Friday, January 10, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaPhilippines năm 2019: Vừa thúc đẩy hợp tác song phương với TQ,...

Philippines năm 2019: Vừa thúc đẩy hợp tác song phương với TQ, vừa lôi kéo Nga can dự vào Biển Đông

Trong năm 2019, Philippines tiếp tục duy trì quan điểm, thái độ trong vấn vấn đề Biển Đông. Theo đó, Manila sẽ gác lại phán quyết mang tính lịch sử của Tòa Trọng tài (7/2016) để thúc đẩy hợp tác song phương với Trung Quốc. Tuy nhiên, Philippines cũng đã có một số nét điều chỉnh manh tính linh hoạt, cứng rắn hơn khi thúc đẩy các hoạt động hợp tác quân sự với Mỹ và lôi kéo Nga can dự vào tranh chấp Biển Đông.

Philippines thúc đẩy hợp tác song phương với Trung Quốc

Về tổng thế, Chính quyền của Tổng thống Duterte tìm mọi cách để thúc đẩy hợp tác mọi mặt với Trung Quốc. Ngoại trưởng Philippines Locsin (7/7) cho biết phía Philippines đã chấp nhận các điều khoản tham chiếu mà Trung Quốc đề xuất liên quan kế hoạch khai thác chung dầu và khí đốt ở vùng biển phía Tây Philippines. Theo Ngoại trưởng Philippines Locsin, Manila đã chấp nhận rằng điều khoản tham chiếu (TOR) của Trung Quốc vượt trội hơn so với bản của Philippines và mọi thứ đang tiến triển rất tốt. Trong khi đó, Tổng thống Philippines Duterte (10/9) cho biết, tại cuộc gặp giữa ông và Chủ tịch Tập Cận Bình ở Bắc Kinh cuối tháng 8, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã cam kết sẽ để Philippines hưởng phần lớn hơn trong đề xuất chia sẻ tài nguyên ở Biển Đông theo tỷ lệ 60:40. Đổi lại, Bắc Kinh muốn Manila gạt phán quyết Tòa trọng tài sang 1 bên. Ngoài ra, Tổng thống Duterte cho biết: “Vùng đặc quyền kinh tế của Philippines là một phần phán quyết của Tòa Trọng tài mà chúng tôi sẽ bỏ qua để theo đuổi một hoạt động kinh tế”.

Đáng chú ý, ông Teodoro Locsin cho biết, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte quan tâm đến đề xuất của Trung Quốc về cho vay và hứa hẹn đầu tư hơn là lập trường không rõ ràng của Mỹ ở Biển Đông. Theo ông Teodoro Locsin, việc Trung Quốc ngỏ lời về đối tác chiến lược hấp dẫn hơn nhiều so với đề nghị hiện tại của Mỹ có sự mơ hồ về chiến lược; đồng thời cho rằng Hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ không cản trở Philippines tăng cường hoặc thắt chặt quan hệ kinh tế với Trung Quốc, nhưng dù vậy Philippines sẽ không từ bỏ tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông và Philippines vẫn là đồng minh quân sự của Mỹ và sẽ đứng về phía Mỹ khi xung đột xảy ra. Đáng chú ý, ông Teodoro Locsin cho biết, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte có ý định đẩy mạnh quan hệ với Trung Quốc trong 3 năm còn lại trong nhiệm kỳ của mình. Ngoại trưởng Locsin cho biết thêm việc Manila cải thiện quan hệ với Bắc Kinh đã mang lại nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng, các thỏa thuận thương mại và vốn đầu tư cho Philippines. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh Philippines sẽ không từ bỏ tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông để đổi lấy việc cải thiện quan hệ kinh tế.

Mâu thuẫn, bất đồng trong nội bộ Philippines tiếp tục gia tăng

Cùng với việc Chính quyền tuyên bố gác lại phán quyết của Tòa Trọng tài và thúc đẩy hợp tác song phương với Trung Quốc ở Biển Đông, khiến nội bộ Philippines trở nên mâu thuẫn, bất đồng sâu sắc.

