Saturday, April 27, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaMột số sự kiện nổi bật của TQ trong năm 2019

Một số sự kiện nổi bật của TQ trong năm 2019

Năm 2019, Trung Quốc đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có. Từ quan hệ quốc tế, an ninh chính trị nội bộ, đến kinh tế, quân sự đều gặp nhiều trở ngại. Đặc biệt là cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung chưa có hồi kết; tình hình căng thẳng ở Hồng Công tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp; vấn đề Đài Loan đang bế tắc; vấn đề người Duy Ngô Nhĩ tiếp tục bị phương Tây lên án, chỉ trích năng nệ; Trung Quốc gia tăng các hoạt động phi pháp trên Biển Đông, khiến Bắc Kinh bị cộng đồng quốc tế chỉ trích; nền kinh tế trong nước chịu áp lực suy giảm tăng trưởng nặng nề, năng suất lao động sụt giảm kéo dài khiến Bắc Kinh đối mặt với nhiều hệ lụy kinh tế và xã hội…

Về cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ

Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới nổ ra từ giữa năm ngoái và vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp và hoạt động kinh tế trên toàn cầu. Theo một khảo sát gần đây của Reuters, khoảng 80% các nhà kinh tế tham gia cho rằng chiến tranh thương mại sẽ giữ mức hiện tại hoặc trầm trọng hơn cho đến hết năm sau. Các cuộc đàm phán thương mại hai bên thời gian qua đều rơi bế tắc sau khi Bắc Kinh được cho là đi ngược với các cam kết trước đó, bao gồm việc thay đổi luật pháp để tăng cường các biện pháp bảo vệ sở hữu trí tuệ, hạn chế ép buộc doanh nghiệp Mỹ chuyển giao công nghệ cho các công ty Trung Quốc và tạo thuận lợi để doanh nghiệp Mỹ tiếp cận thị trường Trung Quốc. Sau đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh áp thuế bổ sung lên 200 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc, đồng thời lên kế hoạch tăng thuế đối với hầu hết các mặt hàng Trung Quốc nhằm tăng cường thế và lực của Washington trên bàn đàm phán. Mới đây nhất, hai bên liên tục tung thuế ăn miếng trả miếng đẩy thương chiến lên nấc thang mới. Washington ngày 1/9 kích hoạt thu thuế 15% đối với 112 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc, còn Bắc Kinh áp thuế bổ sung 5-10% lên hàng hóa Mỹ cùng ngày. Hiện chưa thể khẳng định các cuộc đàm phán sắp tới sẽ giúp trì hoãn việc áp thuế bổ sung từ 25% lên 30% đối với 250 tỷ USD hàng Trung Quốc từ ngày 15/10.

Quốc vụ viện Trung Quốc (2/6) công bố Sách Trắng về đàm phán thương mại Mỹ – Trung, trong đó cáo buộc “các hành vi của Mỹ trên bàn đàm phán hồi tháng 5 là nguyên nhân chính cho sự bế tắc thương mại song phương”. Theo Sách Trắng, quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đóng vai trò giữ cân bằng và thúc đẩy cho quan hệ song phương toàn diện. Sách Trắng nhấn mạnh, kể từ khi Mỹ và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao, mối quan hệ kinh tế và thương mại song phương đã có nhiều tiến bộ, các lĩnh vực hợp tác cũng được mở rộng ở mức cao hơn và đó là một mối quan hệ thuận lợi, đôi bên cùng có lợi, giúp ích không chỉ cho hai nước mà cả thế giới. Trung Quốc cũng thừa nhận với những khác biệt trong giai đoạn phát triển và hệ thống kinh tế, Bắc Kinh và Washington khó tránh khỏi những mâu thuẫn và bất đồng trong hợp tác thương mại.

