Saturday, January 11, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaChuyên gia Indonesia: Tôn trọng và tuân thủ luật pháp là giải...

Chuyên gia Indonesia: Tôn trọng và tuân thủ luật pháp là giải pháp hiệu quả cho vấn đề Biển Đông hiện nay

Trong bài viết đăng trên Tạp chí Eurasia Review, Veeramalla Anjaiah nhà báo kỳ cựu của Indonesia đã phân tích về mức độ nghiêm trọng từ những hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông thời gian qua, đồng thời cho rằng tôn trọng và tuân thủ luật pháp là giải pháp hiệu quả nhất để giải quyết các tranh chấp.

Nhà báo Veeramalla Anjaiah viết, kể từ đầu tháng 7, một tàu nghiên cứu lớn của Trung Quốc, được hộ tống bởi các tàu có vũ trang, đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam một cách bất hợp pháp. Philippines và Malaysia cũng đối mặt với sự hăm dọa từ Trung Quốc ở phần lớn các vùng biển có tranh chấp ở Biển Đông.

Ai là người phải chịu trách nhiệm cho tình hình hiện nay? Các bên có tôn trọng trật tự luật pháp hay không? Liệu chiến tranh có phải là giải pháp cuối cùng để giải quyết tình hình căng thẳng đang leo thang ở Biển Đông hay không?, Veeramalla Anjaiah đặt câu hỏi. Theo nhà báo Veeramalla Anjaiah, trước khi trả lời những câu hỏi này, chúng ta phải hiểu được Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) được công nhận rộng rãi trên thế giới. Theo công ước này, tất cả các quốc gia giáp biển đều có vùng EEZ 200 hải lý và vùng lãnh hải 12 hải lý hay thềm lục địa. Ngoại trừ Đài Loan, tất cả các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông – gồm Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Philippines và Brunei – đều đã ký UNCLOS và phê chuẩn công ước này từ rất lâu. Indonesia, trên thực tế là quốc gia lãnh đạo của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cũng đã ký và phê chuẩn công ước này. UNCLOS cấm việc sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp trên biển.

Theo Veeramalla Anjaiah, Trung Quốc rõ ràng đã vi phạm UNCLOS khi tuyên bố chủ quyền đối với hơn 90% Biển Đông dựa trên Đường 9 đoạn gây tranh cãi, vốn là những đường phân định biên giới mơ hồ. Yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, dựa trên cái gọi là “các quyền lịch sử” vốn không có trong luật biển quốc tế, chồng lấn với tuyên bố chủ quyền trên biển của Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và thậm chí là Indonesia – quốc gia không có yêu sách ở Biển Đông. Tất cả những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc dựa trên Đường 9 đoạn và các quyền lịch sử đã bị Tòa Trọng tài Thường trực ở The Hague bác bỏ năm 2016. Tuy nhiên, Bắc Kinh không công nhận phán quyết này và tìm cách xác lập tuyên bố chủ quyền của mình mà theo Mỹ là thông qua các hành động đơn phương, phi pháp và có tính cưỡng ép. Trung Quốc còn xây dựng trái phép các đảo nhân tạo thông qua việc cải tạo các đảo này và xây dựng các căn cứ quân sự trên đó. Bắc Kinh cũng tìm cách ngăn cản các hoạt động đánh bắt cá và khai thác các nguồn tài nguyên của các nước khác có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông trong các vùng lãnh thổ hợp pháp của họ.

Vụ việc mới đây nhất, xảy ra ở Bãi Tư Chính, đã cho thấy rõ ràng bản chất của Trung Quốc. Bãi Tư chính, nằm trong EEZ của Việt Nam, cách bờ biển Việt Nam chưa tới 200 hải lý và cách biên giới trên biển của Trung Quốc 600 hải lý. Tuy nhiên, Trung Quốc, dựa trên Đường 9 đoạn mà tuyên bố Bãi Tư chính nằm trong EEZ của họ. Gần đây, Việt Nam đã ký hợp đồng với công ty Rosneft của Nga thuộc sở hữu của nhà nước để thăm dò và khai thác dầu mỏ, khí đốt ở Bãi Tư Chính. Nhằm ngăn chặn hoạt động khai thác dầu mỏ của Việt Nam, Trung Quốc đã triển khai tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 và nhiều tàu tuần tra bờ biển được vũ trang đầy đủ. Một cách ngoan cường, Việt Nam kêu gọi các tàu Trung Quốc ngay lập tức phải rút ngay khỏi khu vực Bãi Tư Chính.

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc làm như vậy. Năm 2017 và 2018, Trung Quốc đã buộc Việt Nam và công ty dầu mỏ Tây Ban Nha Repsol ngừng các hoạt động khai thác dầu ở khu vực này. Gần đây, một tàu của Trung Quốc đã đâm và làm chìm một tàu đánh cá của Philippines đang neo đậu ở Bãi Cỏ Rong, cách đảo Palawan của Philippines 160 km. Hàng trăm tàu có vũ trang của Trung Quốc thường xuyên hoạt động bất hợp pháp ở vùng biển xung quanh đảo Thị Tứ (Philippines gọi là đảo Pagasa), đe dọa các hoạt động của ngư dân địa phương Philippines. Manila cũng bày tỏ sự phản đối đối với việc 4 tàu chiến và tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc đi lại bất hợp pháp qua các vùng biển của Philippines. Tháng 5/2019, các tàu tuần tra bờ biển của Trung Quốc cũng tuần tra quanh cụm bãi cạn Luconia nằm trong EEZ của Malaysia.

