Thursday, March 28, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaHoạt động tuyên truyền về một số lĩnh vực trọng điểm của...

Hoạt động tuyên truyền về một số lĩnh vực trọng điểm của TQ trong năm 2019

Trong năm qua, Trung Quốc đã công bố, ban hành nhiều Sách Trắng về các lĩnh vực khác nhau nhằm tuyên truyền đối với người dân trong nước, cũng như cộng đồng quốc tế về chủ trương, chính sách của Bắc Kinh. Tuy nhiên, đa phần nội dung của các Sách Trắng trên mang tính “mị dân” và biện minh cho các tham vọng, âm mưu của Trung Quốc.

Sách Trắng “Quốc phòng Trung Quốc thời đại mới”

Quốc vụ Viện Trung Quốc (24/7) đã công bố Sách Trắng “Quốc phòng Trung Quốc thời đại mới”, trong đó tái khẳng định “Trung Quốc không có ý định tham gia vào cuộc chạy đua vũ trang và ủng hộ lệnh cấm hoàn toàn vũ khí hạt nhân trên thế giới”.

Sách Trắng gồm 6 phần: Tình hình an ninh Quốc tế, Chính sách Quốc phòng Quốc gia, Phòng vệ Trung Quốc trong kỷ nguyên mới, Thực hiện sứ mệnh và nhiệm vụ của các lực lượng vũ trang, Chi tiêu Quốc phòng vừa phải và hợp lý và đóng góp tích cực cho việc xây dựng cộng đồng với tương lai của loài người. Đây là Sách Trắng thứ 10 Trung Quốc công bố từ năm 1998 đến nay.

Sách Trắng nhận định các vấn đề quốc tế và trong khu vực đang nổi lên, các nỗ lực nhằm giải trừ và kiểm soát vũ trang đang bị đình trệ, và những dấu hiệu cho một cuộc chạy đua vũ trang đang ngày càng tăng cao. Đồng thời chủ nghĩa cực đoan và khủng bố lan rộng. Các vấn đề quốc tế như Iran và Syria đang lâm vào thế bế tắc. Vậy nên không một quốc gia nào có đủ khả năng để giải quyết tất cả những vấn đề trên. Sách trắng cho biết, nước này “không bao giờ tìm kiếm quyền bá chủ, mở rộng phạm vi ảnh hưởng” lên các nước khác. Đồng thời, tài liệu này cũng nói về việc Bắc Kinh tôn trọng quyền của tất cả các dân tộc được tự do lựa chọn con đường phát triển của riêng mình, và giải quyết tranh chấp quốc tế thông qua việc đối thoại, đàm phán bình đẳng. Bắc Kinh cũng phản đối sự can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, nhằm áp đặt các chính sách của nước lớn lên nước nhỏ. Nhiệm vụ của các lực lượng vũ trang Trung Quốc trong thời đại mới gồm có: Luôn sẵn sàng chiến đấu; bảo vệ quyền lợi trong các lĩnh vực an ninh chính; chống khủng bố và bảo đảm sự ổn định; bảo vệ các lợi ích quốc gia; thực hiện các nhiệm vụ cứu trợ thiên tai. Chính sách cải cách quốc phòng và các lực lượng vũ trang của Trung Quốc bao gồm: Cải cách tổ chức lãnh đạo và hệ thống chỉ huy; Tối ưu hóa quy mô, cấu trúc và thành phần lực lượng; Cải cách những chính sách và thể chế quân đội; Thúc đẩy phát triển quốc phòng và quân sự trên mọi phương diện…