Eo biển Đài Loan bùng phát căng thẳng

Từ đầu năm, Trung Quốc liên tục có các động thái gây sức ép nhằm tìm cách thống nhất vơi Đài Loan. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (1/2019) nhấn mạnh Trung Quốc phải thống nhất và Đài Loan sẽ không vắng mặt trong tiến trình “phục hưng dân tộc Trung Hoa”, đồng thời khẳng định Trung Quốc thực hiện mục tiêu thống nhất hòa bình; tìm kiếm phương án Đài Loan “một nước hai chế độ”, làm phong phú thực tiễn thống nhất hòa bình; kiên trì nguyên tắc một nước Trung Quốc, giữ gìn triển vọng thống nhất hòa bình; sâu sắc sự phát triển hội nhập giữa hai bờ, củng cố nền tảng thống nhất hòa bình; thực hiện gắn kết tâm tư nguyện vọng của nhân dân hai bờ, tăng cường sự đồng thuận đối với thống nhất hòa bình. Không những vậy, Trung Quốc còn tìm cách sử dụng tiền tệ để lôi kéo các nước có quan hệ ngoại giao với Đài Loan, nhằm từng bước cô lập Đài Bắc trên diễn đàn quốc tế. Chí tính riêng trong Tháng 9/2019, Đài Loan liên tục mất 2 đồng minh lâu năm vì Trung Quốc.

Đáng chú ý, Văn phòng báo chí Quốc vụ viện Trung Quốc (24/7) đã công bố Sách trắng quốc phòng mang tên Quốc phòng Trung Quốc trong thời đại mới. Trong văn bản này, Bắc Kinh mô tả lực lượng ly khai “Đài Loan độc lập” và các hoạt động của nhóm này luôn là mối đe dọa thực sự lớn nhất đối với hòa bình và ổn định của eo biển Đài Loan và là trở ngại lớn nhất cho quá trình thống nhất của Trung Quốc; cho rằng tình hình cuộc đấu tranh chống ly khai ngày càng nghiêm trọng và Chính quyền đảng Dân Tiến ngoan cố kiên quyết duy trì lập trường ly khai “Đài Loan độc lập”, từ chối công nhận “Đồng thuận 1992” – phản ánh nguyên tắc một Trung Quốc và đẩy mạnh việc thực thi “từ bỏ Trung Quốc hóa”, “tiến dần tới Đài Loan độc lập”… tăng cường sự đối đầu thù địch, dựa vào thế lực bên ngoài để đề cao bản thân và ngày càng tiến xa hơn nữa trên con đường chia rẽ. Lực lượng ly khai “Đài Loan độc lập” và các hoạt động của họ luôn là mối đe dọa thực sự lớn nhất đối với hòa bình, ổn định của eo biển Đài Loan và là trở ngại lớn nhất cho sự thống nhất hòa bình của tổ quốc. Văn bản cũng tuyên bố, giải quyết vấn đề Đài Loan và hiện thực hóa sự thống nhất hoàn toàn quốc gia là lợi ích cơ bản của dân tộc Trung Hoa và là yêu cầu tất yếu để hiện thực hóa sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa.

Tình hình căng thẳng ở Hồng Công

Đã gần 4 tháng qua, hoạt động biểu tình ở Hồng Công chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Bất kể Trưởng Đặc khu Hồng Công Lâm Trịnh Nguyệt Nga tuyên bố rút Dự luận dẫn độ, tình hình căng thẳng ở Hồng Công vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”, khiến Mỹ và các nước phương Tây tiếp tục hối thúc Bắc Kinh cần có giải pháp đối thoại cho vấn đề Hồng Công. Biểu tình gần 4 tháng qua ở Hồng Công được xem là một trong những thách thức lớn nhất với Chủ tịch Tập Cận Bình kể từ khi lên nắm quyền năm 2012. Trung Quốc phủ nhận can thiệp vào các vấn đề của Hồng Công, cáo buộc các nước phương Tây thúc đẩy tình trạng thêm bất ổn. Hình ảnh người dân xếp hàng dài tại sân bay biểu tình, các cuộc đụng độ trên khắp các con phố có mặt trên khắp các trang báo khiến nhiều nước lên tiếng quan ngại và kéo sụt lượng khách du lịch tới Hồng Công nhiều tháng qua. Hơn 1.100 người bị bắt giữ kể từ khi bạo lực leo thang đầu tháng 6. Hồng Công cũng đang phải đối mặt với cuộc suy thoái kinh tế lớn.

