Tuesday, November 26, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiNgười Campuchia bán sức trong các công ty TQ: Công việc vất...

Người Campuchia bán sức trong các công ty TQ: Công việc vất vả, mức lương lại bèo bọt

Trong khi đó, các lệnh trừng phạt của châu Âu, Mỹ có thể sẽ làm tăng sự phụ thuộc nền kinh tế Campuchia vào đầu tư của Trung Quốc.

Một người phụ nữ Campuchia làm việc bên khung dệt. Ảnh: Getty

Kinh tế Campuchia đã trải qua một sự thay đổi to lớn trong 20 năm qua với hai trụ cột chính là ngành dệt may và du lịch, trong khi đầu tư của Trung Quốc vào ngành dệt may và khách du lịch Trung Quốc là nguồn cung quan trọng cho hai ngành công nghiệp này.

Tuy nhiên, việc EU và Mỹ đang xem xét rút Campuchia khỏi chương trình ưu đãi thương mại đối với tất cả mặt hàng trừ vũ khí (EBA) có thể sẽ khiến nước này tăng thêm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, VOA (Mỹ) bình luận.

Công nhân dệt may tấp nập trên tuyến cao tốc Phnom Penh – Sihanoukville

Mỗi buổi sáng, dọc Quốc lộ 4 từ Phnom Penh đến Sihanoukville là hình ảnh chiếc xe tải nhỏ chở những người dân sống ở các vùng nông thôn lân cận đến cửa nhà máy trước 7 giờ – giờ chấm công. Cũng có một số công nhân đi xe máy tới công xưởng.

Hầu hết người Campuchia – ở các độ tuổi khác nhau – làm việc trong các nhà máy dệt may hoặc túi da của Trung Quốc.

Sau khi xuống xe, họ thường mua bữa sáng tại các quầy hàng khác nhau ở cửa nhà máy, một số người mua thêm cơm hộp cho bữa trưa.

Một nữ công nhân 23 tuổi làm việc trong một nhà máy sản xuất túi xách của Trung Quốc cho biết cô đã ở đây được ba năm. Tính thêm tiền làm thêm giờ, cô có mức lương 250 USD/tháng, nhưng cô phải chi 50 USD/tháng để thuê phòng vì nhà cô ở quá xa nhà máy.

Một công nhân nữ khác – 49 tuổi – làm việc trong một nhà máy may mặc của Trung Quốc phải thức dậy lúc 5 giờ sáng và mất hơn một giờ đồng hồ để đến nhà máy. Tổng tiền lương một tháng của cô là 210 USD, cao hơn mức lương tối thiểu theo luật định của chính phủ là 182 USD/tháng.

Nữ công nhân này là bà mẹ của 5 đứa con, hai người con lớn nhất của cô cũng đang làm việc trong nhà máy Trung Quốc.

Trung Quốc đầu tư thành lập nhà máy

Kể từ khi trở thành thành viên ASEAN vào 20 năm trước và gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO vào năm 2004, nền kinh tế Campuchia đã dần dần hội nhập vào hệ thống thương mại khu vực và toàn cầu, trong đó ngành sản xuất hàng may mặc là xương sống của nền kinh tế định hướng xuất khẩu này. Theo đánh giá, đầu tư của Trung Quốc đối với lĩnh vực may mặc và giày dép của Campuchia là vô cùng quan trọng.

Ông Ken Loo, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà sản xuất hàng may mặc Campuchia, cho biết: “Hiện tại, khoảng 40% tổng vốn đầu tư đến từ Trung Quốc đại lục. Nếu chúng tôi tính cả đầu tư của Trung Quốc Đại lục, Đài Loan và Hồng Kông thì con số này đã tăng lên khoảng 65% và 70%”.

Được thúc đẩy bởi may mặc và du lịch, tăng trưởng kinh tế trung bình của Campuchia trong 10 năm qua đã đạt 8%, khiến quốc gia này trở thành một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Ngân hàng Thế giới ước tính, tốc độ tăng trưởng của Campuchia sẽ đạt 7% trong năm nay.

Xây dựng đặc khu kinh tế thu hút đầu tư nước ngoài

Để thu hút thêm đầu tư nước ngoài, Campuchia bắt đầu cho phép các công ty nước ngoài thành lập công ty ở đặc khu kinh tế vào năm 2005. Cho đến nay, 34 đặc khu kinh tế đã được phê duyệt, trong đó có 11 đặc khu đã đi vào hoạt động. Nhiều người Trung Quốc đã thành lập các nhà máy ở trong những đặc khu này, bao gồm Đặc khu kinh tế Phnom Penh, cách trung tâm thành phố Phnom Penh 10 km.