Theo Sách Trắng, hải quân Trung Quốc gồm các lực lượng tàu ngầm, tàu nổi, không quân, thủy quân lục chiến và phòng vệ bờ biển. Thể theo các yêu cầu chiến lược về phòng thủ biển gần và bảo vệ biển xa, hải quân Trung Quốc đang đẩy mạnh việc chuyển đổi nhiệm vụ từ phòng thủ trên biển gần sang các sứ mệnh bảo vệ ở biển xa, và nâng cao năng lực phản công và răn đe chiến lược, vận động trên biển, thực hiện chiến dịch phối hợp trên biển, phòng thủ toàn diện và hỗ trợ tích hợp để xây dựng lực lượng hải quân hùng mạnh, hiện đại. Một đặc điểm nổi bật của quốc phòng Trung Quốc trong kỷ nguyên mới là nước này không bao giờ tìm kiếm bá quyền, bành trướng hoặc gây ảnh hưởng. Trung Quốc sẽ không bao giờ gây đau thương cho bất kỳ nước nào khác. Từ khi lập quốc 70 năm trước, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chưa bao giờ khởi tạo bất kỳ cuộc chiến hoặc xung đột nào… Kể từ năm 2012, các lực lượng vũ trang Trung Quốc đã triển khai tàu để thực hiện hơn 4.600 chuyến tuần tra an ninh biển, 72.000 chiến dịch thực thi pháp luật và bảo vệ quyền, bảo đảm hòa bình, ổn định và trật tự trên biển.

Sách Trắng cũng cho rằng Trung Quốc cho rằng Mỹ đang thúc đẩy các quốc gia khác xây dựng tiềm năng hạt nhân và tên lửa. Điều này sẽ gây ra mối đe dọa đối với sự ổn định chiến lược toàn cầu và cũng dẫn đến sự gia tăng đáng kể trong chi tiêu quân sự. Nói về chính quyền Tổng thống Donald Trump, bản chiến lược miêu tả Washington đã công kích và tăng cường cạnh tranh giữa các cường quốc, đồng thời tăng đáng kể chỉ tiêu quốc phòng, thúc đẩy năng lượng hạt nhân, sức mạnh không gian, phòng thủ tên lửa và gây suy yếu ổn định toàn cầu. Đáng chú ý, Sách trắng cho rằng “Washington đã kích động sự cạnh tranh giữa các nước lớn thông qua việc gia tăng ngân sách quốc phòng, từ đó làm suy yếu sự ổn định chiến lược toàn cầu”. Tuy nhiên, Sách Trắng nhận định tình hình chung ở Thái Bình Dương là “ổn định”. Quan hệ Trung – Nga đang duy trì mức độ phát triển cao trong mối quan hệ hợp tác song phương. Kể từ năm 2012, các nhân viên quân sự của hai nước đã tổ chức thành công 7 cuộc hội thảo chiến lược. Các lực lượng vũ trang của Trung Quốc và Nga đang tiếp tục phát triển cơ chế trao đổi ở tất cả các cấp, mở rộng hợp tác trong khuôn khổ trao đổi cấp cao trong các lĩnh vực quân sự, công nghệ và trong cuộc chiến chống khủng bố. Sách Trắng cũng cáo buộc việc Mỹ, Nhật Bản, Australia tăng cường hiện diện quân sự và các liên minh của họ ở châu Á – Thái Bình Dương gây bất ổn cho khu vực. Trung Quốc cho rằng việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Hàn Quốc đã làm suy yếu nghiêm trọng cán cân khu vực, đồng thời lưu ý việc Nhật sửa đổi hiến pháp để tăng cường phạm vi hoạt động cho quân đội.

Ngoài ra, Sách Trắng nhận định, kể từ khi cải cách mở cửa, Trung Quốc đã tăng ngân sách quốc phòng lên theo cùng mức với sự phát triển kinh tế của đất nước và ngân sách của chính quyền Bắc Kinh. Trong thời đại mới, Trung Quốc cần xây dựng nền quốc phòng vững vàng và tăng cường khả năng của nước này trong chiến trường hiện đại. Chi tiêu quốc phòng đang tăng trưởng đều đặn, và việc chia nhỏ các khoản chi tiêu liên tục được tối ưu hóa.

