Phát biểu tại Hội nghị Ấn Độ Dương (IOC) ở thủ đô Male của Maldives, Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Harry Harris (4/9) đã gay gắt chỉ trích các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông.
Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Harry Harris cho rằng “việc Trung Quốc tiếp tục can thiệp và có hành vi leo thang đối với các hoạt động khai thác dầu khí lâu đời của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là rất đáng lo ngại; nhấn mạnh chính sách ngoại giao của Trung Quốc là tìm cách buộc các thành viên ASEAN xác định các quy tắc ứng xử trong khu vực do Bắc Kinh đưa ra và tuân thủ theo mong muốn của Trung Quốc. Các bạn có thể thấy sự hăm dọa trong việc quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông và bất chấp luật pháp quốc tế. Như Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từng nói hành vi bắt nạt của Trung Quốc ở Biển Đông cho thấy sự lựa chọn rộng lớn hơn cho các quốc gia trong khu vực. Sự cưỡng ép và kiểm soát đối với tự do và luật pháp”; tái khẳng định “Mỹ không đứng về bên nào trong tranh chấp lãnh thổ. Điều mà chúng tôi tin tưởng là vùng biển rộng lớn được gọi là Biển Đông là vùng biển quốc tế. Các căn cứ quân sự mà Trung Quốc tạo ra… (với) bức tường cát khổng lồ giữa Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp”. Ngoài ra, Đại sứ Harry Harris cho rằng “Mỹ và Trung Quốc bất đồng một cách cơ bản về cách tiếp cận đối với trật tự quốc tế hiện tại. Chính phủ Trung Quốc không giữ lời, từ hiệp ước với Anh về Hồng Công, tới những cam kết đối với WTO và nhân quyền. Đây là lý do tại sao chúng tôi đã nói rất rõ trong tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của chúng tôi rằng Mỹ bác bỏ chính sách đối ngoại dựa trên đòn bẩy và thống trị, thay vào đó là tìm kiếm các mối quan hệ dựa trên sự tôn trọng, bình đẳng và trao đổi công bằng. Các vị có thể thấy sự khác biệt về giá trị và cách Trung Quốc đối xử với người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi, công dân của chính họ ở miền tây Trung Quốc”.
Để đáp trả sự chỉ trích của Mỹ cũng như cộng đồng quốc tế, Đại sứ Trung Quốc tại Somalia Ngụy Hồng Điền lớn tiếng lặp lại yêu sách “chủ quyền” của Trung Quốc ở Biển Đông, một yêu sách vốn bị cộng đồng quốc tế bác bỏ và chỉ trích gay gắt. Ông Ngụy Hồng Điền ngang ngược cho rằng “về việc quân sự hóa, tự do hàng hải … ở Biển Nam Hoa (ám chỉ Biển Đông), Trung Quốc có chủ quyền không thể chối cãi đối với quần đảo Nam Sa (ám chỉ quần đảo Trường Sa) ở Biển Nam Hoa và các vùng biển lân cận”; đồng thời tìm cách ngụy biện rằng “mọi người đều đang được hưởng quyền tự do hàng hải, không có gì xảy ra ở đó”.
Được biết, Hội thảo quốc tế Ấn Độ Dương được tổ chức với kỳ vọng thúc đẩy cấu trúc an ninh và tăng cường quản trị trong khu vực. Đặc biệt trong bối cảnh môi trường địa chính trị ở khu vực có nhiều thay đổi, Hội thảo sẽ cung cấp cơ hội để làm sâu sắc thêm sự hiểu biết về tầm quan trọng chiến lược của khu vực và các vùng lân cận. Trong năm 2018, Quỹ Ấn Độ phối hợp với Học viện Ngoại giao Việt Nam, Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược Bangladesh sẽ tổ chức Hội thảo Quốc tế Ấn Độ Dương lần thứ 3 với chủ đề “Xây dựng cấu trúc khu vực” (27-28/8) tại Hà Nội. Hội thảo tập trung thảo luận về các vấn đề an ninh, kinh tế, thương mại ở khu vực Ấn Độ Dương và các vùng lân cận trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương; về cấu trúc khu vực đang định hình và thúc đẩy hợp tác giữa các nước liên quan trong xây dựng lòng tin, tôn trọng các chuẩn mực và luật pháp quốc tế, giải quyết hòa bình các tranh chấp, quản trị đại dương và xử lý các thách thức an ninh phi truyền thống trên biển.
Thủ tướng Sri Lanka, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, Phó thủ tướng Nepal, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ và Bộ trưởng Ngoại giao Singapore đã phát biểu khai mạc hội thảo, nêu bật tầm quan trọng của vấn đề xây dựng cấu trúc khu vực. Trong các phiên trao đổi cấp bộ trưởng và quan chức cấp cao, các đại biểu chia sẻ nhiều ý kiến về thách thức, cơ hội và tầm nhìn về xây dựng cấu trúc an ninh khu vực. Nhiều đại biểu khẳng định vị trí quan trọng của Việt Nam trong khu vực, cho rằng đây là thời điểm thích hợp để Việt Nam tổ chức Hội thảo Ấn Độ Dương lần thứ ba. Các đại biểu chia sẻ quan ngại về các vấn đề an ninh khu vực, trong đó có an ninh biển. Trong quá trình xử lý các thách thức an ninh, các đại biểu đề cao việc tôn trọng luật pháp quốc tế, không sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình các tranh chấp. Tại hội thảo, đại biểu đến từ các quốc gia đang phát triển đã chia sẻ, trong bối cảnh thế giới đang chuyển hóa nhanh chóng với sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng, yêu cầu quan trọng là tạo ra sân chơi và cạnh tranh bình đẳng nhưng vẫn không bỏ qua tính khác biệt về trình độ và mô hình phát triển giữa các quốc gia. Theo đó, các quốc gia, ở các cấp độ phát triển đa dạng, cần có sự tôn trọng và hỗ trợ lẫn nhau, từ đó thúc đẩy hòa bình, an ninh, hợp tác và ổn định trong khu vực.
Trước phiên khai mạc đã diễn ra ba phiên thảo luận khoa học với sự tham gia của nhiều chuyên gia và học giả uy tín với các nội dung về cấu trúc an ninh khu vực; cấu trúc quản trị; thương mại và ổn định khu vực. Các học giả nêu nhiều ý tưởng, song đều thống nhất nhu cầu kết nối Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ngày càng tăng do đây là những khu vực chiến lược về an ninh, kinh tế của thế giới, có nhiều lợi ích và giá trị gắn kết. Mặt khác, khu vực này đang đối mặt với hàng loạt thách thức lẫn cơ hội mới đến từ các thay đổi đáng kể trên mọi lĩnh vực. Vì vậy, việc xây dựng một cấu trúc khu vực bền vững, lấy luật pháp quốc tế là nền tảng, ASEAN làm trung tâm, duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, phát triển kinh tế ở từng quốc gia làm điều kiện, sẽ đáp ứng lợi ích và nguyện vọng chung của tất cả các quốc gia.