Văn phòng của ông Ken Loo nằm ở Đặc khu kinh tế Phnom Penh. Đặc khu kinh tế được thành lập năm 2006 với hơn 80 công ty nước ngoài, nhưng hầu hết trong số đó là các công ty Trung Quốc.

Trung Quốc đã tăng cường đầu tư vào Campuchia trong những năm gần đây. Ông Ken Loo cho biết trong hai năm qua, 60% các nhà đầu tư mới đến từ Trung Quốc đại lục.

Đặc khu kinh tế Sihanoukville – cách Đặc khu kinh tế Phnom Penh 210km về phía Tây – được các công ty Trung Quốc đầu tư vào năm 2008. Đặc khu Sihanoukville được coi là một dự án mang tính biểu tượng của sáng kiến Vành đai và con đường của Trung Quốc. Cổng thông tin chính thức của đặc khu Sihanoukville cho biết, đặc khu này vẫn đang trong quá trình xây dựng và sau khi hoàn thiện, nó sẽ hình thành một mô hình sinh thái với 300 doanh nghiệp (tổ chức) và 80.000-100.000 công nhân.

Người Campuchia nói gì về công việc trong nhà máy Trung Quốc?

Chia sẻ với VOA, một nữ công nhân Campuchia – đã làm việc trong nhà máy Trung Quốc khoảng ba tháng – cho biết, cô đến đây vì có người thân cũng đang làm việc ở đây. Cô đã làm việc ở Thái Lan được 4 năm và kiếm được nhiều tiền hơn bây giờ, nhưng so với việc lăn lộn ở nước ngoài thì giờ cô có thể sống ở nhà mình.

Cô nói: “Tôi hài lòng. Công việc không khó, tôi có thể làm tốt”.

Những công nhân này làm việc 8 giờ/ngày, nhà máy trả cho họ mức lương tối thiểu theo pháp luật. Họ cho biết, người Trung Quốc đầu tư vào Campuchia là một điều tốt nhưng tiền lương có thể cao hơn.

Một nữ công nhân khác nói: “Tốt thì tốt, nhưng họ nên trả cho chúng tôi mức lương cao hơn, điều này có lợi cho gia đình chúng tôi”.

Một nam thanh niên làm việc trong nhà máy sản xuất túi da Trung Quốc không hài lòng lắm với công việc của mình. Anh nói rằng công việc rất vất vả và mức lương anh nhận được mỗi tháng chỉ là mức lương tối thiểu. Các công nhân trong nhà máy đều là người Campuchia và người quản lý là người Trung Quốc.

Ken Loo: Các lệnh trừng phạt của châu Âu, Mỹ sẽ chỉ làm tăng sự phụ thuộc vào TQ

Tổng thư ký Hiệp hội các nhà sản xuất hàng may mặc Campuchia Ken Loo cho rằng một khi EU và Mỹ hủy bỏ ưu đãi thương mại đối với Campuchia thì quốc gia Đông Nam Á này sẽ có thể phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc.

“Nếu Trung Quốc là một quốc gia phát triển chủ chốt tiếp tục giao dịch, cung cấp viện trợ, quyên góp hoặc cho vay với Capuchia, thì tôi rất chắc chắn rằng Phnom Penh sẽ tự nhiên nghiêng về phía nhà cung cấp viện trợ này”, ông nói.

Là cố vấn của chính phủ cho Campuchia, ông Ken Loo rất lo lắng về việc hủy bỏ các ưu đãi thương mại ở châu Âu và Hoa Kỳ. Theo ông, đây sẽ là một cú đánh thảm khốc vào ngành may mặc của Campuchia, vì 46% sản phẩm quần áo sản xuất ở nước này xuất khẩu sang EU.

“Ngành công nghiệp của chúng tôi sử dụng khoảng 750.000 công nhân. Nếu tính rộng hơn, khoảng 3 triệu người phụ thuộc vào ngành công nghiệp này”, ông nói.

Nữ công nhân – mẹ của năm đứa trẻ làm việc trong một xưởng may của Trung Quốc là một trong 750.000 lao động đó. Cô nói rằng mặc dù công việc không lý tưởng, cô vẫn cần nó để phụ giúp gia đình.

Cô nói: “Ở nông thôn chẳng có gì để làm cả. Còn ở đây, tôi có thể kiếm tiền và nuôi con”.

RELATED ARTICLES

Tin mới