Friday, April 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTQ đang mở chiến dịch tuyên truyền quy mô lớn, có chủ...

TQ đang mở chiến dịch tuyên truyền quy mô lớn, có chủ đích cho “đường lưỡi bò” phi pháp ở Biển Đông

Hàng loạt vụ việc liên quan công nghệ số gần đây cho thấy Bắc Kinh đang tiến hành một chiến dịch quảng bá rầm rộ cho yêu sách “đường lưỡi bò” phi pháp ở Biển Đông, trong đó luôn tìm mọi cách thâm nhập vào Việt Nam.

Cài cắm “đường lưỡi bò” trong các ứng dụng bản đồ xe hơi

Ngày 19/10, các loại ôtô Zotye, Baic… do Trung Quốc sản xuất, xuất khẩu sang Việt Nam bị phát hiện được cài phần mềm bản đồ có “đường lưỡi bò”, mặc du không sử dụng được.Giám đốc Kylin (Đại lý nhập khẩu và phân phối các dòng xe mang thương hiệu Haima, Geely, Zotye và Baic của Trung Quốc tại Việt Nam) cho biết, các xe do Trung Quốc sản xuất đều được nước này cài phần mềm ứng dụng bản đồ định vị vệ tinh trên trang Web Navigation.

Không chỉ dừng lại ở những hãng xe hơi Trung Quốc, Bắc Kinh con tác động để đưa các phần mềm tương tự vào các hãng xe hơi nổi tiếng châu Âu. Ngày 27/10, khách hàng Việt Nam tiếp tục phát hiện chiếc Volkswagen Touareg của Đức có bản đồ “đường lưỡi bò” trong ứng dụng điều hướng. Đại diện hãng xác nhận đây là sơ suất khi không kiểm tra kỹ trước khi mang xe đi trưng bày tại triển lãm.Tổng giám đốc Volkswagen Việt Nam cho biết, xe được đặt hàng hãng mẹ tại Đức theo diện tạm nhập tái xuất để phục vụ triển lãm. Hãng mẹ sau đó chỉ định cho đại lý Việt Nam nhập chiếc Touareg từ Trung Quốc.Các doanh nghiệp sau đó cam kết sẽ nâng cấp phần mềm để hủy bỏ bản đồ “đường lưỡi bò” trong phần Navigation hoặc thay thế toàn bộ phần nội thất xe liên quan.

Lồng ghép tinh vi “đường lưỡi bò” trong phim ảnh giải trí

Gần nhất có thể kể là vào tháng 3/2018, bộ phim “Điệp Vụ Biển Đỏ” và tháng 10/2019 là phim “Everest -Người tuyết bé nhỏ”, đã được Trung Quốc lồng ghép “đường lưỡi bò” phi pháp một cách rất tinh vi. Trong đó Bộ phim “Everest -Người tuyết bé nhỏ” do hãng “DreamWorks” của Mỹ hợp tác sản xuất với Công ty “Pearl” của Trung Quốc. Bộ phim kể về hành trình của cô bé gốc Hoa tên Yi cứu Người tuyết thoát khỏi sự giam cầm của một nhóm các nhà khoa học và đưa nó trở về quê hương trên đỉnh Everest. Mặc dù là bộ phim có quốc tế có bản quyền chiếu tại các rạp ở nhiều nước, nhưng các nhà sản xuất Trung Quốc đã tác động để bộ phim sau đó sử dụng hình ảnh “đường lưỡi bò” thay vì hình ảnh bản đồ bình thường như bao bộ phim khác.

Hay như bộ phim “Điệp Vụ Biển Đỏ” do phía Bộ Quốc phòng Trung Quốc đầu tư, sản xuất công phu nhằm đánh bóng cho hình ảnh quân đội Trung Quốc. Phim có hai phút cuối cùng nhạt nhòa, nhưng lại hàm chứa ý đồ thâm sâu của phía sản xuất. Sau khi các sự kiện chính kết thúc, bộ phim xuất hiện hình ảnh một vùng biển với chú thích “Nam Hải” (cách Trung Quốc gọi Biển Đông). Tại vùng biển đó là hình ảnh một con tàu không rõ quốc tịch, bị bao vây bởi các tàu chiến và hải giám Trung Quốc. Phía quốc gia tỷ dân dùng loa thông báo rằng đây là hải phận của Trung Quốc và yêu cầu con tàu phía trước ngay lập tức rút lui khỏi vùng biển.

