Monday, November 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTQ “vừa răn đe, vừa dụ dỗ” Đài Loan, song không thay...

TQ “vừa răn đe, vừa dụ dỗ” Đài Loan, song không thay đổi quyết tâm thống nhất Hai bờ

Tại Hội nghị Trung ương 4 đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XIX, Bắc Kinh một lần nữa lại thể hiện quyết tâm thống nhất với Đài Loan. Tuy nhiên, trong một động thái được coi là “xoa dịu” Đài Bắc, Trung Quốc công bố 26 biện pháp mới nhằm thu hút nhân tài từ Đài Loan.

Quyết tâm thống nhất Hai bờ không thay đổi

Trong thông cáo sau Hội nghị Trung ương 4 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chính phủ Trung Quốc tuyên bố quyết giữ ổn định Hồng Công, Macau đồng thời tái thống nhất đảo Đài Loan. Theo đó, Thông cáo khẳng định Chính phủ Trung Quốc sẽ bảo vệ “ổn định” tại Hồng Công bằng cách “duy trì và cải thiện” hệ thống một quốc gia, hai chế độ. Đặc khu hành chính Hông Công phải được điều hành tuân thủ chặt chẽ với Hiến pháp (Trung Quốc) và Luật Cơ bản, sự thịnh vượng và ổn định lâu dài của Hồng Công và Macau cần được bảo vệ. Về vấn đề thống nhất Hai bờ, Thông cáo cho biết “chúng ta phải cương quyết thúc đẩy tiến trình thống nhất hòa bình của đất mẹ, làm sâu sắc hơn sự phát triển thống nhất của hai bờ eo biển”. Không những vậy, Chính quyền Trung Quốc cũng khẳng định sẽ liên kết số lượng lớn người dân Đài Loan để cùng chống lại phong trào “Đài Loan độc lập” và thúc đẩy thống nhất hòn đảo về với Đại lục.

Trước đó, trong thông điệp tại buổi kỷ niệm 40 năm ban hành Văn kiện “Thư gửi đồng bào Đài Loan”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (2/1) một lần nữa lại đưa ra yêu cầu thống nhất với Đài Loan. Ông Tập Cận Bình khẳng định nhiệm vụ lịch sử không thay đổi giải quyết vấn đề Đài Loan và thống nhất đất nước của Đảng Cộng sản, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc. Theo đó, trải qua 70 năm chia tách, mối quan hệ xa cách ban đầu giữa Trung Quốc Đại lục và Đài loan đã thu hẹp lại dựa trên nguyện vọng chung của người dân hai bờ và Đài Loan có đóng góp lớn cho công cuộc cải cách mở cửa của Trung Quốc. Trung Quốc và Đài Loan đã đạt được “Nhận thức chung 1992” dựa trên nguyên tắc “Một Trung Quốc” và các trao đổi chính trị giữa hai bờ đã đạt tầm cao mới. Ông Tập Cận Bình cũng đưa ra đề xuất dựa trên nền tảng chính trị chung là kiên trì “Nhận thức chung 1992”, phản đối “Đài Loan độc lập”, các chính đảng, các tầng lớp ở hai bờ eo biển hãy đề cử những nhân vật đại diện để triển khai hiệp thương dân chủ sâu rộng về tương lai dân tộc và quan hệ hai bờ và để đạt được những sắp xếp mang tính chế độ trong thúc đẩy quan hệ hai bờ phát triển hòa bình. Ông Tập Cận Bình tuyên bố không ai có thể thay đổi thực tế rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc và người dân ở hai bờ eo biển Đài Loan nên hướng tới “sự thống nhất”, nhấn mạnh Trung Quốc tôn trọng tự do pháp lý và tôn giáo của người dân Đài Loan trong khuôn khổ “một quốc gia, hai chế độ”, đồng thời khẳng định chế độ khác biệt không phải là rào cản cho việc thống nhất, thậm chí chúng cũng không phải là cái cớ cho sự ly khai. Tài sản riêng, tín ngưỡng tôn giáo, quyền và lợi ích hợp pháp của đồng bào Đài Loan sẽ vẫn được bảo đảm đầy đủ khi thống nhất với Trung Quốc. Ông Tập Cận Bình cũng khẳng định Bắc Kinh luôn duy trì quyết tâm thực hiện mọi biện pháp cần thiết để chống lại các lực lượng nước ngoài can thiệp vào nỗ lực thống nhất Đài Loan bằng hòa bình cũng như những hoạt động ly khai đòi độc lập của Đài Bắc; nhấn mạnh vấn đề Đài Loan có liên quan lợi ích cốt lõi của Trung Quốc và việc thống nhất “không làm tổn hại lợi ích hợp pháp của nước nào, bao gồm lợi ích kinh tế của họ tại Đài Loan”. Đáng chú ý, ông Tập Cận Bình cũng không quên đưa ra tuyên bố cảnh cáo Trung Quốc không cam kết từ bỏ sử dụng vũ lực, Bắc Kinh bảo lưu phương án áp dụng tất cả biện pháp cần thiết nhằm vào thế lực bên ngoài can thiệp và số ít phần tử ly khai “Đài Loan độc lập” cùng hoạt động ly khai.

