận lợi. Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần đưa ra các tuyên bố phản đối CNOOC mời thầu khai thác dầu khí ở Biển Đông. Theo đó, phía Việt Nam khẳng định khu vực mà CNOOC thông báo mở thầu quốc tế nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Đây hoàn toàn không phải là khu vực có tranh chấp. Việc phía Trung Quốc ngang nhiên mời thầu quốc tế tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là hành động phi pháp và không có giá trị, xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia chính đáng của Việt Nam, vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 mà chính Trung Quốc là quốc gia thành viên, làm phức tạp tình hình và gây căng thẳng ở Biển Đông. Việt Nam cực lực phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc hủy bỏ ngay việc mời thầu sai trái trên, không có hành động làm phức tạp tình hình ở Biển Đông và mở rộng tranh chấp, nghiêm túc tuân thủ Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và tinh thần Tuyên bố về Ứng xử của Các bên ở Biển Đông (DOC).

RELATED ARTICLES

Tin mới