Sách Trắng “Thời đại mới của Trung Quốc và thế giới”

Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc (29/7) lần đầu ban hành Sách Trắng “Thời đại mới của Trung Quốc và thế giới”, trong đó cho rằng những thành tựu của Bắc Kinh có được là nhờ vào sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc, nhấn mạnh nói nước này cần sự lãnh đạo thống nhất, vững mạnh của đảng Cộng sản, nếu không sẽ “sụp đổ”.

Sách Trắng có 4 chương: Trung Quốc đã tìm ra con đường phát triển phù hợp với tình hình trong nước; Phát triển của Trung Quốc là thời cơ đối với thế giới; Xây dựng một thế giới thịnh vượng và tươi đẹp là mơ ước chung của mọi dân tộc; Trung Quốc góp phần xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Theo Sách Trắng, trong 70 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Trung Quốc đã trải qua những thay lớn và tạo ra một “phép lạ” thúc đẩy phát triển chưa từng có trong lịch sử loài người. Ảnh hưởng của Trung Quốc đối với thế giới chưa bao giờ toàn diện, sâu sắc và lâu dài như ngày nay, sự chú ý của thế giới đối với Trung Quốc chưa bao giờ rộng, sâu và tập trung như ngày nay. Sách Trắng nhấn mạnh, sự phát triển của Trung Quốc là cơ hội cho thế giới, không phải là mối đe dọa và thách thức. Trung Quốc sẽ không bao giờ đi theo con đường “quyền lực quốc gia phải thống trị”. Trong kỷ nguyên mới của Trung Quốc, quyết tâm đi theo con đường xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc; khẳng định trong tương lai, Trung Quốc sẽ đón nhận thế giới một cách cởi mở và toàn diện hơn, hình thành một sự tương tác lành tính hơn với thế giới và mang lại nhiều tiến bộ và thịnh vượng hơn cho Trung Quốc và thế giới.

Sách Trắng cũng cho rằng, hòa bình, phát triển, hợp tác và cùng có lợi là xu thế thời đại, vì thế, con đường phát triển hòa bình của Trung Quốc phù hợp với xu thế lịch sử và xu thế chung của thế giới. Trung Quốc không muốn đe dọa, thách thức hoặc thay thế bất kỳ quốc gia nào khác trong tiến trình này cũng như sẽ không tìm kiếm quyền bá chủ. Sách trắng chỉ ra rằng sự phát triển của Trung Quốc không thể tách rời khỏi thế giới và sự phát triển hòa bình, thịnh vượng và ổn định của thế giới không thể tách rời khỏi Trung Quốc. Trung Quốc luôn đặt sự phát triển của riêng mình trong hệ thống phát triển của nhân loại, tuân thủ hợp tác và cùng có lợi, phát triển chung, kiên trì bảo vệ và thúc đẩy toàn cầu hóa kinh tế, tích cực phát triển quan hệ đối tác toàn cầu, hỗ trợ vững chắc cho hợp tác đa phương, bảo vệ công bằng và công bằng quốc tế; nhấn mạnh “Sáng kiến Vành đai và Con đường” là một sự phát triển chất lượng cao, tham gia tích cực vào cải cách và xây dựng hệ thống quản trị toàn cầu và luôn là người xây dựng hòa bình thế giới, đóng góp cho sự phát triển toàn cầu và là người bảo vệ trật tự quốc tế.