Cài đặt trong các trò chơi trực tuyến và ứng dụng thời tiết

Cũng trong tháng 10, khách hàng Việt Nam đã phát hiện trong trò chơi “Âm Dương Sư” tài về và cài đặt trên điện thoại thông minh hay máy tính có sử dụng bản đồ “đường lưỡi bò”. Ngay sau đó, trò chơi đã bị người dùng Việt Nam tẩy chay. Ngày 16/10, Công ty Dịch vụ phần mềm Bình Minh, nhà phát hành trò chơi Âm Dương Sư tại Việt Nam, thông báo đóng cửa trò chơi này vì bản cập nhật mới nhất của trò chơi xuất hiện bản đồ “đường lưỡi bò” có nội dung vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam. Trước đó, Việt Nam cũng nhiều lần phát hiện trong các trò chơi cho trẻ em của Trung Quốc cũng được lồng ghép các bản đồ “đường lưỡi bò”.

Những người dùng iPhone, iPad tiếng Việt hoặc tiếng Trung, khi tra bản đồ thời tiết Weather.com, được cài đặt sẵn trên thiết bị, sẽ nhìn thấy “đường lưỡi bò” bao trùm toàn bộ Biển Đông. Điều đáng chú ý là đường lưỡi bò này chỉ hiển thị trên phiên bản tiếng Việt Nam, tiếng Indonesia, tiếng Nhật Bản, tiếng Trung Quốc của bản đồ thời tiết, không hiển thị trên bản đồ tiếng Anh, Pháp hay tiếng Hindi. Cá biệt, nếu ta chọn phiên bản tiếng Trung Quốc từ vùng lãnh thổ Đài Loan, bản đồ Weather cũng không hiển thị “đường lưỡi bò” bao phủ Biển Đông. Bằng việc cắm “đường lưỡi bò” vào đây và chỉ thể hiện trên phiên bản của một số ngôn ngữ, rõ ràng Trung Quốc đã chọn lựa đối tượng tuyên truyền của mình – những quốc gia đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc hoặc những quốc gia đã bác bỏ yêu sách chủ quyền vô lý, phi pháp của nước này.

Rõ ràng những sự cố như trên là nhằm tuyên truyền có chủ ý của TQ

“Đường lưỡi bò” hay còn gọi là “Đường chín đoạn”, “Đường chữ U”, “Đường chín khúc”, dùng để chỉ đường quốc giới hải vực bao trọn Biển Đông mà Trung Quốc chủ trương và đơn phương tuyên bố chủ quyền. Vào ngày 12/7/2016, trong vụ kiện chủ quyền của Philippines, Tòa án Trọng tài thường trực theo Phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 bác bỏ với lý do “không có căn cứ pháp lý cho việc Trung Quốc nêu quyền lịch sử với các tài nguyên nằm trong vùng biển trong đường chín Đoạn”.

Kết luận: Mưu đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc đến nay đã quá rõ ràng qua những hành động hung hăng trên biển và những chiêu thức âm thầm trên đất liền, trên không gian mạng, trong suốt rất nhiều năm qua. Chính Trung Quốc, chứ không phải ai khác, đang giẫm đạp lên những phát ngôn của họ về việc trỗi dậy hòa bình, kết bạn với thế giới, hành xử có trách nhiệm với an ninh, ổn định trong khu vực… Trong nỗ lực hợp thức hóa ‘đường lưỡi bò’ (đã bị Tòa án Trọng tài Thường trực PCA phán quyết là vô giá trị từ năm 2016) phi pháp của mình, Trung Quốc đã kiên trì thực hiện nhiều phương thức, thủ đoạn, bao gồm chỉnh sửa sách giáo khoa để nhồi nhét lịch sử sai lệch vào đầu thế hệ trẻ Trung Quốc, tuyên truyền về “đường lưỡi bò” qua phim ảnh, sách báo, các mặt hàng thời trang… ra khắp thế giới.

RELATED ARTICLES

Tin mới