Mỹ đã chỉ trích các hành động đơn phương và khiêu khích của Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Deann Ortagus gần đây đã nói với các phóng viên ở Washington như sau: “Việc Trung Quốc cải tạo và quân sự hóa các tiền đồn tranh chấp ở Biển Đông, cùng với những nỗ lực khác nhằm khẳng định những tuyên bố chủ quyền phi pháp trên Biển Đông, bao gồm việc sử dụng lực lượng dân quân hàng hải để hăm dọa, cưỡng ép và đe dọa các quốc gia khác, làm xói mòn hòa bình và an ninh của khu vực”. Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU), Pháp, Đức, Anh, Canada, Úc và nhiều quốc gia khác đã lên án các hành động đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông và kêu gọi cần có một trật tự dựa trên luật pháp tại khu vực này.

Hiệp hội Luật sư Dân chủ Quốc tế (IADL), một hiệp hội có uy tín đã lên án Trung Quốc vi phạm các quyền hợp pháp của Việt Nam ở Bãi Tư Chính. Một tuyên bố gần đây của IADL có đoạn: “Hành động này rõ ràng vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo quy định của UNCLOS 1982. IADL yêu cầu Trung Quốc ngay lập tức ngừng vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, dừng thực hiện các hành vi làm phức tạp thêm tình hình và gia tăng căng thẳng giữa các bên có liên quan, đồng thời bắt đầu tập trung vào việc xây dựng lòng tin để duy trì an ninh, hòa bình và sự ổn định ở Biển Đông nói riêng và ở khu vực nói chung”. Bất chấp việc bị quốc tế lên án, Bắc Kinh đã thực hiện nhiều hành vi phi pháp, khiêu khích và có tính cưỡng ép ở Biển Đông. Vậy ASEAN và cộng đồng quốc tế có thể làm gì?. Điều đầu tiên và trước hết là lên án các hành động đơn phương khiêu khích của Trung Quốc, vốn vi phạm luật quốc tế liên quan tới EEZ và các thềm lục địa của các quốc gia Đông Nam Á có đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông.

Nhà báo Veeramalla Anjaiah cho rằng cộng đồng quốc tế phải gây sức ép với Trung Quốc, buộc nước này ngay lập tức rút tàu Hải Dương Địa Chất 8 và các tàu thuyền khác khỏi Bãi Tư Chính để giảm căng thẳng. Mọi người từng rất hy vọng khi Trung Quốc gần đây tình nguyện rút khỏi Bãi Tư Chính. Tuy nhiên, tàu khảo sát của Trung Quốc đã quay trở lại địa điểm khai thác hôm 15/8, gửi đi một thông điệp mạnh mẽ rằng Trung Quốc sẽ ở lại khu vực này cho tới khi hoạt động khai thác dầu khí ở đây dừng lại. Không may là các quốc gia ASEAN không có sự thống nhất trong vấn đề Biển Đông. Indonesia, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Philippines phải hết sức cố gắng để đạt được một nhận thức chung giữa các quốc gia ASEAN. Vì ASEAN là một cộng đồng, do đó các quốc gia thành viên cần có sự đoàn kết trong vấn đề rắc rối này. Một ASEAN đoàn kết sẽ trở thành đầu tàu trong các sáng kiến của khu vực để duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực. Dù có hành vi bắt nạt các quốc gia nhỏ, song Trung Quốc vẫn là một đối tác quan trọng của ASEAN trong nhiều lĩnh vực. Điều cấp bách hiện nay là cần thực thi đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) để giảm căng thẳng và tránh xung đột. Nếu có hòa bình, cả ASEAN và Trung Quốc có thể cùng nhau phát triển thịnh vượng. Chiến tranh không phải là giải pháp. Có thể sẽ mất nhiều thời gian để tìm ra một giải pháp cho tranh chấp ở Biển Đông, nhưng ở thời điểm hiện nay, chúng ta cần có một Bộ quy tắc ứng xử (COC) ngay lập tức cho tất cả các bên để giảm căng thẳng. Điều tốt lành là bản dự thảo chung của COC gần đây đã được các bên đưa ra thảo luận, mở đường cho các cuộc đàm phán tiếp theo.

Nhà báo Veeramalla Anjaiah kết luận, tất cả những gì chúng ta cần là một COC có hiệu quả, có sự ràng buộc pháp lý, dựa trên UNCLOS 1982 và các quy định khác của quốc tế. Ngoài ra, cũng cần có quyền tự do hàng hải và quyền được bay qua các vùng biển ở Biển Đông. IADL đã yêu cầu tất cả các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, những nước cũng đã ký UNCLOS – tuân thủ và tôn trọng các quy định hàng hải quốc tế. Tuyên bố của IADL có đoạn: “IADL thúc giục các bên có liên quan giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế để duy trì hòa bình, ổn định và an ninh của khu vực”. Nếu không có trật tự luật pháp tối cao, các bên nhỏ và yếu sẽ luôn bị thua thiệt và các bên mạnh hơn sẽ được hưởng lợi. Nếu điều đó xảy ra, những nước bên ngoài khu vực sẽ nhảy vào và căng thẳng sẽ gia tăng. Đó không phải là một lựa chọn tốt. Hòa bình luôn là ưu tiên hàng đầu.

RELATED ARTICLES

Tin mới