Theo ông Tập Cận Bình, việc Đài Loan trở về với Trung Quốc theo mô hình “một quốc gia, hai chế độ”, tương tự Hồng Công và Macau, là phương án tốt nhất để bảo vệ quyền lợi và lợi ích của người dân hòn đảo này; đồng thời đưa ra 5 giải pháp để thực hiện mục tiêu thống nhất hai bờ eo biển Đài Loan, bao gồm: Chung tay thúc đẩy phục hưng dân tộc và thực hiện mục tiêu thống nhất hòa bình; Tìm kiếm phương án “một đất nước, hai chế độ” cho Đài Loan; Kiên trì nguyên tắc “Một nước Trung Quốc”, bảo vệ tương lai thống nhất hòa bình với Đài Loan; Đi sâu phát triển kết nối giữa hai bờ eo biển Đài Loan để củng cố nền tảng cho thống nhất hòa bình; Nỗ lực đạt tới sự hòa hợp về tâm hồn giữa nhân dân hai bờ eo biển Đài Loan để tăng cường nhận thức chung cho thống nhất hòa bình.

Trung Quốc “không quên” dụ dỗ Đài Loan

Ngay sau khi đưa ra các tuyên bố cứng rắn khẳng định quyết tâm thống nhất với Đài Loan, Trung Quốc tuyên bố sẽ tiếp tục thúc đẩy hội nhập kinh tế với Đài Loan để hoàn thành “thống nhất hòa bình”, phản đối mọi sự kêu gọi độc lập cho hòn đảo này. Theo đó, “khi chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của quốc gia được đảm bảo, sau khi thống nhất hòa bình, chế độ xã hội và lối sống của đồng bào Đài Loan sẽ được tôn trọng hoàn toàn; tài sản cá nhân, tín ngưỡng tôn giáo và lợi ích hợp pháp của đồng bào Đài Loan sẽ được bảo vệ đầy đủ”; đồng thời nhấn mạnh “thống nhất hòa bình” vẫn là “nguyện vọng chung của toàn thể nhân dân Trung Hoa”, là “lợi ích cơ bản của dân tộc Trung Hoa”. Văn kiện kêu gọi “làm sâu sắc sự phát triển hòa hợp giữa hai bờ” eo biển Đài Loan, phản đối mọi sự kêu gọi “độc lập cho Đài Loan”.

Ngoài ra, Trung Quốc vừa công bố 26 biện pháp mới nhằm thu hút nhân tài từ Đài Loan, bao gồm việc gia tăng cơ hội tiếp cận thị trường đại lục cho các doanh nghiệp và cá nhân ở hòn đảo, bổ sung vào 31 chính sách mà họ đưa ra năm ngoái. Theo đó, Văn phòng Đài Loan Sự vụ và Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia Trung Quốc đã công bố 26 “biện pháp bổ sung nhằm tiếp tục thúc đẩy trao đổi kinh tế và văn hóa cũng như hợp tác giữa hai bờ eo biển Đài Loan”. Những biện pháp này bao gồm 13 nội dung dành cho các công ty Đài Loan và 13 nội dung dành cho công dân Đài Loan, nhằm mang lại “sự đối xử bình đẳng như với nhân dân Trung Quốc”.