Kinh tế sụt giảm nghiêm trọng, xã hội bất ổn

Tình hình kinh tế suy giảm nghiêm trọng. Trung Quốc trở thành động lực chính của sự tăng trưởng kinh tế thế giới khi các quốc gia phát triển đang chịu thiệt hại sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Giờ đây, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phát triển với tốc độ chậm nhất kể từ đầu những năm 1990. Trung Quốc chứng kiến sản lượng công nghiệp tăng với tốc độ chấm nhất kể từ tháng 8/2002. Vài tuần sau, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói rằng sẽ không dễ để nước này duy trì tốc độ tăng trưởng trên 6%. Các vấn đề trong nước, thương chiến với Mỹ và dịch tả lợn, tất cả đang phá vỡ sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc. Không những vậy, xuất khẩu của Trung Quốc giảm 1% trong tháng Tám so với một năm trước đó và xuất khẩu sang Mỹ giảm mạnh 16%. Kinh tế Trung Quốc tăng 6,2% so với cùng kỳ trong quý II, giảm từ 6,4% trong ba tháng đầu năm và 6,6% trong năm 2018.

Cuộc sống người dân Trung Quốc đang bị đảo lộn và chịu ảnh hưởng lớn từ việc thiếu hụt thực thẩm và lạm phát tăng cao. Trong một khảo sát gần đây của Bloomberg, với nhiều người dân Trung Quốc, mối lo về chi phí sinh hoạt là lớn nhất. Rất nhiều người nói về việc cuộc sống ngày một khó khăn, đặc biệt khi giá thịt lợn tăng cao. Phó thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa cho biết, thịt lợn là món ăn chủ chốt tại Trung Quốc. Giá mặt hàng này đã tăng gần 50% trong tháng 8, khiến nhiều sản phẩm khác cũng trở nên đắt đỏ hơn. Tình trạng này có thể kéo dài sang năm sau. Ngay cả việc nhập khẩu thịt lợn cũng không đủ bù 10 triệu tấn thiếu hụt tại đây.

Vấn đề người Duy Ngô Nhĩ tiếp tục bế tắc

Mới đây nhất, hơn 30 nước dưới sự dẫn đầu của Mỹ đã lên án Trung Quốc “đàn áp” người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương, cho rằng các nước này đang vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc. Động thái diễn ra chỉ một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi chấm dứt đàn áp tự do tôn giáo trong một sự kiện khác bên lề cuộc họp thường niên của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vừa đưa ra tuyên bố kêu gọi các quốc gia Trung Á nên từ chối yêu cầu của Trung Quốc trong việc buộc hồi hương các sắc dân thiểu số về Trung Quốc; cho rằng việc Bắc Kinh giam giữ người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở miền tây Trung Quốc không liên quan gì đến chống khủng bố, như Trung Quốc tuyên bố. Thay vào đó, Ngoại trưởng Mỹ coi đây một nỗ lực nhằm xóa bỏ các nền văn hóa và các tôn giáo của người thiểu số. Ông Pompeo đã đưa ra ý kiến trên trong một cuộc họp vào Chủ nhật với các bộ trưởng ngoại giao của 5 nước Trung Á, bao gồm: Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan bên lề Đại hội đồng thường niên của Liên Hợp Quốc. Trước đó, Thượng viện Mỹ (11/9) đã thông qua một dự luật về các vấn đề nhân quyền tại Tân Cương. Dự luật có tên là “Đạo luật Chính sách nhân quyền Duy Ngô Nhĩ 2019”, yêu cầu chính phủ Mỹ tích cực gây áp lực lên Liên Hợp Quốc và các tòa án quốc tế khác phải hành động về vấn đề nhân quyền tại Tân Cương và kêu gọi Bộ Thương mại Mỹ xem xét trừng phạt các quan chức chính quyền và các cá nhân chịu trách nhiệm thành lập và duy trì các “trung tâm đào tạo” ở vùng lãnh thổ cực Tây của Trung Quốc. Ngoài ra, dự luật cũng yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ công bố đánh giá hằng năm về quy mô và điều kiện của các “trung tâm đào tạo” Tân Cương nhằm giúp các quan chức.