Đầu tiên, Tòa án tối cao Philippines (3/5) đã ra lệnh yêu cầu Chính phủ và các cơ quan an ninh Manila phải bảo vệ môi trường biển ở các khu vực đang tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Theo đó, Tòa án tối cao Philippines đã phát lệnh chỉ đạo người đứng đầu các bộ chủ chốt, lực lượng tuần duyên, hải quân và cảnh sát nước này thực thi những công ước quốc tế cùng luật nội địa nhằm bảo vệ các bãi đá, sinh vật biển trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý của Philippines. Chỉ đạo được Tòa án tối cao Philippines đưa ra có phạm vi thực hiện bao trùm 3 khu vực là bãi cạn Scarborough, cùng bãi Cỏ Mây và đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Không những vậy, Tòa án tối cao Philippines không đưa ra khung thời gian để chính phủ và các cơ quan liên quan của nước này thực hiện chỉ đạo cũng như không đề cập họ nên thực thi các luật lệ như thế nào.

Thứ hai, Phó Tổng thống Philippines Leni Robredo (16/6) cũng đã bày tỏ sự phẫn nộ sâu sắc và kiên quyết yêu cầu Trung Quốc xét xử những người trên con tàu đâm chìm tàu Philippines rồi bỏ rơi 22 ngư dân. Bà Robredo cũng chỉ trích chính quyền ông Duterte về việc đã áp dụng một chính sách “ít quyết đoán hơn” với các yêu sách phi lý của Trung Quốc về Biển Đông. Theo bà Robredo, “vẫn chưa quá muộn, bây giờ là lúc để thay đổi chính sách, từ thụ động sang can đảm hơn trong việc khẳng định các quyền của Philippines ở Biển Đông”. Cùng quan điểm trên, Thượng nghị sỹ Philippines Ping Lacson cho biết, người Philippines rất mong đợi tuyên bố của Tổng thống Duterte về vụ tàu cá nước này bị tàu Trung Quốc đâm chìm nhưng rồi nhận lại là sự thất vọng và đau lòng. Theo Thượng nghị sỹ Ping Lacson, “Tổng thống phá vỡ sự im lặng nhưng rồi lại khiến chúng ta đau lòng. Ông ấy không nghiên cứu tất cả các nguồn tin sẵn có trước khi thực hiện lựa chọn cuối cùng là đầu hàng. Tôi không gợi ý cho Thế chiến thứ III nhưng ít nhất cần phải cho Trung Quốc thấy được sự cân bằng quyền lực ở Biển Đông”. Trong khi đó, nhiều nghị sỹ đối lập thách thức Tổng thống Duterte đưa ngư dân tới đánh cá ở vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc để “chứng minh tình hữu nghị” mà ông Duterte đã đề cập. Theo ông Renato Reyes, Tổng thư ký của Bayan, “tình hữu nghị không liên quan tới việc duy trì chủ quyền. Tình hữu nghị cũng không thể được viện dẫn cho hành động nhiều lần vi phạm chủ quyền. Tuyên bố của Tổng thống cho thấy ông ấy không hề có ý định duy trì chiến thắng pháp lý mà chúng tôi đã đạt được tại tòa án quốc tế”.

