Biển Đông là khu vực có vị trí địa chiến lược quan trọng đối với các nước trên thế giới. Trong năm qua, đã có nhiều nước lên tiếng về kế hoạch mở căn cứ quân sự trong khu vực. Tuy nhiên, hiện chưa có nước nào chính thức triển khai thực hiện kế hoạch này.
Mỹ cân nhắc mở thêm căn cứ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper (27/8) cho biết Lầu Năm Góc đang xem xét các phương án mở rộng hiện diện quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, bao gồm tăng cường thực thi các chiến dịch bảo đảm tự do hàng hải và thiết lập căn cứ mới để đối phó với thách thức an ninh từ Trung Quốc và Nga. Theo thông tin trên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper khẳng định “các thách thức từ Trung Quốc và Nga buộc Mỹ phải đề ra chiến lược đối phó mới ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương; nhấn mạnh Mỹ phải hiện diện trong khu vực này, không phải ở tất cả mọi nơi mà là ở những điểm trọng yếu. Điều đó có nghĩa chúng ta sẽ xem xét sẽ phải mở các căn cứ mới ở đâu, cũng như đầu tư thêm thời gian và tài nguyên vào những khu vực chúng ta chưa có mặt trong quá khứ. Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta sẽ tiếp tục tuần tra đến hoạt động ở bất cứ đâu luật pháp quốc tế cho phép để bảo vệ quyền tự do hàng hải cho cả hoạt động thương mại lẫn quân sự, dù là qua eo biển Hormuz hay eo biển Malacca”.
Trước đó, trong Tuyên bố chung sau cuộc gặp 2+2 với Australia, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper nói hiện Mỹ có thể tự do triển khai các tên lửa có tầm bắn từ 500 đến 5.500km tại các căn cứ mặt đất. Mỹ sẽ triển khai các tên lửa tại châu Âu, châu Á-Thái Bình Dương hoặc tại những khu vực khác nhằm mục đích răn đe và ngăn chặn xung đột sau khi tham vấn ý kiến của các đồng minh và đối tác. Ngoài ra, ông Esper khẳng định Mỹ sẽ không khoanh tay đứng nhìn trong bối cảnh có quốc gia nào đó cố gắng định hình lại khu vực vì lợi ích riêng và ảnh hưởng tới các quốc gia khác. Trước đó, trong bài trả lời phỏng vấn truyền thông Mỹ trước khi tới Australia, ông Esper tuyên bố Mỹ có ý định triển khai các đầu đạn thông thường tầm trung đến châu Á-Thái Bình Dương, nhưng không đưa ra địa điểm cụ thể.
Liên quan vấn đề này, Bộ trưởng Ngoại giao Australia Maris Payne (30/7) cho hay, Mỹ đang có kế hoạch xây dựng thêm căn cứ quân sự ở Australia, trong bối cảnh khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang có nhiều sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Theo bà Maris Payne, kế hoạch sẽ được thực hiện nếu Quốc hội Mỹ thông qua khoản kinh phí trị giá hơn 211 triệu USD cho hải quân Australia. Cảng quân sự mới sẽ được xây dựng tại thành phố Darwin, có khả năng tiếp nhận nhiều tàu chiến cỡ lớn. Mỗi năm có khoảng 2.500 binh sĩ Mỹ được triển khai tại Austalia để cùng tham gia các khóa huấn luyện. Với cảng quân sự mới, lính Mỹ sẽ càng dễ dàng triển khai hơn trong khu vực. Tuy nhiên, trong cuộc họp vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper vẫn chưa đưa ra đề nghị nào với phía Australia và cũng chưa có bất kỳ thông tin nào về kế hoạch xây dựng thêm căn cứ quân sự ở Australia.
Trung Quốc định xây trái phép căn cứ dịch vụ hậu cần ở đảo Phú Lâm, đảo Cây và đảo Duy Mộng của Việt Nam
Trang mạng Chính quyền cái gọi là “thành phố Tam Sa” (17/3) cho biết, Trung Quốc đang có kế hoạch xây dựng “căn cứ dịch vụ hậu cần trọng điểm quốc gia” tại đảo Phú Lâm, đảo Cây và đảo Duy Mộng, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Theo đó, phát biểu tại Hội nghị nghiên cứu về xây dựng đảo, đá, Thị trưởng của “Tam Sa” Trương Quân cho biết, Trung Quốc đang lên kế hoạch xây dựng các công trình trọng điểm năm 2019, trong đó có mục tiêu xây dựng căn cứ dịch vụ hậu cần trọng điểm quốc gia” tại đảo Phú Lâm, đảo Cây và đảo Duy Mộng của Việt Nam. Theo Trương Quân, “Tam Sa” cần lên kế hoạch cẩn thận cho sự phát triển chung của các đảo và các rạn san hô dựa trên các chức năng khác nhau của chúng, có tính đến mối quan hệ bổ sung giữa các đảo; nhấn mạnh kế hoạch phát triển sẽ tiếp nối thông qua bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình năm 2018 và một chỉ thị của Chính quyền Trung ương ban hành vào tháng 4/2018 nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Đặc khu Hải Nam. Trên thực tế, đảo Phú Lâm, đảo Cây và đảo Duy Mộng thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, song bị Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đóng trái phép từ năm 1974 đến nay. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tiến hành nhiều hoạt động phi pháp trên những đảo, đá này.