Lễ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Trung Quốc

Ngày 1/10, Trung Quốc đã tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm quốc khánh nước này, đồng thời tổ chức một cuộc duyệt binh và diễu hành hoành tráng. Cuộc duyệt binh kéo dài 80 phút, với sự tham dự của 15.000 người, bao gồm 59 đội hình cùng hơn 160 máy bay và 580 thiết bị quân sự vũ khí các loại. Lễ diễu hành kéo dài 65 phút, có khoảng 100.000 người đại diện cho các giới và các ngành nghề tham dự.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm Quốc khánh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định vị thế của Trung Quốc đang đứng đầu “phương Đông” và “không có quyền lực nào có thể kích động vị thế của quê hương vĩ đại của chúng ta”; tái khẳng định quyết tâm của Trung Quốc trong việc thực hiện nguyên tắc “thống nhất một cách hòa bình”, tuân thủ chính sách “Một quốc gia, Hai chế độ” và quyết tâm thống nhất đất nước. Không những vậy, Trung Quốc cũng đã phô trương các loại vũ khí hạng nặng mới nhất, trong đó có tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Đông Phong 41 (DF-41) cơ thể vươn tới lãnh thổ Mỹ, tên lửa Đông Phong 17 (DF-17) và đội hình tên lửa hạt nhân Đông Phong 5B. Tên lửa hành trình siêu thanh loại mới nhất của Trung Quốc với mật mã CJ-100 cũng lần đầu tiên xuất hiện trong cuộc diễu binh lần này. Bên cạnh đó, rất nhiều vũ khí mới của Trung Quốc được trình diện lần đầu tiên, trong đó có tên lửa chiến lược phóng từ tàu ngầm Cự Lang JL-2 mới nhất, tên lửa hành trình chống hạm thế hệ mới YJ-18/18A và máy bay không người lái hiện đại, các phương tiện không người lái hoạt động dưới mặt nước. Trong đó bao gồm các chủng máy bay không người lái do thám có khả năng hoạt động nhiều độ cao và tầm xa khác nhau.

Tăng cường hoạt động trái phép ở Biển Đông

Đáng chú ý, từ đầu tháng 7/2019 đến nay, Trung Quốc liên tục điều các nhóm tàu khảo sát, chấp pháp hoạt động trái phép trong vùng biển của Việt Nam, Malaysia, Philippines, Nhật Bản… Hành động trên của Bắc Kinh đã vấp phải sự phản đối cứng rắn của cộng đồng quốc tế. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagu (20/7) đã phát đi Thông cáo bày tỏ quan ngại trước các thông tin về hành vi can thiệp của Trung Quốc đối với các hoạt động liên quan tới dầu khí trong khu vực, bao gồm các hoạt động thăm dò và khác dầu khí từ lâu của Việt Nam. Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ: “Những hành động khiêu khích lặp đi lặp lại của Trung Quốc nhằm vào các hoạt động phát triển dầu khí ở ngoài khơi đã đe dọa tới an ninh năng lượng trong khu vực và gây tổn hại cho thị trường năng lượng tự do và cởi mở tại Ấn Độ – Thái Bình Dương”. Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định Washington “kịch liệt phản đối hành vi cưỡng ép trái phép và đe dọa của bất kỳ bên nào nhằm khẳng định yêu sách hàng hải hoặc chủ quyền của mình”, đồng thời yêu cầu “Trung Quốc nên chấm dứt các hành động bắt nạt, kiềm chế tham gia vào các hành động khiêu khích và gây bất ổn”. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton (19/7) cũng lên tiếng chỉ trích hành động đe dọa hòa bình và an ninh của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Ông John Bolton nhận định tôn trọng chủ quyền và tự do hàng hải là vấn đề căn bản trong tầm nhìn Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ và ASEAN. Hành vi cưỡng ép của Trung Quốc nhằm vào các nước láng giềng Đông Nam Á đang phản tác dụng và đe dọa hòa bình – ổn định khu vực…