Thứ ba, cựu quan chức Philippines không nhất trí với chính sách hiện nay của Chính quyền Duterte. Cựu Tổng thống Benigno Aquino III thì cho rằng khu vực biển Tây Philippines (Biển Đông) nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Manila nên quốc gia này không có nghĩa vụ phải chia sẻ tài nguyên với Trung Quốc; đồng thời khẳng định không thể tin tưởng Bắc Kinh và nhấn mạnh đề xuất của Trung Quốc sẽ gây bất lợi cho Philippines. Phó Chánh án Tòa án tối cao Philippines Antonio Carpio nhắc lại các điều khoản trong Hiến pháp năm 1987 quy định cấm phát triển chung trong vùng vùng đặc quyền kinh tế. Cựu Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario (11/9) cho biết, chính phủ Philippines không cần gạt sang một bên phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế (PCA) để tiến hành hoạt động thăm dò chung với Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Trích dẫn đề xuất của Phó chánh án Tòa án tối cao Philippines Antonio Carpio, ông Rosario giải thích, hoạt động thăm dò chung giữa hai nước ở Biển Đông sẽ “hợp hiến và nhất quán” với phán quyết của Tòa trọng tài nếu Trung Quốc có thể ký hợp đồng dịch vụ với Philippines với tỷ lệ phân chia doanh thu 60-40, trong đó Philippines nhận phần nhiều hơn; đồng thời nhấn mạnh nếu một thỏa thuận hợp đồng dịch vụ được đưa ra, theo đó công ty Trung Quốc tham gia với tư cách là chủ sở hữu cổ phần hoặc nhà thầu phụ, thì Tổng thống sẽ vẫn thể hiện được sự trung thành với hiến pháp và phán quyết của tòa. Theo cách này, Tổng thống sẽ không quay lưng lại với cam kết với người dân Philippines ông đã đưa ra vào tháng 10/2016 khi ông bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc và Brunei. Ngoài ra, ông Albert del Rosario viện dẫn kết quả cuộc khảo sát mới đây của SWS (Social Weather Stations – tổ chức nghiên cứ xã hội độc lập của Philippines) cho biết, 87% số người được hỏi đều nhất trí quan điểm, chính phủ nên khẳng định chủ quyền tại Biển Đông, cho rằng các quan chức Philippines nên bắt giữ và truy tố ngư dân Trung Quốc đã gây ra sự hủy hoại các nguồn tài nguyên biển ở Biển Đông; nhấn mạnh “chúng ta thường xuyên phải chứng kiến các hoạt động bất hợp pháp của Trung Quốc, bao gồm ngăn cản ngư dân Philippines đánh bắt tại bãi cạn Scarborough và tại vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, ngăn chặn Philippines phát triển các nguồn tài nguyên, phá hủy môi trường biển, xây dựng các căn cứ quân sự và đối đầu với nhà lãnh đạo của chúng ta bằng lời đe dọa chiến tranh”; khẳng định “chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng việc bảo toàn lãnh thổ quốc gia, trong đó có EEZ, có giá trị hơn nhiều so với hoạt động kinh tế sắp được tiến hành tại khu vực này. Khả năng hoạt động kinh tế tại EEZ vẫn luôn ở đó. Nhưng nếu chúng ta mất EEZ, chúng ta sẽ mất nó mãi mãi”; nhấn mạnh “vùng EEZ của Philippines không thuộc về Trung Quốc, nó thuộc về người Philippines, con cái chúng ta và các thế hệ người Philippines chưa được sinh ra. Theo quy định của Hiến pháp và là vấn đề danh dự quốc gia, người Philippines có nghĩa vụ bảo vệ và giữ gìn quyền lợi của đất nước mình”. Cùng chung quan điểm này, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. nhấn mạnh, phán quyết của tòa trọng tài quốc tế đã “vượt lên trên sự thỏa hiệp” và do vậy không thể gạt sang một bên.

Đáng chú ý, hai cựu viên chức trong chính quyền Philippines, bao gồm cựu ngoại trưởng Albert del Rosario và cựu tổng thanh tra Omopaman Conchita Carpio Morales (15/3) đã kiện Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên Tòa Hình sự quốc tế (ICC), với cáo buộc việc Trung Quốc cải tạo các đảo phi pháp ở khu vực Biển Đông là “sự hủy diệt gần như vĩnh viễn và tàn phá môi trường lớn nhất trong lịch sử nhân loại”. Vụ kiện này không có hiệu quả khi một trong những lý do quan trọng là Trung Quốc hiện nay không phải thành viên của ICC. Tuy nhiên, nó có tác động gây tiếng vang trong chính trị Philippines, khi vụ kiện này chứng tỏ giới tinh hoa ở Manila ngày càng trở nên không hài lòng với chính sách “quá thân thiện” của ông Duterte với Bắc Kinh.

