Saturday, April 20, 2024
Trang chủĐàm luậnAi “xâm chiếm và chiếm đóng” các hòn đảo của TQ?

Ai “xâm chiếm và chiếm đóng” các hòn đảo của TQ?

Hội thảo khoa học quốc tế Biển Đông trong hai ngày từ 6 đến 8/11 đã kết thúc mà chẳng để lại dấu ấn gì đặc biệt. Đề tài hội thảo khá nóng: “Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực”. Thế nhưng có thể Việt Nam, nước chủ nhà, đã không tỏ rõ thái độ khiến cho nó nguội đi. Và vì nó nguội nên ngay sau đó Bắc Kinh đã lật lọng.

Trong hội thảo, ông Lê Hoài Trung, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam toàn nói những điều chung chung, mập mờ, không một lần uốn lưỡi, động đến hai tiếng Trung Quốc. Thái độ chủ nhà như vậy thì làm sao khách có thể bày tỏ sự ủng hộ, mà ủng hộ cái gì, khi Việt Nam liên tục “bắn chỉ thiên”.Việc Trung Quốc quấy rối ở bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam từ tháng 7 đến nay, cả thế giới đều biết quá rõ ràng, nhưng Việt Nam vẫn cứ nói mơ hồ rằng các “bên liên quan” tổ chức “nước ngoài” đã vi phạm vùng EEZ của chúng tôi.

Thái độ khó hiểu để “giữ đại cục” đó ngấm sâu vào máu của các nhà lãnh đạo Hà Nội. Từ ông Thủ tướng đến các vị tướng lĩnh phát biểu trong Quốc hội đều không hé răng đụng đến Trung Quốc. Họ cứ nói như sách phải kiên trì, phải tỉnh táo, sáng suốt, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo. Hà Nội ca mãi cái điệp khúc: Việt Nam sẵn sàng cùng cộng đồng quốc tế đóng góp tích cực vào duy trì trật tự hòa bình, an ninh khu vực, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật ở Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về UNCLOS 1982.

Thật là một kiểu né tránh vô tiền khoáng hậu!

Trong khi đó, Hội thảo quốc tế và hợp tác và an ninh tại Hà Nội vừa tan,biên bản còn chưa ráo mực, Trung Nam Hải đã lập tức giở trò cũ hết sức nhố nhăng, vu cáo Việt Nam vi phạm lãnh hải Trung Quốc. Đây là trò đấu tố ngược. Họ coi Việt Nam mới là kẻ “làm phức tạp” vấn đề Biển Đông. Ông Cảnh Sảng, một phát ngôn viên nhọn lưỡi của Bộ Ngoại giao Trung Quốc la lối, Việt Nam và các nước có yêu sách khác đã “xâm chiếm và chiếm đóng” các hòn đảo của Trung Quốc. Ông ta đe dọa: “Việt Nam cần phải đối mặt với thực tế lịch sử và tuân thủ sự đồng thuận ở cấp cao mà hai nước đã đạt được, tránh những hành động có thể làm phức tạp tình hình, xáo trộn đại cục hòa bình, ổn định ở Biển Đông và quan hệ song phương”.

Cây muốn lặng gió chẳng đừng. Mặc cho Hà Nội nhẫn nhịn chịu đựng, Bắc Kinh vẫn không lùi một bước. Họ tuyên truyền ra rả về “hành động chính đáng” của mình ngoài Biển Đông. Họ coi Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei mới là những nước nhỏ có đầu óc bành trướng, muốn xâm chiếm biển đảo của họ.

Phải nhận rằng, tình hình dư luận quốc tế trong thời gian qua đã có nhiều điểm thuận lợi hơn cho Việt Nam. Các quốc gia, nhất là Mỹ đã thấy rõ sự vô căn cứ, phi pháp và phi lý trong các đòi hỏi về chủ quyền, quyền chủ quyền của Trung Quốc. Hải quân Trung Quốc không khác gì những tên hải tặc trên các vùng biển quốc tế.

Vấn đề là ở chỗ các nhà lãnh đạo Hà Nội vẫn lúng túng trong đối sách với Trung Quốc về Biển Đông. Do lúng túng trong việc cố giữ “đại cục” cho nên không có giải pháp nào hữu hiệu. Nắm được gót chân Asin, Bắc Kinh tiếp tục giương cao ngọn cờ vô thiên vô pháp, coi Tòa án quốc tế cũng chỉ là sân khấu hề.

Tại hội thảo nêu trên,khi được báo chí chất vấn thì ông Thứ trưởng Trung ấp úng.Rằng không có chuyện Việt Nam khởi kiện Trung Quốc.Câu nói này khiến các nhà bình luận lo ngại, thái độ mập mờ như thế liệu sang 2020, Việt Nam làm thế nào ngồi vững vào cái ghế Chủ tịch ASEAN?

Đục nước béo cò. Khi các đại biểu chất vấn về thái độ coi thường công pháp quốc tế của Trung Quốc trên Biển Đông, đại biểu Bắc Kinh tảng lờ, huyên thuyên về triển vọng của bang giao Trung – Mỹ .Trong khi đó quan hệ giữa hai nước lớn vẫn rất căng thẳng. Tổng thống Donald Trump vừa tuyên bố, ông vẫn chưa đồng ý giảm bớt thuế quan của Mỹ, điều mà Bắc Kinh tìm kiếm.

Nói thêm một chút về khả năng khởi kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế. Theo chuyên gia hàng hải Poling, Việt Nam nên nghiêm túc cân nhắc việc này.Không còn nghi ngờ gì hành động xâm lược của Trung Quốc, nhằm đẩy Việt Nam ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của mình.

Trong thời gian 4 tháng, kể khi tàu khảo sát Hải Dương 8 cùng nhóm tàu hải cảnh của Trung Quốc ngang nhiên hoạt động trong vùng biển của Việt Nam, mọi cơ chế giao tiếp song phương đều thất bại. Nếu như Việt Nam có đủ hồ sơ thì cần phải kiện ngay, bởi khả năng thắng kiện rất cao.

Muốn kiện kẻ xâm lược thì nên chuẩn bị kỹ về dư luận, thông tin đầy đủ đến nhân dân trong nước và quốc tế. Thái độ phải cứng rắn, dứt khoát như hồi năm 2014 khi Trung Quốc bất chấp pháp luật, đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam. Hà Nội chớ có “đu dây” giữa Mỹ và Trung Quốc. Kẻ cướp vào nhà mình mà mình không tri hô, kêu cứu thì hàng xóm sẽ chẳng có ai vào cứu giúp. Không nên trông chờ quá nhiều vào Mỹ. Trước khi giúp ai, Mỹ phải đặt lên hàng đầu khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết”.

Chừng nào Hà Nội còn tự cho mình là khôn khéo, cứ nói tới “bên liên quan” hay “nước ngoài” vi phạm vùng EEZ của mình thì chừng đó Bắc Kinh còn tiếp tục phớt lờ. Bởi Bắc Kinh đang la lối là Việt Nam vi phạm lãnh hải của họ kia mà, họ chả phải “bên liên quan” nào hết.

Người Trung Quốc có câu: “Dầy mây thì mưa”. Mây đen đang kéo đầy biển Đông. “Mưa” nghĩa là biển Đông nằm gọn trong tay họ. Vậy thì Việt Nam còn hi vọng, còn chờ đợi gì ở thứ “bạn tốt”, ở tình hữu nghị viển vông?

RELATED ARTICLES

Tin mới