Sách Trắng Quốc phòng Trung Quốc năm 2019

“Sách Trắng quốc phòng Trung Quốc trong thời đại mới” cho rằng tình hình an ninh quốc tế vẫn có nhiều bất ổn, tính khó đoán định mà an ninh quốc tế phải đối mặt càng nổi cộm hơn. Mỹ tiến hành đổi mới công nghệ và thể chế quân sự, theo đuổi ưu thế quân sự tuyệt đối. Sự cạnh tranh chiến lược quốc tế đang gia tăng. Mỹ đã điều chỉnh chiến lược an ninh quốc gia và chiến lược quốc phòng, theo đuổi chính sách đơn phương, kích động tăng cường sự cạnh tranh nước lớn, tăng mạnh ngân sách quốc phòng, tăng cường năng lực trong các lĩnh vực như vũ khí hạt nhân, vũ trụ, mạng Internet và phòng thủ tên lửa…, làm suy yếu sự ổn định chiến lược trên toàn cầu. Trung Quốc cho rằng, trong khi trọng tâm kinh tế và chiến lược của thế giới tiếp tục chuyển sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thì khu vực này cũng trở thành trọng tâm của cuộc đọ sức nước lớn, mang lại tính khó lường cho an ninh khu vực. Mỹ đã tăng cường củng cố các liên minh quân sự ở châu Á-Thái Bình Dương, tăng cường triển khai và can thiệp quân sự, làm tăng thêm nhân tố phức tạp cho an ninh châu Á-Thái Bình Dương. Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc, phá hoại nghiêm trọng sự cân bằng chiến lược trong khu vực, làm tổn hại nghiêm trọng lợi ích an ninh chiến lược của các quốc gia trong khu vực.

Sách Trắng nêu lại mục tiêu xây dựng quân đội Trung Quốc được Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đề ra, nhấn mạnh xây dựng “quân đội tầm cỡ thế giới”: Mục tiêu chiến lược của xây dựng quân đội và quốc phòng Trung Quốc trong thời đại mới là đến năm 2020, về cơ bản thực hiện cơ giới hóa, đạt được tiến triển lớn trong việc xây dựng tin học hóa, năng lực chiến lược được nâng lên. Để phù hợp với tiến trình hiện đại hóa quốc gia, sẽ thúc đẩy toàn diện hiện đại hóa lý luận quân sự, hiện đại hóa hình thái tổ chức quân sự, hiện đại hóa nhân viên quân sự, hiện đại hóa trang bị vũ khí, cố gắng đến năm 2035 về cơ bản thực hiện hiện đại hóa quốc phòng và quân đội, đến giữa thế kỷ này xây dựng quân đội nhân dân thành một quân đội tầm cỡ thế giới. Sách Trắng xác định các mục tiêu của quân đội Trung Quốc trước hết là bảo vệ các “lợi ích cốt lõi”, như kiềm chế lực lượng ủng hộ “Đài Loan độc lập”, trấn áp các lực lượng ly khai như “Tây Tạng độc lập” và Đông Turkestan, duy trì sức mạnh ở Biển Đông. Sách Trắng nhấn mạnh: “Giải quyết vấn đề Đài Loan, thực hiện thống nhất hoàn toàn đất nước là lợi ích cơ bản; không cam kết từ bỏ việc sử dụng vũ lực, bảo lưu sự lựa chọn áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết, nhằm vào sự can thiệp của các thế lực bên ngoài và số ít các lực lượng ủng hộ Đài Loan độc lập cũng như các hoạt động ly khai của chúng, tuyệt đối không nhằm vào đồng bào Đài Loan. Nếu bất cứ ai muốn tách Đài Loan khỏi Trung Quốc, quân đội Trung Quốc kiên quyết đánh bại bằng mọi giá, bảo vệ sự thống nhất quốc gia”.