Theo Sách Trắng, quan hệ Trung – Mỹ là một trong những quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới. Trung Quốc là quốc gia đang phát triển lớn nhất và Mỹ là quốc gia phát triển lớn nhất. Mỹ nên xem xét mối quan hệ giữa hai nước với tư duy và phát triển hợp lý. Trung Quốc không có ý định thách thức Mỹ và không muốn thay thế Mỹ. Washington không thể kiểm soát Trung Quốc và thậm chí còn khó ngăn chặn sự phát triển của Trung Quốc. Mỹ nên từ bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh, hiểu chính xác Trung Quốc và hiểu chính xác thế giới; cho rằng thích nghi với sự phát triển của các quốc gia khác và cùng tồn tại với thế giới bên ngoài là cách để các nước lớn tồn tại. Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Mỹ để “gánh vác vai trò” của các cường quốc, mở rộng hợp tác trên cơ sở cùng có lợi, quản lý sự khác biệt trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, thúc đẩy quan hệ Trung – Mỹ dựa trên sự phối hợp, hợp tác và ổn định và liên tục tăng cường nhân dân hai nước và thế giới. Sách Trắng cũng đánh giá quan hệ Trung Quốc – Nga là “hình mẫu cho quan hệ quốc tế kiểu mới”. Quan hệ Trung – Nga luôn là ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc. Trung Quốc sẽ tăng cường hơn nữa tình hữu nghị Trung – Nga, hỗ trợ mạnh mẽ lẫn nhau trong việc bảo vệ các lợi ích cốt lõi, hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề lớn, tăng cường các chiến lược phát triển và đẩy quan hệ song phương lên một tầm cao hơn, một lĩnh vực rộng hơn và một mức độ sâu sắc hơn. Trong tình hình quốc tế đang thay đổi, Trung Quốc và Nga sẽ “sát cánh cùng nhau” nhằm đảm bảo thế giới hòa bình hơn, an toàn hơn và ổn định hơn. Trong khi đó, Sách Trắng khẳng định châu Âu là đối tác chiến lược toàn diện của Trung Quốc. Sách Trắng cũng nhấn mạnh vị trí quan trọng hàng đầu của mối quan hệ giữa Trung Quốc với các nước lân cận, và tái khẳng định phương châm ngoại giao “thân thiện với láng giềng, coi láng giềng là đối tác” của mình. Cũng theo Sách Trắng, Trung Quốc sẽ tăng cường đoàn kết hợp tác với các quốc gia đang phát triển, nhằm đem lại động lực mới cho hợp tác Nam – Nam.

Sách Trắng “An toàn hạt nhân tại Trung Quốc”

Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc (3/9) lần đầu công bố Sách Trắng “An toàn hạt nhân tại Trung Quốc”, trong đó giải thích về những quy tắc và chính sách cơ bản của Trung Quốc trong lĩnh vực này, chia sẻ các khái niệm và thực tiễn theo quy định, đồng thời khẳng định quyết tâm của Bắc Kinh thúc đẩy quản lý an toàn hạt nhân toàn cầu, cũng như những hành động mà nước này đã áp dụng để đạt được mục tiêu.

Nội dung của Sách Trắng được chia thành 6 phần: Theo đuổi chiến lược an toàn hạt nhân hợp lý, điều phối và cân bằng; xây dựng chính sách và khuôn khổ pháp lý về an toàn hạt nhân; đảm bảo điều tiết hữu hiệu an toàn hạt nhân; duy trì an toàn cấp độ cao; cùng xây dựng và chia sẻ an toàn hạt nhân; xây dựng một cộng đồng tương lai chung vận mệnh vì an toàn hạt nhân. Trong đó nhấn mạnh, “Trung Quốc luôn được coi an toàn hạt nhân là trách nhiệm quốc gia quan trọng, và đã tích hợp an toàn hạt nhân vào toàn bộ quá trình phát triển cũng như sử dụng năng lượng hạt nhân”; khẳng định trong 70 năm qua, ngành hạt nhân của Trung Quốc đã từ không phát triển ổn định và hình thành một hệ thống hoàn chỉnh, qua đó góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường, cải thiện đời sống của nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế chất lượng cao.