Philippines đang ăn phải “trái đắng” của Trung Quốc

Đầu tiên, vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Philippines (9/6) ở khu vực Bãi Cỏ Rong. Ngay sau khi vụ việc được truyền thông công bố, chỉ có giới chức Quốc phòng, Ngoại giao đưa ra các tuyên bố thể hiện sự phản đối mạnh mẽ với hành động thái quá của Trung Quốc; đồng thời cảnh báo sẽ cắt đứt quan hệ ngoại giao nếu xác minh ra tàu Trung Quốc cố tình đâm chìm và bỏ mặc ngư dân Philippines trên biển. Trong khi đó, Tổng thống Philippines Duterte lại “im lặng” một cách khó hiểu, ông không hề đưa ra bất cứ phản ứng gì về vụ việc. Chỉ đến khi bị người dân và cộng đồng quốc tế dồn vào thế khó, ông Duterte (17/6) lên tiếng và khẳng định đây chỉ là “một vụ va chạm nhỏ”; đồng thời cảnh báo tránh làm tình hình căng thẳng leo thang, cho rằng “những gì xảy ra chỉ giống như một vụ va chạm. Đây là một vụ va chạm hàng hải. Đừng tin vào những chính trị gia ngu dốt, những người muốn triển khai lực lượng hải quân tới đó”; nhấn mạnh “đừng làm cho nó trở nên tồi tệ hơn” và Philippines chưa sẵn sàng đấu lại Trung Quốc. Giới chuyên gia nhận định, tuyên bố “mềm yếu” và chịu “lép vế” của Tổng thống Philippines Duterte cho thấy ông không dám đứng ra bảo vệ ngư dân trước các hành động khiêu khích của Trung Quốc trên Biển Đông; cho rằng Chính quyền của ông Duterte đã bị Trung Quốc chi phối hoàn toàn.

Thứ hai, Trung Quốc bao vây, ngăn chặn Philippines tiếp vận ở bãi Cỏ Mây. Giới chức Philippines (14/5) cho biết, Trung Quốc đã điều tàu Hải cảnh 3305 ngăn chặn nhóm tàu tiếp vận dân sự của Manila khi đang di chuyển đến bãi Cỏ Mây; cho rằng có thời điểm hai bên chỉ cách nhau chưa đầy 1.600 m. Theo thông tin trên, sự việc xảy ra khi tàu hải cảnh Trung Quốc số hiệu 3305 chặn đường nhóm tàu tiếp vận dân sự Philippines đang di chuyển tới bãi Cỏ Mây, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Thứ trưởng Quốc phòng Philippines Cardozo Luna cho biết Bắc Kinh thường duy trì một tàu hải cảnh gần bãi Cỏ Mây để giám sát hoạt động của tàu cá Philippines, cũng như nhiệm vụ tiếp tế cho BRP Sierra Madre. Được biết, quân đội Philippines sử dụng tàu chiến cũ nát BRP Sierra Madre mắc cạn ở bãi Cỏ Mây như một tiền đồn để duy trì sự hiện diện ở khu vực này từ năm 1999. Trên tàu có một đơn vị thủy quân lục chiến đồn trú và phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn tiếp tế từ đất liền.

Thứ ba, Trung Quốc huy động hàng trăm tàu dân quân biển bao vây đảo Thị Tứ. Trung Quốc (4/3) đã điều hơn 50 tàu quân sự đội lốt tàu cá bao vây 3 bãi cát xung quanh đảo Thị Tứ, đồng thời ngăn chặn ngư dân Philippines tiếp cận ngư trường trong khu vực này. Trước đó, Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải cho biết Trung Quốc (12/2018 – 2/2019) cũng đã điều hàng trăm tàu bao vây đảo Thị Tứ để “gây sức ép” đối với Manila trong vấn đề Biển Đông.