Chạy đua vũ trang Trung – My ngày càng căng thẳng

Trong năm 2019, Trung Quốc và Mỹ liên tục có các động thái mới công khai chạy đua sở hữu pháo tầm xa nhằm răn đe nhau trên Biển Đông cũng như trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Pháo binh tầm xa được coi là “át chủ bài” của Lục quân Trung Quốc, lực lượng này đang có trong biên chế trang bị rất nhiều tổ hợp pháo phản lực phóng loạt cực kỳ hiện đại. Quân đội Trung Quốc mới đây đã đăng tải hình ảnh về một diễn tập bắn đạn thật với tổ hợp pháo phản lực phóng loạt (MLRS) tầm xa cực kỳ tiên tiến AR3 cỡ nòng 370 mm. Tổ hợp MLRS AR3 được Tập đoàn công nghiệp quốc phòng Phương Bắc – NORINCO giới thiệu lần đầu tại Triển lãm Hàng không quốc tế Chu Hải 2014. AR3 chính là bản nâng cấp toàn diện dựa trên tổ hợp pháo phản lực phóng loạt PHL-03 cỡ 300 mm đang được coi là tiêu chuẩn của pháo binh tầm xa Trung Quốc. Đạn rocket của PHL-03 có tầm xa tới 150 km với sai số vòng tròn (CEP) 10m. Phiên bản AR3 thế hệ mới hiện đang được Trung Quốc chào bán cho thị trường nước ngoài và chưa chấp nhận đưa vào trang bị chính thức cho pháo binh tầm xa. Đây là điều gây thắc mắc vì trong các cuộc thử nghiệm, AR3 đã có những màn thể hiện tuyệt vời khi đánh trúng mục tiêu cách xa tới 280 km với sai số nhỏ hơn 3m. So với tên lửa đạn đạo tầm ngắn, pháo phản lực phóng loạt AR3 370 mm có ưu thế ở giá thành rẻ hơn, có thể sử dụng để tấn công nhiều mục tiêu cùng lúc. Đánh chặn những quả đạn rocket cỡ 370 mm mang theo đầu đạn nặng 200 kg này cũng khó khăn hơn nhiều so với tên lửa đạn đạo, do kích thước của chúng nhỏ hơn đáng kể trong khi vận tốc bay cũng tương đương. Trong khi đó, Mỹ lại có tham vọng vượt xa Trung Quốc. Bộ trưởng Lục quân Mỹ Mark Esper (23/1) tiết lộ quân đội Mỹ đang phát triển một loại pháo tầm xa với tầm bắn 1.000 dặm (1.610km), có khả năng tấn công các mục tiêu di động ở Biển Đông từ một ụ pháo trên đất liền. Theo ông Mark Esper, với việc nghiên cứu, phát triển loại pháo trên Mỹ có thể khóa mục tiêu kẻ thù, khóa mục tiêu trên biển, ở khoảng cách xa từ trên đất liền. Dự án công nghệ đạn pháo tăng tầm (ERCA) mà Lục quân Mỹ đang triển khai là cơ hội để lực lượng này phát triển được những mẫu pháo có tầm bắn lên đến khoảng 1.600 km. Dòng pháo bắn xa nhất của Mỹ hiện chỉ đạt khoảng 100 km.

Không những vậy, Trung – Mỹ còn đang tham gia chạy đua sở hữu tên lửa siêu vượt thanh. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Quốc khánh, Trung Quốc chính thức giới thiệu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa di động DF-17 mang phóng đầu đạn hạt nhân siêu vượt âm. DF-17 do Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC) chế tạo. DF-17 có tầm bắn từ 18.000 – 25.000 km, đây là tầm bắn xa nhất của gia đình tên lửa Dongfeng (và tầm xa nhất trên thế giới). DF-17 được cho là có khả năng đạt tốc độ 12.360 km/giờ, gấp 10 lần tốc độ âm thanh và có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân. Trong khi đó, tháng 7/2019, Tạp chí Aviation Week đã đăng tải thông tin về việc Mỹ tiến hành cùng lúc 7 chương trình vũ khí siêu vượt âm mới, trong đó có C-HGB và LRHW. Công nghệ C-HGB đã được Phòng thí nghiệm quốc gia Mỹ Sandia thử nghiệm thành công trong các năm 2011 và 2017. Công nghệ này khi được áp dụng trong các chương trình vũ khí của Quân đội Mỹ được mang nhiều tên gọi khác nhau, như: LRHW của Lục quân, Vũ khí siêu vượt âm tấn công nhanh của Hải quân và Vũ khí tấn công siêu vượt âm đa dụng của Không quân. Bộ Quốc phòng Mỹ (5/9) cũng cho biết, công ty Dynetics Technical Solutions đã nhận được hợp đồng trị giá 351,6 triệu USD để chế tạo lô vũ khí siêu vượt âm thế hệ mới Common-Hypersonic Glide Body (C-HGB) đầu tiên của Mỹ.

RELATED ARTICLES

Tin mới