Sách Trắng thể hiện một cách tổng thể quan điểm về an toàn hạt nhân của Trung Quốc, lược lại toàn bộ chính sách, pháp quy về an toàn hạt nhân cũng như những nỗ lực của nước này trong việc phát triển và bảo vệ an toàn hạt nhân. Hiện nước này đang có 47 tổ máy đang hoạt động – đứng thứ 3 thế giới, 11 tổ máy đang xây dựng – đứng số 1 thế giới. Phần lớn các tổ máy điện hạt nhân của Trung Quốc sử dụng công nghệ thế hệ 3 và đến nay Trung Quốc chưa có sự cố điện hạt nhân nào vượt quá mức II theo phân cấp sự cố INES của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).

Sách Trắng “Những vấn đề lịch sử về Tân Cương”

Văn phòng Thông tin Hội đồng Nhà nước Trung Quốc (21/7) công bố Sách Trắng “Những vấn đề lịch sử về Tân Cương”, cho rằng Tân Cương là một cộng đồng đa dạng về tôn giáo, nơi một số tín ngưỡng đã tồn tại hàng thế kỷ và chính quyền “tôn trọng quyền tự do của công dân trong việc tin hay không tin theo bất kỳ tôn giáo nào”.

Sách Trắng gồm 6.800 từ, mô tả Tân Cương là một cộng đồng đa dạng về tôn giáo, nơi một số tín ngưỡng đã tồn tại hàng thế kỷ, và chính quyền “tôn trọng quyền tự do của công dân trong việc tin hay không tin theo bất kỳ tôn giáo nào”. Theo sách trắng, Khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc nằm ở phía Tây Bắc của Trung Quốc, ở vùng nội địa của lục địa Á-Âu, giáp với Mông Cổ, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Afghanistan, Pakistan và Ấn Độ. Khu vực này là nơi giao lưu giữa Trung Quốc cổ đại với các nền văn minh thế giới. Sách trắng chỉ ra rằng Trung Quốc là một quốc gia đa sắc tộc thống nhất và tất cả các nhóm dân tộc ở Tân Cương là một thành viên của quốc gia Trung Quốc. Trong quá trình phát triển lịch sử lâu dài, vận mệnh của Tân Cương luôn gắn liền với vận mệnh của quốc gia Trung Quốc. Tuy nhiên, thời gian gần đây, “các thế lực thù địch trong và ngoài nước, đặc biệt là các lực lượng ly khai dân tộc, các lực lượng cực đoan tôn giáo và các lực lượng khủng bố bạo lực, đã cố tình bóp méo lịch sử và nhầm lẫn đúng sai để đạt được mục đích chia rẽ và phá hoại Trung Quốc”; tìm cách xóa bỏ Tân Cương là lãnh thổ vốn có của Trung Quốc. Sách trắng nhấn mạnh rằng lịch sử không thể bị làm sai lệch và sự thật không thể bị từ chối. Tân Cương là một phần không thể thay đổi của lãnh thổ của Trung Quốc. Tân Cương không bao giờ là “Đông Turkistan”, người Duy Ngô Nhĩ được hình thành thông qua di cư và hội nhập lâu dài và là một phần của quốc gia Trung Quốc, Tân Cương là một khu vực có nhiều nền văn hóa và tôn giáo, Hồi giáo không phải là tôn giáo duy nhất của tín ngưỡng tự nhiên của người Duy Ngô Nhĩ. Theo sách trắng, hiện tại, nền kinh tế của Tân Cương tiếp tục phát triển, xã hội hài hòa và ổn định, sinh kế của người dân không ngừng cải thiện, văn hóa thịnh vượng chưa từng thấy.

Sách Trắng “Cuộc chiến chống khủng bố, cực đoan và bảo vệ quyền con người ở Tân Cương”

Văn phòng báo chí Quốc Vụ Viện Trung Quốc (18/3) đã công bố Sách Trắng “Cuộc chiến chống khủng bố, cực đoan và bảo vệ quyền con người ở Tân Cương”. Sách Trắng gồm hơn 15.000 chữ, chia làm 7 phần chính, trong đó khẳng định Tân Cương là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc, giới thiệu sự hình thành của chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan ở Tân Cương, sự vi phạm nhân quyền của các hành vi khủng bố bạo lực và cực đoan tôn giáo, đồng thời nhấn mạnh Trung Quốc sẽ kiên trì việc chống khủng bố mang tính phòng ngừa là nhiệm vụ hàng đầu, tổng kết kinh nghiệm và tiếp tục tích cực tham gia hợp tác quốc tế trong chống khủng bố.