Thứ tư, Bắc Kinh còn đang có âm mưu thông qua các doanh nghiệp trong nước để thâu tóm cảng Subic của Philippines. Cảng vịnh Subic được đánh giá là một trong các vị trí xung yếu chiến lược bởi nó nằm ở vị trí trung tâm Thái Bình Dương, hướng thẳng ra biển Đông, có thể kiểm soát được đường lối giao thương hàng hóa, xuất nhập dầu mỏ của Trung Quốc từ Trung Đông. Vịnh chỉ cách bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham 124 hải lý. Cảng Subic gồm hai bộ phận, cảng thương mại và quân cảng. Hiện tại, phần cảng khai thác thương mại do công ty Hanjin Heavy Industries & Construction Philippines quản lý. Đây là công ty liên doanh giữa Philippines và Hàn Quốc, còn phần diện tích quân cảng không được tập trung đầu tư hiện đại. Công ty này đã tuyên bố phá sản hồi đầu tháng này sau khi không thể thanh toán khoản nợ hơn 400 triệu USD từ các ngân hàng Philippines, trở thành một trong những vụ vỡ nợ lớn nhất trong lịch sử nước này. Công ty này còn có khoản vay 900 triệu USD từ các ngân hàng Hàn Quốc chưa được thanh toán. Việc vỡ nợ của công ty liên doanh này đã khiến chính phủ Philippines phải tìm kiếm các nhà đầu tư sẵn sàng tiếp quản các hoạt động của cảng này, cũng như các nhà máy đóng tàu và hàng nghìn công nhân tại đây. Hiện hai công ty Trung Quốc đã bày tỏ quan tâm đến việc tiếp quản nhà máy đóng tàu, nhưng các quan chức Philippines đã lên tiếng chống lại động thái này.

Manila tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ ở Biển Đông

Phát biểu tại một cuộc họp ở Mỹ, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jnr (24/9) cho biết Trung Quốc đang âm mưu “bá quyền” trong cách theo đuổi các thỏa thuận với những nước láng giềng ở biển Đông, đồng thời ông này bày tỏ sự ủng hộ sự hiện diện của Mỹ trong khu vực. Theo Ngoại trưởng Teodoro Locsin Jnr, Trung Quốc đang cố tình gây sức ép, buộc các nước ASEAN đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) theo cách của Bắc Kinh, đồng thời ngăn cản các nước bên ngoài can dự vào tiến trình đàm phán COC; cho rằng “một thỏa thuận như thế ngầm công nhận sự bá quyền của Trung Quốc” và COC mà Trung Quốc đang theo đuổi “giống như sách hướng dẫn sống chung với chủ nghĩa bá quyền hoặc chăm sóc và cho rồng ăn trong phòng khách vậy”.Ngoài ra, ông Teodoro Locsin cũng nhấn mạnh mối quan hệ gắn bõ giữa Philippines và Mỹ, khẳng định “liên minh quân sự với Mỹ rất vững chắc, chúng tôi hy vọng điều đó không chỉ thể hiện bằng lời nói mà còn bằng các cam kết thực chất. Chúng ta không thể thấy bất kỳ con đường nào phía trước và một châu Á với bất kỳ cam kết tự do nào mà không có sự giúp đỡ của quân đội Mỹ”; đồng thời cho biết “một điều rất rõ ràng là người dân Philippines ủng hộ Mỹ và quân đội cũng vậy. 80% người Philippines phát cuồng vì ông Duterte, 90% người Philippines phát cuồng vì Mỹ”. Trước đó, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr (6/3) khẳng định Mỹ là đồng minh quân sự duy nhất của Philippines và điều này sẽ không bao giờ thay đổi; nhấn mạnh Philippines tiếp tục khẳng định các quyền của mình ở Biển Đông, mặt khác, sẽ hợp tác chặt chẽ, cân bằng với cả Trung Quốc và Mỹ trong các lĩnh vực các bên đều có lợi; cho rằng, vấn đề bảo vệ quốc gia, chủ quyền và quyền chủ quyền của Philippines sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ quân sự của Mỹ.