Trước đó, Hãng tin Nikkei Asia Review, sự cạnh tranh quyền lực lớn ở châu Á – Thái Bình Dương đã chuyển trọng tâm từ hỏa lực quân sự sang cơ sở hạ tầng và đầu tư. Điều này đang được thúc đẩy bởi dự án Vành đai và Con đường do Trung Quốc khởi xướng và Chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương Tự do và Mở cửa do Mỹ và Nhật Bản dẫn đầu. Trung Quốc đang nỗ lực để xây dựng quân đội giải phóng nhân dân (PLA), từ một lực lượng cồng kềnh thành tinh nhuệ, hiện đại. Tuy nhiên, có một khía cạnh khác đang gây tranh cãi về sự mở rộng ảnh hưởng ra toàn cầu của quân đội Trung Quốc.
Giới phân tích nhận định Trung Quốc sẽ cần thêm các căn cứ mới ở nước ngoài, bên cạnh căn cứ quân sự nước ngoài duy nhất ở Djibouti, châu Phi. Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc đi qua Myanmar, Campuchia đến Pakistan và Sri Lanka, dẫn đến những suy đoán về tiềm năng xây dựng căn cứ quân sự tại những quốc gia này. Chủ tịch Viện Trung Đông ở Singapore Bilahari Kausikan nhận định, Trung Quốc cuối cùng có thể sẽ có một căn cứ quân sự ở Campuchia. Cùng quan điểm trên, Nikkei Asian Review cho rằng việc có căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Đông Nam Á là điều không thể tránh khỏi.
Indonesia thiết lập tiếp 4 căn cứ quân sự mới ở khu vực phía Đông
Tổng thống Joko Widodo (5/10) cho biết sau khi khánh thành căn cứ quân sự tại quần đảo Natuna trên Biển Đông, 4 căn cứ khác sẽ được thiết lập tại Biak, Merauke, Morotai và Saumlaki nhằm nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và sự phối hợp giữ 3 quân chủng hải, lục và không quân tại các khu vực biên giới trên biển.
Đảo Biak và thị trấn ven biển Merauke thuộc tỉnh Papua trong khi Saumlaki nằm trên đảo Jamdena thuộc tỉnh Maluku gần biên giới trên biển với Australia và Timor Leste. Căn cứ quân sự trên đảo Morotai thuộc tỉnh Bắc Maluku sẽ cho phép lực lượng vũ trang Indonesia kiểm soát vùng biển gần phía Nam Philippines chặt chẽ hơn. Trước đó, quân đội Indonesia tuyên bố rằng các hòn đảo nhỏ trên các vùng biển của nước này có thể hoạt động giống như những “tàu sân bay” cho phép lực lượng vũ trang Indonesia nhanh chóng triển khai máy bay chiến đấu và binh sỹ tới các khu vực xung đột. Trong khi đó, Hãng thông tấn chính thức Antara cho biết, việc thành lập 3 bộ chỉ huy khu vực mới – quy tụ các lực lượng hải quân, không quân và lục quân – phân chia lãnh thổ Indonesia thành 3 quân khu nhằm tăng tính linh hoạt và cho phép quân đội Indonesia phản ứng nhanh hơn trước các mối đe dọa an ninh.
Trước đó, Tư lệnh Các lực lượng Vũ trang Indonesia Hadi Tjahjanto (18/12) tuyên bố quân đội Indonesia sẽ thành lập căn cứ quân sự tại quần đảo Natuna gần khu vực Biển Đông. Theo đó, căn cứ quân sự này này nằm trong Bộ Chỉ huy hỗn hợp phòng thủ khu vực, có trụ sở đóng tại được tỉnh đảo Riau, Indonesia. Sau khi được thành lập, căn cứ quân sự này sẽ bao gồm vài trăm quân nhân và các lực lượng kỹ thuật quân sự, với nhiệm vụ chính là ngăn chặn các nguy cơ như đánh bắt cá trái phép và tội phạm xuyên quốc gia. Ngoài ra, căn cứ này được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không cùng các cơ cở khác như một cảng, nhà chứa máy bay quân sự và một bệnh viện.
Ấn Độ phát triển căn cứ quân cảng ở Indonesia
Trong chuyến thăm Indonesia, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (5/2018) cho biết Ấn sẽ cùng Indonesia là đối tác xây một quân cảng mới ở Indonesia, tuyên bố kế hoạch trên nhằm hạn chế Trung Quốc trỗi dậy cả về kinh tế lẫn quân sự.
Đến ngày 24/01/2019, lo ngại trước việc Trung Quốc gia tăng hiện diện quân sự tại Ấn Độ Dương, New Delhi cho biết sẽ mở thêm một căn cứ Không quân thứ ba trên quần đảo Andaman và Nicobar. Đây là quần đảo có vị trí chiến lược quan trọng, án ngữ lối vào phía Tây của eo biển Malacca, con đường hàng hải huyết mạch của thế giới, nối liền Ấn Độ Dương với Biển Đông. Căn cứ không quân mới của Ấn Độ mang tên INS Kohassa, được bố trí tại một địa điểm cách Port Blair, thủ phủ của quần đảo khoảng 300 cây số về phía Bắc. Theo người phát ngôn của Hải quân Ấn Độ, ông D. K. Sharma, cơ sở Không quân mới sẽ có một đường băng dài 1.000 mét cho trực thăng và máy bay trinh sát, nhưng có thể sẽ được trang bị thêm một đường băng dài 3.000 mét, đủ để tiếp nhận các máy bay trinh sát tầm xa và chiến đấu cơ.
Theo nhiều chuyên gia và giới chức quân sự Ấn Độ, mục tiêu của New Delhi khi lập thêm một căn cứ Không quân mới tại quần đảo Andaman và Nicobar là để tăng cường giám sát tàu chiến và tàu ngầm của Trung Quốc đi vào khu vực Ấn Độ Dương, qua ngả eo biển Malacca.
Anh tuyên bố mở căn cứ quân sự tại Đông Nam Á
Trả lời phỏng vấn với báo The Sunday Telegraph, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson cho biết, Anh đang lên kế hoạch mở căn cứ quân sự mới tại Đông Nam Á. Hai địa điểm có thể được Anh lựa chọn để đặt căn cứ quân sự là Singapore và Brunei. Các căn cứ sẽ có quân nhân và lực lượng hậu cần kỹ thuật, các tàu vận tải và trang thiết bị quân sự, đáp ứng tình hình quân sự – chính trị trong khu vực. Bộ trưởng Williamson cho biết Anh sẽ mở hai căn cứ quân sự mới trong “vài năm tới”, bao gồm một căn cứ ở vùng Caribe; nhấn mạnh kế hoạch này sẽ giúp Anh trở lại vị thế của một “nhân tố toàn cầu thực sự” sau sự kiện Anh rời Liên minh châu Âu (EU). Việc mở căn cứ quân sự mới cũng đánh dấu bước chuyển biến về chính sách của Anh từ sau khi nước này rút các căn cứ quân sự tại Đông Nam Á và vịnh Persian trong thập niên 1960.
Giới chuyên gia nhận định nếu thông tin trên là thật, kế hoạch mở căn cứ quân sự ở Đông Nam Á của Anh có thể sẽ “phủ bóng” lên mối quan hệ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng châu Á, đồng thời có nguy cơ châm ngòi căng thẳng giữa Bắc Kinh và London. Tuy nhiên, kế hoạch này có thể là tin tốt đối với các đối tác và đồng minh của Mỹ trong khu vực đang thách thức sự cứng rắn của Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông. Giáo sư Ni Lexiong, Đại học Khoa học Chính trị và Luật Thượng Hải cho rằng kế hoạch mở căn cứ quân sự tiếp tục là bằng chứng nữa cho thấy Anh và các nước đồng minh then chốt của Mỹ ngày càng gắn bó chặt chẽ hơn với cách tiếp cận cứng rắn của Tổng thống Donald Trump về Trung Quốc; đánh giá đây là bước đi bổ sung cho chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ và Washington sẽ hài lòng về điều này.
Các chuyên gia cũng đặt ra nghi vấn về tính khả thi của kế hoạch xây dựng một căn cứ hải quân của Anh tại Đông Nam Á. Giáo sư Ni Lexiong hoài nghi về việc liệu Anh có đủ kinh phí để theo đuổi kế hoạch phát triển các căn cứ ở nước ngoài hay không trong bối cảnh nước này đang phải vật lộn với tình trạng cắt giảm ngân sách trong nhiều năm để duy trì năng lực phòng vệ quân sự hùng mạnh. Được biết, trong năm 2018, Anh duy trì mức tăng ngân sách quốc phòng khiêm tốn và quân đội Anh hiện thu hẹp quy mô chỉ bằng một nửa so với giai đoạn kết thúc chiến tranh Lạnh. Kế hoạch của Bộ trưởng Quốc phòng Williamson cũng vấp phải sự chỉ trích từ ngay trong nội bộ nước Anh. Nghị sĩ Anh Luke Pollard thắc mắc về việc ngân sách chi cho kế hoạch mở căn cứ quân sự mới sẽ được lấy từ đâu và lý do Anh phải thay đổi chiến lược vào thời điểm hiện nay.