Sách Trắng khẳng định, chủ nghĩa khủng bố là kẻ thù chung của nhân loại, cũng là đối tượng đấu tranh chung của cộng đồng quốc tế. Đồng thời cho biết, thời gian gần đây, khu vực Tân Cương và nhiều tỉnh thành khác ở Trung Quốc đã chịu ảnh hưởng nghiêm trọng trước nhiều vụ tấn công khủng bố của ba thế lực, gồm: ly khai dân tộc, cực đoan tôn giáo và khủng bố bạo lực. Sách Trắng nhấn mạnh, cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố và cực đoan ở Tân Cương phù hợp với tôn chỉ và nguyên tắc về chống khủng bố và bảo vệ những quyền cơ bản của con người của Liên Hợp Quốc.

Theo số liệu Sách Trắng đưa ra, từ năm 1990 đến cuối năm 2016, ba thế lực đã gây ra hàng nghìn vụ khủng bố bạo lực tại Tân Cương, làm nhiều dân thường bị sát hại, hàng trăm chiến sĩ cảnh sát công an hy sinh, gây thiệt hại lớn về tài sản. Trong đó, đáng chú ý là vụ bạo động xảy ra năm 2009 làm gần 200 người thiệt mạng, hơn 1.700 người bị thương và nhiều cơ sở vật chất bị phá hủy. Từ năm 2014 đến nay, Tân Cương đã triệt hạ được 1.588 băng nhóm và bắt giữ được gần 13.000 phần tử khủng bố bạo lực, thu giữ hàng nghìn thiết bị nổ.

Sách Trắng cho biết, bên cạnh việc nghiêm trị các tội phạm khủng bố bạo lực, nước này còn chú trọng việc cải thiện dân sinh, tăng cường công tác tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật và hỗ trợ đào tạo nghề, nhằm đảm bảo quyền con người cơ bản cho người dân sở tại. Trung Quốc cũng tái khẳng định việc chống chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan dưới mọi hình thức, song phản đối việc gắn liền chống khủng bố, cực đoan với một quốc gia mặc định nào đó hoặc các vấn đề dân tộc, tôn giáo, phản đối việc dùng “tiêu chuẩn kép” trong vấn đề chống khủng bố. Về hợp tác quốc tế, cùng với việc tuân thủ các nguyên tắc và quy định quốc tế, trong đó ủng hộ vai trò chủ đạo và điều phối của Liên Hợp Quốc trong hợp tác quốc tế chống khủng bố, Trung Quốc còn ký kết nhiều Công ước quốc tế, tổ chức các cuộc tập trận chung chống khủng bố, tiến hành giao lưu hợp tác song phương và đa phương nhằm trao đổi thông tin tình báo và hợp tác tư pháp.

Sách Trắng “Đàm phán thương mại Mỹ – Trung”