Quân đội Mỹ và Philippines nhất trí gia tăng hoạt động quân sự trong năm 2019. Phía quân đội Philippines cho biết hoạt động chung về an ninh và quốc phòng với Mỹ, bao gồm các cuộc diễn tập chiến đấu thường niên, sẽ được tăng cường trong năm 2019 và những năm sau đó, thể hiện quan hệ đang tiếp tục vững mạnh giữa hai nước. Không những vậy, các quan chức cấp cao quân đội Mỹ cũng đồng ý tăng số hoạt động an ninh chung lên 281 hoạt động trên các lĩnh vực chống khủng bố, an ninh hàng hải và cứu trợ nhân đạo.

Từ đầu năm 2019 đến nay, Mỹ và Philippines (1-12/4) đã tiến hanh tập trận thường niên quy mô lớn “Vai kề vai” (Balikatan), trong đó có cuộc tập trận hải quân ngoài khơi bờ biển đảo Luzon đối diện với khu vực Biển Đông. Theo đó, khoảng 8.000 quân tham gia cuộc tập trận trên. Trong đó có 4.000 binh sĩ Philippines, 3.500 lính Mỹ cùng với 50 lính Australia và quan sát viên từ 7 quốc gia khác. Giới chuyên gia nhận định, cuộc tập trận thường niên này nhằm chuẩn bị cho binh sĩ trước các cuộc khủng hoảng ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, tập trung vào an ninh biển – một mối lo ngại đang tăng lên khi Trung Quốc đang cố gắng chiếm quyền thống trị trên các tuyến đường thủy chiến lược. Đây cũng là lần đầu tiên tàu USS Wasp và các máy bay chiến đấu F-35B của Thủy quân lục chiến Mỹ tham gia vào cuộc tập trận Balikatan. Trong cuộc tập trận trên, Lực lượng tuần duyên của Mỹ và Philippines (15/5) tiến hành cuộc tập trận chung tại vùng biển gần bãi cạn Scarborough, phía Tây đảo Luzon. Đây là cuộc tập trận chung đầu tiên giữa Mỹ và Philippines ở gần bãi cạn này. Các quan chức Philippines cho biết, 3 tàu, gồm tàu tuần duyên Bertholf của lực lượng tuần duyên Mỹ và tàu tìm kiếm cứu hộ của lực lượng tuần duyên Philippines, đã tham gia cuộc tập trận mô phỏng chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ sau khi một tàu chở khách bị chìm.