Chính sách ưu đãi mới này có hiệu lực từ ngày 4/11. Theo chính sách mới, các công ty thuộc chính quyền Đài Loan được tham gia bình đẳng vào việc đầu tư và xây dựng thiết bị kỹ thuật quan trọng, mạng 5G, kinh tế tuần hoàn, hàng không dân dụng, công viên giải trí và các loại hình tổ chức tài chính mới tại Trung Quốc. Các công ty Đài Loan giờ đây có thể được hỗ trợ tài chính, đền bù thương mại, bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu và xây dựng tiêu chuẩn. Họ cũng có thể hỗ trợ xây dựng các địa điểm giới thiệu cho việc tuyển dụng nhân sự trẻ xuyên eo biển cũng như các trung tâm “khởi nghiệp”. 13 biện pháp nhằm mang lại sự “đối xử bình đẳng” cho người dân Đài Loan bao gồm “tạo thuận lợi và hỗ trợ hơn nữa” trong các lĩnh vực bảo vệ lãnh sự, hợp tác nông nghiệp, vận tải, chi phí truyền thông, yêu cầu mua nhà, văn hóa và thể thao, đánh giá chức danh chuyên môn, tuyển sinh và thi cử, theo thông báo.

Đài Loan cự tuyệt đề xuất “Một nhà nước hai chế độ”

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tuyên bố Đài Loan sẽ không chấp nhận mô hình chính trị “một đất nước, hai chế độ” với Trung Quốc, đồng thời hối thúc Bắc Kinh thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân Đài Loan. Bà Thái Anh Văn cũng nhấn mạnh rằng tất cả các cuộc đàm phán xuyên eo biển cần được tiến hành trên cơ sở giữa các chính quyền với nhau; khẳng định Trung Quốc phải sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết khác biệt với Đài Loan và tôn trọng các giá trị dân chủ; nhấn mạnh Đài Loan không chấp nhận thống nhất với Trung Quốc theo mô hình Hồng Công hay Macau.

Đáng chú ý, trong phản ứng trước việc Trung Quốc mới đây công bố thêm 26 “biện pháp” thu hút nhân tài, doanh nghiệp Đài Loan tới Đại lục, cơ quan ngoại giao của Đài Loan đã đăng tải một đoạn tweet mang tính châm biếm có nội dung: “TAO đã công bố 26 biện pháp đối với Đài Loan, năm ngoái họ đã đưa ra 31 biện pháp. Có vẻ như quá nhiều biện pháp rồi”. Đề cập tới chính sách “Một quốc gia, hai chế độ” mà Trung Quốc đã áp dụng với Hồng Công suốt 20 năm qua, cơ quan ngoại giao Đài Loan bình luận: “Nhưng chúng tôi không tôn trọng “một quốc gia, hai chế độ”. Thật tốt nếu như trao cho người Trung Quốc thêm sự tự do”. Trước đó, Người phát ngôn của cơ quan ngoại giao Đài Loan Joanne Ou khẳng định rằng “Đài Loan là một nhà nước chủ quyền và rằng chính phủ Trung Quốc không có được thực thi quyền lãnh sự đối với Đài Loan cũng như không cần phải giao phó cho Trung Quốc hành động đại diện cho Đài Loan”. Bà Ou nói rằng các biện pháp mà Trung Quốc công bố chỉ là đang tuyên truyền cho “kế hoạch một quốc gia, hai chế độ ở Đài Loan”, với mục đích “rõ ràng là nhằm sáp nhập Đài Loan” và Đài Bắc luôn đồng thuận về việc bác bỏ “một quốc gia, hai chế độ”; khẳng định các chính sách “ưu đãi” của Chính phủ Trung Quốc đối với Đài Loan sẽ không thành công.

RELATED ARTICLES

Tin mới