Quốc vụ viện Trung Quốc (2/6) công bố Sách Trắng về đàm phán thương mại Mỹ – Trung, trong đó cáo buộc “các hành vi của Mỹ trên bàn đàm phán hồi tháng 5 là nguyên nhân chính cho sự bế tắc thương mại song phương”. Sách Trắng cho rằng quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đóng vai trò giữ cân bằng và thúc đẩy cho quan hệ song phương toàn diện. Sách Trắng nhấn mạnh, kể từ khi Mỹ và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao, mối quan hệ kinh tế và thương mại song phương đã có nhiều tiến bộ, các lĩnh vực hợp tác cũng được mở rộng ở mức cao hơn và đó là một mối quan hệ thuận lợi, đôi bên cùng có lợi, giúp ích không chỉ cho hai nước mà cả thế giới. Trung Quốc cũng thừa nhận với những khác biệt trong giai đoạn phát triển và hệ thống kinh tế, Bắc Kinh và Washington khó tránh khỏi những mâu thuẫn và bất đồng trong hợp tác thương mại. Theo đó, kể từ khi chính quyền mới tại Mỹ lên nắm quyền vào năm 2017, Washington đã đe dọa áp thêm thuế và nhiều biện pháp khác, thường xuyên gây ra bất đồng về kinh tế và thương mại với các đối tác thương mại lớn. Trước tình hình đó, Trung Quốc phải đưa ra các biện pháp mạnh mẽ nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia và người dân của mình, đồng thời tham gia nhiều vòng tham vấn kinh tế và thương mại với Mỹ nhằm ổn định quan hệ thương mại song phương, giải quyết bất đồng. Sách Trắng khẳng định lập trường của Trung Quốc luôn nhất quán và rõ ràng, đó là xung đột chỉ gây tổn hại cho đôi bên và hợp tác mới là lựa chọn đúng đắn duy nhất cho cả hai phía; đồng thời cho biết Trung Quốc sẵn sàng phối hợp với Mỹ để tìm ra giải pháp và đạt được một thỏa thuận đôi bên cùng có lợi, song sự hợp tác cần dựa trên các nguyên tắc.

Theo Sách Trắng, tình trạng đổ vỡ trong hoạt động thương mại “do Mỹ gây ra” đang tác động tiêu cực cho cả thế giới. Phía Trung Quốc chỉ trích Mỹ là “bên đàm phán không đáng tin cậy”, và chính quyền Bắc Kinh “muốn được đối thoại một cách công bằng, đôi bên cùng có lợi và tạo dựng niềm tin”; cho rằng đòn đánh thuế của Washington không tạo ra lợi ích và Mỹ phải chịu trách nhiệm về bế tắc trong đàm phán; khẳng định cuộc chiến thương mại sẽ làm tăng chi phí sản xuất và giá tiêu dùng tại Mỹ, tạo ra mối đe dọa đối với tăng trưởng kinh tế. Sách Trắng cho rằng Trung Quốc không muốn chiến tranh thương mại với Mỹ, nhưng sẽ không ngại chiến tranh thương mại, đồng thời khẳng định quyền của Trung Quốc về phát triển và chủ quyền quốc gia. Theo nội dung của Sách Trắng, điều kiện tiên quyết để Mỹ – Trung đi đến một thỏa thuận thương mại là Mỹ phải dỡ bỏ hoàn toàn thuế quan bổ sung áp lên hàng hóa Trung Quốc, lượng hàng hóa Trung Quốc phải mua thêm của Mỹ phải phù hợp với nhu cầu thực tế và cần có sự cân bằng phù hợp trong văn bản của thỏa thuận.

Sách Trắng cũng cho rằng, Mỹ đã sử dụng “sự hăm dọa và cưỡng ép”, “khăng khăng với những đòi hỏi quá đáng, đòi giữ nguyên thuế quan bổ sung áp từ khi bắt đầu nổ ra xung đột, và một mực muốn đưa vào thỏa thuận những yêu cầu bắt buộc liên quan đến vấn đề chủ quyền của Trung Quốc”. Chính phủ Trung Quốc cũng bác bỏ ý tưởng rằng những lời đe dọa chiến tranh thương mại và liên tục tăng thuế quan có thể giải quyết các vấn đề thương mại và kinh tế. Theo Sách Trắng, với tinh thần tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và đôi bên cùng có lợi, hai bên cần thúc đẩy tham vấn dựa trên thiện chí và tin tưởng nhằm giải quyết vấn đề, thu hẹp khác biệt, mở rộng những lợi ích chung và cùng nhau bảo đảm sự ổn định và phát triển kinh tế toàn cầu.

RELATED ARTICLES

Tin mới