Đáng chú ý, giới chức Mỹ cũng đưa ra các tuyên bố khẳng định sẽ sát cánh và bảo vệ Philippines. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (1/3) tuyên bố tuyên bố sẽ ủng hộ Philippines và các quốc gia khác trong khu vực “để các tuyến đường biển kinh tế cực kỳ quan trọng này được mở và Trung Quốc không đặt ra mối đe dọa đóng cửa chúng”. Cụ thể, Mỹ sẽ can thiệp nếu Philippines bị tấn công ở Biển Đông trong bối cảnh quân sự hóa Trung Quốc đang gia tăng. Theo đó, bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào vào lực lượng, máy bay hoặc tàu công cộng của Philippines ở Biển Đông sẽ kích hoạt nghĩa vụ phòng thủ lẫn nhau theo Điều 4 của Hiệp ước phòng thủ lẫn nhau giữa Mỹ và Philippines. Ông Mike Pompeo cũng lên tiếng chỉ trích rằng hoạt động xây dựng đảo và các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông đang đe dọa chủ quyền, an ninh và kinh tế xã hội của Philippines, cũng như của Mỹ. Đây là lần đầu tiên Mỹ công khai tuyên bố ý định của Washington trong việc phòng thủ bảo vệ đồng minh tại Biển Đông. Cùng quan điểm trên, Trợ lý Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Joseph Felter (5/4) cho biết, sự hiện diện của một số lượng lớn các tàu Trung Quốc gần các đảo đang do Philippines quản lý (phi pháp) tại Biển Đông là mối quan ngại đối với Mỹ. Ông Felter cũng cho biết thêm, “Mỹ quan ngại về các hành động hiếu chiến của bất kỳ nước nào trên Biển Đông và trong trường hợp này là Trung Quốc. Các hành động của Bắc Kinh tỏ ra hung hăng, khiêu khích, chúng tôi thấy rằng đó là vô ích và không chính đáng”. Đại sứ Mỹ tại Philippines Sung Kim khẳng định Mỹ có sự hỗ trợ của Philippines trong trường hợp xảy ra cuộc tấn công vũ trang ở Biển Đông; cho rằng Biển Đông là một phần của Thái Bình Dương nên Hiệp ước phòng thủ chung rõ ràng áp dụng cho các tình huống ở Biển Đông; nhấn mạnh đây là mối quan hệ liên minh rất gần gũi nên có sự liên lạc liên tục giữa hai bên.

Philippines lôi kéo Nga hợp tác thăm dò dầu khí

Trong chuyến thăm Nga (1-5/10), Tổng thống Philippines Duterte đã mời công ty dầu Rosneft của Nga hợp tác thăm dò, khai thác dầu khí trong vùng biển của Philippines. Động thái này của ông Duterte được cho là nhằm lôi kéo Nga để cân bằng quan hệ giữa Philippines với Mỹ và Trung Quốc. Theo đó, ông Duterte đã có cuộc gặp với các lãnh đạo của Rosneft, bao gồm cả Giám đốc điều hành Igor Sechin để thảo luận về việc thúc đẩy hợp tác dầu khí giữa các doanh nghiệp Philippines và Rosneft. Trong lời mời gọi hấp dẫn đưa ra với lãnh đạo Rosneft, ông Duterte cam kết các khoản đầu tư đổ vào Philippines sẽ an toàn và chính quyền của ông không bao giờ dung thứ cho tham nhũng. Trước cuộc gặp, Đại sứ Philippines tại Nga Carlos Soreta cho biết các công ty năng lượng của Nga rất quan tâm đến hoạt động khai thác dầu khí ở Philippines và bất kỳ thỏa thuận nào với Nga đều sẽ không làm tổn hại đến các quyền của Manila trong khu vực. Trước đó, tàu khu trục chống ngầm Đô đốc Tributs và Vinogradov cùng tàu chở dầu Đô đốc Irkut của Nga (8/4) đã cập cảng Manila, trong khuôn khổ thăm hữu nghị. Đây là lần thứ hai trong năm 2019, các tàu Nga cập cảng Philippines và là lần thứ sáu kể từ khi ông Duterte lên nắm quyền (6/2016). Đầu tháng 1/2019, 3 tàu hải quân Nga đã cập cảng thủ đô Philippines với thông báo “thực hiện chuyến thăm nhằm tăng cường và duy trì việc thúc đẩy hòa bình, ổn định và hợp tác hàng hải”. Phó Đô đốc Philippines Robert Empedrad cho biết, việc hợp tác với Nga được trông đợi sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ và hai nước sẽ ký thỏa thuận hợp tác hải quân vào tháng 7/2019. Được biết thỏa thuận trên bao gồm thêm nhiều cuộc tập trận chung và tăng cường thêm qua lại thăm viếng hữu nghị với nhau.

Trước động thái trên của Chính quyền Philippines, giới chuyên gia, học giả khu vực và quốc tế cho rằng đây là thông điệp mới của ông Duterte và hành động này là nhằm lôi kéo Nga vào cân bằng quan hệ giữa Philippines với Mỹ và Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới